Quan chức LHQ: Nga hăm dọa một số nước Đông Âu và Trung Á
Nga đã đe dọa sẽ trả đũa một vài quốc gia Đông Âu và Trung Á nếu họ bỏ phiếu thuận cho một nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ).
Quan chức ngoại giao các nước đang theo dõi màn hình trình chiếu số phiếu bầu về nghị quyết sơ bộ về toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đề xuất ở trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York hôm 27.3 – Ảnh: Reuters
Nghị quyết này quy định cuộc trưng cầu dân ý về việc ly khai khỏi Ukraine của Crimea là không hợp lệ, Reuters dẫn lời các quan chức ngoại giao LHQ tiết lộ ngày 29.3.
Thông tin nói trên được đưa ra sau khi Moscow cáo buộc phương Tây gây “áp lực một cách vô liêm sỉ khi đưa ra các đe dọa mang tính chính trị và kinh tế” để ép buộc 193 nước thành viên Liên Hiệp Quốc phải thông qua nghị quyết không bắt buộc nói trên.
Các quan chức ngoại giao Liên Hiệp Quốc giấu tên nói với Reuters rằng các nước bị Nga đe dọa gồm có Moldova, Kyrgyzstan, Tajikistan và cả một số quốc gia châu Phi.
Video đang HOT
Một phát ngôn viên của phái đoàn Nga tại Liên Hiệp Quốc đã bác bỏ thông tin này, nói rằng: “Chúng tôi chưa bao giờ đe dọa ai. Chúng tôi chỉ giải thích tình hình (tại Ukraine)”, theo Reuters.
Các nhà ngoại giao Liên Hiệp Quốc cho biết đe dọa của Nga không cụ thể.
Nhưng họ cho biết đối với những nước nhận sự đe dọa, cảnh báo của Nga rõ ràng là nhằm buộc các quốc gia này không được ủng hộ nghị quyết do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đưa ra, vì có thể nhận các hình thức trả đũa; chẳng hạn như: trục xuất công nhân nước họ ra khỏi Nga, ngừng các hợp đồng nhập khí đốt hoặc cấm một số mặt hàng nhập khẩu vào Nga.
Được biết, nghị quyết quy định cuộc trưng cầu dân ý để tách khỏi Ukraine của Crimea vào hôm 16.3 “không hợp lệ” đã được đưa ra biểu quyết tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 27.3, với 100 phiếu thuận, 11 phiếu chống và 58 phiếu trống, theo Reuters.
Có 24 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đã không bỏ phiếu.
Các nhà ngoại giao phương Tây gọi đây là một thành tựu ngoại giao của Ukraine, trong khi phái đoàn Mỹ và châu Âu đánh giá cuộc bỏ phiếu cho thấy Nga đơn độc trong vấn đề Crimea.
Theo TNO
Vì sao EU 'dè dặt' trừng phạt Nga?
Liên minh châu Âu (EU) 'dè dặt' trừng phạt Nga liên quan đến tình hình khủng hoảng Ukraine, bởi vì Nga, nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới, có thể đe dọa không cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Ảnh minh họa
Không giống dầu mỏ được chuyển bằng tàu và được niêm yết giá trên toàn cầu, đa số khí đốt tự nhiên tiêu thụ ở châu Âu đều được chuyển bằng đường ống từ Nga thông qua Ukraine và do Nga định giá, theo đài CNBC (Mỹ) ngày 6.3.
"Điều này sẽ không ảnh hưởng trực tiếp gì đến Mỹ vì Mỹ không mua khí đốt tự nhiên từ Nga", ông Olga Oliker, Giám đốc Trung tâm chính sách quốc phòng và an ninh quốc tế (Mỹ), nhận định.
AFP cho hay Mỹ ngày 6.3 áp dụng lệnh cấm visa và chuẩn bị các biện pháp trừng phạt khác chống lại Nga, đồng thời cảnh báo những động thái chia rẽ Crimea khỏi Ukraine là vi phạm luật quốc tế.
Lãnh đạo các nước thành viên EU chỉ đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga trong bối cảnh chính quyền khu tự trị Crimea (Ukraine) thông qua sắc lệnh ủng hộ sáp nhập vào Nga.
Lãnh đạo các nước EU vốn đang bị chia rẽ trong việc trừng phạt Nga, nhất là giữa các quốc gia Đông Âu và Tây Âu. Một số quốc gia vẫn còn phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga, theo AFP.
Reuters dẫn lời Thứ trưởng ngoại giao Mỹ William Burns ngày 6.3 cho biết chính phủ đang bàn thảo về vấn đề tăng cường xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ.
Trong cuộc họp Ủy ban đối ngoại thượng viện Mỹ ngày 6.3, thượng nghị sĩ Mỹ Bob Corker đặt câu hỏi với ông Bunrs liệu rằng có hay không một cuộc thảo luận cấp cao đang diễn ra về việc tăng cường xuất khẩu khí đốt tự nhiên để giảm thiểu sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt tự nhiên từ Nga, từ đó EU sẽ "mạnh tay" áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga.
Ông Burn trả lời rằng: "Tất nhiên là có", nhưng vẫn chưa rõ Mỹ cụ thể sẽ làm gì để tăng cường lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu cho châu Âu, theo Reuters.
Theo TNO
7 cường quốc thế giới lên án tổng thống Putin Lãnh đạo 7 cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới thuộc khối G8 đã lên án việc quân đội Nga xâm chiếm khu tự trị Crimea thuộc Ukraine, AFP đưa tin ngày 3.3. Binh sĩ mặc quân phục không phù hiệu, được cho là thuộc quân đội Nga, đứng gác tại một khu vực ở khu tự trị Crimea - Ảnh: Reuters...