Quan hệ Ai Cập và Israel gia tăng căng thẳng
Quan hệ giữa Ai Cập và Israel tiếp tục căng thẳng, sau vụ một binh sĩ Ai Cập bị phía Israel bắn chết ở khu vực biên giới Gaza ngày 27/5.
Cảnh tàn phá sau vụ tấn công của quân đội Israel nhằm vào khu trại tị nạn dành cho người Palestine ở Rafah, Dải Gaza, ngày 27/5/2024. Ảnh: AA/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, hoàn cảnh vụ nổ súng nói trên không rõ ràng. Hiện cả Ai Cập và Israel đang điều tra vụ việc.
Trước đó, Ai Cập đã chỉ trích các vụ tấn công của Israel vào trại tị nạn ở thành phố Rafah trong tối 26/5 khiến ít nhất 45 người thiệt mạng, cho rằng đây là cuộc tấn công “có chủ ý”. Tuy nhiên, Cairo được cho là vẫn tiếp tục các nỗ lực hòa giải mà nước này đã tham gia trong nhiều tháng qua, cùng với Qatar và Mỹ nhằm đạt được thỏa thuận giữa Israel và Hamas về một lệnh ngừng bắn ở Gaza. Theo một số nguồn tin, các cuộc đàm phán giữa các nhà hòa giải với Israel và Hamas sẽ tiếp tục vào tuần tới sau thời gian đình trệ do Israel từ chối các yêu cầu của Hamas.
Ai Cập hiện đã tăng cường lực lượng ở Bán đảo Sinai, gần khu vực biên giới với Gaza và Israel, đồng thời đặt các lực lượng quân đội và an ninh trong tình trạng báo động cao. Ai Cập luôn coi Gaza là vấn đề an ninh quốc gia và tìm cách duy trì mức độ ảnh hưởng ở vùng đất này.
Ai Cập là quốc gia Arập đầu tiên thiết lập quan hệ với Israel. Hai nước hiện có sự ràng buộc theo Hiệp ước hòa bình năm 1979 do Mỹ bảo trợ, nhưng mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng này đã trở nên căng thẳng kể từ khi xung đột tại Gaza nổ ra vào tháng 10/2023.
Mối quan hệ song phương đã rơi xuống mức thấp nhất khi quân đội Israel giành quyền kiểm soát cửa khẩu Rafah ở phía Palestine hôm ngày 7/5.
Bộ Quốc phòng Israel dự định mở rộng chiến dịch quân sự tại Rafah
Ngày 20/5, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết nước này dự định mở rộng phạm vi chiến dịch quân sự tại thành phố Rafah ở phía Nam Dải Gaza.
Binh sĩ Israel tiến hành chiến dịch quân sự tại phía Đông Rafah, Dải Gaza ngày 18/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo thông báo từ Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Israel, phát biểu trong cuộc gặp với Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đang thăm Israel, ông Gallant nêu rõ nước này quyết mở rộng hoạt động trên bộ ở Rafah cho đến khi hoàn tất mục tiêu "xóa sổ" Hamas và giải cứu các con tin.
Rafah là thành phố biên giới của Dải Gaza tiếp giáp với bán đảo Sinai của Ai Cập. Israel đánh giá đây là thành trì cuối cùng của phong trào Hồi giáo Hamas sau 7 tháng nước này thực hiện chiến dịch quân sự nhằm làm tan rã lực lượng này. Israel cũng tin rằng hàng chục con tin bị Hamas bắt giữ trong cuộc tấn công xuyên biên giới ngày 7/10 đang bị giam giữ ở Rafah. Bất chấp sự can ngăn của đồng minh chủ chốt là Mỹ, ngày 6/5, Israel đã yêu cầu người dân Palestine sơ tán khỏi các khu vực của thành phố Rafah và bắt đầu đưa quân đội và xe tăng vào thành phố này.
Dù phía Israel luôn cam kết đảm bảo áp dụng các biện pháp bảo vệ nhân đạo nhưng nhiều nước phương Tây và Ai Cập đều lo ngại về số phận của hàng trăm nghìn người Palestine vốn đã phải sơ tán từ phía Bắc Dải Gaza tới thành phố khi cuộc chiến nổ ra. Ngày 20/5, Cơ quan Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) ước tính 810.000 người đã phải sơ tán từ thành phố Rafah kể từ ngày 6/5, tương đương hơn 50% dân số thời chiến của thành phố này.
Trong diễn biến liên quan, ngày 19/5, truyền thông Israel đưa tin Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã bác bỏ các đề xuất từ các quan chức nước này về việc nối lại các cuộc đàm phán gián tiếp với phong trào Hamas về thỏa thuận giải phóng các con tin. Các kênh truyền hình Kan, Channels 12 và 13 đưa tin ông Netanyahu đã loại bỏ các đề xuất và phê bình nhóm đàm phán làm việc không hiệu quả. Dẫn đầu nhóm đàm phán gồm lãnh đạo cơ quan tình báo Mossad, David Barnea, lãnh đạo Cơ quan an ninh đối nội Shin Bet, Ronen Bar, và Tướng quân đội Nitzan Alon. Kênh Kan dẫn lời ông Netanyahu cho biết Israel đã cố gắng và thực hiện những bước đi quan trọng nhưng Hamas từ chối mọi thứ. Kênh 13 dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên đánh giá hiện các cuộc đàm phán đang ở điểm thấp nhất kể từ khi tiến trình này bắt đầu.
Vòng đàm phán về con tin gần nhất đã kết thúc vào đầu tháng 5 và vẫn chưa được nối lại, do các bên không thể thu hẹp khoảng cách về các vấn đề cơ bản. Trong đó, Hamas tìm kiếm một thỏa thuận về con tin nhằm chấm dứt vĩnh viễn cuộc chiến bùng phát sau cuộc tấn công bất ngờ của phong trào này vào Israel hồi tháng 10/2023 trong khi Israel chỉ sẵn sàng đồng ý ngừng bắn tạm thời và bám sát mục tiêu làm tan rã Hamas. Ngày 20/5, Ngoại trưởng Qatar Mohammed Al-Khulaifi cho rằng sẽ không có ý chí chính trị để đạt được thỏa thuận ngừng bắn trên Dải Gaza khi các chiến dịch quân sự vẫn diễn ra tại thực địa.
Ai Cập phản đối đề xuất của Israel về cửa khẩu Rafah Ngày 16/5, các nguồn tin an ninh của Ai Cập cho biết nước này đã phản đối đề xuất của Israel về việc hai nước phối hợp để mở cửa trở lại cửa khẩu Rafah nằm giữa bán đảo Sinai và Dải Gaza cũng như cùng quản lý hoạt động vận chuyển hàng viện trợ qua cửa khẩu này trong tương lai. Người...