Quan chức LHQ tin tưởng cánh cửa cho Hiệp định Paris vẫn mở
Ngày 20/1, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc ( LHQ) về biến đổi khí hậu (UNFCCC), ông Simon Stiell, bày tỏ tin tưởng cánh cửa cho Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu vẫn mở, cho dù Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Washington khỏi thỏa thuận này.
Ông Simon Stiell. Ảnh tư liệu: Nguyễn Trường/PV TTXVN tại Ai Cập
Trong một tuyên bố, ông Stiell khẳng định LHQ luôn hoan nghênh sự tham gia mang tính xây dựng từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời nhấn mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đem lại cơ hội cho tăng trưởng kinh tế. Theo lời ông Stiell, sự bùng nổ năng lượng sạch toàn cầu sẽ đem lại tăng trưởng kinh tế trong hàng thập kỷ. Chỉ riêng trong năm ngoái, ngành này đã mang lại giá trị khoảng 2.000 tỷ USD. Quan chức LHQ khẳng định việc đi theo xu hướng chuyển đổi năng lượng sẽ đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ, cùng với hàng triệu việc làm mới và làm sạch bầu không khí. Ngược lại nếu bỏ qua, các chính phủ, doanh nghiệp và người dân tiếp tục gánh chịu thiệt hại từ các thảm họa khí hậu như hạn hán, cháy rừng và siêu bão đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Trong lễ nhậm chức ngày 20/1 theo giờ Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố ý định rút Mỹ khỏi Hiệp định khí hậu Paris, đi ngược lại các nỗ lực toàn cầu nhằm hạn chế tình trạng Trái Đất ấm lên cũng như sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan trên toàn thế giới. Một thông báo tương tự cũng từng được ông Trump đưa ra sau khi bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên năm 2017, nhưng sau đó người kế nhiệm Joe Biden đã đảo ngược quyết định này.
Giới khoa học đang có chung quan điểm rằng việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch khiến nhiệt độ toàn cầu tăng lên, góp phần gây ra các thảm họa khí hậu ngày càng nghiêm trọng.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 2 năm qua đã tăng và vượt ngưỡng 1,5 độ C so với thời tiề.n công nghiệp, mức mục tiêu được nêu trong Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu.
Năm 2024 ghi nhận tốc độ tăng CO2 nhanh nhất trong lịch sử
Theo báo cáo ngày 17/1 của Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh, trong năm 2024, lượng CO2 trong khí quyển đã tăng với tốc độ nhanh nhất từ trước đến nay, vượt xa dự báo của chính cơ quan này.
Khói bốc lên từ đám cháy rừng tại Los Angeles, bang California, Mỹ ngày 11/1/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Đây là một dấu hiệu rõ rệt về sự gia tăng mạnh mẽ của khí thải gây hiệu ứng nhà kính, làm Trái Đất nóng lên. Nguyên nhân chính của sự gia tăng này là do việc đốt nhiên liệu hóa thạch, các vụ cháy rừng nghiêm trọng và sự suy giảm của các "kho lưu trữ" carbon tự nhiên như rừng nhiệt đới.
Các nhà khoa học cảnh báo nếu tình hình này tiếp tục, thế giới khó có thể duy trì nhiệt độ toàn cầu dưới mức 1,5 độ C - ngưỡng mà các quốc gia đã cam kết trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 để tránh những tác động nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu. Đài quan sát Mauna Loa ở Hawaii, nơi đã đo nồng độ CO2 trong khí quyển từ năm 1958, ghi nhận mức tăng 3,58 phần triệu (ppm) vào năm 2024, vượt xa dự báo ban đầu của Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh là 2,84 ppm.
Cơ quan này cho biết các phép đo từ vệ tinh cũng xác nhận một sự gia tăng toàn cầu mạnh mẽ do khí thải từ nhiên liệu hóa thạch kết hợp với sự suy yếu của các bể chứa carbon tự nhiên và các vụ cháy rừng cực đoan. Đây là một minh chứng rõ rệt cho sự thay đổi nhanh chóng của khí hậu.
Bên cạnh đó, Copernicus - cơ quan giám sát khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) - cũng báo cáo rằng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong hai năm 2023 và 2024 đã vượt quá mức 1,5 độ C, gần với giới hạn an toàn mà các quốc gia đã đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Mặc dù đây chưa phải là vi phạm vĩnh viễn của ngưỡng này, nhưng điều này cho thấy Trái Đất đang tiến gần đến mức nguy hiểm.
Các dự báo cho năm 2025 cho thấy nhiệt độ có thể giảm nhẹ, nhưng vẫn sẽ nằm trong Top 3 năm nóng nhất kể từ năm 1850. Ông Richard Betts - chuyên gia của Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh - cho biết hiện tượng La Nina có thể giúp các khu rừng hấp thụ nhiều carbon hơn, tạm thời làm chậm tốc độ tăng CO2.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng để ngừng biến đổi khí hậu, chúng ta cần phải dừng hoàn toàn việc gia tăng khí nhà kính trong khí quyển và sau đó bắt đầu giảm lượng khí thải này.
Ông Trump sẽ làm gì đầu tiên khi nhậm chức tổng thống Mỹ? Với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", ông Donald Trump dự kiến sẽ ký loạt sắc lệnh hành pháp ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, tập trung vào siết chặt nhập cư, áp thuế thương mại và rút khỏi Hiệp định Khí hậu Paris. Vậy những chính sách táo bạo này sẽ thay đổi nước Mỹ và thế giới ra sao? Ông...