Trọng tâm chuyến thăm Đức của Thủ tướng Ukraine và cam kết của Berlin
Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal đã đến Đức, trở thành quan chức cấp cao đầu tiên của Ukraine đến thăm Berlin trong nhiều tháng qua.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal (phải) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Twitter của ông Denys Shmygal
Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Hebestreit thông báo với các phóng viên rằng Thủ tướng nước này, ông Olaf Scholz, và Thủ tướng Ukraine, ông Denis Shmyhal, đã thảo luận về tình hình quân sự, nhân đạo và kinh tế ở Ukraine trong cuộc gặp kéo dài gần 1 giờ ngày 4/9 tại Berlin.
Ông Steffen Hebestreit lưu ý Thủ tướng Đức bày tỏ sự tôn trọng đối với Ukraine, quốc gia Đông Âu thân phương Tây, và nhấn mạnh Berlin cam kết hỗ trợ Kiev không chỉ về quân sự, mà còn về chính trị, tài chính và viện trợ nhân đạo.
Đồng thời, theo lời Thủ tướng Đức, điều quan trọng là phải lập kế hoạch khôi phục Ukraine ngay bây giờ. Ông Scholz cho hay Đức, với tư cách là Chủ tịch Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), cùng Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, dự định tổ chức hội nghị các chuyên gia tại Berlin vào ngày 25/10 tới để thảo luận về việc tái thiết Ukraine.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal đã đến Đức ngày 4/9. Ông là quan chức cấp cao đầu tiên của Ukraine đến thăm Berlin trong nhiều tháng qua. Phát biểu với truyền thông Đức trước chuyến thăm, ông Shmygal nhấn mạnh Đức đã có những động thái lớn trong việc hỗ trợ vũ khí cho Ukraine. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Ukraine cho biết Kiev cần nhiều hơn thế từ Berlin, bao gồm cả xe tăng chiến đấu hiện đại như Leopard 2 của Đức.
Dự kiến, ông Shmygal cũng sẽ có cuộc gặp Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier.
Đức kêu gọi châu Âu nỗ lực giảm phụ thuộc nhiên liệu hoá thạch của Nga
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 24/6 nhấn mạnh châu Âu cần phải tăng cường nỗ lực để cắt giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí đốt hiện nay.
Hệ thống đường ống dẫn khí trên đất liền từ Nga sang Đức Nord Stream 2 ở Lubmin, Đông Bắc Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu với báo giới khi tới Brussels (Bỉ) tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Scholz kêu gọi châu Âu cần đẩy mạnh nỗ lực tìm kiếm các phương án nhập khẩu thay thế. Ông nói: "Tất cả chúng tôi đã cùng nhau chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho những thách thức khó khăn liên quan tới việc nhập khẩu nguồn tài nguyên hoá thạch của Nga". Do vậy, theo nhà lãnh đạo Đức, châu Âu cần phải quan tâm sớm tới hệ thống cơ sở hạ tầng có thể nhập khí đốt từ những nước khác, ám chỉ các trạm khí tự nhiên hoá lỏng đã được quy hoạch ở Đức.
Thủ tướng Đức cho rằng tình hình kinh tế không chỉ liên quan đến xung đột ở Ukraine, mà còn cả những bất ổn sau đại dịch COVID-19. Theo ông, mục đích hiện tại là đảm bảo có thể nhanh chóng vận hành nền kinh tế theo cách trung hòa với khí hậu, mở rộng nguồn năng lượng tái tạo, phát triển cơ cấu kinh tế và nhanh chóng đạt được sự ổn định kinh tế không phát thải.
Cũng phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho rằng các nước EU cần bắt đầu cùng nhau thu mua năng lượng và đưa ra mức trần giá khí đốt để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng tiềm ẩn vào mùa Đông tới đây.
Cuộc khủng hoảng khí đốt và các hậu quả về kinh tế do xung đột tại Ukraine đã chi phối ngày họp thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels. Các nhà lãnh đạo EU đã gặp người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde, với sự tham dự của Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe, người hiện là Chủ tịch nhóm Bộ trưởng Tài chính các quốc gia thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup). Ngoài các vấn đề trên, các nước EU cũng muốn chính thức cho phép Croatia gia nhập khu vực sử dụng đồng euro vào tháng 1/2023. Trước đó ngày 23/6, các nước EU đã đồng ý trao quy chế ứng cử viên gia nhập EU cho Ukraine và Moldova.
Đức phản đối hủy bỏ một đạo luật quan trọng giữa NATO và Nga Bất chấp cuộc chiến chưa có hồi kết tại Ukraine và mối quan hệ căng thẳng giữa phương Tây với Nga, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Berlin phản đối chấm dứt Đạo luật Sáng lập về các quan hệ, hợp tác và an ninh giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga. Thủ tướng Đức Olaf Scholz...