Quan chức EU đưa ra đề xuất mới về việc sử dụng tài sản Nga bị phong toả ở châu Âu
Cao uỷ EU phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh, ông Josep Borrell đề nghị EU sử dụng 90% doanh thu từ tài sản của Liên bang Nga bị phong tỏa ở châu Âu để mua vũ khí cho Ukraine thông qua quỹ Cơ sở Hòa bình châu Âu.
Cao uỷ phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell. Ảnh AFP/TTXVN
Phát biểu với các phóng viên ở Brussels hôm 19/3, người đứng đầu chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell đề xuất EU nên lấy 90% doanh thu từ tài sản Nga bị đóng băng ở châu Âu và chuyển chúng sang một quỹ do EU điều hành chuyên tài trợ vũ khí cho Ukraine
Hãng tin Reuters cùng ngày dẫn lời ông Borell cho biết ông sẽ chính thức đệ trình đề xuất này tới 27 chính phủ thành viên EU vào ngày 20/3, theo giờ dịa phương, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh của khối vào ngày 21 và 22/3.
Theo kế hoạch của ông Borrell, 90% doanh thu từ tài sản của Nga bị đóng băng ở châu Âu sẽ được chuyển đến quỹ Cơ sở Hòa bình châu Âu, một quỹ ngoài ngân sách của EU chuyên cung cấp viện trợ quân sự cho các quốc gia không thuộc khối này, hiện nay chủ yếu được sử dụng để viện trợ cho Ukraine.
Theo tờ The Guardian ngày 14/3, khoảng 300 tỷ USD thuộc về Ngân hàng Trung ương Nga đã bị phong tỏa ở phương Tây, phần lớn bằng ngoại tệ, vàng và trái phiếu chính phủ.
Video đang HOT
Trong số đó, hãng tin Reuters cho biết thêm khoảng 70% được cất giữ tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán trung ương Bỉ (Euroclear). Số tài sản này bao gồm chứng khoán và tiền mặt của Ngân hàng Trung ương Nga trị giá 190 tỷ euro (206,1 tỷ USD).
Ông Borrell nhấn mạnh đề xuất của mình là chỉ sử dụng lợi nhuận từ tài sản của Nga đang bị phong toả ở châu Âu chứ không phải dùng bản thân tài sản đó. Theo ông Borrell, hằng năm, tài sản của Nga đang bị phong toả ở châu Âu có thể mang lại khoảng 3 tỷ euro lợi nhuận.
Ngoài đề xuất lấy 90% doanh thu từ tài sản Nga bị đóng băng ở châu Âu mua vũ khí cho Ukraine, ông Borell còn đề xuất chuyển 10% doanh thu còn lại vào ngân sách của EU.
Căn cứ vào quy định của EU, ngân sách của khối không được sử dụng để viện trợ vũ khí, nhưng theo ông Borell, nó có thể được sử dụng để tăng cường năng lực quốc phòng của ngành công nghiệp Ukraine.
Liên quan tới tài sản Nga bị phong toả ở châu Âu, tờ The Guardian ngày 14/3 cho biết các quan chức tại Ủy ban châu Âu (EC) sẵn sàng đưa ra điều mà họ tin là một đề xuất có tính pháp lý mạnh mẽ để các quốc gia thành viên xem xét, có thể là trước cuộc họp của các Thủ tướng tại Brussels vào ngày 21/3.
Theo một quan chức cấp cao của EU, số tiền của Nga gửi ở châu Âu có khả năng tạo ra lợi nhuận sau thuế từ 15 – 20 tỷ euro từ nay đến cuối năm 2027, thời điểm kết thúc chu kỳ tài chính hiện tại của EU, tùy thuộc vào diễn biến của lãi suất toàn cầu. Còn năm nay, số tiền của Nga gửi ở châu Âu dự kiến sẽ tạo ra lợi nhuận từ 2 – 3 tỷ euro, tùy thuộc vào những thay đổi lãi suất tiềm năng, có thể sẽ được gửi thẳng cho Ukraine.
Các quan chức châu Âu ban đầu thảo luận về việc sử dụng số tiền thu được từ tài sản Nga bị phong tỏa để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine. Nhưng trong những tuần gần đây, họ ngày càng tập trung vào cách giúp đỡ Ukraine về mặt quân sự khi các lực lượng Ukraine đang phải vật lộn chống lại quân Nga trong tình trạng thiếu đạn dược nghiêm trọng khi gói viện trợ quân sự lớn của Mỹ đang bị mắc kẹt tại Quốc hội nước này.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nằm trong số những nhà lãnh đạo ủng hộ ý tưởng sử dụng nguồn thu từ tài sản Nga bị phong toả để viện trợ quân sự cho Ukraine.
Ông Borrell cho biết một số thành viên của EU đã bày tỏ quan ngại về các vấn đề pháp lý và những người khác đề cập tới ảnh hưởng đối với thị trường tài chính. Tuy nhiên, theo ông Borell, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã được tư vấn chặt chẽ khi EU phát triển đề xuất này.
Một số chính phủ cũng lên tiếng lo ngại rằng Moskva có thể trả đũa bằng cách tịch thu tài sản ở Nga của các công ty phương Tây. Nhưng ông Borrell cho rằng đã đến lúc phải đưa ra quyết định và điều này cần có sự đồng ý nhất trí của các thành viên EU để thông qua.
Ông Borell cũng cho rằng việc sử dụng doanh thu từ tài sản Nga bị phong toả để ngăn chặn việc Nga tàn phá Ukraine hợp lý hơn là chờ Nga tàn phá Ukraine xong rồi mới dùng nó để tái thiết đất nước này.
Bà Ursula von der Leyen được đề cử tiếp tục giữ chức Chủ tịch EC
Ngày 7/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) đương nhiệm Ursula von der Leyen đã được đảng Nhân dân châu Âu (EPP), đảng lớn nhất trong Nghị viện châu Âu, đề cử tiếp tục đảm nhiệm cương vị này thêm một nhiệm kỳ nữa.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen phát biểu tại cuộc họp báo ở Berlin ngày 19/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
EPP đã bỏ phiếu tại đại hội thường niên của đảng diễn ra trong 2 này để thông qua việc đề cử bà Von der Leyen.
Người đứng đầu EC đã giành được 400/489 phiếu ủng hộ và trở thành ứng cử viên dẫn đầu danh sách EPP trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu vào tháng 6 tới.
Trong bài phát biểu đưa ra trước đó cùng ngày, bà cam kết đem lại hòa bình, thịnh vượng và an ninh cho người dân châu Âu.
Bà Von der Leyen, 65 tuổi, nhậm chức Chủ tịch EC từ tháng 12/2019. Kể từ khi nắm giữ cương vị này, bà Von der Leyen đã tạo dựng được sự ủng hộ rộng rãi của các lãnh đạo và chính phủ châu Âu. Người phụ nữ đầu tiên đứng đầu tổ chức quyền lực nhất ở Brussels đã lèo lái Liên minh châu Âu (EU) vượt qua đại dịch COVID-19, việc Anh chính thức rời khỏi EU, giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng như cải cách toàn diện về di cư và chính sách tị nạn...
Trong khi đó, cùng ngày, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas tuyên bố không ứng cử vào vị trí người đứng đầu EC. Bà Kallas nói rằng dù biết việc bà trở thành Chủ tịch EC sẽ giúp Estonia đưa được các vấn đề của nước này ra diễn đàn, song sau khi cân nhắc, bà từ chối ra ứng cử.
Cuộc bầu cử các vị trí lãnh đạo của Liên minh châu Âu sẽ diễn ra từ ngày 6 - 9/6 tới.
Chủ tịch EC thăm Ukraine thảo luận về mở rộng EU Ngày 4/11, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen đã đến thủ đô Kiev của Ukraine để thảo luận với Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky về việc mở rộng Liên minh châu Âu (EU). Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (trái) trong cuộc họp báo chung sau hội đàm với Tổng thống Ukraine...