Quay ngược thời gian, trở về tuổi thơ cùng 4 bộ phim kinh điển đình đám nhất thập niên 1990
Nếu đã từng một thời say đắm những bộ phim kinh điển đình đám nhất thập niên 90 này thì hẳn là bạn cũng không còn quá trẻ đâu!
Điện ảnh Việt ngày càng phát triển, mỗi năm có hàng trăm phim mới ra mắt thế nhưng, vẫn có rất nhiều khán giả thích cảm giác tìm và thưởng thức lại những bộ phim kinh điển của thập niên 90 để cảm nhận chút gì đó rất mộc mạc, giản dị trong cả nội dung, cốt truyện lẫn diễn xuất. Và Của Để Dành, Đất Phương Nam,… là những bộ phim như vậy.
Của Để Dành (1998)
Của Để Dành là bộ phim thứ hai cũng là cái tên đã làm nên “thương hiệu” một thời của đạo diễn Đỗ Thanh Hải. Phim được chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, ra mắt khán giả vào năm 1998 với sự góp mặt của những diễn viên được yêu thích thời điểm bấy giờ như: NSƯT Hoàng Yến, Thanh Tú, Phát Triệu, NSND Hoàng Dũng, Đức Hải,…
Của Để Dành là bộ phim thứ 2 trong sự nghiệp của đạo diễn Đỗ Thanh Hải
Của Để Dành là bộ phim xoay quanh gia đình nhỏ của bà Vi (NSƯT Hoàng Yến) – nơi những đứa con vì mải mê công việc mà bỏ bê người mẹ già đau ốm bệnh tật cho những người giúp việc. Cho đến một ngày, khi bà Vi bỏ đi vì không chịu nổi sự vô tâm của các con, 3 người mới thực sự nhận ra mình những đứa con bất hiếu, xấu xa đến nhường nào. Phim có một cái kết trọn vẹn, mọi người tha thứ cho nhau trong ngày đoàn viên khi bà Vi trở về.
Của Để Dành có cốt truyện khá đơn giản nhưng lại lay động lòng người (Ảnh: VTV)
Phim có cốt truyện khá đơn giản, xoay quanh câu chuyện muôn thuở về đạo làm con của những người trẻ nhưng với diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên, nhất là NSƯT Hoàng Yến cùng sự chỉ đạo tài tình của đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Của Để Dành đã trở thành một huyền thoại của điện ảnh Việt thập niên 90. 20 năm sau ngày lên sóng tập đầu tiên, đây vẫn là một trong số những bộ phim được khán giả nhắc lại với tất cả sự trân trọng.
Đất Phương Nam (1997)
Ra mắt khán giả màn ảnh nhỏ vào năm 1997, đến tận ngày hôm nay, Đất Phương Nam cùng những cái tên quen thuộc như “thằng An”, “thằng Cò” vẫn được nhiều người nhắc đến như một vùng kí ức tuổi thơ tươi đẹp. Bộ phim là một câu chuyện về cuộc sống của những con người dân quê bình dị trong thời cuộc loạn lạc được chuyển thể từ tiểu thuyết Đất Rừng Phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi.
Đất Phương Nam là cái tên mà đến tận bây giờ người ta vẫn nhắc lại
Phim lấy bối cảnh Nam Bộ trong thời kỳ thực dân Pháp cai trị, xoay quanh những năm tháng trôi dạt tha phương trên bước đường đi tìm cha của cậu bé An (Hùng Thuận). Suốt khoảng thời gian đó, An sống trong tình yêu thương, che trở của đồng bào và có thêm rất nhiều những người bạn mới. Cuối cùng, tuy không thể tìm lại cho mình một gia đình trọn vẹn nhưng An lại có được tình yêu thương của rất nhiều người và trở thành một người lính, đi theo tiếng gọi của cách mạng.
Hùng Thuận và Phùng Ngọc
Tuy là một bộ phim lấy bối cảnh chiến tranh, tái hiện lại khá nhiều sự kiện lịch sử có thật nhưng Đất Phương Nam lại không hề khô khan mà vô cùng hấp dẫn, sinh động. 21 năm sau ngày lên sóng tập đầu tiên, ở thời điểm hiện tại, người ta vẫn thường xuyên nhắc về Đất Phương Nam như một huyền thoại của phim Việt.
Chuyện nhà Mộc (1998)
Chuyện Nhà Mộc ra mắt năm 1998, là bộ phim bi hài đầu tiên được lên sóng VTV và cũng là một trong số những phim đình đám nhất thập niên 90. Phim được cầm trịch bởi đạo diễn Trần Lực, xoay quanh gia đình của một sinh viên tỉnh lẻ lên Hà Nội nuôi ước mơ đổi đời. Tuy khai thác những sự thật đau đớn về cuộc sống đầy khắc nghiệt nhưng Chuyện Nhà Mộc vẫn mang lại rất nhiều tiếng cười cho khán giả bởi sự duyên dáng của dàn diễn viên và tâm huyết của đạo diễn.
Phim có sự góp mặt của những gương mặt chưa có nhiều kinh nghiệm diễn xuất ở thời điểm bấy giờ như : Xuân Bắc, nghệ sĩ chèo Hải Điệp, cô tân sinh viên Như Trang, diễn viên trẻ Chí Nghĩa,… Chính vì ít kinh nghiệm nên họ đã mang tới cho khán giả những thước phim vô cùng mộc mạc, giản dị cùng lối diễn xuất phóng khoáng, không dập khuôn, gò bó. Đến tận ngày hôm nay, khi phần lớn diễn viên trong phim đã dã từ sự nghiệp diễn xuất thì Chuyện Nhà Mộc vẫn là một cái tên gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều người
Chuyện Nhà Mộc là dấu ấn để đời của dàn diễn viên triển vọng
Người đẹp Tây Đô (1996)
Ra mắt năm 1996, bộ phim Người đẹp Tây Đô của đạo diễn Lê Cung Bắc cho đến bây giờ vẫn là một trong số những cái tên được nhắc đến nhiều nhất của phim Việt mọi thời đại. Bộ phim được xây dựng dựa trên cuộc đời có thật nữ chiến sĩ tình báo Lâm Thị Phấn, tức nhân vật Bạch Cúc do Việt Trinh đảm nhận. Đối với Việt Trinh, Bạch Cúc và Người Đẹp Tây Đô được xem là một dấu mốc quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp, là thương hiệu riêng mỗi khi người ta nhắc đến nữ diễn viên này.
Việt Trinh trong phim Người Đẹp Tây Đô
Trong phim, Bạch Cúc là một cô gái xinh đẹp, tài giỏi bậc nhất vùng Tây Đô lúc bấy giờ. Những tưởng cô sẽ có một đời hạnh phúc, nào ngờ bi kịch sớm bắt đầu khi Bạch Cúc bị gả về nhà địa chủ, làm vợ một công tử tối ngày chỉ biết chơi bời, lêu lổng và ném tiền qua cửa sổ. Cô sớm trở thành nữ chiến sĩ quân báo rồi nhờ nhan sắc và sự thông minh, cô giao du với rất nhiều ông lớn trong giới cầm quyền của thực dân.
Bạch Cúc là một cô gái vô cùng xinh đẹp, tài giỏi và gan dạ
Đội Đặc Nhiệm Nhà C12
Ra mắt năm 1998, Đội Đặc Nhiệm Nhà C12 - bộ phim truyền hình dài 5 tập của đạo diễn Vũ Hồng Sơn xoay quanh 5 cô cậu học trò cấp 2 có chung niềm đam mê phá án. Bằng sự thông minh, nhanh trí và tài phán đoán, biệt đội đã phá được không ít những vụ án quan trọng và mang lại sự bình yên của trường học của mình.
Đội Đặc Nhiệm Nhà C12 là cái tên gắn liền với tuổi thơ của nhiều người
Được chuyển thể từ bộ truyện cùng tên của nhà văn Lê Tấn Hiển, gắn liền với tuổi thơ của nhiều người, 20 năm sau ngày lên sóng tập phim đầu tiên, Đội Đặc Nhiệm Nhà C12 vẫn là một phần kí ức đẹp của thế hệ 8x, 9x đời đầu. Những hot teen năm nào của đội đặc nhiệm đa phần không còn hoạt động nghệ thuật nữa nhưng họ vẫn là những gương mặt, những cái tên mà khán giả khó lòng quên nổi.
20 năm trôi qua, nụ cười của cô bé Bích Huyền năm nào vẫn là một hình ảnh mà khán giả khó lòng quên nổi
Đã rất nhiều năm qua đi nhưng khi xem lại những bộ phim đình đám nhất thập niên 90 này, hẳn đã có rất nhiều khán giả cảm thấy bồi hồi, xao xuyến như được sống lại với những năm tháng tuổi thơ tươi đẹp.
Theo Trí thức trẻ
Nghệ sĩ Lê Bình và những vai diễn đáng nhớ trong hơn 21 năm sự nghiệp diễn xuất
Dành trọn hơn nửa cuộc đời để cống hiến cho nghệ thuật, nghệ sĩ Lê Bình từng góp mặt với hàng trăm vai diễn trong các tác phẩm phim ảnh, sân khấu kịch. Từ hình ảnh anh Hai lúa Nam Bộ đến người cha quốc dân trên màn ảnh Việt, lối diễn nhập tâm, cảm xúc của nam nghệ sĩ luôn được khán giả yêu thích.
Nghệ sĩ Lê Bình tên thật là Lê Bình Sơn, ông được khán giả biết đến với vai trò một diễn viên, soạn giả, đạo diễn sân khấu tài giỏi. Trong suốt cuộc đời làm việc của mình, nghệ sĩ Lê Bình đã có nhiều cống hiến, thành tựu trong nền nghệ thuật nước nhà. Ông từng xuất sắc giành được ba huy chương vàng, ba huy chương bạc tại hội diễn sân khấu chuyên nghiệp lẫn quần chúng, một bằng khen do Bộ Quốc phòng trao tặng.
Nghệ sĩ Lê Bình.
Không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu kịch, nghệ sĩ Lê Bình còn sở hữu hơn 60 vai diễn khác nhau trong các bộ phim điện ảnh, truyền hình, trở thành gương mặt quen thuộc đối với khán giả. Cùng Saostar điểm lại những vai diễn ấn tượng của nam nghệ sĩ gạo cội, khắc sâu hình tượng anh Hai lúa nam bộ chính hiệu trên màn ảnh Việt.
Đất phương Nam
Nghệ sĩ Lê Bình ghi dấu ấn trong lòng khán giả phim truyền hình đầu tiên với hình ảnh anh Tư Tại - người nông dân miền Nam hiền lành, chân chất trong tác phẩm Đất phương Nam.
Thời trẻ, nghệ sĩ Lê Bình được xếp vào dạng diễn viên điển trai, dáng người cao ráo, bắt mắt. Thế nhưng chẳng hiểu sao càng bước vào ngưỡng tuổi lớn hơn, Lê Bình càng thành công với vai người nông dân nghèo khó, khắc khổ trước sóng gió cuộc đời. Gương mặt hằn những nếp nhăn, dáng đi hơi cong tạo cho người ta cảm giác lam lũ, từng trải. Với Tư Tại thẳng thắn, cần cù của Đất phương nam, nghệ sĩ Lê Bình thành công tạo nên "thương hiệu" anh nông dân Hai lúa gần gũi, đậm chất Việt.
Cô gái xấu xí
Lặng lẽ tham gia hàng trăm vai diễn trong các bộ phim truyền hình, sân khấu kịch, mãi đến khi tham gia Cô gái xấu xí năm 2011, tên tuổi nghệ sĩ Lê Bình mới một lần nữa trở lại rộng rãi với khán giả Việt.
Vai diễn ông bố tốt bụng của Lê Bình trong phim được khán giả vô cùng yêu mến.
Hóa thân thành ông Đơn - bố của Huyền Diệu trong phim, nhân vật của Lê Bình là người hiền lành, luôn hết lòng bảo vệ, che chở cô con gái bé nhỏ. Chia sẻ về cảm xúc sau khi tham gia và công chiếu bộ phim, nam nghệ sĩ không khỏi cảm thấy xúc động bởi sau ngần ấy năm làm nghệ thuật, rốt cuộc đã có khán giả nhận ra, chào hỏi mình với lời gọi "Bác Đơn, bác Đơn!" sau mỗi show diễn tại miền Bắc.
Vịt kêu đồng
Hình ảnh người nông dân miền Tây Nam Bộ một lần nữa được Lê Bình thể hiện qua vai diễn Năm Na trong bộ phim Vịt kêu đồng (2011).
Hình ảnh đậm chất thôn quê miền Tây Nam Bộ của Lê Bình trong phim.
Năm Na là nhân vật lột tả được hết sự khó nhọc của người nông dân, giúp người xem hiểu rõ nỗi đau bên trong của họ, truyền tới trái tim của những người sống trong thành thị. Sau khi tham gia bộ phim, Lê Bình cho biết bản thân đã bị ám ảnh trong một thời gian dài. Đồng thời, vai diễn cũng giúp ông lần nữa giành về danh hiệu Nam diễn viên phụ được yêu thích nhất tại HTV Awards 2011.
Truy tìm báu vật
Sau Cô gái xấu xí và Vịt kêu đồng năm 2011, nghệ sĩ Lê Bình tiếp tục dấn thân vào lĩnh vực phim truyền hình với bộ phim truyền hình 35 tập Truy tìm báu vật.
Đây được xem là một trong những vai diễn khá khác lạ trong sự nghiệp của nghệ sĩ Lê Bình.
Trong phim, ông vào vai một ông già với tính cách khá cổ quái, hài hước. Suốt đời ông chỉ sống và theo đuổi ước mơ tìm thấy kho báu rồi trở nên giàu có.
Đam mê nghiệt ngã
Đam mê nghiệt ngã là bộ phim truyền hình của đạo diễn Nguyễn Minh Chung sản xuất năm 2014, với sự tham gia của các diễn viên Trịnh Kim Chi, Lê Bình, Huy Khánh, Nguyệt Ánh, Văn Tùng,... Nội dung phim xoay quanh cuộc sống của 2 gia đình hoàn toàn trái ngược về sự giàu có, lối sống, địa vị. Sự cố xảy ra khi ông Bách - chủ gia đình giàu có lại đem lòng yêu cô em gái út của nhà nghèo tên Thủy - người đáng tuổi cháu mình.
Trong phim, Lê Bình vào vai ông Tín - bố vợ của ông Bách, người không bị ảnh hưởng bởi sự độc đoán của người con gái bị chồng phản bội. Thay vào đó, ông luôn tìm cách thấu hiểu và nhận ra những cơn sóng ngầm đang lũ lượt kéo đến với gia đình.
Hình ảnh người ông già lớn tuổi trong gia đình nhiều thế hệ của Lê Bình trong Đam mê nghiệt ngã.
Có căn nhà nằm nghe nắng mưa
Ra mắt khán giả ngày 5/5/2017, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa là bộ phim điện ảnh đánh dấu sự trở lại gần đây nhất của nghệ sĩ Lê Bình. Sau khi công chiếu thành công, dù không thuộc tuyến nhân vật chính trong tác phẩm, vai diễn ông Phát của Lê Bình vẫn nhận được vô số lời khen ngợi từ khán giả bởi tình phụ tử đầy thương cảm, xót xa.
Ông Phát trong Có căn nhà nằm trong nắng mưa là nhân vật chôn giấu nội tâm phức tạp. Đau khổ trước cái chết của cậu con trai duy nhất, ông Phát giận dữ đổ lỗi cho Nam - con trai bà Tư già cùng khu tập thể khiến cậu sợ hãi bỏ trốn. Ít lâu sau, ông phát hiện ra cái chết bất ngờ do tai nạn của Nam, vì thương cảm bà Tư nên tìm cách chôn dấu sự thật đó suốt 30 năm.
Từ tâm trạng của một người cha hóa giận dữ, điên cuồng tìm kiếm nguyên nhân cái chết của con trai đến cái niềm xót thương, đồng cảm với người phụ nữ mang danh hàng xóm, tâm trạng dằn vặt, khắc khoải trước một sự thật cố tình che giấu suốt 30 năm, ý tốt phủ lên một quyết định, hành động sai lầm trong quá khứ,... Ẩn sau dáng hình khắc khổ, cô đơn với câu chuyện buồn đầy tiếc nuối khiến người xem ám ảnh, khó quên.
Từ một nhân vật phụ nâng lên trở thành tuyến "chính" trong phim, không thể phủ nhận diễn xuất đỉnh cao của Lê Bình đã thổi hồn vào nhân vật, góp phần tạo nên thành công xuất sắc cho nhân vật. Đến tận giờ đây, khi nhớ lại về Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, khán giả hẳn còn nhớ mãi đến ông Phát như một trong những vai diễn thành công nhất trong sự nghiệp của nghệ sĩ Lê Bình.
Trailer Có căn nhà nằm nghe nắng mưa
Mỹ nhân Sài Thành
Năm 2018, nghệ sĩ Lê Bình trở lại với khán giả qua bộ phim truyền hình được khán giả yêu thích mang tên Mỹ nhân Sài Thành. Tác phẩm lấy bối cảnh Sài Gòn, tái hiện lại vẻ đẹp của hòn ngọc Viễn Đông những năm 1950, với sự tham gia của dàn diễn viên chính gồm Ngân Khánh, Khánh My, Dương Mỹ Linh, Lý Hùng, Lê Bình, Huỳnh Đông, Thành Được,...
Nghệ sĩ Lê Bình góp mặt trong phim với vai diễn Lý Tắc - một phú ông giàu có, quyền thế và thủ đoạn khét tiếng nơi phố thị. Mặc dù đã có vợ con đề huề, Lý Tắc vẫn không ngại cặp kè cùng mỹ nữ. Ông đặc biệt hứng thú với nữ chính Thanh Trà (Ngân Khánh) và ham muốn dùng mọi cách cưới cô về làm vợ bé. Dự định bất thành, Lý Tắc quay sang thù ghét, luôn âm mưu hãm hại gia đình và những người cô yêu thương.
Vai diễn phản diện Lý Tắc trong Mỹ nhân Sài Thành cũng là sản phẩm nghệ thuật - truyền hình mới đây nhất của nghệ sĩ Lê Bình. Suốt cả đời miệt mài hoạt động trong lĩnh vực sân khấu - phim ảnh, những cống hiến của ông đối với nền nghệ thuật nước nhà sẽ còn được nhớ mãi. Chúc nghệ sĩ Lê Bình sức khỏe và nghị lực để chiến đấu với bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống!
Theo Saostar
Diễn viên nhí lừng danh một thời (Kì 1): Hầu hết đã gác duyên phim ảnh, rẽ nhánh mưu sinh Diễn viên nhí một khi thành công thì sẽ rất dễ dàng có được sự ủng hộ của khán giả, rộng mở cho con đường sự nghiệp ở tương lai. Nhưng không phải ai cũng may mắn hay đủ sức trụ lại với nghề. Trẻ con luôn là đối tượng có sự hồn nhiên, cuốn hút đến lạ thường. Cũng vì thế mà...