Quan chức an ninh Trung Quốc đánh cắp công nghệ hàng không bị Mỹ bắt giữ
Bộ Tư pháp Mỹ hôm 10/10 cho biết đã bắt giữ và truy tố một quan chức của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc với cáo buộc gián điệp kinh tế và cố gắng ăn cắp bí mật thương mại từ một số công ty hàng không và vũ trụ Mỹ.
Theo tuyên bố từ Bộ Tư pháp Mỹ, Yanjun Xu – phó Giám đốc Cơ quan an ninh quốc gia thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đã nhắm vào một số công ty hàng không vũ trụ Mỹ, bao gồm GE Aviation, công ty con của General Electric, tập đoàn đa quốc gia Mỹ có tầm ảnh hưởng toàn thế giới. GE Aviation cũng là nơi cung cấp động cơ cho hãng Boeing và Airbus, đồng thời đang nghiên cứu phát triển thế hệ động cơ mới cho các máy bay thương mại và trực thăng quân sự hạng nặng.
Ông này bị bắt giữ tại Mỹ vào tháng 4/2018 sau một cuộc điều tra của FBI và bị dẫn độ về Mỹ hôm 9/10. Washington Post cho biết quan chức Trung Quốc đã bị các điệp viên FBI lên kế hoạch cho sa lưới.
Một quan chức an ninh Trung Quốc bị bắt với cáo buộc trộm cắp công nghệ hàng không. (Ảnh: Reuters)
FBI trong một tuyên bố mới đây gọi đây là lần dẫn độ chưa từng có và rằng bản cáo trạng cho thấy chính phủ Trung Quốc đang giám sát trực tiếp các hoạt động gián điệp kinh tế chống lại Mỹ trong bối cảnh Washington đang gia tăng áp lực lên Bắc Kinh liên quan tới các chính sách thương mại.
Theo FBI, ông Xu bắt đầu nhòm ngó các công ty hàng không Mỹ từ tháng 12/2013. Ông này được cho là đã liên lạc với các chuyên gia làm việc tại công ty này, mời họ tới các trường đại học của Trung Quốc để thỉnh giảng và trả tiền cho các chuyến đi đó.
Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ phụ trách an ninh quốc gia John Demerscho rằng vụ việc không phải là một sự cố đơn lẻ.
Video đang HOT
“Nó là một phần trong chính sách kinh tế tổng thể của Trung Quốc”, ông này cho hay.
Đại sứ quán Trung Quốc và luật sư của ông Xu chưa đưa ra bất cứ bình luận nào.
Hình phạt tối đa với âm mưu và nỗ lực thực hiện các hoạt động gián điệp kinh tế là 15 năm, âm mưu và nỗ lực ăn cắp bí mật thương mại là 10 năm.
Cuối tháng trước, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết đã bắt giữ một công dân Trung Quốc ở Chicago bị nghi làm việc cho một quan chức tình báo cấp cao của Bắc Kinh. Người này bị cáo buộc hỗ trợ tuyển dụng kỹ sư, các nhà khoa học trong đó có cả những người làm việc cho các nhà thầu quốc phòng Mỹ.
Hôm 9/10, NBC News dẫn lời quan chức Mỹ tiết lộ một giáo sư tại một trung tâm nghiên cứu ung thư hàng đầu ở Houston, Texas, Mỹ đang bị điều tra với cáo buộc làm gián điệp kinh tế cho Trung Quốc.
(Nguồn: Reuters)
SONG HY
Theo VTC
"Mỹ từng tính dừng cấp thị thực cho sinh viên Trung Quốc vì lo gián điệp"
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã từng cân nhắc về việc dừng cấp thị thực cho các công dân quốc tịch Trung Quốc tới Mỹ học tập tại các trường đại học vì lo ngại hành vi gián điệp, Financial Times đưa tin.
(Ảnh minh họa: International Student)
Theo Financial Times, 4 nguồn thạo tin trong Nhà Trắng cho biết, một quan chức Mỹ hồi đầu năm dường như từng đề xuất Tổng thống Trump dừng cấp thị thực cho công dân Trung Quốc sang Mỹ học tập. Tuy nhiên, ý tưởng này đã bị hủy bỏ do quan ngại rằng nếu nó có thể gây ảnh hưởng nền kinh tế cũng như các vấn đề ngoại giao.
Các nguồn tin tiết lộ rằng, người đưa ra đề xuất trên là ông Stephen Miller, Cố vấn cấp cao Nhà Trắng, người đứng sau hàng loạt những chính sách gây tranh cãi của chính quyền Tổng thống Trump, như chính sách nhập cư "không khoan nhượng" hồi giữa năm. Ông Miller được cho là đã đưa ra ý tưởng trên khi đang tham gia cuộc thảo luận các phương án đối phó với mối đe dọa gián điệp từ Trung Quốc tại Nhà Trắng.
Những thảo luận về việc dừng cấp thị thực cho sinh viên Trung Quốc đã được đưa ra mổ xẻ sau khi Nhà Trắng hồi tháng 12/2017 công bố Chiến lược An ninh Quốc gia. Văn bản này nói rõ Mỹ sẽ "xem xét lại thủ tục cấp thị thực để giảm thiểu hành vi trộm cắp kinh tế bởi những đối tượng thu thập thông tin tình báo phi truyền thống". Song song với đó, Mỹ cũng xem xét hạn chế sinh viên nước ngoài tiếp cận thông tin trong các lĩnh vực khoa học có thể ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.
Cũng theo nguồn tin, đề xuất ông của Miller đã không được Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad ủng hộ và quan chức này chính là người đã thuyết phục ông Trump rằng đề xuất từ phía ông Miller quá "cứng nhắc". Một phát ngôn viên của ông Branstad đã từ chối đưa ra bình luận.
Giới quan sát nhận định, dưới thời Tổng thống Trump, nước Mỹ thể hiện quan điểm cứng rắn với Trung Quốc hơn bất cứ chính quyền tiềm nhiệm nào trước đó.
Theo Business Insider, Giám đốc FBI Christopher Wray hồi tháng 2 đã mô tả Trung Quốc là "mối đe dọa tới toàn xã hội" và đề xuất Mỹ nên có biện pháp đối phó tương xứng.
Ông Wray nói rằng "những người thu thập thông tin" là một thuật ngữ của giới tình báo, ám chỉ những cá nhân thu thập thông tin có giá trị giao cho các tổ chức hoặc chính phủ. Giám đốc FBI nói rằng những đối tượng này có thể đang "trà trộn" vào các trường đại học trên khắp nước Mỹ.
"Tôi nghĩ rằng họ (Trung Quốc) đang dùng những người thu thập thông tin phi truyền thống, đặc biệt trong lĩnh vực học thuật, nơi các giáo sư, nhà khoa học, sinh viên nghiên cứu khoa học. Họ đang lợi dụng môi trường nghiên cứu và phát triển tương đối mở của chúng ta", ông Wray nhận định.
Viện Giáo dục quốc tế (Mỹ) ước tính trong năm học 2015-2016, các trường đại học trên khắp nước Mỹ nhận khoảng 329.000 sinh viên Trung Quốc.
"Chúng tôi không tiến hành điều tra vì những nghi vấn liên quan tới sắc tộc, dân tộc hay xuất xứ quốc tịch. Nhưng khi chúng tôi điều tra về các hành vi gián điệp kinh tế, rất nhiều lần kết quả cho thấy Trung Quốc có liên quan", ông Wray trả lời NBC News.
Hiện thời, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang "căng như dây đàn". Ngoài những "phát súng" từ cuộc chiến thương mại hay vấn đề Trung Quốc bị cáo buộc can thiệp bầu cử giữa kỳ Mỹ năm 2018, Washington và Bắc Kinh còn đang căng thẳng vì vấn đề an ninh khu vực.
Trung Quốc thể hiện tham vọng bành trướng, quân sự hóa phi pháp Biển Đông, còn Mỹ thể hiện quan điểm ủng hộ các hoạt động tự do hàng hải, tự do hàng không trên vùng biển quốc tế bằng việc điều tàu chiến, máy bay tới khu vực này tuần tra, tuân thủ theo đúng luật pháp và quy định.
Đức Hoàng
Theo Dantri/ Business Insider
Bê bối tình ái và lạm dụng quyền lực khiến Thứ trưởng Trung Quốc điêu đứng Cựu Thứ trưởng Bộ Tài Chính Trung Quốc Trương Thiếu Xuân bị khai trừ Đảng vì nhiều vi phạm trong thời gian đương chức. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) và Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc trong một tuyên bố đưa ra hôm 27/9 cho biết, cơ quan này đang mở cuộc điều tra về...