Quân đội ứng phó với nắng nóng, khô hạn nửa đầu năm 2019
Trước hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra trong nửa đầu năm 2019 do hiện tượng El Nino, dẫn tới nắng nóng bất thường, tình hình khô hạn, thiếu nước cục bộ xảy ra tại các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở khu vực Nam Bộ .
Tổng cục Hậu cần vừa có công văn yêu cầu các đơn vị trong toàn quân thực hiện nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cho bộ đội, tăng cường các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm.
Chiến sĩ mới được huấn luyện dưới bóng cây nhằm tránh say nắng, say nóng. Ảnh: Thúy An
Hiện Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang vào cao điểm mùa khô, mùa xâm nhập mặn. ộ mặn lớn nhất mùa khô năm 2019 xuất hiện vào nửa cuối tháng 3. Đến nay, tại tỉnh Bến Tre, nước mặn đã lấn sâu từ các cửa sông vào đất liền.
Độ mặn 4 xâm nhập sâu nhất đến xã Thành Thới A ( huyện Mỏ Cày Nam) trên sông Cổ Chiên, cách cửa sông khoảng 40 km; độ mặn 1 đã xâm nhập sâu nhất đến xã Mỹ Thành (TP Bến Tre) trên sông Hàm Luông, cách cửa sông khoảng 56 km.
Tại Tây Nguyên, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nhiều hồ, đập thủy lợi, sông, suối tại các tỉnh ắk Lắk, Đắk Nông đã tụt giảm nguồn nước nghiêm trọng, thậm chí nhiều hồ đã khô trơ đáy khiến người nông dân phải đôn đáo tìm nguồn nước tưới cứu cây trồng.
Để chủ động khắc phục khó khăn, giữ ổn định đời sống bộ đội và sẵn sàng giúp đỡ nhân dân các khu vực có thể xảy ra hạn hán, Tổng cục Hậu cần vừa có công văn gửi các đơn vị trong toàn quân, đề nghị cấp ủy, chỉ huy các đơn vị phổ biến, quán triệt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan đến tình hình biến đổi khí hậu, hạn hán và công tác phòng chống thiên tai, hạn hán cho cán bộ, chiến sĩ nhằm nâng cao nhận thức, xây dựng tinh thần trách nhiệm cao để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cho bộ đội trong tình hình khó khăn do biến đổi khí hậu gây ra; tăng cường giáo dục cho bộ đội thực hiện các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm.
Đặc biệt, lãnh đạo Tổng cục Hậu cần yêu cầu cơ quan hậu cần các đơn vị làm tốt chức năng tham mưu với cấp ủy, chỉ huy tổ chức bảo đảm đầy đủ mọi mặt hậu cần cho bộ đội, thường xuyên theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông báo, khuyến cáo của địa phương, nắm chắc diễn biến thời tiết, khí hậu, thủy văn để có phương án xử lý kịp thời, hiệu quả mọi tình huống thiên tai, hạn hán có thể xảy ra.
Video đang HOT
Các đơn vị cần chủ động khảo sát, nạo vét, đào, khoan sâu thêm giếng để khai thác nguồn nước ngầm; nạo vét ao, hồ, hệ thống kênh mương, rạch để chủ động chứa, trữ nguồn nước mặt, sửa chữa, nâng cấp hệ thống dẫn nước, chứa trữ nước và các công trình bảo đảm nước sinh hoạt cho bộ đội, chú trọng bảo đảm tốt kỹ thuật, vận hành hợp lý các máy bơm, hút nước để chủ động về nguồn nước phục vụ sinh hoạt và tăng gia sản xuất, tuyệt đối không để thiếu nước sạch bảo đảm cho ăn, uống và sinh hoạt cho bộ đội theo tiêu chuẩn.
Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị cần tích cực tổ chức vệ sinh môi trường; vệ sinh phòng, chống dịch bệnh, kết hợp kiểm tra bảo đảm chất lượng, vệ sinh nguồn nước để bảo đảm ăn, uống, sinh hoạt cho bộ đội, có biện pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để ổn định tăng gia sản xuất, phù hợp với điều kiện đóng quân của đơn vị theo vùng, miền. Thực hiện tốt các quy định về phòng chống cháy nổ, cháy rừng và sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật chất hậu cần xử lý kịp thời các tình huống xảy ra.
Tổng cục Hậu cần giao các cục chuyên ngành thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị bảo đảm tốt mọi mặt hậu cần cho nhiệm vụ ứng phó với hạn hán.
Trong điều kiện thời tiết như vậy, các đơn vị đóng quân tại vùng ĐBSCL và Tây Nguyên thi đua “Vượt nắng, thắng mưa, luyện giỏi, rèn nghiêm” trong tháng đầu huấn luyện chiến sĩ mới.
Để khắc phục tình trạng nắng nóng, các đơn vị thực hiện các biện pháp như: Hạn chế một số hoạt động tổ chức ngoài trời, tăng thời gian học tập trong hội trường, bảo đảm đủ nước uống cho bộ đội khi tổ chức huấn luyện trên thao trường; bảo đảm nguồn điện và nước phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm nguồn dinh dưỡng trong các bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ cũng được chú trọng.
Trung tá Mai Thanh Sang – Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 18 Thông tin, Sư đoàn 330, Quân khu 9 cho biết: “Thời tiết ở vùng biên giới An Giang những ngày này vô cùng khốc liệt. Nắng nóng liên tục kéo dài và không có mưa, nhiều hôm nhiệt độ ngoài trời lên đến hơn 40 độ C. Để bảo đảm sức khỏe cho bộ đội, chúng tôi đã điều chỉnh thời gian huấn luyện buổi sáng lên sớm hơn, buổi chiều muộn hơn so với thời gian quy định.
Thời điểm cuối giờ trưa, đầu giờ chiều là những lúc nắng nóng nhất thì bộ đội được nghỉ ngơi. Điều này đã giúp cán bộ, chiến sĩ bảo đảm được sức khỏe mà thời gian, chất lượng huấn luyện vẫn được duy trì đều đặn…”.
Theo PLVN
Nắng nóng đến sớm, mùa hè năm 2019 khắc nghiệt đến mức nào?
Hiện tượng El Nino dự báo sẽ quay trở lại khiến cho nắng nóng đến sớm và mùa hè năm 2019 cũng khắc nghiệt hơn.
Hiện tượng El Nino khiến nắng nóng đến sớm và mùa hè ở miền Bắc cũng sẽ khắc nghiệt hơn.
Theo các kết quả dự báo mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ tháng 4 đến khoảng tháng 7-8/2019, thời tiết sẽ ở trạng thái El Nino (pha nóng). Điều này khiến cho nhiệt độ trung bình từ tháng 4-8/2019 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ khoảng 0,5-1 độ C.
Dự báo, nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm hơn trung bình tại các khu vực phía Tây Bắc Bộ và khu vực Trung Bộ.
Để có cái nhìn tổng quan về tình hình nắng nóng của mùa hè năm 2019, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia).
Thưa ông, thời tiết đang chuyển dần sang mùa hè. Vậy theo nhận định của ông, mùa hè năm nay sẽ đến sớm hay muộn so với TBNN?
Thông thường, tháng 4 hằng năm đã xuất hiện nắng nóng nhưng chỉ xảy ra ở khu vực phía tây Bắc Bộ. Năm nay, nắng nóng đã xuất hiện sớm hơn ở khu vực này, ngay từ cuối tháng 3 đã có nắng nóng. Tuy nhiên, mức độ cũng chưa quá gay gắt và diện chưa rộng.
Còn theo quy luật thời tiết, đối với khu vực Hà Nội và các tỉnh phía đông Bắc Bộ, nắng nóng thường xảy ra vào tháng 5.
Ông Nguyễn Đức Hòa - Phó trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia.
Năm 2019, dự báo El Nino sẽ quay lại. Liệu nắng nóng có khắc nghiệt hơn và nhiệt độ có phá được các kỷ lục cũ?
Năm nay, dự báo hiện tượng El Nino sẽ quay trở lại nhưng cường độ El Nino được nhận định không quá mạnh và thời gian khả năng cũng không kéo dài. Do đó, mức độ tác động của hiện tượng này đến thời tiết Việt Nam không thực sự rõ rệt.
Theo nhận định, nền nhiệt độ trung bình các tháng mùa hè năm nay có xu hướng cao hơn TBNN từ khoảng 0,5-1 độ C. Với nền nhiệt độ được dự báo cao hơn TBNN thì nhiệt độ trong các đợt nắng nóng nhiều khả năng đạt mức cao, có thể lên tới 39-41 độ C và cũng không ngoại trừ một số điểm sẽ có nhiệt độ cao vượt giá trị lịch sử.
Tuy nhiên, việc dự báo và xác định cường độ những đợt nắng nóng chỉ có thể dự báo trong khoảng thời gian trước từ 2-4 ngày, do vậy, dự báo mùa chỉ dự báo nền nhiệt độ trung bình.
Đợt nắng nóng đầu tiên năm nay rơi vào khoảng thời gian nào. Ông nhận định có bao nhiêu đợt nắng nóng trong mùa hè và cao điểm các đợt nắng nóng rơi là thời gian nào?
Như đã đề cập ở trên, việc dự báo và xác định cường độ những đợt nắng nóng chỉ có thể dự báo trong khoảng thời gian trước từ 2-4 ngày, do vậy cần cần lưu ý theo dõi các bản tin dự báo thời tiết trong thời hạn trước 10 ngày được cập nhật trên website của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia: https://www.nchmf.gov.vn
Tuy nhiên, theo nhận định xu thế thì đợt nắng nóng đầu tiên ở phía đông Bắc Bộ bao gồm khu vực Hà Nội có thể xảy ra trong tháng 5/2019. Các đợt nắng nóng có khả năng tập trung từ tháng 4-5 ở phía tây Bắc Bộ, từ tháng 5-6 ở phía đông Bắc Bộ, từ tháng 5-8 tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.
Theo Danviet
Cấp bách phòng chống cháy rừng ở ĐBSCL Trước tình hình khô hạn, nắng nóng kéo dài nhiều ngày không mưa... dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Cục Kiểm lâm (Bộ NN-PTNT) cảnh báo nhiều khu vực ở ĐBSCL như Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang, Tiền Giang... có nhiều diện tích rừng nguy cơ cháy cấp 4, cấp 5. Do đó, việc...