Quay cuồng trong cơn sốt đất: Lúng túng quản lý
Chính quyền giao đất cho chủ đầu tư nhưng không kiểm soát được việc giao dịch giữa chủ đầu tư và công ty phân phối với người mua.
Hàng loạt giao dịch bất động sản (BĐS) diễn ra công khai nhiều năm nhưng chính quyền địa phương không hay biết. Những công văn giả mạo quyết định của chính quyền do giới cò đất tung ra không bị xử lý nghiêm… Việc quản lý thị trường BĐS trở thành nhiệm vụ bất khả thi đối với cơ quan chức năng?
Vỡ mộng vì… mua đất trên giấy
Từ cuối năm 2018 đến nay, hàng trăm người tại tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, TP Đà Nẵng và cả Hà Nội, Hải Phòng… đã nhiều lần gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng nhờ can thiệp “đòi” sổ đỏ.
Đây là những “nạn nhân” của các dự án Sakura, Hera, Eco Future Park thuộc phường Điện Nam (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Ba dự án kể trên do Công ty Bách Đạt An (trụ sở tại Quảng Nam) làm chủ đầu tư và Công ty Hoàng Nhất Nam (trụ sở tại TP Đà Nẵng) phân phối.
Ông Nguyễn Quang Sơn (trú quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), một trong hàng trăm khách hàng, cho hay lễ mở bán 3 dự án được Công ty Hoàng Nhất Nam tổ chức hoành tráng tại một khu resort 5 sao ven biển Đà Nẵng. Khách tham dự chật kín khán phòng. “Họ giới thiệu đây là những dự án tầm cỡ miền Trung, khẳng định đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng và hứa sẽ hoàn tất sổ đỏ cho khách hàng vào cuối năm 2018. Gần 1.900 lô đất đã được giao dịch ngay trong ngày mở bán” – ông Sơn kể.
Ông Trần Văn Hà (trú quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) đã nộp tiền đến 95% theo tiến độ nhưng đến nay chỉ nắm trong tay hợp đồng góp vốn; chờ đợi mòn mỏi vẫn không thấy Công ty Hoàng Nhất Nam làm hợp đồng để ra sổ đỏ. “Chúng tôi tìm hiểu mới hay dự án còn ngổn ngang trong giai đoạn san ủi mặt bằng” – ông Hà cho biết.
Đối thoại bất thành, hàng trăm người vây trụ sở Công ty Bách Đạt An tại Quảng Nam Ảnh: Bích Vân
Cuối năm 2018, các nhà đầu tư mua đất thuộc 3 dự án này “vỡ mộng” khi nghe thông tin Công ty Bách Đạt An và Công ty Hoàng Nhất Nam xảy ra mâu thuẫn, kéo nhau ra tòa. Nhiều người đặt nghi vấn trước đây khi giá đất còn thấp, doanh nghiệp (DN) bán cho khách hàng theo kiểu “huy động vốn”. Giờ giá đất tăng cao gấp nhiều lần, DN muốn “bẻ kèo”, lấy lại đất bán theo giá thị trường. “Đó là lý do chúng tôi muốn nhận sổ đỏ chứ không muốn ra tòa. Chúng tôi chỉ có hợp đồng đặt chỗ nên nếu ra tòa, khả năng tòa sẽ xử yêu cầu DN trả lại số tiền chúng tôi đã nộp cộng với lãi suất theo tiền gửi ngân hàng. Trước đây giá một lô đất vài trăm triệu đồng, nay lên đến vài tỉ đồng, chúng tôi sẽ rất thiệt thòi” – một khách hàng phân tích.
Doanh nghiệp tố nhau, khách hàng lãnh đủ
Phía chủ đầu tư là Công ty Bách Đạt An tố cáo nhà phân phối Hoàng Nhất Nam tự ý bán đất tại các dự án khi chưa có sự đồng ý của họ. Ngược lại, Hoàng Nhất Nam tố Bách Đạt An “lật kèo” khi giá đất tăng cao. Khách hàng thì nghi ngờ 2 công ty này đang bắt tay nhau để trục lợi. “Chi phí đền bù trong trường hợp bên bán không giao đất cho khách chỉ 30%. Giá đất hiện nay tăng gấp 5 lần so với lúc mở bán, họ đền bù xong lấy lại đất bán vẫn lãi to” – ông Hà bức xúc.
Từ tháng 11-2018, hàng trăm khách hàng đã bao vây trụ sở Công ty Bách Đạt (công ty mẹ của Công ty Bách Đạt An) trên đường Nguyễn Du (TP Đà Nẵng), gây áp lực buộc chủ đầu tư sớm hoàn thiện hạ tầng để ra sổ đỏ cho khách hàng. Đại diện Bách Đạt cho biết họ không bán đất nên không thể trả lời khách hàng. Ngoài ra, giữa Công ty Bách Đạt An và Hoàng Nhất Nam đã xảy ra kiện cáo liên quan đến 3 dự án trên nên đang chờ phán quyết của tòa án. Gần đây nhất, trong tháng 3-2019, trụ sở Công ty Hoàng Nhất Nam bị hàng trăm người bao vây xuyên đêm, buộc lãnh đạo công ty phải đối thoại nhưng kết quả là công ty tiếp tục hứa hẹn mà không đưa ra thời điểm trả sổ cụ thể.
Theo đại diện Công ty Bách Đạt An, công ty hợp tác với Công ty Hoàng Nhất Nam thực hiện các dự án trên theo nguyên tắc góp vốn và chia hoa hồng, lợi nhuận trong tương lai. Tuy nhiên, Công ty Hoàng Nhất Nam mở bán và thu tiền trái phép khi chưa có giấy ủy quyền thực hiện, chưa có phụ lục số lô do chủ đầu tư ký kết. “Việc làm này vi phạm nghiêm trọng các điều khoản hợp đồng giữa 2 bên khi dự án chưa được phê duyệt giá đất. Chúng tôi đã khởi kiện và chờ phán quyết của tòa” – bà Võ Thị Điệp, Tổng Giám đốc Công ty Bách Đạt An, cho hay.
Video đang HOT
UBND tỉnh Quảng Nam sau đó đã có buổi đối thoại với người dân và quyết định thanh tra toàn bộ dự án của Công ty Bách Đạt An. Tuy nhiên, chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng thừa nhận những giao dịch mua bán ở 3 dự án trên là tự phát, không đúng pháp luật; muốn xử lý phải theo đúng trình tự pháp luật.
Chính quyền… không nắm bắt kịp!
Theo ông Trần Anh Quốc Cường, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ nhà đất 86, cơ quan quản lý cần nhanh chóng nhận diện các công ty và cá nhân có những hành vi trục lợi làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, ảnh hưởng lòng tin của khách hàng, nhà đầu tư cả nước về thị trường BĐS TP Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung. Tổng giám đốc một DN tư vấn xây dựng cho rằng cơ chế quản lý thị trường BĐS và các quy định liên quan về xử lý hành vi tung tin ảo của giới nhà đất vẫn chưa cụ thể, rõ ràng. Cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu ban hành các quy định chặt chẽ hơn nhằm hạn chế các sự việc tương tự.
Thực tế hiện nay, chính quyền giao đất cho chủ đầu tư nhưng không kiểm soát được việc giao dịch, hợp đồng giữa chủ đầu tư và công ty phân phối với người mua. Theo ông Nguyễn Đạt, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), dù các bên giao dịch theo Luật Đất đai hay theo Luật Dân sự thì chính quyền các cấp đều có trách nhiệm. Tuy nhiên, do các sàn giao dịch nằm ngoài địa phương nên việc quản lý gặp khó khăn. “UBND tỉnh, Sở Xây dựng, UBND thị xã Điện Bàn đã có nhiều văn bản giải thích, tuyên truyền, cảnh báo người dân và các DN BĐS phải tuân thủ pháp luật, không thực hiện các hợp đồng góp vốn đối với những dự án không đủ điều kiện nhưng vì các sàn giao dịch đặt ở Đà Nẵng nên không tránh khỏi giao dịch ngoài luồng, chính quyền địa phương không nắm bắt kịp” – ông Đạt nói và cho biết phần lớn người mua đất biết có nhiều rủi ro nhưng vẫn đầu tư vì ham lợi nhuận cao.
Về việc hơn 1.000 khách hàng mua đất “kêu cứu”, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng đây là một bài học trong công tác quản lý BĐS, nhất là vùng giáp ranh với TP Đà Nẵng. Tỉnh Quảng Nam đã giao Thanh tra tỉnh thanh tra toàn diện 14 dự án của Công ty Bách Đạt An trên địa bàn thị xã Điện Bàn. Thời gian tới, tỉnh sẽ yêu cầu các chủ đầu tư dự án đẩy nhanh tiến độ; nếu DN không hoàn thành dự án đúng thời hạn, tỉnh sẽ thu hồi dự án và đấu thầu để nhà đầu tư khác thực hiện.
Đà Nẵng chấn chỉnh tình trạng loạn giá đất
Thường trực Thành ủy TP Đà Nẵng đã có công văn yêu cầu UBND, Công an TP Đà Nẵng tăng cường công tác kiểm tra, tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đối tượng kinh doanh, hoạt động môi giới bịa đặt thông tin, có dấu hiệu lừa đảo, mua bán, chuyển nhượng đất đai không đúng quy định của pháp luật, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cũng vừa có văn bản gửi UBND các quận, huyện đề nghị xử lý tháo dỡ các ki-ốt giao dịch BĐS không đúng quy định trên địa bàn TP.
Phải tìm hiểu kỹ thông tin
Theo luật sư Đỗ Pháp, Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng), khách hàng muốn bảo vệ quyền lợi của mình thì phải am hiểu pháp luật, cụ thể là Luật Nhà ở 2014, Luật Đất đai 2013, Luật Kinh doanh BĐS 2014… Trong trường hợp nhà đầu tư không hiểu pháp luật thì cần tham vấn luật sư để nắm rõ những điều khoản hợp đồng cùng những điều khoản, thủ tục pháp lý liên quan đến dự án. Điều này rất cần thiết bởi khi xảy ra tranh chấp, người mua thường có xu hướng yếu về pháp lý do các hợp đồng chủ đầu tư đưa ra là áp đặt.
Một cựu lãnh đạo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng nhắc khách hàng thường xuyên cập nhật thông tin các dự án BĐS đã được UBND TP phê duyệt, được chuyển quyền sử dụng đất, đã đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà trên Cổng Thông tin điện tử TP và website Sở Xây dựng trước khi quyết định chi tiền đầu tư.
Theo Nhóm PV
Người lao động
3 nhà đầu tư đã chi gần 1.600 tỷ đồng mua 69 triệu cổ phiếu Viglacera
3 nhà đầu tư đã chi gần 1.600 tỷ đồng mua 69 triệu cổ phiếu Viglacera; Cắt cơn sốt đất, hết thời chụp giật ở Khánh Hòa;... là một số tin tức nổi bật 24h qua.
3 nhà đầu tư đã chi gần 1.600 tỷ đồng mua 69 triệu cổ phiếu Viglacera
Ngày 29/3/2019, phiên bán đấu giá 80,58 triệu cổ phiếu Viglacera (VGC) do Bộ Xây dựng sở hữu đã diễn ra với kết quả 69 triệu triệu cổ phiếu được bán cho 3 nhà đầu tư tổ chức.
Theo thông tin từ Sở GDCK Hà Nội, khối lượng đặt mua cao nhất là 37 triệu cổ phiếu, đặt thấp nhất là 5 triệu cổ phiếu. Toàn bộ 69 triệu cổ phiếu VGC đấu giá đều được bán với mức giá 23.000 đồng/cp, bằng giá khởi điểm. Tính theo giá trị, lượng cổ phiếu đấu giá tương ứng giá trị 1.587 tỷ đồng.
Sau phiên đấu giá này, Bộ Xây dựng vẫn còn nắm giữ gần 173 triệu cổ phiếu VGC, tương ứng tỷ lệ sở hữu 38,6% cổ phần.
Kết thúc phiên giao dịch 29/3, cổ phiếu VGC dừng tại mức tham chiếu 20.500 đồng/cp, thấp hơn đáng kể so với mức giá thoái vốn của Bộ Xây dựng (23.000 đồng/cp).
Vinaconex "vỡ trận" - điềm được báo trước?
Cuộc "nội chiến" Vinaconex bùng nổ khi ngày 27/3/2019, tòa án đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, chưa được áp dụng nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường ngày 11/1.
Sau khi Nhà nước thoái vốn, Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex đã tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường vào ngày 11/1/2019. Cơ cấu cổ đông Vinaconex thay đổi khi cổ đông lớn chiếm 87% vốn điều lệ gồm: Công ty TNHH An Quý Hưng (An Quý Hưng) nắm 57,71% vốn, Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ (Cường Vũ) giữ 21,3% vốn và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest (Star Invest) nắm 7,57% vốn.
Đỉnh điểm của việc xung đột lợi ích giữa hai nhóm cổ đông xảy ra khi Cường Vũ và Star Invest đã có đơn gửi Tòa án Nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội), yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Căn cứ vào yêu cầu trên và các chứng cứ, tài liệu có liên quan, ngày 27/3, Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc Tổng Công ty Vinaconex tạm dừng thực hiện nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường ngày 11/1/2019, với các điều khoản về bầu thành viên HĐQT và Ban kiểm soát của Vinaconex nhiệm kỳ 2017 - 2022.
Bắt tay với nhà đầu tư ngoại: Doanh nghiệp địa ốc Việt sẵn sàng "cuộc chơi lớn"
Bước sang năm 2019, giới quan sát những nhận định rằng, xu hướng bắt tay giữa doanh nghiệp địa ốc Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đây cũng là xu thế tất yếu khi thị trường bất động sản Việt Nam đang trở thành "điểm vàng" trên bản đồ đầu tư đối với doanh nghiệp nước ngoài.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, cuộc hợp tác giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp nước ngoài là xu hướng phát triển của thị trường bất động sản trong tương lai. Khi chúng ta đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới thì yêu cầu về hợp tác với các quốc gia khác là một đòi hỏi gần như tất yếu.
Việc hợp tác một phần có thể tận dụng được thị trường lớn, một phần tận dụng được khách hàng tiềm năng nước ngoài với thu nhập cao và đem lại hiệu quả trong đầu tư. Đồng thời, nó đáp ứng được trào lưu lớn trên thế giới hiện nay, đó là người dân của các quốc gia muốn mở rộng tầm nhìn, phạm vi của mình đến nhiều quốc gia khác nhau.
Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam hợp tác với các công ty địa ốc nước ngoài có lẽ là một xu thế bắt buộc. Sở dĩ là bởi thị trường bất động sản Việt Nam đang phát triển mạnh. Đặc biệt, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang có nhu cầu mua bất động sản lớn thông qua rất nhiều hình thức mà trong đó có thể kể tới xu hướng M&A.
Cắt cơn sốt đất, hết thời chụp giật ở Khánh Hòa
Đánh giá về bất động sản Khánh Hòa, ông Văn Dũng Chinh, Tổng Giám đốc Cát Lợi Real, cho rằng, thị trường năm 2018 đã có bước chững lại, khi trải qua tăng trưởng nóng năm 2016, 2017. Chững lại về giao dịch, giảm giá từ 10 - 30% là sự cần thiết. Sang năm 2019, thị trường có giao dịch trở lại, nhưng đạt dấu mốc như 2017 là khó xảy ra.
"Đặc biệt, Khánh Hòa đang có sự vào cuộc quyết liệt, từ Trung ương đến địa phương, thanh tra về quy hoạch xây dựng, sử dụng đất công. Vì thế sản phẩm tung ra thị trường từ giữa 2018 đến nay không nhiều. Chỉ có vài dự án đáp ứng điều kiện và tung ra thị trường. Những sản phẩm này tập trung ở dòng sản phẩm trên dưới 1 tỷ, đây là nhu cầu thực của người tiêu dùng", ông Chinh nhận định.
Chủ tịch hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa, ông Trần Đình Quý, cũng cho rằng, thị trường hạ nhiệt từ năm 2018 vì năm 2017 đã phát triển quá nóng.
"Chính quyền thấy được sự phát triển nóng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nên siết chặt từ chủ đầu tư đến môi giới. Muốn mua bán phải có đầy đủ pháp lý, dẫn đến thị trường tốt theo hướng chuyên nghiệp", ông Quý nói.
Doanh nghiệp bất động sản tung kế hoạch 2019 với kỳ vọng lãi lớn
Theo giới chuyên gia dự báo, 2019 sẽ là một năm có nhiều cơ hội và thách thức đan xen dành cho các doanh nghiệp bất động sản. Bởi trước đó, nhìn từ thị trường 2018 đã thấy có các tín hiệu sụt giảm về nguồn cung nên tình trạng thiếu sản phẩm sẽ còn tiếp tục xảy ra trong năm 2019, đặc biệt là phân khúc nhà ở trung cấp và bình dân. Mặt khác, phân khúc nhà ở cao cấp đang có dấu hiệu thừa cung, dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận nguồn vốn vay của các doanh nghiệp bất động sản cũng sẽ khó khăn hơn khi dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2019 - 2020 chỉ vào khoảng trên dưới 16%/năm. Đi đôi với đó là việc các ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng không quá 40% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn.
Hiểu được điều này, trong mùa đại hội cổ đông, không ít doanh nghiệp bất động sản đã công bố các kế hoạch, mục tiêu hoạt động trong năm 2019 với kỳ vọng có thể đạt được mức lợi nhuận cao. Điều này phần nào minh chứng cho nhiều ý kiến rằng thị trường nhà đất sẽ tiếp tục sôi động.
Mai Hà (tổng hợp)
Theo reatimes.vn
Đất tăng giá 50%, cả huyện Vân Đồn bàn chuyện đất đai Không ít người dân ở Vân Đồn, Quảng Ninh đang tự hào vì giá đất tăng từng ngày, hơn cả Cẩm Phả, thậm chí đắt ngang TP Hạ Long. Từ khoá ở Vân Đồn những ngày này ngay cả khi có lệnh thanh tra vẫn là "giá đất". 2 tháng, tăng 40-50% Thị trường bất động sản (BĐS) Vân Đồn có dấu hiệu...