Quảng Ninh: Người dân vừa nuôi ngao vừa… run!
Phóng viên NTNN/Dân Viêt co dip trở lại những bãi triều ở huyện Hải Hà (Quảng Ninh) – nơi 1 năm trước nhiều hộ nuôi thủy sản điêu đứng do dịch bệnh, hàng trăm tấn ngao và nghêu chết trắng bãi. Những ngày này, người dân đang băt tay xuống giống cho vụ nuôi mới vơi tâm trang vưa nuôi, vưa lo…
Dè dặt thả giống mới
Tranh thủ khi nước cạn, mặc dù trời mưa khá to nhưng chị Bùi Thị Vững (thôn 3, xã Quảng Minh) và một số hộ dân vẫn đang tất bật với việc thu hoạch những con ngao còn sót lại của vụ nuôi trước. Với diện tích nuôi 2ha, từ tháng 2 năm nay, gia đình chị mới thả được khoảng 1 tấn giống, đầu tư hết gần 20 triệu đồng.
Ông Bùi Văn Toàn gom số nghêu còn sót lại vụ nuôi trước mang bán. Ảnh: N.Q
Nuôi nghêu không yêu cầu kỹ thuật cao, người nuôi chỉ cần thả giống đúng thời vụ, xuống giống không quá dày, môi trường nước ổn định nghêu sẽ sinh trưởng và phát triển nhanh. Thông thường, cứ xuống 1 tấn giống người nuôi sẽ thu được 6-10 tấn nghêu thành phẩm. Với giá bán nghêu tại bãi từ 9.000 – 10.000 đồng/kg, người nuôi sẽ thu lãi khá.
“Có nhiều lý do mà gia đình tôi và hầu hết các hộ nuôi ngao ở đây không dám thả nhiều. Thứ nhất vì tâm lý lo sợ lại bị thiệt hại như vụ năm ngoái. Thứ hai, tiền vay ngân hàng còn chưa trả được, không còn vốn đầu tư. Thứ ba là nguồn giống năm nay khan hiếm, đắt đỏ. Và điều quan trọng nhất, đó là vẫn rải rác xảy ra tình trạng ngao chết tại một số hộ nuôi, khiến ai cũng e ngại” – chị Vững nói.
Được biết, năm ngoái, gia đình chị Vững và 27 hộ nuôi khác ở thôn 3 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để nuôi nhuyễn thể với diện tích bình quân 2ha/hộ. Vụ này, gia đình chị Vững chỉ thả nuôi ngao, không nuôi nghêu và là một trong số ít các hộ nuôi thả giống sớm. Bình quân mỗi ha, người nuôi thả khoảng 2 tấn giống, sau khoảng 1 năm sẽ cho thu hoạch khoảng 6 tấn ngao thương phẩm, giá bán bình quân từ 25.000-30.000 đồng/kg. Còn nuôi sau 2 năm thì thu được khoảng 10 tấn, giá bán ngao to bình quân 50.000 đồng/kg.
Video đang HOT
Dù đã có kinh nghiệm nuôi ngao và nghêu nhiều năm nay, nhưng chị Vững và các hộ khác vẫn phải… cầu may như mới nuôi lần đầu, bởi họ vẫn chưa hết ám ảnh vụ hàng trăm tấn ngao và nghêu chết trắng bãi năm ngoái. Nguyên nhân được xác định là do mật độ nuôi quá dày, nhưng bà con vẫn cho rằng do những biến đổi bất thường của môi trường, khí hậu. Trong khi đó, cuối tháng 3 vừa qua tại khu nuôi của một số hộ nuôi đã lác đác có tình trạng ngao chết, với tỷ lệ trên 10%.
Nợ “treo” đầu bãi
Nhiều hộ nuôi nghêu vẫn canh cánh nỗi lo về số nợ vay ngân hàng. Ảnh: N.Q
Với diện tích gần 6ha, vụ này ông Bùi Văn Toàn (thôn Minh Tân, xã Quảng Minh) đã không còn thả nuôi nghêu mà đang khẩn trương thu hoạch nghêu còn lại từ vụ nuôi trước và tiến hành thả ngao giống. Ông Toàn cho biết: Vào đầu vụ nuôi, giá ngao giống chỉ khoảng 18-20 triệu đồng/tấn thì gia đình chưa chuẩn bị xong bãi. Đến nay, khi đã có bãi sạch thì giá ngao giống lại tăng lên 27-30 triệu đồng/tấn và rất khan hiếm.
“Bình quân, mỗi ha sẽ thả khoảng 2 tấn giống, vậy mà đến giờ gia đình mới thả được khoảng 6 tạ. Việc thả giống chậm thời vụ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình sinh trưởng, phát triển của ngao” – ông Toàn nói.
Một số hộ nuôi tại khu vực bãi triều xã Quảng Minh cho biết, sau đợt dịch hồi năm ngoái, phần lớn người nuôi đều rơi vào tình trạng hết sức khó khăn, một số hộ đang nợ ngân hàng đầm đìa. Do cạn vốn nên toàn khu vực bãi nuôi của huyện Hải Hà có rất ít hộ nuôi thả được giống.
Theo bà con, nếu xuống giống loại 1.000 con/kg đúng thời điểm tiết trời tháng 3 ấm áp thì sau hơn 1 năm là có thể thu hoạch, với trọng lượng trung bình khoảng 70 con/kg.
Theo Danviet
Dân "đắng lòng" thu gom xác ngao chết, thiệt hại hàng tỷ đồng
Hàng trăm hộ dân nuôi ngao ở Hà Tĩnh chưa hết lao đao vì thiệt hại do ngao chết la liệt sau trận rét đậm, rét hại vừa qua. Thì nay họ "cắn răng" bỏ một đống tiền thuê người thu gom ngao chết để chuẩn bị cho vụ nuôi mới.
Thời điểm này về vựa ngao của Hà Tĩnh - thôn Mai Lâm xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà mới thấy được nỗi vất vả của người dân nuôi ngao. Sau 12 giờ trưa nước thủy triều rút xuống, cả vựa ngao 90ha ở Mai Lâm trắng xóa bởi xác ngao chết. Ông Nguyễn Văn Anh, một người dân nuôi ngao ở thôn Mai Lâm bần thần nói: "Đợt rét trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua khiến ngao ở đây chết hàng loạt, thiệt hại lớn, vì con ngao gần đến thời kỳ thu hoạch".
Ngao chết trắng bãi khiến người nuôi lao đao.
"Gia đình tôi có gần 4ha, do rét đậm khiến ngao chết khoảng 40%, thiệt hại không dưới 150 triệu đồng. Bây giờ bước vào vụ nuôi mới phải vay vốn mới tái nuôi được", ông Anh cho biết thêm.
Còn ông Nguyễn Văn Việt - Chủ nhiệm HTX nuôi ngao Việt Hồng xót xa: "HTX vừa thành lập, tưởng 7 xã viên năm nay vào HTX làm ăn khá, ai ngờ trận rét vừa qua ngao chết la liệt, thiệt hại nặng nên ai cũng buồn rầu, xót xa không muốn ra bãi thu gom ngao chết để tái sản xuất".
Theo ông Việt: Riêng gia đình ông thả nuôi 15ha ngao thịt, bước vào vụ thu hoạch thì ngao chết do thời tiết quá rét. Số diện tích ngao bị chết hơn 10ha, còn lại 5ha nằm ở vùng sâu của bãi Triều thường xuyên có nước nên ngao không bị chết. Ước tính vụ ngao năm nay nếu không gặp rủi ro hộ gia đình ông thu về trên 400 tấn ngao. Tính giá thời điểm này doanh thu không dưới 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời tiết bất lợi khiến ngao chết hàng loạt thiệt hại hơn 1,5 tỷ đồng.
Người dân ở Mai Phụ (Lộc Hà) "đắng lòng" khi phải bỏ tiền, bỏ công thu gom xác ngao chết để dọn bãi, thả vụ ngao mới.
Không riêng gì các xã viên trong HTX, tại thôn Mai Lâm có trên 40 hộ nuôi ngao với diện tích xấp xỉ 100ha đợt rét hại cũng thiệt hại hàng tỷ đồng. Người dân đang khốn đốn vì thất thu thì giờ đây họ đang phải đối mặt với gánh nặng khác đó là lo kinh phí để thuê người đi vớt và thu gom xác ngao chết để tái sản xuất. "Hơn hai tuần nay gia đình tôi bỏ ra hơn 50 triệu đồng trả tiền công để nhờ người thu gom xác ngao chết làm sạch vựa nuôi để thả nuôi vụ mới", ông Việt nói.
Bà Nguyễn Thị Duyên - cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Lộc Hà cho biết: Diện tích nuôi ngao của huyện tập trung chủ yếu ở xã Mai Phụ, đợt rét đậm rét hại dịp tết vừa rồi khiến ngao chết trên 88ha, thiệt hại nặng. "Khó khăn của các hộ nuôi lúc này không chỉ dừng lại ở ngao chết mà xử lý xác ngao cũng là một gánh nặng. Nếu không thu gom xác ngao chết sẽ gây ô nhiễm môi trường, quá trình nuôi tiếp theo sẽ phát sinh dịch bệnh cho ngao. Mà thời điểm này đã vào lịch thả nuôi vụ mới", bà Duyên cho biết thêm.
Được biết, UBND huyện Lộc Hà đã báo cáo thiệt hại trình UBND tỉnh Hà Tĩnh để có phương án hỗ trợ cho người nuôi ngao.
Theo Danviet