Quân đội, công an chi viện miền Nam chống dịch: Đợt ra quân chưa có tiền lệ
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, lực lượng công an, quân đội chi viện miền Nam chống dịch COVID-19 những ngày qua là đợt ra quân chưa có tiền lệ.
Trước diễn biến phức tạp của đợt bùng phát thứ 4 của dịch bệnh COVID-19 ở nhiều địa phương trên cả nước, ngày 29/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài: “Đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.
Quân đội, công an chi viện miền Nam chống dịch COVID-19.
Ngày 14/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng phát động phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19″.
Hưởng ứng lời kêu gọi của ảng, Nhà nước, Chính phủ, ngay từ khi dịch bùng phát, các lực lượng y tế, quân đội, công an đã không quản ngại hiểm nguy ở tuyến đầu chống dịch, cùng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng và hậu phương tổ chức xét nghiệm, cách ly, chăm sóc, cứu chữa cho các bệnh nhân.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm của biến chủng Delta tại nhiều địa phương trên cả nước, nhất là ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, những ngày qua, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ, sinh viên y khoa… đã gấp rút lên đường vào Nam, chi viện cho cuộc chiến chống dịch COVID-19 với tâm thế “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), sau các cuộc chiến tranh giành hòa bình, thống nhất cả nước, có thể xem đây là cuộc ra quân rất lớn.
Trước đây, quân và dân ta chống lại kẻ thù xâm lược hiện hữu ngay trước mắt để giành lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, còn hiện nay, Chính phủ xác định “chống dịch như chống giặc”, mà giặc ở đây lại là kẻ thù giấu mặt, vô hình, tấn công vào cộng đồng dân cư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Với tình thế đó buộc phải hình thành thế trận chống dịch không chỉ có lực lượng y tế mà phải có sự tham gia của các lực lượng quân đội, công an… cùng “hiệp đồng tác chiến” để sớm đẩy lùi và khống chế dịch bệnh.
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, 2 miền Nam – Bắc là một thực thể thống nhất, khi một trong hai miền có khó khăn, cần sự giúp đỡ thì miền Nam hay miền Bắc chi viện bằng tất cả nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà.
Video đang HOT
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chiến trường miền Nam diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt, còn miền Bắc vừa chiến đấu, vừa sản xuất, vừa đóng vai trò hậu phương lớn để chi viện cho miền Nam. Cùng với đó là hàng triệu người con của miền Bắc vào miền Nam chiến đấu và hàng triệu tấn vật chất được đưa vào miền Nam để làm nên thắng lợi mùa Xuân năm 1975.
“Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 xảy ra chưa từng có tiền lệ và đợt thứ 4 bùng phát với tính chất nguy hiểm, diễn biến phức tạp, một lần nữa Đảng, Nhà nước huy động lực lượng quân đội, công an vào phía Nam hỗ trợ chống dịch. Đây là một đợt ra quân chưa có tiền lệ và hy vọng với sự góp sức của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế ở miền Bắc sẽ cùng với các địa phương ở miền Nam cùng chung tay sớm ngăn chặn dịch bệnh”- ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết.
Quân đội sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nhân dân
Là vị tướng quân đội, trải qua 3 cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, hơn ai hết, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy hiểu rõ giá trị của sức mạnh đại đoàn kết 2 miền Nam-Bắc.
Theo ông, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nếu miền Nam chiến đấu mà không có sự chi viện của miền Bắc thì sẽ rất khó khăn để giành thắng lợi, ngược lại, nếu không có sự hy sinh chiến đấu kiên cường của đồng bào miền Nam thì đất nước cũng không thể giành thắng lợi toàn vẹn.
“Bộ đội miền Bắc muốn vào chiến đấu ở miền Nam thì phải có sự giúp đỡ, dẫn đường, nuôi dưỡng của đồng bào miền Nam thì lực lượng quân đội mới tồn tại và phát triển được”.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy. (Ảnh: Vietnamnet)
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy nói như vậy và nhấn mạnh, “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” chính là bản chất và quy luật phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong thời chiến hay thời bình, nhân dân luôn là người chở che, nuôi dưỡng và xây dựng quân đội. Vì vậy, trong lúc nhân dân gặp khó khăn, quân đội sẵn sàng hy sinh tất cả để giúp đỡ, bảo vệ nhân dân trước kẻ thù xâm lược và “kẻ thù” dịch bệnh hiện nay.
Quan sát cuộc chiến chống dịch từ khi Việt Nam xuất hiện ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng đến nay, vị tướng quân đội cho biết, nhờ sự huy động kịp thời, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là phát huy cao độ tinh thần đoàn kết dân tộc, chúng ta đã đạt được những kết quả thắng lợi bước đầu ở 3 đợt dịch bùng phát.
Ở đợt thứ 4, với sự huy hiểm của biến chủng mới, Thủ tướng yêu cầu lực lượng quân đội, công an vào hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh phía Nam chống dịch là một quyết định đúng đắn, kịp thời. Ông hy vọng, cùng với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chung sức, đồng lòng, đoàn kết của các lực lượng tuyến đầu chống dịch và hậu phương, nhất định đất nước ta sẽ sớm chiến thắng dịch bệnh.
Tổng Bí thư: "Không được mị dân, theo đuôi quần chúng"
Yêu cầu thấm sâu lời dạy của Bác về tinh thần "làm công bộc của dân", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, muốn vận động người dân, trước hết mỗi cán bộ, Đảng viên phải gương mẫu...
Ngày 16/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo UB Trung ương MTTQ Việt Nam dự hội nghị toàn quốc triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (ảnh: Quang Vinh).
Tổng Bí thư đánh giá, việc chủ động, kịp thời xây dựng chương trình hành động của hệ thống MTTQ rất thiết thực. Với vai trò là tổ chức đại diện của nhân dân, MTTQ cần làm tốt hơn nữa vai trò nòng cốt chính trị, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đồng thuận xã hội để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị của đất nước trong giai đoạn mới.
Với những yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề của sự nghiệp đổi mới đất nước mà Đại hội XIII của Đảng đã quyết định, cả nước cần nỗ lực hơn nữa, đoàn kết thống nhất chặt chẽ hơn nữa để phấn đầu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội.
Cố gắng, đoàn kết, quyết tâm cao hơn để chống dịch
Tổng Bí thư nêu những nhiệm vụ cơ bản đối với MTTQ giai đoạn tới.
Trước hết, theo Tổng Bí thư, cần tiếp tục nhận thức và quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, và chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Mặt trận và các tổ chức thành viên phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân hiểu đầy đủ và thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Mặt trận phải là hạt nhân trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong phòng, chống âm mưu, hoạt động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; kiên quyết đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, phản động, cơ hội chính trị, tư tưởng thù địch.
Thứ hai là phát huy sức mạnh sáng tạo to lớn của các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Người lãnh đạo đứng đầu Đảng nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ rất quan trọng của Mặt trận trong việc phát huy vai trò làm chủ của nhân dân.
Muốn vậy, MTTQ phải thực hiện tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong việc chủ trì hiệp thương, quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng và lợi ích thiết thực của mỗi tầng lớp nhân dân, phát huy mọi nguồn lực, khả năng sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung của đất nước.
Tổng Bí thư yêu cầu chú trọng phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng, xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, thúc đẩy đội ngũ doanh nhân có trình độ quản trị, kinh doanh giỏi, có tinh thần cống hiến cho dân tộc.
Đề cập tình hình chống dịch căng thẳng hiện nay, một lần nữa, Tổng Bí thư kêu gọi tinh thần "chống dịch như chống giặc", "đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa, đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa, nhất định phải dập được dịch".
Tổng Bí thư: "Phải tiếp xúc với dân chân thực, đừng tiếp xúc hình thức, không được mị dân, theo đuôi quần chúng".
Thứ ba, Tổng Bí thư mong muốn Mặt trận phát huy mạnh hơn nữa vai trò tiên phong trong việc bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước ngày càng vững mạnh.
Thứ tư, về công tác xây dựng nội bộ, MTTQ Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, kiện toàn, đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Thứ năm, Tổng Bí thư nhắc nhở, tiếp tục đổi mới và nâng cao sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp của các cơ quan nhà nước, các tổ chức có liên quan với hoạt động của Mặt trận. Tổng Bí thư chỉ rõ, Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là thành viên của Mặt trận. Đảng lãnh đạo Mặt trận thông qua việc phát huy vai trò thành viên của Mặt trận chứ không đứng ngoài, đứng trên để lãnh đạo Mặt trận.
Cán bộ thờ ơ với hoạt động đoàn thể đồng nghĩa với xa rời quần chúng
Để thực hiện cho bằng được mục tiêu xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo Nghị quyết Đại hội XIII, theo Tổng Bí thư, các cơ quan Trung ương, mỗi cấp ủy, chính quyền, cán bộ, Đảng viên phải nâng cao ý thức trách nhiệm "vì nhân nhân phục vụ, vì lợi ích của nhân dân để làm việc".
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình tại hội nghị.
"Phải thực sự thấm sâu lời dạy của Bác Hồ "làm công bộc của dân", đừng lên mặt làm quan nhân dân, không phải trước mặt dân cứ viết lên trán hai chữ "Cộng sản" mà người ta nể sợ. Muốn vận động nhân dân thì trước hết mỗi công chức, đảng viên phải thực sự gương mẫu. Việc đi đầu hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động chính là cơ hội để gần dân, hiểu dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Cán bộ nào thờ ơ với hoạt động của Mặt trận, đoàn thể thì cũng đồng nghĩa với xa rời quần chúng nhân dân" - Tổng Bí thư khái quát.
Người đứng đầu Đảng cũng phân tích: "Phải tiếp xúc với dân chân thực, đừng tiếp xúc hình thức, không được mị dân, theo đuôi quần chúng. Phải tôn trọng dân thật sự, lắng nghe nhân dân và làm theo mong muốn của nhân dân một cách thật lòng".
Từ thực tế chống dịch, Tổng Bí thư yêu cầu hoàn thiện cơ sở pháp lý để phát huy vai trò tự quản của nhân dân trong cộng đồng dân cư, thôn, tổ dân phố, ghi nhận những đóng góp hiệu quả của nhân dân thông qua các mô hình tự quản, tổ liên gia tự quản", "tổ Covid cộng đồng", "tổ tự quản vùng xanh phòng, chống dịch"...
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật về giám sát và phản biện xã hội, tạo điều kiện thật tốt để phát huy vai trò giám sát của nhân dân, giám sát trực tiếp và giám sát thông qua vai trò của Mặt trận và các đoàn thể.
Thủ tướng phát động phong trào thi đua đặc biệt chống dịch Covid-19 Phong trào thi đua "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19" được Thủ tướng phát động tại phiên họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TƯ sáng 14/8. Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay,...