Quốc Cường Gia Lai: Cơn “bĩ cực” cuốn phăng hàng nghìn tỷ
Mất mát của bà chủ QCG không chỉ gần 2.500 tỷ đồng trên sàn chứng khoán mà còn là chi phí cơ hội khi hơn 2 năm bị kìm chân ở BĐS. Song với những cơ hội mới của 2013, người ta đang chờ đợi sự lột xác của những DN ở ngành này.
Bốn năm khủng hoảng, đặc biệt là 2 năm gần đây trở thành nỗi ám ảnh của những người kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản.
Nếu như giai đoạn “phất” lên của nền kinh tế đã “cho” những doanh nhân trong ngành này nhiều cơ hội và tiền tài thì suy thoái, khủng hoảng cũng đã lấy đi của họ không ít.
Cùng với những cái tên như Vinaconex, Hoàng Anh Gia Lai thì Quốc Cường Gia Lai của mẹ con bà Nguyễn Thị Như Loan gần đây cũng được nhắc đến như là 1 ví dụ điển hình về tác động của “tảng băng” bất động sản lên các doanh nghiệp “đại gia”.
Từ tập đoàn đa ngành, bà Loan đã hướng QCG tập trung vào bất động sản. Hiện tại, công ty đang tìm lối thoát tại thủy điện và cao su.
Hồi đầu năm, Đại hội đồng cổ đông của QCG đã gây chấn động dư luận với mức lương gây “sốc” của ban lãnh đạo công ty này. Trong khi thù lao cho Chủ tịch HĐQT là bà Nguyễn Thị Như Loan chỉ được 7 triệu đồng/tháng thì các thành viên HĐQT, trong đó có ông Nguyễn Quốc Cường, con trai bà Loan, chỉ là 3 triệu đồng/tháng.
Thù lao cho trưởng ban kiểm soát, thành viên lần lượt là 3 và 2 triệu đồng. Tổng chi phí trả cho HĐQT và ban kiểm soát năm 2012 khoảng hơn 300 triệu đồng.
Trong 2012, mục tiêu doanh thu thuần về bán hàng và dịch vụ của công ty sẽ đạt 885 tỷ đồng (tăng 123% so với năm 2011), lợi nhuận 128 tỷ đồng. Song, kết thúc giai đoạn tài chính đến 30/9/2012, QCG vẫn đang ghi nhận mức lỗ 9 tháng 2,64 tỷ đồng so mức lãi đạt được cùng kỳ năm 2011 là 34,4 tỷ đồng. Riêng lỗ quý III 468,2 triệu đồng.
Tồn kho tại thời điểm cuối quý III, chủ yếu là bất động sản lên tới 3.511,7 tỷ đồng, tăng 7,6% so cuối năm 2011.
Thuyết minh tài chính ghi nhận, bất động sản dở dang của QCG còn tới 3.184,73 tỷ đồng, tăng so đầu năm 186,84 tỷ đồng. Tồn kho nặng nhất chủ yếu tại dự án khu dân cư Phước Kiển, lên đến 1.794 tỷ đồng, tăng so đầu năm 176,5 tỷ. Dự án này đã được đem đi thế chấp cho khoản vay tại Ngân hàng BIDV Quang Trung, Hà Nội.
Cụ thể, QCG đang vay BIDV 732,15 tỷ đồng từ ngày 30/12/2012 đến 30/6/2014 để đền bù và hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu dân cư 6A, Phước Kiển. Lãi suất vay từ 17,5-22% năm. Công ty đã dùng toàn bộ dự án Phước Kiển với giá trị 1.709,3 tỷ đồng và cổ phiếu của bà Nguyễn Thị Như Loan trong Tập đoàn trị giá 124,2 tỷ đồng làm tài sản thế chấp.
Khoản vay này nằm trong tổng số 882,42 tỷ đồng tiền vay dài hạn ngân hàng của QCG. Vay dài hạn đến hạn trả là 96,5 tỷ đồng.
Video đang HOT
Tính chung, tổng nợ phải trả của công ty sau 9 tháng đầu năm 2012 đã tăng 164,82 tỷ đồng lên 3.126,13 tỷ đồng so đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng từ 1.241,27 tỷ đồng lên 1.931,41 tỷ đồng, nợ dài hạn còn 1.194,72 tỷ đồng.
Năm vừa rồi, do lợi nhuận sau thuế của cổ đông mẹ năm 2011 âm, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai đã bị Sở GDCK TPHCM đưa vào diện bị cảnh báo.
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Như Loan từng giãi bày, trong tổng nợ của Quốc Cường Gia Lai, công ty lo nhất là những khoản nợ vay tài trợ bất động sản, song khoản này chỉ hơn 700 tỷ đồng, chủ yếu là nợ tài trợ dự án Phước Kiển. Còn lại khoảng 200 tỷ đồng là những khoản nợ vay để xây dựng dự án chung cư, vay từ nhiều nguồn.
Vào giữa năm 2012, những khó khăn về vốn đã buộc QCG phải tổ chức đại hội cổ đông bất thường dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản để giải quyết bế tắc về tài chính. Cổ đông QCG đã đồng ý để công ty tham gia vào dự án Phước Kiển với tỷ lệ vốn tự có trên tổng mức đầu tư là 30%, chấp nhận gia tăng hạn mức vay từ 877 tỷ đồng lên 1.800 tỷ đồng.
Đồng thời, thông qua việc gia hạn thời hạ rút vốn hết năm 2013 và giảm lãi suất vay từ 18% xuống còn 14-15%.
Những khó khăn của QCG đã tác động trực tiếp đến “bà chủ” của Tập đoàn này. Với 60,58 triệu cổ phiếu nắm giữ tại QCG tương ứng tỷ lệ 47,67%, tài sản của bà Loan trên sàn chứng khoán đã mất mát đáng kể do biến động tại cổ phiếu QCG.
Diễn biến giao dịch QCG trong 1 năm.
Hồi 2010, thời điểm cổ phiếu QCG chào sàn, mức giá ra mắt của cổ phiếu này phiên 9/8 là 48.000 đồng/cp. Sau hơn 2 năm sóng gió, mức giá phiên đóng cửa năm 2012 của QCG là 7.300 đồng/cp, mất gần 7 lần về giá trị.
Tính mức thất thoát 40.700 đồng/cp thì với mức nắm giữ hiện tại, khối tài sản “bốc hơi” trên cổ phiếu của bà Loan lên tới 2.465,6 tỷ đồng.
Có tới hồi “thái lai”?
Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý, cũng như nhiều công ty bất động sản khác, chi phí tài chính trong 9 tháng đầu năm 2012 tại QCGL đã giảm mạnh so với cùng kỳ.
Riêng quý III, chi phí tài chính của QCG ở mức 12,44 tỷ đồng, chỉ bằng 40,6% cùng kỳ năm 2011, trong đó chi phí lãi vay giảm hơn 7 tỷ đồng xuống còn 11 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, chi phí tài chính của QCG là 46,1 tỷ đồng, giảm 38% cùng kỳ, lãi vay 44,72 tỷ đồng, chỉ bằng 78% cùng kỳ 2011.
Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng đã giảm từ 7,3 tỷ đồng từ quý III năm 2011 xuống còn 4,5 tỷ đồng trong quý III năm 2012.
Từ đó, giảm lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh từ hơn 30 tỷ đồng xuống còn hơn 1,2 tỷ đồng trong quý III/2012. Mức lỗ thuần kinh doanh trong 9 tháng đã giảm đáng kể gần một nửa so cùng kỳ, còn âm 10,4 tỷ đồng, so mức lỗ năm ngoái là gần 20 tỷ đồng.
Trừ đi các khoản chi và thuế, lợi nhuận sau thuế quý III của QCG mặc dù âm 468 triệu đồng xong so với mức lỗ hơn 28,8 tỷ đồng cùng kỳ năm 2011 thì đó cũng là một bước tiến đáng ghi nhận.
Trong những phiên giao dịch cuối năm 2012 cũng như phiên mở đầu năm 2013, các cổ phiếu bất động sản đã thể hiện sự bứt phá đáng kinh ngạc.
Giá QCG phục hồi trong những phiên gần đây.
Tính từ đầu tháng 12, cổ phiếu QCG đã lội ngược dòng tăng từ 6.600 đồng lên 7.600 đồng/cp, tương ứng tăng trên 15%.
Riêng trong phiên đầu năm 2013, QCG tăng trần, lực mua rất mạnh và xuất phát từ cầu nội, không hề dư bán cuối phiên. Mặc dù vậy, khớp lệnh mã này đạt thấp, bên bán dường như vẫn giữ tâm lý cẩn trọng.
Sau thông tin Chính phủ sẽ tập trung phá băng bất động sản vào năm tới và thậm chí sẽ cung ứng khoảng 100.000-150.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu, phần lớn là nợ xấu bất động sản vào năm sau, cổ phiếu liên quan tới ngành này như được tiếp thêm luồng sinh khí mới.
Chưa rõ kết quả quý IV/2012 sắp công bố sẽ cho thấy kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm vừa rồi của QCG cũng như các công ty bất động sản khác ra sao, song rõ ràng, tâm lý nhà đầu tư đang thể hiện nhiều kỳ vọng.
Riêng tại QCG, bà Loan đang áp dụng phương án được nhiều doanh nhân áp dụng thời điểm hiện nay đó là phân tán rủi ro thông qua mở rộng phát triển tại nhiều lĩnh vực khác.
Năm vừa rồi, QCG đã phát điện 3 tổ máy dự án thủy điện Iagrai1 công suất 10,8MW. Bên cạnh đó, còn có 3 công trình thủy điện khác là Iagrai 2, Pleikeo, Anyun Trung công suất tổng cộng 40 MW đang tiến hành thi công.
Tại lĩnh vực cao su, công ty đang hy vọng sẽ có thể khai thác được lứa đầu của 800ha trong năm 2013 này. QCG dự kiến, năm 2017 sẽ hoàn thành và thu hoạch được toàn bộ 4.000 ha cao su.
Theo Dantri
Tranh chấp Splendora: Chủ đầu tư từ chối giảm giá
Vấn đề cốt lõi trong tranh chấp siêu dự án Splendora là giá bán nhà đã được chủ đầu tư công ty An Khánh JVC khẳng định sẽ không giảm giá.
Khách hàng gây sức ép đòi gặp lãnh đạo công ty liên danh là Vinaconex để giải quyết vấn đề
Tranh cãi về giá bán nhà của chủ đầu tư là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng trong suốt hai tháng qua giữa chủ đầu tư và khách hàng. Theo đó khách hàng tố chủ đầu tư tăng giá bất thường từ 500 -1,3 tỷ đồng do biến động về tỷ giá và cách áp giá bán theo chỉ số CPI của chủ đầu tư.
Mặc khác, các khách hàng này cho rằng việc ghi giá bán đất trong hợp đồng thấp chỉ bằng 0,5%/tổng giá trị căn nhà trong khi tiền xây thô, hoàn thiện các căn nhà chiếm 95% giá trị đã khiến khách hàng nghi ngờ về chất lượng công trình.
Cách đây gần một tháng, trong văn bản trả lời khách hàng về yêu cầu dừng dừng thi công dự án để tính toán lại giá thành, chủ đầu tư dự án này chấp nhận phương án này.
Với động thái đồng ý với yêu cầu của khách hàng, chủ đầu tư được xem là "xuống nước" khi cam kết sẽ dừng không hoàn thiện các căn nhà liền kề, biệt thự của những khách hàng có yêu cầu kiến nghị và đã đóng tiền 2 đợt, đã ký hợp đồng mua bán với công ty, không có khiếu nại gì với công ty liên quan đến phần hoàn thiện bên trong căn nhà.
Xen giữa thời gian giữa chủ đầu tư và khách hàng lời qua tiếng lại về giá bán, vật liệu xây dựng là những cuộc tụ tập đông người treo băng rôn phản đối chủ của những khách hàng tại dự án này.
Bầu không khí trở nên căng thẳng khi khách hàng kéo tới cả hai công ty liên danh là Tổng công ty Vinaconex (đơn vị liên danh) và Posco. Chưa dừng ở đó, sau những đề nghị gặp được trực tiếp chủ đầu tư mà không được chấp nhận, khách hàng đã kéo tới gây náo loạn công trường đang thi công Bắc An Khánh.
Trước những động thái cứng rắn của khách hàng, trong văn bản trả lời mới nhất gửi tới khách hàng chủ đầu tư dự án này khẳng định: "Giá bán được xác lập trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, được quy định cố định trong suốt thời hạn của hợp đồng mua bán".
Theo Dantri
Vinaconex thoái hơn 300 tỷ đồng khỏi dự án Bắc An Khánh Với tỷ lệ góp vốn 340 tỷ đồng, tương đương với hơn 21 triệu đôla, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đang lên kế hoạch chuyển nhượng phần vốn tại dự án Bắc An Khánh. Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) vừa thông báo với các nhà...