Quảng Trị: Dẫn dụ chim yến-nghề “1 vốn 4 lời”
Dẫn dụ chim yến có thể nói là nghề “một vốn, bốn lời”, bởi không cần đầu tư chăn nuôi, chỉ bỏ tiền xây nhà rồi dụ chim yến về sinh sống, làm tổ.
Loài chim trời này hiện đang mang về nguồn thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho người nuôi yến.
Từ một vài hộ nuôi yến, đến nay việc đầu tư xây dựng nhà nuôi yến đã bắt đầu phát triển ở nhiều địa phương như các xã Gio Châu, Gio Hải, Gio Mỹ, Gio Việt, Trung Giang, thị trấn Cửa Việt ( huyện Gio Linh), xã Triệu An (huyện Triệu Phong), thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa), thành phố Đông Hà…
Khi hỏi về nguồn lợi nhuận mà chim yến mang lại, anh Phan Văn Trọng ở Khu phố 2 (thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) cho biết, anh là người tiên phong trong việc xây dựng nhà nuôi yến ở thị trấn Cửa Việt. Khoảng đầu năm 2016, sự cố môi trường biển xảy ra làm ảnh hưởng đến nghề sấy hấp cá của gia đình anh.
Một cơ sở nuôi chim yến của người dân ở Khu phố 2, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh. Ảnh: HTS.
Nguồn thu nhập của gia đình anh bị sụt giảm. Qua nhiều đêm trăn trở, cuối cùng anh quyết định chọn nghề xây dựng nhà nuôi yến. Sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu từ sách, báo, ti vi cũng như sự hỗ trợ về mặt kĩ thuật của những người nuôi yến ở tỉnh Quảng Ngãi, Khánh Hoà mà anh quen biết, cuối năm 2016 anh đầu tư 500 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, lắp đặt máy móc phục vụ nuôi chim và bắt đầu dẫn dụ chim yến.
Đến nay, cơ sở nuôi yến của anh Trọng có trên 200 cặp chim yến bố, mẹ về sinh sống, làm tổ. Từ năm 2016 đến năm 2018, anh chỉ mới “thu bói” tổ yến với thu nhập mỗi năm khoảng vài chục triệu đồng.
Năm 2019, cơ sở nuôi yến của gia đình anh mới thực sự vào “chính vụ” với nguồn thu nhập mang lại khoảng 100 – 150 triệu đồng/năm ( giá tổ yến thô trên thị trường giao động khoảng 27 – 28 triệu đồng/ kg; tổ yến đã nhặt sạch lông có giá trên 30 triệu đồng/kg).
Trong năm 2018, anh Trọng xây dựng thêm một nhà nuôi yến nữa với số tiền đầu tư hơn 2 tỉ đồng, hiện đã đưa vào sử dụng.
Video đang HOT
Anh Trọng cho biết: “Nuôi chim yến là nghề mang lại nguồn thu nhập khá cao cho nhiều người nuôi, nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro, nguy cơ “trắng tay” cao. Và hiện nay, người nuôi yến chủ yếu là mang tính tự phát. Nhiều hộ nuôi yến khi bắt tay vào nuôi đã không nghiên cứu đầy đủ về điều kiện khí hậu, thời tiết, vùng sinh thái cũng như tập tính sinh trưởng của loài chim yến.
Dẫn đến việc một số hộ nuôi yến đầu tư nguồn vốn lớn để xây nhà nuôi yến xong, số lượng yến về làm tổ ít hoặc không về làm tổ. Rồi chim yến về làm tổ, nhưng đến mùa đông lạnh, nhiệt độ xuống thấp làm yến chết hàng loạt gây thiệt hại cho người nuôi yến…”.
Theo anh Trọng thì chim yến là loài chim ăn côn trùng bay gồm rầy nâu, rầy xanh, mối… trong thiên nhiên. Vì vậy, chim yến có thể được xem là loài dùng để đấu tranh sinh học và bảo vệ mùa màng cho nhà nông. Tổ yến có nhiều thành phần chất dinh dưỡng quý hiếm và nhiều khoáng chất giúp bổ phổi, tăng cường hệ miễn dịch, đẩy nhanh quá trình tái tạo tế bào, giúp người bệnh nhanh hồi phục sức khỏe…
Qua kinh nghiệm nuôi yến của anh trong thời gian qua, thì khi xây dựng nhà yến, việc làm đầu tiên là chọn vị trí và khu vực tốt cho việc xây dựng ngôi nhà nuôi chim yến. Bởi vị trí và khu vực cho nhà nuôi yến rất quan trọng, quyết định chi phí xây dựng, quản lí, tốc độ phát triển bầy đàn cũng như năng suất, chất lượng tổ yến. Yếu tố tiếp theo là nhiệt độ trong nhà nuôi yến, bởi nhiệt độ ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng đàn yến trong nhà.
Khi thiết kế và xây dựng nhà nuôi yến phải tính đến sự tác động của việc thay đổi nhiệt độ của môi trường, làm sao cho nhiệt độ trong nhà yến luôn duy trì ổn định ở mức 27 – 29 độ C (đây là mức chuẩn cho chim yến sinh sống, làm tổ, sinh sản và phát triển). Một yếu tố nữa đó là ánh sáng trong nhà nuôi yến.
Chim yến thường có xu hướng thích những góc tối, kín đáo, ấm, yếu tố này người nuôi yến phải chú ý khi tiến hành thiết kế, xây dựng nhà nuôi yến. Nhà nuôi yến nên đặt theo hướng Đông – Tây hoặc Nam – Bắc. Ngoài các yếu tố trên thì hệ thống âm thanh chim yến để tạo tiếng kêu bầy đàn, là tín hiệu dẫn đường cho chim yến biết nơi ở của chúng và dẫn dụ chim về nhà yến là vô cùng quan trọng.
Hệ thống âm thanh là một tổ hợp bao gồm máy phát âm thanh (đầu phát gắn thẻ nhớ USB, thẻ nhớ MP3…), dây dẫn âm thanh, hệ thống loa gồm loa nóc, loa lỗ, loa dẫn đường, loa trong phòng, bộ điều khiển âm thanh theo thời gian trong ngày, theo mùa sinh sản của chim trong năm….
Thực tế qua tìm hiểu một số mô hình nuôi chim yến ở các địa phương chúng tôi nhận thấy, hấu hết các cơ sở nuôi chim yến đều mang tính tự phát và chưa có định hướng phát triển dài hạn…; sản phẩm tổ yến chưa có thị trường ổn định; các nhà nuôi yến gây ra tiếng ồn từ thiết bị phát âm thanh dẫn dụ chim yến, với âm thanh lớn và khó nghe; tiềm ẩn nguy cơ về dịch cúm gia cầm…
Để nghề nuôi chim yến phát triển bền vững, các cơ quan chức năng, đơn vị, địa phương trong thời gian tới cần phải định hướng quy hoạch nuôi chim yến trên cơ sở báo cáo thống kê, khảo sát hiện trạng các nhà nuôi chim yến và đề xuất vùng quy hoạch nuôi chim yến trên địa bàn; có các văn bản hướng dẫn kĩ thuật về xây dựng nhà nuôi yến, nuôi chim yến bảo đảm an toàn sinh học…
Các cơ quan chức năng cũng cần quy định về tần suất và thời gian phát âm thanh dẫn dụ chim yến không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh (đây cũng là căn cứ để xử lí vi phạm về tiếng ồn); có các giải pháp về khoa học công nghệ liên quan tới phòng trừ dịch bệnh; công nghệ bảo quản và chế biến các sản phẩm sau thu hoạch từ tổ yến; nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường…
Nghề nuôi chim yến cần phát triển sản xuất theo chuỗi sản phẩm, gắn kết các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữ vai trò định hướng đặt hàng, tiêu chuẩn nguyên liệu, hỗ trợ sản xuất, nhằm phát huy thế mạnh liên kết làm tiền đề thúc đẩy tốc độ phát triển nhanh và hiệu quả nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Theo HTS (Báo Quảng Trị)
Cần Thơ: Nhà nuôi "chim tiền tỷ" tràn lan, vì sao không được vào?
Vài năm trở lại đây, tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ nhà nuôi chim yến tự phát mọc lên tràn lan.
Hiệu quả kinh tế mang lại ra sao chỉ có người nuôi mới biết, trong khi ngành chức năng và chính quyền địa phương rất khó tiếp cận các hộ dân nuôi yến. Điều này đặt ra vấn đề cho công tác quản lý, an toàn vệ sinh môi trường, dịch bệnh dễ lây lan...
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh, toàn huyện hiện có 51 nhà nuôi yến, đa phần được xây dựng tiền chế, có hộ xây nhà bê tông kiên cố. Qua tìm hiểu, huyện vẫn chưa quy hoạch phát triển ngành nghề này, các hộ nuôi chủ yếu theo hình thức tự phát.
Một trong những nhà nuôi yến nằm trên tuyến quốc lộ 80, thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Chúng tôi đã cử cán bộ đến các hộ tìm hiểu, đa phần bà con không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin rất ít.
Chỉ biết rằng, khi thiết kế và thi công nhà nuôi yến, đơn vị thi công lắp đặt camera quan sát, theo dõi số lượng đàn yến vào ở, quá trình bảo hành cả chủ nhà cũng không vô được nhà yến, vì thế chúng tôi rất khó đánh giá hiệu quả cũng như đưa ra các khuyến cáo".
Thạnh Lợi là một trong những địa phương phát triển nhanh số lượng nhà nuôi yến với 29 hộ. Ông Bùi Quang Nam, Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi, cho biết: "Vài năm trước ở Thạnh Lợi chỉ có một vài hộ xây nhà nuôi yến, từ năm 2018 mô hình này phát triển khá nhanh ở địa phương. Được biết chi phí đầu tư xây dựng nhà nuôi yến khá cao, mỗi nhà có diện tích từ 200-250m2, chi phí từ 0,8-1,5 tỉ đồng...".
Ông Bùi Quang Nam cho biết thêm: "Quá trình dẫn dụ yến cũng rất nghiêm ngặt, nếu có các loài vật khác như: rắn, chuột, mèo trong nhà yến thì yến không vào ở và làm tổ. Qua nắm thông tin cũng có một vài hộ có thu nhập từ việc khai thác tổ yến, có hộ chưa có thu nhập vì yến không vào ở".
Còn ở xã Vĩnh Trinh, Thạnh Mỹ cũng "mọc" lên nhiều nhà nuôi yến trong thời gian gần đây, tập trung nhiều nhất dọc theo tuyến quốc lộ 80. Theo lãnh đạo các địa phương cho biết, hầu như không có nhà nào xin phép cho việc xây nuôi yến, chỉ có một vài hộ xin giấy phép xây dựng, cải tạo công trình nhà ở, rồi cải biến nội thất thành nhà nuôi yến.
Ông Nguyễn Đông Xuân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trinh, nói: "Trước đây, có một số trường hợp bà con phản ánh tình trạng tiếng ồn từ âm thanh dẫn dụ phát ra từ các nhà nuôi yến, nhưng chính quyền địa phương đã cử cán bộ đến nhắc nhở các hộ nuôi mở âm thanh vừa phải và tránh tiếng ồn vào ban đêm, các hộ cũng chấp hành nên bà con xung quanh cũng không còn khiếu nại, phản ánh.
Theo ông Nguyễn Đông Xiaan. tuy nhiên, xã cũng lúng túng trong khâu quản lý ngành nghề nuôi chim yến, chỉ rà soát, thống kê số hộ nuôi yến trên địa bàn rồi báo cáo ngành chức năng của huyện.
Điều đáng nói là hầu hết các nhà nuôi yến ở huyện Vĩnh Thạnh được xây dựng trên tuyến dân cư ở nông thôn hoặc tuyến tỉnh lộ, quốc lộ nên nếu xảy ra dịch bệnh trên chim sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Theo quy định tại Công văn số 1553/SNN&PTNT-KHTC của Sở NN&PTNT TP Cần Thơ về việc hướng dẫn quản lý nuôi chim yến bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, người nuôi chim yến phải đảm bảo các quy định về phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thú y và buộc phải khai báo với phòng chuyên môn cấp huyện.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, trước đây Phòng có triển khai văn bản hướng dẫn các xã, thị trấn tổ chức cho các hộ nuôi chim yến khai báo nhưng các hộ nuôi chưa quan tâm thực hiện, việc nuôi, khai thác yến cũng chưa có quy định cấm nuôi trong khu dân cư hay tuyến dân cư nên ngành rất khó theo dõi, quản lý.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Vài năm gần đây nghề nuôi yến trên địa bàn huyện phát triển khá nhanh. Tuy nhiên, qua nắm thông tin chỉ một vài hộ có hiệu quả còn lại đa phần chưa có nguồn thu mà vốn đầu tư lại rất lớn, rủi ro cao, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, nên trước mắt huyện không khuyến khích phát triển ngành nghề này...."
"Để tháo gỡ những khó khăn trong việc quản lý nuôi chim yến, trong khi chờ các văn bản quy phạm pháp luật chính thức của các cơ quan có thẩm quyền, Phòng NN&PTNT huyện tiếp tục phối hợp với ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, nguy cơ lây lan, ảnh hưởng đến gia cầm, vật nuôi khác; nhất là ảnh hưởng sức khỏe con người để các hộ nuôi có thể chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh thú y, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình nuôi và xây dựng cơ sở nuôi phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật", ông Nguyễn Ngọc Hiền.
Theo Minh Hải (Báo Cần Thơ)
Đáng ngại: Săn "chim tiền tỷ" vô tội vạ, có con chết cứng ở lồng Chiêu thức săn bắt chim hiện nay phổ biến là đặt bẫy, giăng lưới...Trong các loài chim, chim yến mang lại nhiều lợi ích cho con người nhưng lại bị bắt nhiều nhất. Nếu tình trạng này tiếp diễn sẽ ảnh hưởng đến sản lượng tổ yến do giảm sút về số lượng của loài. Ảnh hưởng môi trường và nghề nuôi yến...