Quân nổi dậy Syria giảm nhuệ khí vì xâu xé nội bộ
Bất đồng lý tưởng trong nội bộ quân nổi dậy đã làm giảm nhuệ khí chiến đấu của họ, mở ra cánh cửa giành chiến thắng vang dội cho quân chính phủ tại chảo lửa Aleppo.
Quân chính phủ Syria tuần tra ở quận Tariq al-Bab, phía tây Aleppo, vào ngày 3/12. Ảnh: AP
Khi quân chính phủ và các đồng minh chuẩn bị đẩy mạnh tấn công vào Aleppo, tâm điểm của cuộc nội chiến ở Syria, hồi tháng trước, một trong những nhóm quân nổi dậy nắm kiểm soát một phần thành phố này đã cầm súng chống lại một nhóm khác để cướp đạn dược, nhiên liệu và thực phẩm.
Vụ việc, xảy ra gần một khu vực tiền tuyến ở Aleppo, bộc lộ mâu thuẫn ngày càng sâu sắc trong nội bộ quân nổi dậy trước bối cảnh quân chính phủ Syria đang mở chiến dịch tấn công dữ dội chưa từng thấy vào Aleppo với sự hậu thuẫn từ Nga và các tay súng Hồi giáo Shiite.
Đấu đá trong nội bộ quân nổi dậy đã tàn phá sức mạnh của phe đối lập Syria kể từ khi bắt đầu cuộc chiến chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào năm 2011 và giờ đây đang giúp ông tiến gần hơn đến một thắng lợi vang dội nhất, theo Reuters.
Nội bộ cắn xé
Các tay súng nổi dậy đứng bên cạnh một chiếc xe buýt bị hỏng được sử dụng làm chướng ngại vật ở quận Bab al-Hadid, thành phố Aleppo. Ảnh: Reuters
Sự rút lui bất ngờ của các tay súng phe nổi dậy ở một số khu vực của Aleppo thời gian gần đây đã làm dấy lên những tố cáo lẫn nhau trong phe đối lập đang bị chia rẽ bởi mối hiềm khích giữa các phe nhóm địa phương cũng như bất đồng về lý tưởng giữa những nhóm chủ trương chiến tranh Hồi giáo và các nhóm theo xu hướng chủ nghĩa dân tộc.
Trong một biến cố xảy ra tháng trước, nhóm nổi dậy Fastaqim thuộc FSA bị các tay súng của Phong trào Nour al-Din al-Zinki tấn công tại Aleppo. Phong trào Nour al-Din al-Zinki trước đây tự xếp mình vào hàng ngũ FSA nhưng thời gian qua đã ngả sang các nhóm chủ trương chiến tranh Hồi giáo.
Các mâu thuẫn phe nhóm đã góp phần làm nhụt nhuệ khí quân nổi dậy. “Thật đáng tiếc, vấn đề này gây ra tác động tiêu cực đối với các phe nhóm và tình hình nội bộ. Nó ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý của các tay súng nổi dậy và người dân”, một lãnh đạo nhóm nổi dậy Jabha Shamiya tại Aleppo nói.
Cuộc tranh giành quyền lực đã dần bùng lên thành một cuộc đấu đá gay gắt diễn ra thường xuyên giữa những nhóm nổi dậy có quân số lớn.
Video đang HOT
Các nguồn tin từ Phong trào Nour al-Din al-Zinki cho biết nguyên nhân dẫn tới vụ xung đột trên là do nhóm Fastaqim âm mưu chống lại một trong các đồng minh của phong trào này.
Trong khi đó, nhóm Fastaqim chỉ trích Phong trào Nour al-Din al-Zinki đang phối hợp với các tay súng của tổ chức Fateh al-Sham (tên gọi trước đây là Mặt trận al-Nusra) để tiêu diệt các nhóm nổi dậy chủ lực ở Aleppo.
“Trên một số phương diện, quan hệ giữa các phe nhóm nổi dậy ở Aleppo đã xấu đi ngay cả trong bối cảnh cuộc tấn công của quân ủng hộ chính phủ đang gia tăng. Điều này góp phần làm hạn chế năng lực chiến đấu của phe đối lập chống lại các cuộc tấn công từ phe chính phủ ở giai đoạn đầu”, Noah Bonsey, nhà phân tích cao cấp thuộc Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế (ICG), nhận xét.
Suy giảm nhuệ khí
Người dân tháo chạy khỏi các khu vực quân nổi dậy kiểm soát ở phía đông Aleppo ngày 27/11. Ảnh: AP
Quân nổi dậy rơi vào tình thế bất lợi kể từ khi không quân Nga can thiệp vào cuộc nội chiến Syria hồi tháng 9 năm ngoái. Quân nổi dậy cho hay các rạn nứt nội bộ chỉ là một nhân tố nhỏ dẫn đến thất bại nếu so với với hỏa lực mạnh mẽ đến từ các chiến đấu cơ Nga, những tay súng người Shiite và lực lượng quân đội Syria.
Dù vậy, giới phân tích vẫn nhìn nhận những cuộc đấu đá nội bộ rõ ràng tác động không nhỏ tới nhuệ khí chiến đấu của quân nổi dậy. Xung đột giữa các nhóm thuộc quân nổi dậy trong năm nay đã giúp ông Assad cùng các đồng minh giành nhiều thắng lợi quan trọng tại những khu vực xung quanh trung tâm quyền lực ở thủ đô Damascus.
Ali al-Omar, thủ lĩnh mới được bổ nhiệm của nhóm Ahrar al-Sham (Phong trào Hồi giáo của người dân tự do vùng Cận Đông), một trong những nhóm lớn nhất thuộc quân nổi dậy, đang ra sức kêu gọi nỗ lực mới hướng đến đoàn kết vì nhận ra rằng “những rạn nứt gây hại” đã dẫn đến thất bại của phe đối lập.
Tuy nhiên, bản thân Ahrar al-Sham cũng có những chia rẽ bên trong hàng ngũ giữa phe ủng hộ các nhóm nổi dậy FSA và phe muốn thắt chặt quan hệ với các tay súng ngưỡng mộ tổ chức khủng bố al-Qaeda.
Quân nổi dậy đang có những động thái cuối cùng nhằm sắp xếp lại các nhóm vào một tổ chức hiệu quả hơn mang tên “Quân đội Aleppo”. Song hai bình luận viên Tom Perry và Suleiman Al-Khalidi của Reuters cho rằng sau khi mất phần lớn lãnh thổ Aleppo vào tay quân chính phủ, nỗ lực này có thể đã quá muộn màng.
Hồng Vân
Theo VNE
Trump có thể đẩy quân nổi dậy Syria vào bước đường cùng
Phong trào nổi dậy Syria có thể sẽ bị bỏ rơi và bị xóa sổ sau khi Trump, người có thiện cảm với Nga, trở thành Tổng thống Mỹ.
Giao tranh nổ ra dữ dội ở Aleppo, Syria. Ảnh: Reuters
Trong tuần qua, quân đội chính phủ Syria đã chiếm được ít nhất 1/3 khu vực do phe nổi dậy kiểm soát ở thành phố chiến lược Aleppo, miền bắc nước này. Aleppo được coi là thành trì cuối cùng của phe nổi dậy ở Syria, việc để mất thành phố này coi như là cái kết với phong trào vũ trang chống lại Tổng thống Bashar al-Assad, theo PRI.
Quân nổi dậy đã kiểm soát Aleppo suốt nhiều năm qua, dưới sự hậu thuẫn về vũ khí, trang bị hậu cần và huấn luyện chiến đấu của Mỹ. Nhưng kể từ khi quân đội chính phủ Syria và các đồng minh dưới sự yểm trợ của không quân Nga siết chặt vòng vây quanh thành phố, tương lai của lực lượng này chỉ còn tính bằng ngày.
"Tôi tin rằng Aleppo sẽ thất thủ trong vòng một hoặc hai tháng tới", Josh Landis, giám đốc trung tâm Nghiên cứu Trung Đông thuộc Đại học Oklahoma, Mỹ, nhận định. "Thành phố đã bị bao vây, họ không nhận được viện binh, không có thêm vũ khí đạn dược. Tất cả chỉ còn là vấn đề thời gian".
Tình thế của phe nổi dậy Syria nguy cấp đến mức Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong những ngày qua đã tăng cường liên lạc với phía Nga về vấn đề Syria, trong một nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận quan trọng với Moscow trước khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng một năm sau, theo RT.
Cây bút Josh Rogin của Washington Post cho hay ông Kerry đang thực hiện nỗ lực cuối cùng để ngăn chặn chiến dịch tấn công của quân đội chính phủ Syria ở Aleppo, bởi chính quyền của ông Trump có thể sẽ "đứng về phía Tổng thống Syria Bashar al-Assad".
Trợ lý Tổng thống Nga Yury Ushakov cũng xác nhận ông Kerry đã tăng cường liên lạc với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov để thảo luận về tình hình Syria. "Đây có thể coi là một nỗ lực không thể tin nổi, bởi chưa từng có nhiều cuộc gọi giữa Ngoại trưởng Mỹ với người đồng cấp Nga đến vậy, mà chỉ tập trung thảo luận vấn đề duy nhất là Syria", Ushakov cho biết.
Washington Post dẫn nguồn tin từ 4 quan chức giấu tên Mỹ cho hay ông Kerry muốn thực hiện một lệnh ngừng bắn cục bộ ở Aleppo, bằng cách đề nghị phân biệt rõ phe nổi dậy "ôn hòa" với các nhóm khủng bố khác như Jabhat Fatah al-Sham. Có thông tin ông Kerry đã huy động cả các nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Arab Saudi, Qatar và cả Iran để tham gia vào nỗ lực này.
"Các quan chức này cho biết ông Kerry vẫn chưa được Nhà Trắng trao thẩm quyền để tạo ra bất cứ sức ép đáng kể nào đối với Nga hoặc ông Assad, đặt ông vào thế đàm phán rất yếu. Nếu bà Hillary Clinton đắc cử, ông Kerry sẽ có nhiều động lực hơn, bởi bà được dự đoán là sẽ theo đuổi chính sách Syria cứng rắn hơn", Rogin viết.
Rõ ràng ông Kerry không còn nhiều thời gian, bởi ông Trump chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ. Nếu trong thời gian này, quân đội chính phủ Syria chiếm được Aleppo, phe nổi dậy sẽ bị cô lập ở tỉnh Idlib và bị bao vây từ ba phía. Biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ là con đường rút lui duy nhất của họ, nhưng Ankara gần đây đã thay đổi lập trường, ngày càng xích lại gần hơn với Moscow.
Quân nổi dậy Syria sẽ bị bao vây ở Idlib nếu thất thủ tại Aleppo. Đồ họa: SouthFront
Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như cũng tin rằng đây là thời điểm thuận lợi chưa từng có để tung đòn quyết định ở Aleppo. Trên chiến trường, quân nổi dậy gần như đã kiệt quệ sau nhiều tháng bị vây hãm. Trong khi đó, Putin tin rằng người đồng cấp Mỹ Barack Obama về cơ bản là đã từ bỏ chiến lược ở Syria và sẽ bàn giao lại vấn đề đầy thách thức này cho người kế nhiệm.
Dấu chấm hết
Sau khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, phe nổi dậy Syria ngày càng trở nên vô vọng. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích phe nổi dậy Syria, công khai bày tỏ thiện cảm với Tổng thống Putin. Các nhóm nổi dậy Syria từng rất hy vọng bà Clinton sẽ đắc cử và có những biện pháp hữu hiệu để giúp họ thoát khỏi cảnh bị tiêu diệt.
Ông Trump từng ám chỉ rằng ông sẽ cho rút toàn bộ lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang hỗ trợ phe nổi dậy Syria ở miền đông Aleppo và khu vực giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Ông cũng tuyên bố rằng việc củng cố chính quyền của Tổng thống Assad có thể giúp ngăn ngừa chủ nghĩa cực đoan lan rộng.
Landis tin rằng chiến thắng của ông Trump chính là sự bắt đầu cho dấu chấm hết của phong trào nổi dậy Syria. "Aleppo chính là nơi quy tụ phần lớn những tay súng mà Mỹ coi là thành phần ôn hòa, được CIA huấn luyện quân sự và cung cấp vũ khí", ông nói.
Vladimir Frolov, chuyên gia phân tích đối ngoại Nga, nhận định rằng ông Trump sau khi nhậm chức sẽ không có bất cứ động thái nào ngáng đường Putin ở Syria, và sẽ chấp nhận "sự đã rồi" mà Nga tạo dựng ở Syria trước khi ông bước vào Nhà Trắng.
Bởi vậy, quân đội chính phủ Syria đang làm tất cả những gì có thể để tạo nên hiện trạng mới trên thực địa ở Aleppo trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức, Landis nhận định.
Các tay súng nổi dậy ở Aleppo. Ảnh: Reuters
Một khi thất thủ ở Aleppo, quân nổi dậy sẽ phải co cụm về Idlib, nơi họ ngày càng bị cô lập và dễ bị dồn vào con đường cực đoan hóa. "Đó là khu vực mà al-Qaeda và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác chiếm ưu thế. Ông Trump hay bất cứ ai khác sẽ rất khó để tiếp tục giúp đỡ họ bằng cách huấn luyện hay viện trợ vũ khí, bởi họ lúc đó đã gắn bó quá mật thiết với các nhóm Hồi giáo cực đoan", Landis nói.
"Theo kịch bản này, phe nổi dậy Syria sớm hay muộn sẽ bị xóa sổ, và vai trò của Mỹ trong cuộc chiến ở Syria, ngoài chiến dịch tiêu diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo, sẽ gần như chấm dứt khi ông Trump lên nắm quyền", chuyên gia này nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Đại tá Nga thiệt mạng ở Syria Đại tá Ruslan Galitsly thiệt mạng vì vết thương nặng trong cuộc tấn công của phe đối lập Syria tại khu dân cư ở Aleppo, Syria. Một binh sĩ Nga hôm 4/12 bước tới xe quân sự tại khu vực dân cư Hanono do chính phủ kiểm soát tại Aleppo. Ảnh: Reuters "Đại tá Ruslan Galitsky vừa qua đời tại bệnh viện vì...