Quân y tiếp tục hỗ trợ y tế lưu động TP HCM
Đại tá Nguyễn Văn Giang, Phó cục trưởng Quân y, cho biết lực lượng quân y tiếp tục hỗ trợ các trạm y tế lưu động ở TP HCM, chưa rút chi viện.
“Quân y tiếp tục làm thật tốt công việc chống dịch ở TP HCM, khi nào hoàn thành nhiệm vụ mới trở về”, đại tá Giang nói với VnExpress , tối 6/10.
Quân y được tăng cường vào miền Nam, giúp TP HCM chống dịch, ngày 23/8. Ảnh: Ngọc Thành
UBND TP HCM hai ngày trước gửi công văn đến Bộ Quốc phòng, đề xuất lực lượng cán bộ, học viên, y bác sĩ quân y tại trạm y tế lưu động tiếp tục hỗ trợ thành phố đến hết tháng 11 và phối hợp chặt với Sở Y tế TP HCM tham mưu điều chuyển chi viện cho các nơi nguy cơ cao và rất cao.
Thượng tướng Võ Minh Lương (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của Bộ Quốc phòng, hồi cuối tháng 9, cũng khẳng định lực lượng quân y sẽ ở lại thành phố đến hết tháng 11.
Hơn 1.600 chiến sĩ quân y từ Hà Nội vào TP HCM, chi viện 531 trạm y tế lưu động tại tất cả quận huyện của thành phố, từ 21/8 đến nay. Gần 1,5 tháng qua, các tổ quân y đã góp phần quan trọng trong việc khống chế dịch, chăm sóc F0 tại nhà, giảm tỷ lệ tử vong.
Với biến chủng Delta, F0 rất dễ chuyển nặng nên các trạm y tế lưu động với sự hỗ trợ của các tổ quân y cơ động tại mỗi phường, xã, thị trấn, đảm nhận vai trò xét nghiệm và chăm sóc, chữa trị F0 đang cách ly, điều trị tại gia đình. Ngoài ra, họ tham gia tiêm vaccine, quản lý điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu các bệnh thông thường, phối hợp chuyển tuyến bệnh nhân khi có yêu cầu và sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ khác.
Các trạm y tế lưu động tại TP HCM được thành lập từ ngày 20/8, trước bối cảnh lượng F0 liên tục tăng, tỷ lệ tử vong cao. Với hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày, dù nâng công suất giường mỗi ngày, lập bệnh viện mới, “tách đôi” nhiều bệnh viện quận huyện, tăng cường nhân lực, trang thiết bị, nhưng khâu tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 vẫn quá tải. Thành phố khi ấy chuyển hướng chiến lược, xác định điều trị F0 tại nhà và cộng đồng là một trong hai trụ cột quan trọng để kéo giảm tử vong, bên cạnh trụ cột điều trị F0 tại bệnh viện.
Lãnh đạo Sở Y tế TP HCM đánh giá việc tập trung cho công tác điều trị từ cơ sở, cùng với xét nghiệm nhanh, các phường, xã cấp phát thuốc, tư vấn tâm lý cho F0 điều trị tại nhà đã phát huy hiệu quả cao. Nhờ được cách ly, điều trị tại nhà, các F0 bớt căng thẳng về mặt tâm lý. Số ca chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm, hạn chế áp lực lên các cơ sở cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến.
Video đang HOT
Tổ quân y cơ động ở phường 11, quận Bình Thạnh hỗ trợ chăm sóc F0, ngày 23/8. Ảnh: Quỳnh Trần
Tại Lễ tuyên dương Đoàn công tác tăng cường và tham gia hỗ trợ phòng, chống Covid-19, sáng 6/10, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho rằng thành phố đã phần nào lấy lại sức sống, nhịp đập trái tim của một cơ thể đang dần khỏe lại, nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương, sự nỗ lực, kiên trì của người dân và đặc biệt sự đóng góp, chi viện to lớn từ các lực lượng trên mọi miền đất nước.
“Các đoàn y, bác sĩ đã chi viện cho TP HCM không chút do dự, xa cha mẹ già yếu, con nhỏ, thậm chí không kịp về nhà vĩnh biệt người thân. Không kể ngày nắng hay mưa, các anh chị em mặc kín đồ bảo hộ, luôn bên cạnh bệnh nhân, nhiều lúc ăn không kịp no, ngủ không tròn giấc”, ông Mãi nói và cho rằng những hình ảnh đó còn in đậm và mãi lưu trong lòng người dân thành phố.
Những sinh viên xung kích và "đợt thực tập" có một không hai
Tham gia chống dịch COVID-19, với lực lượng sinh viên xung kích, vừa là trách nhiệm vừa là cơ hội để trải nghiệm, bồi dưỡng kỹ năng. Không ít sinh viên bị phơi nhiễm, thành F0 song các bạn đều lạc quan.
"Trường" huấn luyện đặc biệt
Trên chiếc taxi trở lại điểm tập kết, Thị Kim Bích nói với người tài xế: "Chuyến này, có thể mình nhiễm bệnh đó anh". Thế nhưng rất nhanh, cô trấn an cả hai: "Xác định tham gia đội hình này, nguy cơ cao là không tránh khỏi. Nếu nhiễm thì mình chữa bệnh thôi, phải không anh?". Tài xế khẽ gật đầu...
Họ vừa trải qua cuộc sơ cấp cứu và chuyển một bệnh nhân F0 từ nhà đến bệnh viện điều trị. Bệnh nhân khá nặng khiến các bước dìu đỡ, di chuyển của cả hai gặp khó. Bích nhớ lại: "Quá trình đó, em tiếp xúc với bệnh nhân rất gần. Rồi vì quá đuối sức, cả bệnh nhân và em, anh tài xế đều thi nhau hít thở". May mắn chuyến đó tụi em không bị nhiễm bệnh.
Thị Kim Bích chọn đội hình taxi cấp cứu chuyển bệnh để tham gia, với mong muốn trực tiếp giúp đỡ các F0 chuyển nặng
Bích đang là sinh viên năm thứ sáu, ngành y đa khoa Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Từ ngày 5/8, đáp lại lời kêu gọi các tình nguyện tham gia phòng, chống dịch của nhà trường, cô xung phong vào đội hình taxi cấp cứu chuyển bệnh, phụ trách địa bàn Q.12. Đó là một "mặt trận" nhiều nguy cơ nhiễm bệnh do chỉ toàn tiếp xúc với F0 chuyển nặng, nhưng Bích khẳng định: "Công việc này không chỉ cho em cơ hội trực tiếp giúp đỡ bệnh nhân mà còn là môi trường ứng dụng các kiến thức đã học, và được trải nghiệm từ thực tế".
Bích chia sẻ thêm, giãn cách dài ngày khiến cô không về quê được. Người mẹ già chưa tiêm vắc xin mà quê thì cũng đang bùng dịch. Em không lo được cho người thân, đành dồn tất cả tâm tư này giúp người khác để mong tất cả cùng khỏe mạnh, chiến thắng dịch bệnh.
Tha thiết góp công sức vào "cuộc chiến" chống dịch cũng là tâm nguyện của Lường Văn Đạt, sinh viên năm thứ ba ngành xã hội học Trường đại học Văn Hiến. Từ ngày 30/5, khi trường phát đi lời kêu gọi, Đạt lập tức đăng ký trực chốt cách ly, chốt giao thông và điều phối lấy mẫu ở Q.Gò Vấp.
Giữa tháng Bảy, dịch bùng phát mạnh, Đạt tiếp tục về Q.10 hỗ trợ nhập liệu rồi bổ sung vào lực lượng Trạm Y tế P.13, tiếp nhận và điều chuyển F0. Môi trường công việc nguy hiểm hơn nhưng với cậu sinh viên nhạy cảm, cho đến bây giờ, nỗi sợ nhiễm bệnh chưa bao giờ tìm đến; ngược lại, là nỗi buồn, thấm thía sự khốc liệt của đại dịch. Cậu cũng đã buồn vô cùng trong lần đưa một cụ già với các chỉ số sức khỏe đang ở mức nguy kịch rời nhà. Ông mất trên chặng đường chưa đầy hai cây số đến trung tâm cấp cứu dã chiến của quận. "Lúc đó, em có cảm giác dường như một phần lỗi của mình. Bệnh ông chuyển nặng quá nhanh mà đội em đã không thể nhanh hơn", Đạt ái ngại.
Lường Văn Đạt (phải) trải nghiệm nhiều "mặt trận" chống dịch từ trực chốt đến tham gia trạm y tế, điều phối và chuyển bệnh cho F0
Tình nguyện tham gia chống dịch, với hàng chục ngàn sinh viên trong đợt dịch thứ tư này, những trải nghiệm thực tế không hề là một chuyến thực tập vốn được phép sai sót. Ngược lại, hành trình chống dịch đã như là môi trường đào tạo đặc biệt, đầy căng thẳng, mệt mỏi, không được phép sai sót và chủ quan. Càng dấn thân, các sinh viên càng được trui rèn, tích lũy kiến thức và trau dồi kỹ năng. Chịu được áp lực cao, biết kìm nén cảm xúc hay cách sắp xếp các đầu việc đã như một "tài sản" riêng.
"Nhìn người ta khó chịu, mất bình tĩnh nên nói nhiều lời không hay với đội ngũ tiêm vắc xin, em buồn lắm", Lang Minh Triết, sinh viên năm thứ năm, ngành y đa khoa Trường đại học Y Dược TPHCM, trải lòng.
Giữa tháng Bảy, TPHCM đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc xin, cần một lực lượng sinh viên tình nguyện. Triết đăng ký tham gia, giữ nhiệm vụ đội trưởng điều phối đội ngũ hơn 60 sinh viên của trường về hỗ trợ Q.11. Triết kể lại "bài học" của hôm đó: "Điểm tiêm có sự cố, nhiều người chưa được tiêm đành phải trở về khiến họ không vui do đã ngồi chờ rất lâu. Sự cố là khách quan, tụi em cũng thấm mệt nhưng cũng thấu hiểu mà lựa lời giải thích, thuyết phục". Nhận định về sự trưởng thành của nhóm, Triết cho rằng, các bạn đã già dặn hơn.
Nguyễn Thị Ngọc Mai, thành viên của Trạm y tế lưu động P.1, Q.11, khẳng định: "Kiến thức học được là vậy nhưng khi áp dụng, hiện thực cuộc sống đã dạy cho em cách linh hoạt ứng phó". Tháng 7/2022, Mai sẽ tốt nghiệp Trường đại học Nguyễn Tất Thành, chuyên ngành điều dưỡng. Đến nay đã tròn bốn tháng cô tình nguyện tham gia chống dịch, xuyên suốt nhiều "mặt trận" từ lấy mẫu, tiêm vắc xin đến hỗ trợ F0 tại nhà, qua nhiều quận, huyện như Nhà Bè, Phú Nhuận, Q.11.
Mai kể, buổi đầu khó khăn, khi hỗ trợ chuyển công năng một ký túc xá thành khu cách ly, cô và các bạn phải ăn ngủ, sinh hoạt dưới kho đồ hậu cần nóng bức. Trải nghiệm vất vả và cũng chỉ có thực thế mới phơi bày nhiều cảnh ngộ giúp Mai hiểu sâu về bức tranh muôn màu của cuộc sống. Qua đó, cô trưởng thành hơn trong cảm xúc, suy nghĩ, nhận định riêng. Đó là khi Mai chứng kiến rất nhiều trường hợp người già sống cô quạnh, trở thành F0, họ chỉ được phát hiện lúc bệnh tình đã nặng.
Mai nhớ, có người đàn ông lớn tuổi bị khuyết tật ở chân sống bằng từng hộp cơm từ thiện được người ta mang đến tận cửa nhà. Nhiều ngày, người đưa cơm vẫn thấy những phần cơm còn nguyên, gọi báo cho cơ quan chức năng. Khi đội hỗ trợ đến, đập cửa xông vào, ông đang nằm một mình, thoi thóp giữa mớ bừa bộn của quần áo và rác thải sinh hoạt. Dương tính qua test nhanh, ông lập tức được đưa đi bệnh viện dã chiến. Căn nhà được đội tình nguyện dọn dẹp. "Nếu không được phát hiện kịp, ông sẽ ra sao...", Mai chạnh lòng trộm nghĩ.
Nguyễn Thị Ngọc Mai (thứ hai từ phải sang) trưởng thành hơn về nhận thức, suy nghĩ khi chứng kiến bức tranh muôn màu của cuộc sống
Những bài học quý báu cho nghề
Không sợ nhiễm bệnh, mong thành phố sớm kiểm soát dịch bệnh để trở lại cuộc sống bình thường, rồi được đến giảng đường gặp bạn bè, thầy cô hay chỉ một chuyến xe đêm đã có thể về thăm gia đình.Lý lẽ chừng như rất giản đơn đó thôi thúc các sinh viên xung phong, trở thành thành viên của "gia đình" tuyến đầu.
Nhưng dịch bệnh không phải một "cuộc chơi" hay thử sức của lứa tuổi chưa có nhiều trải nghiệm. Nó đòi hỏi tính trách nhiệm, nhận thức và cố gắng không ngừng khi đón nhận nhiệm vụ. Chọn theo đuổi một tương lai, "sự nghiệp" gắn với gìn giữ sinh mạng của người khác, đồng nghĩa phải chấp nhận đối mặt bất kể bệnh nhân hay bất cứ loại dịch bệnh nguy hiểm nào. Quá trình tham gia, đã có nhiều sinh viên bị phơi nhiễm, thành F0 song các bạn đều lạc quan, coi đó như một tai nạn thường tình của nghề.
Ông Trần Mạnh Thái, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ người học, Trường đại học Văn Hiến, cho biết khi thành phố kêu gọi các tình nguyện, trường lập tức phát động các sinh viên tham gia với bốn đội hình chuyên trách. Một là tham gia theo địa bàn do Thành đoàn TPHCM phân công, bao gồm lấy mẫu ở chợ đầu mối Bình Điền. Hai là hỗ trợ các địa phương nơi có cơ sở nhà trường trú đóng. Ba là các sinh viên đang ở quê chưa kịp về thành phố, chủ động tham gia vào đội hình chống dịch của địa phương. Đội hình còn lại là các sinh viên của trường có trải nghiệm là F1, F0 lập thành đội tư vấn cách chăm sóc, hỗ trợ các F0 là sinh viên của trường thông qua đường dây nóng. Đến nay, trường có hơn 100 sinh viên tham gia chống dịch.
Khi tham gia chống dịch, tất cả đều xuất phát từ nhận thức cống hiến tâm sức. "Do đó, tôi tin rằng các em sẽ thu hoạch rất nhiều kiến thức và kỹ năng tốt. Kinh nghiệm có thể được học hỏi qua đúc kết từ nhiều nguồn và nhiều người song trải nghiệm của bản thân chắc chắn sẽ là hành trang quý báu giúp các em thành công sau này", ông Thái nói.
Ở Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ngay từ đợt dịch thứ nhất đã ký một thỏa thuận hợp tác cùng Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM để đồng hành trên mọi "chiến tuyến" phòng, chống dịch. Đợt dịch lần thứ tư này, phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường chủ động hỗ trợ mọi khả năng có thể để cùng thành phố kiểm soát nhanh dịch bệnh thông qua chín "mặt trận", tập trung hướng về chăm sóc sức khỏe cộng đồng như F0 tại nhà, khu cách ly. Bên cạnh hơn 2.000 giảng viên, y, bác sĩ hỗ trợ các bệnh viện điều trị tầng 2, 3 của ngành y tế, hàng ngàn sinh viên của trường cũng xung kích tham gia trên các "mặt trận" như tổng đài cấp cứu 115, taxi cấp cứu chuyển bệnh, tổ y tế từ xa...
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hiệp nhận định: "Môi trường đặc biệt của cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 đã rèn luyện, đào tạo và trang bị cho lực lượng sinh viên xung kích của trường các kỹ năng, trải nghiệm quý báu. Các em trưởng thành hơn. Qua đó, trường đã nhận diện được nhiều sinh viên rất giỏi, tích cực vì cộng đồng, sẵn sàng bất chấp mọi khó khăn và thể hiện tính y đức cao của ngành nghề đã chọn".
Đây là thời điểm các sinh viên đang chuẩn bị thi tốt nghiệp hoặc xét lên lớp. Như nhiều trường đại học khác, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trao cho sinh viên còn đang bận chống dịch chính sách hoãn thi, tổ chức thi lần hai nhưng tính điểm như lần một. Đặc biệt, hiệu trưởng nhà trường khẳng định, năm nay, truyền thống giữ lại sinh viên giỏi sau tốt nghiệp ra trường để trở thành giảng viên có thêm một tiêu chí: đó là ưu tiên chọn các em đã kiên cường dấn thân trong "cuộc chiến" cam go này.
Bình Dương đưa mô hình y tế lưu động gần dân, doanh nghiệp Với mục tiêu đảm bảo chiến lược trở lại trạng thái "bình thường mới" sống trong an toàn, tỉnh Bình Dương chú trọng mở nhiều Trạm y tế lưu động gần với người dân, doanh nghiệp và những "pháo đài" phường, xã. Ra mắt đội ngũ y, bác sỹ phụ trách Trạm y tế lưu động theo dõi dịch COVID-19 trong doanh nghiệp...