Quan hệ mẹ chồng – nàng dâu: Gương vỡ khó lành
Nhiều gia đình mẹ chồng, con dâu như nước với lửa nhưng cũng có rất nhiều mẹ chồng vô cùng “hiền” và tâm lý với con dâu. Đáng tiếc, đôi khi những ứng xử chưa khéo léo của con dâu lại làm sụp đổ mối quan hệ đẹp ấy.
Ra oai với mẹ chồng
Loan và Thành yêu nhau từ hồi Loan còn là sinh viên trọ học ở gần nhà anh. Sau khi tìm hiểu một thời gian, Thành đã đưa bạn gái về ra mắt bố mẹ. Loan kể, ngày ấy cũng run và lo lắng lắm, vì mình là con gái nhà quê, cũng chẳng xinh đẹp gì, sợ bố mẹ anh ấy không thích. Thế nhưng, ngược lại với những lo lắng của cô, bố mẹ Thành lại nhiệt tình chào đón và đối xử rất tốt với cô. Có lẽ vì nhà ông bà chỉ có mỗi 2 cậu con trai, mà đây lại là mối tình đầu của con trai cả nên ông bà vui mừng chứ không xét nét như nhiều người khác.
Loan cũng là cô gái ngoan, dịu dàng, lễ phép nên mỗi lần qua chơi tình cảm của bố mẹ người yêu dành cho cô càng tăng lên. Những hôm thứ bảy, Chủ nhật rảnh rỗi, Loan thường qua nhà cùng mẹ Thành đi chợ mua đồ về nấu nướng. Bà là một người nấu ăn ngon và kỹ tính, còn Loan lại thích việc bếp núc, ham học hỏi lên hai người thực sự tâm đầu ý hợp. Bà cũng coi Loan như cô con gái nhỏ của mình, có cô đến chơi nhà cửa cũng rộn ràng hơn là khi chỉ có bà và ba người đàn ông.
Loan ra trường, họ làm đám cưới trong niềm vui mừng, mãn nguyện của hai bên gia đình. Loan luôn tự hào về tình cảm khăng khít, yêu thương giữa mình và mẹ chồng. Cô vẫn thường tâm sự: Em cứ thấy mọi người hay nói xấu mẹ chồng, chê này chê nọ mà thấy sao ấy. Mẹ chồng thì cũng như mẹ mình thôi mà.
Tình cảm mẹ chồng – nàng dâu đậm đà là thế mà đùng một cái đã thay đổi 180 độ. Ấy là khi đứa con đầu lòng, cháu đích tôn của gia đình chào đời. Bà nội dành hết mọi sự quan tâm, chăm sóc, thương yêu đứa cháu bé bỏng thành ra người mẹ trẻ cảm thấy mình thừa thãi. Con ăn sữa gì, mặc quần áo gì, tắm rửa ra sao cũng do bà quyết định. Cách chăm trẻ của bà giống hệt như ngày xưa, khi bà nuôi bố nó vậy. Vốn là người chủ động, lại muốn tự tay chăm sóc con mình, hàng ngày Loan đã tìm hiểu nhiều phương pháp nuôi dạy con mới và khoa học trên mạng, trong sách báo nhưng mẹ chồng cô thì lại nghĩ khác: Ngày xưa tôi nuôn bố nó như thế mà bụ bẫm, cứng cáp, có sao đâu.
Những mâu thuẫn nhỏ bé cứ âm thầm nhen nhóm tự lúc nào, chỉ chờ dịp bùng lên. Một lần thằng bé bị ốm, ho sù sụ, Loan bảo phải cho uống kháng sinh mới khỏi được, còn bà thì cứ một mực nói trẻ còn bé, cứ chữa theo cách thông thường như các cụ ngày xưa là dùng húng chanh hấp mật ong, nước cốt chanh đào là khỏi ngay. “Con của con mẹ để con tự quyết định!” – Loan hét lên.
Ngay sau đó là sự vỡ vụn của những niềm vui ngày nào, những tình cảm quấn quýt mẹ chồng, nàng dâu chỉ còn là kỷ niệm. Bà cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm và không thể tha thứ cho Loan, mặt mày lúc nào cũng lạnh tanh. Kể từ đó dù vẫn chăm sóc cháu nội nhưng bà để mặc mọi chuyện cho Loan quyết định, có thể gọi đó là sự “bằng mặt mà không bằng lòng”.
Video đang HOT
Loan vô cùng hối hận khi chỉ vì một chuyện không đâu, chỉ vì cách xử sự thiếu tế nhị của mình mà tình cảm giữa cô và mẹ chồng đã rạn vỡ. Bát nước hắt đi khó mà lấy lại, quan hệ mẹ chồng – nàng dâu xưa nay vốn hay hiềm khích, nay dù đã nỗ lực rất nhiều nhưng Loan vẫn chưa thể trở lại với những ngày xưa tươi đẹp…
Con dâu “vụng chèo”
Sau khi cưới nhau, vợ chồng Mai được ra ở riêng trong một căn hộ tập thể cùng khu nhà với bố mẹ chồng. Lúc còn son rỗi, hàng ngày đi làm về họ lại quây quần cơm nước cùng bố mẹ. Đó là những ngày “ở riêng nhưng ăn chung” khá vui vẻ. Những lúc muốn lang thang dạo phố sau giờ tan tầm cùng chồng, ăn những món mình thích, ghé những nơi mua sắm quen thuộc để xem đồ… Mai luôn chủ động gọi điện sớm để bà không phải nấu cơm cho hai vợ chồng. Những lúc ấy, dù nhận thấy mẹ chồng có phần không vui nhưng cũng không xét nét gì cả. Đến khi cô sinh con, để tiện chăm sóc đứa bé, hai vợ chồng chuyển hẳn về sống cùng với ông bà nội.
Hàng ngày bà dậy sớm đi tập thể dục, đi chợ về nấu nướng, chăm sóc cho cô trong những ngày ở cữ khiến Mai rất cảm động. Đến lúc Mai phải đi làm, bà nội lại nhận trông cháu chứ không muốn thuê người giúp việc. Có lẽ cũng do suốt ngày bận rộn nên bà không còn thoải mái như trước, mỗi khi Mai về muộn bà lại trách khéo là bỏ con ở nhà, đi làm hết giờ còn chưa thèm về. Có hôm con quấy, đêm ngủ ít nên sáng Mai dậy muộn, cuồng cuồng chuẩn bị đi làm quên mất chậu quần áo chưa phơi vẫn đang chờ mình. Mai nói khéo nhờ bà phơi giúp vì đã gần đến giờ làm rồi thì nhận được một gáo nước lạnh: Con cứ đi làm ở nhà đã có ôsin này lo rồi.
Bình thường buổi sáng bà hay dậy sớm rồi nấu nước cơm canh ăn sáng và để phần cho Mai mang đi làm. Một hôm Mai có hẹn ăn trưa với bạn mà quên không báo cho bà biết. Nhìn thấy cơm nước sẵn sàng cô nhanh nhảu bảo: Mẹ ơi, hôm nay con có hẹn bạn nên không mang cơm đi làm, mà không để ý đến thoáng nghiêm nghị trên gương mặt bà và quên luôn một câu xin lỗi.
Từ đó, Mai cũng chấm hết những ngày được ăn cơm ngon, canh ngọt do mẹ chồng nấu trong sự ngưỡng mộ của bạn bè cùng công ty. Ngẫm lại tất cả cũng chỉ do mình không khéo, giờ chẳng biết phải làm sao cả, Mai than thở.
Nghe lời than của Mai, Yến, nhân viên mới vào cũng góp một câu chuyện không kém phần “héo hắt”: Bình thường mẹ chồng em ghét nhất là đi đâu không báo trước để bà nấu cơm rồi mất công chờ đợi. Hôm đó, vì có sinh nhật con của đứa bạn thân vào buổi tối, nên đến chiều em bảo mẹ là không ăn cơm ở nhà. Ai ngờ mẹ lại bảo lần sau có kế hoạch gì thì nói sớm đi, không ai phục vụ được, đi chợ về, thức ăn bỏ trong tủ lạnh, mất cả tươi ngon. Chồng em nghe thấy cự lại: Thức ăn chưa nấu mẹ cứ cho vào tủ lạnh để mai ăn có sao đâu, thì bà mắng luôn cả chồng em là làm việc gì cũng không có kế hoạch, muốn ra đâu thì ra, làm tội người khác. Em nghe mà sái hết cả mặt, từ sau chả dám bỏ cơm nhà đi đâu nữa.
Có được bà mẹ chồng tốt đã là may mắn nhưng để giữ mãi được mối tình cảm đẹp ấy thì đòi hỏi rất nhiều ở sự khéo léo trong cách sống của người làm dâu.
Mẹ tôi cũng là mẹ chồng của hai nàng dâu. Vốn là người thoải mái, hòa đồng nên mẹ đối xử với con dâu cũng như con gái thậm chí có phần quý hơn vì các chị dâu biết cách chăm sóc mẹ hơn tôi. Khi đi chợ chị dâu luôn lựa đồ ăn và nấu nướng theo khẩu vị mẹ thích, những lúc rảnh còn ngồi xem phim cùng mẹ, hỏi han mẹ kinh nghiệm nuôi con ngày trước, đặc biệt trước những ngày giỗ, lễ, tết đều chủ động hỏi mẹ cách sắp xếp, tổ chức để chuẩn bị chu đáo từ sớm…
Chính vì vậy mà chưa bao giờ tôi thấy mẹ to tiếng với con dâu, không khí gia đình luôn đầm ấm vui vẻ. Tôi tuy không sống cùng mẹ chồng, những va chạm khúc mắc hàng ngày hầu như không có nhưng nhiều lúc cũng chưa được chu toàn trong đối nhân xử thế nếu so sánh với các con dâu của mẹ. Cũng có thể do vẫn còn quan niệm mẹ chồng, nàng dâu nên tình cảm chưa thực sự gắn bó sâu sắc.
Theo VNE
Nên biết về chàng trước khi kết hôn...
Đôi khi bạn có thể hiểu một người ngay giây phút đầu gặp gỡ. Cũng có khi là sau vài tháng, thậm chí nhiều năm dài bên nhau bạn vẫn chưa dám chắc đã tìm được đúng người. Bất kể hai bạn đã bên nhau bao lâu, có một số điều cần biết rõ về nửa kia trước khi quyết định "chốt".
Món ăn yêu thích nhất của anh ấy
Không đơn giản là biết anh ấy thích ăn gì, quan trọng hơn, bạn đang cần biết mọi điều nhỏ nhặt nhất về anh ấy, như anh ấy thích uống cà phê pha như thế nào, đồ lẩu hay nướng sẽ làm anh ấy hào hứng khi ngồi vào bàn ăn, và bữa tối yêu thích thời thơ ấu của anh ấy có hình dáng thế nào. Hãy làm cho nhau vui nhiều thật nhiều bằng cách hiểu và nhớ mọi điều về sở thích của nhau.
Đức tin của anh ấy
Khi yêu bạn có thể không để ý đến điều này, nhưng nếu chuẩn bị kết hôn, bạn sẽ cần biết nếu anh ấy theo thiên chúa giáo hay có theo đạo phật, để không vô tình báng bổ tín ngưỡng của nhau. Có thể bạn cũng cần chuẩn bị tâm lý, cân nhắc đến việc mình có gia nhập đức tin của anh ấy hay không sau khi kết hôn.
Anh ấy thuộc kiểu nào khi làm bố
Rất nhiều cặp đôi thực sự trải qua khó khăn đầu tiên khi bắt đầu làm cha mẹ, thông thường là bởi người này đã không tưởng tượng ra được, khi làm cha/mẹ, người kia lại khác đến thế.
Nếu bạn muốn làm một người mẹ tuyệt vời sẵn sàng cho các con ra chơi trên đám cỏ, hòa mình giữa thiên nhiên, thì cần phải chắc chắn rằng anh ấy sẽ là người bố không khư khư giữ con tránh vi khuẩn.
Anh ấy tiêu tiền ra sao
Biết về mức lương của nhau là một khởi đầu tốt, nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn biết anh ấy tiêu tiền ra sao. Nếu một trong hai người thích để ra được một khoản tiết kiệm kha khá ở ngân hàng trong khi người kia kiếm được đồng nào tiêu đồng ấy thì chắc chắn mâu thuẫn này sẽ dẫn đến xung đột tài chính một khi hai người trở thành vợ chồng và tiêu tiền chung.
Cán cân công việc - cuộc sống của anh ấy
Giai đoạn mật ngọt, những tối muộn anh ấy vẫn vùi mình vào công việc ở văn phòng có vẻ không là chuyện lớn. Nhưng một khi hai người đã kết hôn mà bạn vẫn phải trải qua tối thứ Sáu cô đơn một mình, thì đó lại thành vấn đề đấy.
Hãy thảo luận với nhau xem điều gì là quan trọng với các bạn, ví dụ "chúng ta nhất thiết phải ăn tối với nhau vào các thứ Bảy", hay "cần ở nhà ăn tối với nhau ít nhất là 4 -5 lần mỗi tuần".
Tật xấu của anh ấy
Hẳn nhiên chàng của bạn "hoàn hảo". Nhưng bạn vẫn có thể tìm thấy vài điểm trừ, như việc anh ấy toàn ngoác mồm nhai cơm hay luôn trả các hóa đơn rất muộn. Nếu bạn không thể liệt kê dù chỉ một điểm xấu của chàng, thì khả năng là bạn đang quá yêu tới mức mù quáng đấy. Đừng dại gì chấp nhất một người "bất kể tốt xấu" khi bạn chưa nhìn rõ những cái "xấu" ấy là gì.
Theo VNE
Tìm hiểu 6 tuyệt chiêu tán gái phổ biến của phái mạnh Mỗi chàng trai sẽ có một cách tán gái riêng dựa trên tính cách của anh ta. Cùng tìm hiểu một vài cách tán tỉnh phổ biến dưới đây để xem bạn đã bị "hạ gục" bằng kiểu nào nhé. Tán tỉnh bằng cách khen ngợi "Đôi mắt của em thật đẹp!", "Mỗi lần nhìn em cười anh chẳng thể nghĩ được điều...