Quân đội Thái Lan bác bỏ lời kêu gọi của phe đối lập
Ngày 14/12, Tư lệnh tối cao quân đội Thái Lan Thanasak Patimaprakorn đã bác lời kêu gọi của thủ lĩnh biểu tình đối lập muốn quân đội can thiệp hỗ trợ người biểu tình lật đổ chính phủ và thiết lập một “Hội đồng nhân dân” không thông qua bầu cử.
Thủ lĩnh lực lượng biểu tình Thái Lan Suthep Thaugsuban (áo trắng, giữa) trước cuộc gặp với các quan chức quân đội ở Bangkok ngày 14/12. (Nguồn: AFP/ TTXVN)
Đáp lại những lời kêu gọi “sát cánh bên cạnh nhân dân” của thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban, Tư lệnh Patimaprakorn cho biết “con đường tốt nhất để giải quyết vấn đề là thông qua thương lượng.”
Vị Tư lệnh nhấn mạnh quân đội Thái Lan cần phải tuân thủ đúng luật pháp, đặc biệt trong tình hình bất ổn hiện tại. Theo ông, các quan sát viên trung lập nên giám sát cuộc bầu cử và đảm bảo rằng cuộc bầu cử diễn ra theo đúng dự kiến vào ngày 2/2/2014.
Phát biểu trên được đưa ra tại một diễn đàn có sự tham dự của những người đứng đầu lục quân, hải quân và không quân Thái Lan, song không có phía chính phủ và các nhóm thân ông Thaksin.
Những ngày gần đây, ông Suthep đã bắt đầu đẩy mạnh nỗ lực tìm kiếm các cuộc tiếp xúc với giới lãnh đạo cấp cao quân sự nhằm lôi kéo sự ủng hộ từ phía quân đội.
Video đang HOT
Trước đó, sáng 9/12, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra tuyên bố giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử “ngay khi có thể” nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.
Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực giải tỏa căng thẳng của Thủ tướng Yingluck, thủ lĩnh biểu tình Suthep khẳng định mục tiêu của người biểu tình không phải chỉ là giải tán quốc hội và cho rằng mọi việc chỉ có ý nghĩa khi chính phủ tạm quyền hiện nay từ chức để thành lập một Hội đồng nhân dân nhằm thực hiện cải cách chính trị trước khi bầu ra một chính phủ mới.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, Hội đồng nhà nước Thái Lan, cơ quan pháp lý của chính phủ nước này, đã khẳng định rằng việc hoãn cuộc bầu cử sắp tới là không thể được bởi hiến pháp hiện nay quy định phải tổ chức một cuộc bầu cử trong vòng 60 ngày sau khi giải tán quốc hội.
Mọi hành động đòi thay đổi ngày bầu cử đều là vi phạm hiến pháp. Những tranh cãi chính trị có thể được giải quyết bằng đối thoại cả trước và sau cuộc bầu cử.
Theo Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Towichakchaikul, có hơn 40 quốc gia đã lên tiếng ủng hộ kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử này.
Theo Dantri
Tướng lĩnh quân đội Thái Lan đồng ý gặp thủ lĩnh biểu tình Suthep
Giới tướng lĩnh quân đội nắm nhiều quyền lực ở Thái Lan đã quyết định sẽ gặp thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban theo đề xuất của ông này để tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.
Dư luận hy vọng cuộc gặp sắp tới giữa Tư lệnh quân đội Thái Lan và ông Suthep sẽ giúp tìm ra giải pháp chấm dứt khủng hoảng.
Thông cáo của các lực lượng vũ trang công bố cuối ngày 12/12 cho biết quân đội Thái Lan đã quyết định gặp thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban trong cuộc họp dự kiến vào ngày mai.
"Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Thái Lan, Tướng Thanasak Patimaprakorn, sẽ là nhà trung gian hòa giải giữa các bên liên quan để tìm ra lối thoát cho đất nước", thông cáo cho biết.
Cuộc gặp sẽ có sự tham dự của tư lệnh các đơn vị hải, lục và không quân Thái Lan.
Đây là chuyển biến mới nhất trong cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng vốn đang đe dọa vận mệnh của chính quyền Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Nó cũng đánh dấu việc lực lượng quân đội một lần nữa phải ra tay can dự vào tình hình chính trường nhiều bất ổn sau khi lực lượng biểu tình chống chính phủ quyết tâm lật đổ bà Yingluck để loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng chính trị của dòng họ Shinawatra.
Trước đó, chính ông Suthep đã đưa ra đề xuất tiến hành cuộc gặp này , đồng thời tuyên bố sẽ ngăn cản cuộc tổng tuyển cử sắp tới và tiếp tục xúc tiến kế hoạch thành lập "Hội đồng nhân dân".
Trong cuộc gặp với 7 hiệp hội kinh doanh của Thái Lan, thủ lĩnh biểu tình tuyên bố sẽ làm tất cả để ngăn chặn cuộc bầu cử diễn ra vào đầu tháng 2 năm sau theo đề xuất của bà Yingluck. Theo ông, cuộc bầu cử cần được trì hoãn vì Thái Lan đang trong tình trạng bất bình thường.
Thủ lĩnh biểu tình cũng tiết lộ chi tiết về "Hội đồng nhân dân" mà phe đối lập muốn thành lập. Theo đó, hội đồng này sẽ gồm 300 thành viên được lựa chọn từ tất cả các nhóm đại diện trong xã hội. Trong số này sẽ có 1/3 được bổ nhiệm giữ trọng trách cải cách chính trị.
Cũng trong cuộc gặp, ông Suthep tái khẳng định lập trường buộc Thủ tướng Yingluck phải từ chức để mở đường cho việc thành lập chính phủ tạm quyền cho tới khi "Hội đồng nhân dân" vạch ra xong kế hoạch cải cách chính trị.
Trong khi đó, chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp mềm mỏng trong cuộc khủng hoảng nhằm tránh gây đối đầu căng thẳng. Ngoài ra, chính phủ Thái Lan cũng đã mời các đoàn ngoại giao ASEAN và nhiều nước khác ở Bangkok tới để giải thích về tình hình bất ổn, kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ cuộc tổng tuyển cử vốn được thực hiện nhằm trao toàn quyền quyết định cho người dân.
Vũ Anh
Tổng hợp
Theo Dantri
Indonesia sẽ giúp hải quân Việt Nam thực thi nhiệm vụ trên biển Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, ngày 11/12, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Hải quân Việt Nam, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến đã có cuộc gặp với Tư lệnh Hải quân Indonesia, Đô đốc Marsetio tại Bộ tư lệnh Hải quân Indonesia ở thủ đô Jakarta. Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, ngày 11/12, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh...