Quảng Ninh lập liên minh kích cầu du lịch, các doanh nghiệp thống nhất giảm giá từ 30-50%
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hình thành một nhóm các công ty tham gia chương trình kích cầu, do Chi nhánh Công ty Vietravel là đơn vị đầu mối. Các doanh nghiệp thống nhất, mức giảm giá từ 30-50%, đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Khi dịch Covid-19 xảy ra, du lịch là ngành đầu tiên chịu tác động. Theo số liệu từ VTV, Chỉ trong quý I ngành du lịch đã đánh mất 3,1 tỷ USD.
Sau một những biện pháp giãn cách xã hội và nỗ lực khống chế dịch Covid-19 thành công, hiện ngành du lịch đang từng bước được mở cửa trở lại. Mới đây ngày 8/5, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 1749 phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, nhằm kích cầu du lịch nội địa.
Theo kế hoạch, thời gian thực hiện chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” sẽ bắt đầu từ 1/6/2020 đến 31/12/2020. Các nhiệm vụ chính bao gồm đẩy mạnh truyền thông, quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn; các địa phương mở cửa lại du lịch nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch và tinh thần sẵn sàng đón tiếp khách du lịch.
Việc thực hiện hiệu quả kế hoạch kích cầu nội địa đòi hỏi sự tham gia tích cực không chỉ của các doanh nghiệp lữ hành mà cần sự chung tay góp sức của các địa phương cũng như những hãng hàng không.
Tại tỉnh Quảng Ninh, các điểm du lịch trọng điểm bắt đầu hoạt động trở lại từ ngày 1-5, với thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên cùng các hoạt động dịch vụ đa dạng đang dần kéo lượng du khách đến tham quan trải nghiệm, đặc biệt trong dịp hè này. Hiện nay, Quảng Ninh đang tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thiết lập trạng thái bình thường mới của người dân và doanh nghiệp nhằm vừa kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, vừa khẩn trương phục hồi phát triển ngành du lịch, dịch vụ, lấy lại đà tăng trưởng.
Tỉnh cũng triển khai các hoạt động quảng bá xúc tiến, kích cầu du lịch, hoàn thiện cơ sở vật chất và xây dựng chiến dịch truyền thông bài bản nhằm phục hồi ngành du lịch sau dịch. Qua đó, từng bước làm ấm trở lại thị trường du lịch, giải quyết công ăn việc làm cho nhân lực ngành du lịch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Video đang HOT
Hàng loạt các hoạt động được tỉnh và các địa phương xây dựng nhằm thúc đẩy phát triển du lịch. Cụ thể là Tuần lễ du lịch Hạ Long – Quảng Ninh dự kiến sẽ có nhiều chương trình, sự kiện thu hút người dân và du khách tham gia như: Hội chợ OCOP Quảng Ninh; Lễ hội văn hóa ẩm thực Móng Cái hè 2020; Cuộc thi triển lãm cây tùng la hán Cô Tô; Chùm sự kiện văn hóa văn nghệ, ẩm thực tại Uông Bí… Cùng đó, các sự kiện văn hóa thể thao cấp tỉnh và cấp huyện diễn ra trong tháng 5 như: Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc cấp tỉnh năm 2020; Lễ công bố và trưng bày Bảo vật quốc gia tỉnh Quảng Ninh; Giải bơi truyền thống Bạch Đằng và hoạt động hành hương chùa Ngọa Vân, Đông Triều.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đã có kế hoạch tổ chức các chương trình kích cầu du lịch nội địa tại Nha Trang, Đà Nẵng, Đắk Lắk vào đầu tháng 6/2020. Căn cứ diễn biến tình hình thực tế, sẽ có thể triển khai ngay việc xúc tiến đến các thị trường quốc tế (Trung Quốc, Đông bắc Á, Asean…) trong năm 2020.
Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại đã có một số doanh nghiệp tham gia chương trình kích cầu du lịch Quảng Ninh 2020, như: 62 tàu du lịch của các doanh nghiệp vận chuyển khách du lịch trên vịnh Hạ Long; 17 khách sạn (1 khách sạn 5 sao, 8 khách sạn 4 sao; 8 khách sạn 3 sao) và 2 điểm du lịch là Yên Tử và Công viên Sun World Hạ Long Complex.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng hình thành một nhóm các công ty tham gia chương trình kích cầu, do Chi nhánh Công ty Vietravel tại Quảng Ninh là đơn vị đầu mối. Các đơn vị này xây dựng và chào bán 6 chương trình du lịch cơ bản và hơn 20 chương trình chi tiết cho các điểm đến tại Quảng Ninh. Các doanh nghiệp thống nhất, mức giảm giá từ 30-50%, đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Tại buổi họp bàn để kích cầu du lịch ngày 12-5, ông Đặng Huy Hậu – phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng việc người dân lựa chọn đi du lịch sau mùa dịch đang bị chững lại rất lớn, du khách đi lại vẫn còn rất rón rén, cẩn trọng so với trước kia.
“Để kích cầu du khách thì ngoài việc giảm giá còn phải làm sao khẳng định được với những ai đến Quảng Ninh đều hoàn toàn có thể an tâm về chất lượng dịch vụ tốt, môi trường trong lành” – ông Hậu chia sẻ tại buổi họp được báo Tuổi trẻ đăng tải lại.
Dự kiến từ nay đến tháng 10-2020, tại Quảng Ninh có đến 71 sự kiện nằm trong chuỗi các chương trình văn hóa, thể thao chào đón du lịch hè cũng được tỉnh và các địa phương triển khai đồng loạt.
Chất lượng điều hành kinh tế nổi bật trong báo cáo PCI 2019
Bảng xếp hạng PCI năm 2019 cho thấy Quảng Ninh dẫn đầu với 73,40 điểm, giữ vị trí quán quân 3 năm liên tiếp. Các vị trí kế tiếp là Đồng Tháp 72,10 điểm, Vĩnh Long 71,30 điểm...
Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam )
Dựa trên cơ sở chỉ số PCI gốc, kết quả cho thấy chất lượng điều hành kinh tế tại Việt Nam có sự cải thiện liên tục theo thời gian. Riêng năm 2019, tỉnh trung vị [vị trí trung bình-pv] ghi nhận điểm số PCI gốc đạt 63,25 điểm, vượt mức kỷ lục năm 2018 để trở thành điểm số PCI gốc cao nhất trong 15 năm thực hiện PCI đến nay.
Đây là một trong những điểm nổi bật của Báo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện và công bố ngày 5/5.
Bảng xếp hạng PCI năm nay cho thấy Quảng Ninh tiếp tục giữ dẫn đầu với 73,40 điểm và là năm thứ 3 liên tiếp giành vị quán quân. Đứng thứ hai là Đồng Tháp với 72,10 điểm. Các vị trí kế tiếp là Vĩnh Long 71,30 điểm và Bắc Ninh 70,79 điểm. Ngoài ra các tỉnh, thành phố khác lần lượt nằm trong top 10, bao gồm Đà Nẵng 70,15 điểm, Quảng Nam 69,42 điểm, Bến Tre 69,34 điểm, Long An 68,82 điểm, Hà Nội 68,80 điểm và Hải Phòng 68,73 điểm.
Kết quả điều tra chỉ ra môi trường kinh doanh đã được cải thiện. Cụ thể, 54,1% doanh nghiệp cho biết thái độ của chính quyền địa phương đối với khu vực kinh tế tư nhân là tích cực, mức cao nhất kể từ năm 2006 (48,3%), (mức đáy là 35,1% của năm 2015). Bên cạnh đó, 80% doanh nghiệp đồng ý với nhận định "Các Ủy ban Nhân dân tỉnh/thành phố đã linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân" và cũng là mức cao nhất trong 15 năm thực hiện điều tra PCI.
Các số chỉ tiêu liên quan tới công tác giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp cũng cho thấy sự cải thiện rõ rệt. Có tới 74,1% doanh nghiệp cho biết các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp tại tỉnh (năm 2017 và 2018 lần lượt là 67% và 68,5%). Đáng lưu ý, 82,5% doanh nghiệp hài lòng với phản hồi và cách giải quyết của cơ quan chính quyền đối với những vướng mắc, khó khăn mà họ đã phản ánh và cao hơn đáng kể so với mức 77,4% của năm 2018.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra một số lĩnh vực cải cách còn còn chậm, thủ tục vẫn phiền hà như 59% doanh nghiệp phàn nàn còn gặp khó khăn trong thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, 53% doanh nghiệp vướng mắc trong thủ tục liên quan tới lĩnh vực xây dựng và quy hoạch, 43% doanh nghiệp khó khăn khi xin quyết định chủ trương đầu tư.
Chi phí không chính thức vẫn là vấn đề nhức nhối khi trên 50% số doanh nghiệp "tiết lộ" vẫn phải chi trả khoản tài chính này trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI chia sẻ chỉ số PCI năm 2019 phản ánh cục diện cải cách và môi trường kinh doanh ở cấp địa phương ở Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Tình hình mới này đã thay đổi với những lo lắng về khả năng suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, ông Lộc tin tưởng chỉ số niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp vào sự điều hành của các cấp chính quyền năm 2020 vẫn khả quan.
"Hiện, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh để có thể mở cửa lại thị trường, tái khởi động, phục hồi nền kinh tế. Chúng ta cũng hiểu rằng tái khởi động không phải là làm theo cách cũ bởi thế giới sau đại dịch sẽ thay đổi so với trước đây. Các dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế đang đảo chiều, các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được định hình lại một cách tin cậy và bền vững. Theo đó, các doanh nghiệp cần kinh doanh sáng tạo và trách nhiệm hơn. Bên cạnh đó, chính quyền kiến tạo sẽ song hành với doanh nghiệp trở thành những mái chèo đưa con thuyền kinh tế Việt Nam vươn ra biển lớn" ông Lộc nhấn mạnh./.
Hết cách ly xã hội, doanh nghiệp du lịch vẫn chưa thể 'ngóc đầu' Hàng không đã tăng chuyến, vận tải được nới lỏng hoạt động, tuy nhiên để du lịch phục hồi vẫn cần thêm rất nhiều thời gian. Khảo sát của VTC News cho thấy, sau hai ngày dừng thực hiện cách ly xã hội, đa số các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn ở Hà Nội vẫn chưa hoạt động trở lại....