Quảng Ninh chưa có doanh nghiệp đăng ký cấp thẻ nhận diện phương tiện lưu thông luồng xanh
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa trong mùa dịch COVID-19, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh bắt đầu triển khai thực hiện cấp thẻ nhận diện cho các phương tiện lưu thông luồng xanh đến các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 cầu Đá Bạc giáp ranh giữa thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) với thành phố Hải Phòng. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN
Tuy nhiên, sau 4 ngày triển khai đến nay, vẫn chưa có một đơn vị vận tải nào đăng ký, do chưa có nhu cầu vận chuyển hàng hóa vào 19 tỉnh, thành phố ở phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội.
Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh đã chủ động làm việc và thông tin với Hiệp hội vận tải Quảng Ninh về chủ trương trên để các doanh nghiệp vận tải có nhu cầu đến làm thủ tục.
Theo đó, loại phương tiện được đăng ký và cấp thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên khi hoạt động trên các luồng xanh vận tải do Tổng cục đường bộ Việt Nam công bố gồm: xe ô tô vận chuyển các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ an sinh xã hội, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, vận chuyển thiết bị, vật tư và sinh phẩm y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19… có hành trình vận chuyển đi, đến hoặc đi qua các khu vực đang phong tỏa, giãn cách hoặc khu vực ổ dịch; xe ô tô vận chuyển công nhân, người lao động, chuyên gia phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh có hành trình vận chuyển đi, đến hoặc đi qua các khu vực đang phong tỏa, giãn cách hoặc khu vực ổ dịch.
Thời gian bắt đầu từ nay đến khi kết thúc thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg (tạm thời cấp 14 ngày theo Văn bản số 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ).
Sau khi thẩm định và phê duyệt kết quả sẽ được hệ thống chuyển về địa chỉ thư điện tử (Email) của đơn vị, đơn vị vận tải nhận kết quả trực tuyến trong Email. Đơn vị vận tải tự in kết quả mà hệ thống đã gửi vào trong Email. Kết quả được in trên giấy màu vàng gồm 3 tờ: 1 tờ (khổ giấy A5) dán trên kính chắn gió phía trước và 2 tờ (khổ giấy A4) dán hai bên cánh cửa thành (ca bin) xe.
Video đang HOT
Những tín hiệu khả quan trong bối cảnh khó khăn dịch bệnh
Ủy ban Kinh tế đánh giá cao những nỗ lực và hiệu quả từ các giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
GDP vẫn đạt mức tăng tích cực
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách Nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2021, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2021 tại Quốc hội sáng 22/7, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định, Ủy ban Kinh tế tán thành với nhận định trong Báo cáo của Chính phủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh những tháng đầu năm 2021, song nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đã được ban hành kịp thời với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mạng của người dân; duy trì, ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; ổn định việc làm, hỗ trợ người dân, người lao động và các DN; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.
Năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, NSNN đã hỗ trợ DN, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh và chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với tổng số tiền 168.800 tỷ đồng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo.
GDP 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 5,64%, tuy thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng đây là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; công tác chuẩn bị nguồn hàng, bình ổn giá cả được triển khai hiệu quả, cơ bản tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ nông sản. Thu, chi NSNN đạt kết quả khả quan, tổng thu đạt 58,2% dự toán năm, tăng 16,3%; tổng chi đạt 41,2% dự toán năm, giảm 4,9%. Số thu nội địa 6 tháng đầu năm tăng 13,9% . Tiến độ các khoản thu quan trọng từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của 3 khu vực kinh tế (DN Nhà nước, DN ngoài quốc doanh, DN có vốn đầu tư nước ngoài) trong những tháng đầu năm 2021 tăng cao hơn. Thu NSNN 6 tháng từ hoạt động xuất, nhập khẩu tăng 37,5% so với cùng kỳ.
Thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỉ giá ổn định, tín dụng dần phục hồi, tăng 5,68% so với cuối năm 2020. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm; thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng được bảo đảm. Thị trường chứng khoán tăng cao. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu có tốc độ tăng cao đạt 32,2%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục duy trì xu hướng tích cực; giải ngân vốn FDI ước đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ.
Sản xuất nông, lâm và thủy sản có mức tăng khá. Sản xuất công nghiệp tiếp tục hồi phục và đạt kết quả tích cực, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực với mức tăng 11,42%. Đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ, ứng dụng hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch.
"Cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh"
Về các giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2021, Ủy ban Kinh tế đánh giá cao những nỗ lực và hiệu quả từ các giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện.
Bên cạnh đó, theo ông Vũ Hồng Thanh, trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, khiến kinh tế phục hồi không chắc chắn, nguy cơ bất ổn tài chính tại một số nước do nợ công tăng cao..., Chính phủ cần chủ động xây dựng các kịch bản, chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra.
Trước mắt, tập trung thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển Quỹ vắc xin; thông tin đầy đủ, liên tục, chính xác, minh bạch về tiêm chủng; công khai xây dựng, đẩy nhanh lộ trình mua, đa dạng hoá nguồn cung và tổ chức tốt việc tiêm vắc xin; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, thí nghiệm, cấp phép và sản xuất vắc xin trong nước.
Xây dựng kịch bản phòng, chống dịch bệnh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, hạn chế thấp nhất các khu vực bị phong tỏa, ảnh hưởng đến sản xuất. Triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Duy trì và phục hồi hoạt động DN nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động. Thực hiện phương châm "cứu DN như cứu người bệnh" để hỗ trợ tối đa cho DN, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu COVID-19.
Về bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm và thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Chính phủ cần chuẩn bị cho khả năng phục hồi các ngành, lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ quan trọng, xây dựng phương án tổ chức sản xuất và các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh, duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng. Có các biện pháp điều hành xuất, nhập khẩu hợp lý, thúc đẩy, tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước và các nguyên vật liệu sản xuất; tăng cường kiểm tra, điều hành để bảo đảm cung-cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả thị trường; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tích trữ, tăng giá bất thường.
Thực hiện nghiêm Luật Quản lý thuế, các luật thuế, chống lạm thu, chống thất thu, chống chuyển giá, giảm nợ đọng thuế, tạo dư địa phát triển nhiều hơn cho DN, nuôi dưỡng nguồn thu.
Xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa lợi nhuận của các ngân hàng thương mại với khó khăn của DN, giảm lãi suất cho vay một cách thực chất. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động, tích cực huy động vốn, giải ngân kịp thời nguồn vốn ưu đãi đến các hộ nghèo và đối tượng chính sách.
Tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thí điểm các mô hình kinh doanh mới.
"Nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ cao, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả giải ngân. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình giao thông trọng điểm (dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt đô thị Hà Nội, TPHCM)", ông Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo báo cáo thẩm tra của Uỷ ban kinh tế, Chính phủ cần chú trọng đầu tư cho hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến cơ sở, củng cố hệ thống y tế công cộng, y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe người dân. Biểu dương, khen thưởng và có chính sách hỗ trợ, động viên kịp thời đội ngũ, nhân viên trong ngành y tế, các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch bệnh.
Ảnh: Shipper tất bật vận chuyển hàng hóa vào các bệnh viện dã chiến ở TP.HCM Tại bệnh viện dã chiến số 3, 6, 7, 8, 9 đặt ở khu tái định cư Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) mỗi ngày có hàng ngàn shipper vận chuyển hàng hóa, đồ đạc cho các bệnh nhân. Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, TP.HCM đã sử dụng nhiều lô chung cư tái định cư Bình Khánh tại Khu đô...