Quảng Ninh: Công bố nguyên nhân khiến hàu nuôi chết hàng loạt
Mẫu hàu chết đều có dấu hiệu mở vỏ đồng thời vật chất lơ lửng màu vàng bám dày đặc bề ngoài vỏ hàu và dây. Số hàu còn sống trong dây hàu nuôi tập trung vào vị trí cuối dây hàu. Hàu chết chủ yếu ở giai đoạn chuẩn bị thu hoạch, số lượng hàu còn lại phát triển kém.
Sáng nay (28.4), ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho biết: Từ kết quả phân tích mẫu của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I kết hợp với khảo sát thực địa, kết quả kiểm nghiệm của Cơ quan Thú y vùng II cho thấy nguyên nhân gây hiện tượng hàu cửa sông bị chết ở Tiên Yên trong thời gian qua là do ký sinh trùng đơn bào (giống với Bonamia spp), với điều kiện thuận lợi phát triển là nhiệt độ nước ấm (25 độ C), độ mặn cao (30) kết hợp với các yếu tố như hàu gầy, yếu, sức đề kháng giảm… khiến hàu chết với tỷ lệ cao.
Hiện tượng hàu chết hàng loạt xảy ra tại các bè nuôi ở huyện Tiên Yên
Như Dân Việt đã đưa tin, tại huyện Tiên Yên, từ đầu tháng 3 các bè nuôi trên địa bàn huyện đã xuất hiện tình trạng hàu chết rải rác. Tới giai đoạn từ ngày 10 đến 14.4, tỷ lệ hàu chết tăng cao, lên đến 70-80%. Khối lượng hàu chết ở giai đoạn chuẩn bị thu hoạch lên tới 5.460 tấn/7.200 tấn (chiếm 75%), ước thiệt hại khoảng 82 tỷ đồng.
Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ninh đang thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiệt hại và tránh ảnh hưởng, lây lan đến các vùng nuôi thuỷ sản khác, khuyến cáo các cơ sở nuôi trồng thủy sản không để xảy ra vi phạm liên quan đến điều kiện nuôi trồng thủy sản, an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản.
Video đang HOT
Theo Danviet
Hàu chết la liệt ở Quảng Ngãi: Chính quyền cứ cấm, dân vẫn nuôi
Sau đợt cá bớp nuôi chết vô số, gây thiệt hại tiền tỉ cách đây chưa lâu, vừa qua một số hộ nuôi hàu tại khu vực cảng neo đậu tàu thuyền Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) lại choáng váng vì hàu nuôi chết la liệt.
Hàu nuôi nối đuôi nhau chết
Vào dịp này, mọi năm những hộ nuôi hàu tại khu vực cảng neo đậu tàu thuyền ở Sa Huỳnh bận rộn vào mùa thu hoạch, nhưng năm nay thì ngược lại, bà con đang lâm vào cảnh khốn đốn khi hàu nuôi bị chết la liệt. Đưa tay chỉ số hàu chết đã được vớt lên chất thành đống trên lồng bè, bà Nguyễn Thị Nghĩa (54 tuổi) ở thôn Thạch By, xã Phổ Thạnh, nói như khóc: "Hàu chết sạch hết rồi, mấy chục triệu tiền đầu tư của gia đình coi như tan theo bọt biển".
Bà Nghĩa cố lựa bỏ số chết, lấy số hàu sống ít ỏi còn lại bán để vớt vát lại chút vốn. Ảnh: C.X
Không riêng gì xã Phổ Thạnh, tình trạng người dân đổ xô nuôi trồng thủy sản ngoài vùng quy hoạch còn diễn ra ở khá nhiều địa phương khác như nuôi tôm tự phát trên sông Kinh ở xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi. Có thời điểm, số hồ thả nuôi tôm tại đây lên tới hơn 70 hồ, nhưng do nguồn nước ô nhiễm, tôm bị chết la liệt, người dân thua lỗ liên tục nên số hồ bỏ trống tại đây hiện chiếm hơn 80%.
Được biết vào khoảng tháng 7 - 8.2016, vợ chồng bà Nghĩa đã bỏ ra gần 25 triệu đồng để mua hàu con giống Thái Bình Dương về cấy trên 2.000 dây và thả nuôi trong 6 lồng bè. Tuy nhiên đến đầu năm 2017 thì xảy ra hiện tượng hàu chết, với số lượng ngày càng nhiều. Đến thời điểm này, số hàu còn sống trong các lồng chỉ còn lại chưa đến 10%.
"Bình thường mỗi dây tôi thu hoạch được từ 4-5kg hàu. Với số hàu nuôi ở 6 lồng, tổng sản lượng thu hoạch khoảng khoảng 2 tấn, với giá bán bình quân 30.000 đồng/kg, gia đình tôi thu lãi xấp xỉ 60 triệu đồng/vụ. Thế nhưng giờ mỗi dây chỉ còn 1-2 con hàu mà thôi" - bà Nghĩa buồn rầu nói.
Không riêng gì hàu của gia đình bà Nghĩa mà có tới 80-90% tổng số lồng bè hàu nuôi tại đây lâm vào tình trạng trên. Tỷ lệ hàu chết ở mỗi lồng từ 40-90%, cá biệt không ít lồng nuôi hàu chết sạch, ước tính thiệt hại nhiều tỷ đồng.
Ngay sau khi xảy ra tình trạng trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ngãi) đã kiểm tra, tiến hành xét nghiệm và kết luận: "Tình trạng hàu nuôi bị chết bắt đầu diễn ra từ cuối năm 2016 và kéo dài đến nay, với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân là do nguồn nước tại khu vực này bị ô nhiễm nặng bởi nước, rác thải và dầu máy của tàu thuyền neo đậu rơi vãi xuống; đồng thời độ mặn bị thay đổi đột ngột do ảnh hưởng của mưa lớn trước đó".
Trước hàu, vào cuối tháng 9.2016, cũng tại khu vực này hàng ngàn con cá bớp nuôi lồng của người dân cũng bị chết, trọng lượng cá từ 2-4kg/con, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Nguyên nhân được xác định cũng do nguồn nước tại khu vực nuôi bị ô nhiễm.
"Quả đắng" vì nuôi ngoài quy hoạch
Theo chính quyền xã Phổ Thạnh, việc nuôi hải sản, trong đó chủ yếu là cá bớp và hàu Thái Bình Dương tại khu vực cảng neo đậu tàu thuyền Sa Huỳnh diễn ra đã 5-7 năm nay, với số lượng ban đầu chỉ vài hộ. Tuy nhiên về sau, do lợi nhuận từ 2 con vật nuôi này mang lại khá cao nên ngày càng có nhiều hộ dân địa phương đầu tư nuôi.
Bà N.T.K - một trong số những hộ tham gia nuôi đầu tiên, xác nhận: "Lợi nhuận mang về từ 3 lồng nuôi cá, hàu... của gia đình có thời điểm ước đạt 100 - 200 triệu đồng/năm".
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đến thời điểm này có khoảng 67 hộ tham gia nuôi hàu tại khu vực biển ở cảng neo đậu tàu Sa Huỳnh. Điều đáng nói là ngoài chất thải của tàu thuyền neo đậu, như dầu, nhớt..., dọc bờ biển tại đây còn có rất nhiều cơ sở chế biến hải sản, đóng tàu nên môi trường biển bị ô nhiễm khá nặng. Vì vậy khu vực này nằm ngoài quy hoạch nuôi hải sản. Diện tích mặt biển không lớn nhưng với số hộ tham gia nuôi nhiều, môi trường ô nhiễm nên vật nuôi bị chết là điều dễ hiểu.
Ông Nguyễn Duy Trinh - Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh cho biết: "Không những đã cảnh báo và ngăn cấm, chính quyền địa phương còn đề nghị và số hộ dân nuôi tại khu vực biển đã viết cam kết không nuôi hải sản tại đây rồi. Thế nhưng không hiểu sao họ vẫn cứ tiếp tục nuôi".
Về phía huyện, ông Nguyễn Tấn Lái - Trưởng phòng NNPTNT huyện Đức Phổ lắc đầu nói: "Việc nuôi hàu tại cảng neo đậu tàu thuyền Sa Huỳnh là tự phát và không nằm trong khu vực quy hoạch nuôi hải sản. Chúng tôi đã cùng chính quyền địa phương nhiều lần khuyến cáo các hộ dân không thả nuôi hải sản tại đây, song bà con vẫn không nghe".
Cũng theo ông Lái, để tránh rủi ro, trong thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục cùng với chính quyền xã Phổ Thạnh tuyên truyền, đồng thời tìm chọn khu vực an toàn hơn để khuyến cáo người dân thả nuôi thủy hải sản.
Theo Danviet
Quảng Ngãi: Hàu nuôi chết la liệt, dân bỗng dưng mất cả tỷ đồng Tính đến thời điểm này, ước đến 80-90% số hộ tham gia nuôi hàu tại khu vực cảng neo đậu tàu thuyền Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, đã bị thiệt hại do hàu nuôi bị chết, với số tiền tính bằng con số nhiều tỷ đồng. Trưa ngày 14.4, tại khu vực nuôi ở cảng neo đậu tàu thuyền Sa...