Quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam – Anh được hưởng lợi từ EVFTA
Phát triển quan hệ thương mại và đầu tư với Việt Nam là ưu tiên của nhiều doanh nghiệp Anh. Theo đó sau khi hiệp định tự do thương mại Liên minh châu Âu (EU)-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp Anh có triển vọng đầu tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam.
Sản xuất ngành dệt may xuất khẩu sang châu Âu. Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại London, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Anh, Nguyễn Cảnh Cường đã có những nhận định và dự báo tác động của EVFTA đối với quan hệ thương mại và đầu tư hai nước. Ông cho rằng chất xúc tác mà EVFTA tạo ra là điều kiện tiếp cận thị trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp như thuế giảm về 0% với rất nhiều sản phẩm, và phần nhỏ các sản phẩm khác thì sẽ giảm thuế theo lộ trình; chất xúc tác thứ hai của hiệp định là gián tiếp nhưng có sức lan tỏa rất mạnh đó là niềm tin của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Cảnh Cường cho rằng đối với hiệp định bảo hộ đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA), tuy hiện đang chờ Quốc hội một số nước thành viên EU phê chuẩn để có hiệu lực, nhưng cùng với EVFTA, hiệp định đã tạo ra niềm tin cho các nhà đầu tư EU, trong một tương lai gần các nhà đầu tư sẽ thấy mình được bảo vệ tốt hơn và có các cơ sở pháp lý để hoạch định và triển khai các dự án đầu tư dài hơi mà có thể các hiệp định song phương đầu tư giữa các nước thành viên EU với Việt Nam trước đây chưa bao gồm hết các quan tâm và mong đợi của các nhà đầu tư.
Hiệp định thương mại có tác dụng nhanh hơn nhiều so với hiệp định đầu tư, nhưng tính dài hơi và bao trùm của hiệp định đầu tư có thể giúp cho sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam cho các nhà đầu tư châu Âu lớn hơn nhiều. Tham tán Thương mại Việt Nam tại Anh cho rằng trong quan hệ về thương mại và đầu tư của EU và các nước khác trong khu vực, Việt Nam đang ở lợi thế rất lớn nhờ hai hiệp định EVFTA và EVIPA vì hiện nay trong ASEAN mới có Singapore có hiệp định FTA với EU, nhưng Việt Nam với thị trường gần 100 triệu người tiêu dùng sẽ là một thị trường có sức hút mạnh hơn đối với các nhà đầu tư châu Âu. .
Đại dịch COVID-19 đang làm thay đổi tập quán tiêu dùng và xuất nhập khẩu tại Anh theo xu hướng thương mại điện tử tăng trưởng mạnh; nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe tăng; dự trữ hàng tiêu dùng thiết yếu và thiết bị vật tư y tế tăng; giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc đồng thời thiết lập thêm các kênh thương mại mới với các doanh nghiệp đến từ các nước đã ký FTA, các nước đang đàm phán ký FTA với Anh và các nước tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Video đang HOT
Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Anh, dư địa tăng trưởng thị trường tại Anh cho sản phẩm Việt Nam còn rất lớn vì tất cả các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam chỉ chiếm được không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỷ USD (2019) của Anh. Triển vọng EVFTA có hiệu lực trong tương lai gần sẽ giúp nhiều sản phẩm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn các sản phẩm cùng loại đến từ các nước chưa có FTA với Anh như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Myanma và Brazil.
Đề cập đến Hiệp định tự do thương mại Anh-Việt Nam sau khi Anh rời khỏi EU, Tham tán Thương mại Nguyễn Cảnh Cường cho biết việc Anh rời EU có thể dẫn tới khả năng nước này sẽ thiết lập một số tiêu chuẩn kỹ thuật mới, nhưng những tiêu chuẩn mới sẽ không phức tạp hơn, mà với Việt Nam lại trở thành đơn giản vì Việt Nam có lợi thế đội ngũ vừa là chuyên gia kỹ thuật vừa là giới doanh nhân ngày càng có khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo. Ngoài ra, với tiêu chuẩn kỹ thuật, điều này không làm khó doanh nghiệp Việt Nam vì có rất nhiều doanh nghiệp đã trưởng thành và vươn ra thị trường quốc tế ở những thị trường rất lớn và rất khó tính như Mỹ, Nhật Bản – những thị trường nảy sinh ra những rào cản kỹ thuật.
Ông Nguyễn Cảnh Cường nêu rõ những mặt hàng có cơ hội gia tăng xuất khẩu thuộc nhóm hàng có nhu cầu tiêu dùng cao và/hoặc được miễn giảm thuế nhập khẩu ngay sau khi EVFTA có hiệu lực như điện thoại và phụ kiện, hàng dệt may, giày thể thao, máy vi tính, cà phê, trà, rau quả, bánh kẹo và sản phẩm làm từ ngũ cốc, hạt tiêu, mật ong, thủy sản, gạo thơm (thuế 0% theo hạn ngạch), đồ dùng nhà bếp, đồ gỗ, sản phẩm cao su, dụng cụ thể thao, dây cáp điện, sản phẩm chất dẻo, sản phẩm mây tre cói thảm. Ngoài những sản phẩm truyền thống này, xuất khẩu thiết bị và vật phẩm y tế cũng rất có triển vọng do nhu cầu sử dụng và dự trữ tăng.
Các lĩnh vực có thể được hưởng lợi từ EVFTA bao gồm các sản phẩm hiện đang phải đối mặt với thuế nhập khẩu cao ở EU và Vương quốc Anh (may mặc, giày dép, thực phẩm), các sản phẩm có thể lợi ích từ việc cải thiện công tác tại biên giới theo cả hai hướng (điện tử, thiết bị y tế, dược phẩm) và các dịch vụ khác nhau. Đây có thể là những ngành có thể thu hút thêm đầu tư từ Anh trong tương lai. Xuất khẩu dịch vụ của Vương quốc Anh như phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ giáo dục, dịch vụ tài chính và các dịch vụ chuyên môn liên quan pháp lý, kế toán, bảo hiểm, dịch vụ kỹ thuật và quản lý có thể gia tăng.
Bên cạnh đó Việt Nam có một số đối thủ cạnh tranh rõ ràng trong việc thu hút đầu tư vào chuỗi giá trị trong các lĩnh vực sản xuất quần áo, sản phẩm điện tử và sản xuất công nghiệp nhẹ. Đó là các nước ASEAN, Bangladesh, Mexico và Ấn Độ.
Tham tán Thương mại Nguyễn Cảnh Cường cho rằng một phần nhờ các điều kiện kinh doanh được cải thiện và việc ký kết các thỏa thuận thương mại mới như CPTPP và EVFTA , các doanh nghiệp Anh thấy Việt Nam cam kết mở cửa thị trường và tự do hóa dựa trên luật lệ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Anh chưa có động thái chuyển dịch đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, hiện nay các nhà đầu tư Anh tỏ ra quan tâm đến năng lượng mà Việt Nam có nhu cầu về năng lượng rất là lớn vì nguồn cung cấp không theo kịp gia tăng nhu cầu .Trong khi đó Anh là một trong những nước có công nghệ năng lượng tiên tiến, có nguồn lực tài chính vì đầu tư cho năng lượng đòi hòi nguồn lực tài chính lớn. Anh cũng là nước có rất nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính lớn, vai trò của các ngân hàng, tổ chức tài chính thu xếp nguồn vốn cho các dự án năng lượng là rất quan trọng, vì ngoài công nghệ cần có vốn mới thực hiện được các dự án. Một ngành khác quan trọng không kém đi theo các dự án năng lượng đó là đầu tư của các công ty về tiêu chuẩn hóa và tư vấn về năng lượng đã thể hiện quan tâm đặt văn phòng khu vực tại Việt Nam.
Trong giai đoạn từ 2010-2018, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt- Anh tăng trung bình 17,8%/năm, cao hơn mức trung bình chung của Việt Nam 10%/năm, trong đó Việt Nam liên tục xuất siêu. Trong ba năm gần đây, Việt Nam xuất khẩu sang Anh gần 7 tỷ USD giá trị hàng hóa tập trung vào điện thoại- linh kiện, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính – linh kiện, hạt điều, cà phê, hạt tiêu trong khi nhập khẩu chưa tới 900.000 USD giá trị hàng hóa mỗi năm chủ yếu là máy móc, thiết bị, dược phẩm, sắt thép, hóa chất. Thương mại Việt – Anh 4 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 1,5 tỷ USD, giảm 17,8%. Nguyên nhân chính do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, đồng bảng Anh tiếp tục mất giá so với USD và các chuyến bay thương mại giữa hai nước tạm dừng từ đầu tháng 4/2020.
Xuất nhập khẩu tháng 4 bắt đầu "ngấm đòn" Covid-19
Tổng cục Hải quan cho biết trong nửa đầu tháng 4/2020 (từ ngày 1 đến 15/4), kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 17,8 tỷ USD, giảm đến 28,3% tương đương 7,03 tỷ USD so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 3/2020.
Theo đó tông trị giá hàng hoá xuất khẩu nửa đầu tháng 4 chỉ đạt 8,26 tỷ USD, giảm 36,6% (tương ứng giảm 4,72 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 3/2020.
Kim ngạch xuất khẩu giảm chủ yếu do mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện giảm 52,1% (tương ứng giảm 1,39 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 31,6% (giảm 669 triệu USD); hàng dệt may giảm 36% (giảm 416 triệu USD)...
Tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu nửa đầu tháng 4 chỉ đạt 9,54 tỷ USD, giảm 19,5% (tương ứng giảm 2,31 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 3/2020.
Kim ngạch nhập khẩu giảm chủ yếu do mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 30,4% (giảm 827 triệu USD); vải các loại giảm 19,6% (tương ứng giảm 122 triệu USD); dụng cụ, phụ tùng giảm 6,2% (tương ứng giảm 103 triệu USD).
Tổng cục Hải quan cho biết mặc dù kim ngạch nửa đầu tháng 4 giảm nhưng tính chung từ đầu năm đến hết ngày 15/4/2020, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước vẫn đạt 140,75 tỷ USD, tăng 3,2% (tương ứng tăng 4,33 tỷ USD về số tuyệt đối) so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 88,02 tỷ USD, tăng 1,2% (tương ứng tăng 1,08 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 52,73 tỷ USD, tăng 6,6% (tương ứng tăng 3,25 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019.
An Bình
Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 7 tỷ USD trong nửa đầu tháng 4 Nửa đầu tháng 4/2020, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam giảm mạnh so với nửa cuối tháng 3. Trong đó, cả nước nhập siêu gần 1,3 tỷ USD.Theo thông tin Tổng cục Hải quan vừa công bố, trong 15 ngày đầu tháng 4, kim ngạch xuất khẩu cả nước chỉ đạt gần 8,26 tỷ USD, giảm tới hơn 4,7...