Quảng Trị xác minh việc cấp bò giống cho người thân cán bộ xã
13 con bò đực giống được cấp theo diện chính sách ở xã Triệu Độ (tỉnh Quảng Trị) bị xẻ thịt trước thời gian quy định.
Sáng 26.3, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Triệu Phong (Quảng Trị) cho biết, đơn vị đang phối hợp thanh tra huyện xác minh thông tin 13 con bò giống chính sách được cấp cho người thân của lãnh đạo xã Triệu Độ. Trong đó, năm con đã bị bán cho lò mổ giết thịt chỉ sau hơn hai tháng được cấp về.
Cuối tháng 12.2017, xã Triệu Độ được tỉnh Quảng Trị giao 13 con bò đực giống để cấp cho hộ chăn nuôi nghèo, gia đình diện chính sách. Theo quy định, bò giống phải được nuôi và khai thác ít nhất 48 tháng, trừ trường hợp chết do thiên tai, dịch bệnh.
Trong danh sách nhận bò ở xã Triệu Độ sau đó có ba hộ nông dân, 10 hộ còn lại đều là người thân của các cán bộ UBND xã.
Bò giống chính sách được xã Triệu Độ cấp cho người thân cán bộ khiến nhiều người dân bất bình. Ảnh: NV
Ông Hồ Văn Hồng, Phó chủ tịch UBND xã Triệu Độ cho hay, xã có thông báo cho người dân trên địa bàn về việc nhận bò chính sách từ tháng 5 đến tháng 8.2017. Các hộ nhận bò phải đối ứng bốn triệu đồng, trong tổng giá trị 18 triệu đồng của con bò.
Video đang HOT
Sau 4 tháng thông báo, xã chỉ nhận được đăng ký của ba hộ dân. Đến cuối năm 2017, khi tỉnh cấp bò về, lãnh đạo xã đã gọi điện cho nhiều thôn để hỏi xem có người dân nào đăng ký thêm nhưng “nhiều trưởng thôn không nghe máy”.
“Tôi gọi hỏi ý kiến Phòng nông nghiệp huyện, theo quyết định không giới hạn đối tượng hỗ trợ, mà chỉ cần gia đình có chăn nuôi”, ông Hồng nói. Về việc người dân bán bò cho lò mổ, ông Hồng phân bua do bò không thích ứng với môi trường, bỏ ăn, một số hộ dân sợ bò chết nên bán để lấy lại vốn đối ứng.
Theo Hoàng Táo (VnExpress)
Gửi nghiệp vào đá núi
Việc khởi nghiệp thành công, với chàng trai Lê Tấn An (ở Phú Yên), không có gì liên quan đến... bằng cấp. 31 tuổi, An hiện là chủ Doanh nghiệp tư nhân điêu khắc Tấn An, với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho trên 20 lao động địa phương.
8 triệu đồng xây nghiệp
Quê ở miệt núi huyện Đồng Xuân (Phú Yên), mới đến lớp 10, An đã xin ba má cho nghỉ để vào Sài Gòn theo nghề mỹ thuật. "Em có "máu" đam mê vẽ vời từ nhỏ nên cứ ước muốn phải làm một nghề gì đó liên quan đến mỹ thuật. Gia đình khó khăn nên không thể học hành bài bản chính quy, đành phải rời quê đi kiếm cái nghề mình thích" - An cho hay.
Mục tiêu ban đầu là học vẽ nhưng rồi tình cờ qua giới thiệu của một người thân, An dấn nghiệp điêu khắc đá mỹ nghệ. Ông chủ một cơ sở đá mỹ nghệ nói: Nếu có khiếu và đam mê thì trong 15 tháng là thành nghề. Thế là An cố gắng dùi mài học ngày học đêm, để không phí tiền chắt chiu gởi gắm của gia đình. Vốn làm nông từ nhỏ, lại có thiên hướng mỹ thuật nên anh tỏ ra "chịu đèn" với nghề này.
Công nhân làm việc tại Cở sở điêu khắc đá Tấn An. ảnh: Hùng Phiên
Học nghề xong, An được chủ xưởng nhận vào làm công với mức lương hậu hĩnh. Thế nhưng anh nhất quyết về Phú Yên lập nghiệp, bởi thấy tạng mình không hợp chốn thị thành, bởi thấy cơ hội vươn lên từ quê nhà. Địa điểm An chọn dựng cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ Tấn An là vùng Gành Đỏ, Sông Cầu (Phú Yên). Với số vốn vay mượn được 8 triệu đồng, An thuê đất cất tạm cái chòi để làm xưởng. Ngổn ngang ở "bản doanh" là những khối đá trắng, đá granit được mua chuyển về từ khắp nơi. Ngày ngày, anh trần mình giữa nắng gió để phát đá, đẽo tượng, đục khắc nhiều thể loại tác phẩm nghệ thuật. Rồi lầm lũi tự đi chợ, nấu ăn bằng những đồng tiềm kham khó ngày "chưa có gì thu vào".
An nói: "Khó khăn đủ bề, nhiều lúc cũng nản nhưng tôi quyết chứng tỏ tay nghề của mình. Điều tôi học được từ người khởi nghiệp đi trước, là: Phải có sản phẩm rồi mới nói gì thì nói. Thế nên tôi phải làm vì sự đam mê với nghề đã chọn, tỉ mẩn và lao lực từng giờ từng phút, chứ không thể ngồi chờ "sung rụng". Tôi vừa sản xuất vừa lân la tìm hiểu, chào hàng đến những nơi có tiềm năng. Từ việc bán được tượng đá nào thì mừng rơn cái đó, xưởng tôi đã dần được nhiều người quan tâm. Từ một vài sản phẩm có giá chỉ vài trăm ngàn đồng, tôi nhận được nhiều đơn đặt hàng với tiền triệu, trăm triệu. Rồi đến lúc phải thuê thêm người làm, mở rộng quy mô cơ sở...".
"Đánh" trúng vào đường khó
Lê Tấn An đã có sự kiên trì và thành công với lựa chọn "nhất nghệ tinh". Không trường lớp chính quy, anh vừa lăn lộn học nghề, vừa tự học các kiến thức tổ chức sản xuất, kinh doanh. Nếu không có sự nung nấu vượt khó thì cơ sở Tấn An cũng chỉ "chóc chách, làng nhàng" mà thôi. Con đường khởi sự kinh doanh của An thật đáng nể trọng".
Kiến trúc sư Lê Trọng Cường
Khi tôi hỏi về Tấn An, kiên trúc sư Lê Trọng Cường - Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp Phú Yên đã không nghĩ lâu mà nói rằng, lĩnh vực điêu khắc đá không phải là mới ở địa phương nhưng chưa có cơ sở nào thực hiện phong phú mẫu mã như Tấn An. "Ví như trước đây, các cơ sở tôn giáo ở tỉnh đều phải đặt hàng các loại tượng từ những địa phương khác. Thì hiện nay, uy tín tay nghề, năng lực tài chính của Tấn An đều đảm trách được. Từ các loại tượng danh nhân đến các tác phẩm nghệ thuật có chiều cao hàng chục mét, nặng nhiều tấn, đều được Tấn An nhận thi công hoàn hảo. Bên cạnh đó, anh còn hướng đến dòng sản phẩm đá kích cỡ nhỏ như các tác phẩm để bàn, đồ gia dụng độc đáo. Đây là một lựa chọn hợp lý của Tấn An, nhằm mở rộng đối tượng đầu ra cho doanh nghiệp" - ông Cường nhìn nhận.
Với công việc của mình, sau khi bắt đầu "đủ lông, đủ cánh", Tấn An chủ động quảng bá, chọn địa điểm mới để đặt cơ xưởng. Anh hướng vào TP.Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) để thuê mặt bằng thuận tiện cho việc giới thiệu sản phẩm, giao dịch làm ăn. Cùng lúc là đầu tư hàng trăm triệu đồng mua thêm máy xẻ đá, máy tiện, thiết bị chuyên dùng... để có thể sản xuất hàng loạt, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Theo An, đây là điều quyết định để có thể "vươn vai" cạnh tranh với một số mặt hàng cùng loại được sản xuất tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Nghề đá mỹ nghệ luôn cần mặt bằng rộng, gần nơi dễ quảng bá, thông thương và xử lý môi trường. Mặt bằng rộng tại trung tâm thành phố thì giá quá cao. Cuối cùng, An chọn định cư tại vùng triền núi thôn Chính Nghĩa, xã An Phú, Tuy Hòa. Từ cơ ngơi sơ sài ban đầu, anh đã quyết định và thành lập Doanh nghiệp tư nhân điêu khắc Tấn An được hơn 10 năm. "Lựa chọn lĩnh vực kinh doanh phải bám chặt vào nhu cầu thị trường. Lĩnh vực đá mỹ nghệ đòi hỏi phải có lực lượng nghệ nhân thạo nghề. Chính cái khó của ngành này đã kích thích em quyết tâm khẳng định mình. Vừa thu hút người có nghề, vừa tuyển dụng đào tạo, đến nay doanh nghiệp đã có trên 20 thợ lành nghề. Sản phẩm chủ yếu làm theo đơn đặt hàng, công việc không lúc nào ngơi nghỉ" - An bộc bạch.
Tùy vào độ tinh nghề, thu nhập của mỗi nhân công ở cơ sở điêu khắc đá Tấn An hiện đạt từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày. Sản phẩm tại đây luôn rất đa dạng, từ đơn giản đến phức tạp, đáp ứng tốt nhất theo yêu cầu khách hàng. Từ các loại đá cảnh trang trí trong nhà, ngoài vườn, cơ sở Tấn An đang nhận thực hiện các cụm tượng, non bộ nghệ thuật với hình khối hàng cao chục mét. Gần đây, Tấn An liên tiếp thực hiện các đơn đặt hàng nhiều sản phẩm mỹ nghệ, gia dụng "độc, lạ" làm từ đá nguyên khối, với độ thẩm mỹ ngày càng được yêu cầu rất cao.
Một thợ chính tại Tấn An - anh Võ Thành Hao nhận xét: "Tính cách chân tình, chịu thương chịu khó cùng nghề nghiệp của Tấn An đã thuyết phục anh em chúng tôi gắn bó với doanh nghiệp. Từ việc hướng dẫn học nghề đến chia sẻ lợi nhuận, anh An đều tiến hành rất bài bản. Tình yêu sống chết với nghề điêu khắc đá của anh đã truyền sang anh em làm nghề trong xưởng. Việc làm, thu nhập ổn định từng ngày đã tạo sự gắn bó lâu dài giữa anh và chúng tôi".
An dự định, năm tới sẽ lo "hợp nhất" chuyển vợ con từ Đồng Xuân vào Tuy Hòa. Tiếp đó là bắt tay xây dựng nhà cửa khang trang để "định cư" lâu dài với nghiệp điêu khắc đá núi.
Theo Danviet
Đẫm nước mắt tiễn "thiên thần nhí" hiến giác mạc về trời Trưa nay (24.2), rất đông người thân và bạn bè lớp 2A6 trường Tiểu học Tân Mai đã đến Nhà tang lễ Mai Dịch (Hà Nội) để chia buồn, tiễn đưa thiên thần hiến giác mạc Nguyễn Hải An về nơi an nghỉ. 14h58 ngày 22.2, bé Nguyễn Hải An ra đi mãi mãi. Bé là "thiên thần nhí" đã tặng lại đôi...