Quán cháo lòng không tiền cũng ăn được: Tôi không sợ người lợi dụng để ăn “chùa”
Quán cháo lòng từ khi treo tấm biển, nhiều người hỏi anh chị có ngại không khi có người lợi dụng lòng tốt của mình để ăn “chùa”, chị Dung vui vẻ nói: “Thôi kệ đi. Không sao hết”.
Quán cháo Quang Khải của anh Trần Văn Hoà và chị Trần Thị Dung ở số 317 đường Trung Mỹ Tây (Q.12, TP. HCM) với tấm biển “Cháo lòng – bún lòng cho người khuyết tật, người già, người bán vé số, 5K hoặc không tiền cũng được” khiến nhiều người chú ý. Đằng sau tấm biển là câu chuyện về việc đáp nghĩa của hai vợ chồng cho TP. HCM.
Vợ chồng đồng “lòng” trong việc giúp người
Anh Trần Văn Hoà (47 tuổi) cho biết, cả hai vợ chồng cùng đồng lòng cho ra đời tấm biển này chứ không phải ý tưởng của cá nhân anh.
Trải qua một tai nạn “thập tử nhất sinh” nên anh muốn giúp đỡ một phần những người khổ hơn mình để như việc trả ơn cuộc đời kỳ diệu. “Mình biết việc nằm viện đã khổ như thế nào thì những người tàn tật họ còn khổ hơn. Tấm lòng của tôi chỉ nhỏ tí thôi, không đáng gì cả nhưng có thể giúp họ một tô cháo để khỏe mạnh hơn, đi làm tiếp thì tôi cũng vui.” – anh Hoà chia sẻ.
Vợ chồng anh Hòa và chị Dung.
Mặc dù bản thân anh chị cũng không phải người khá giả, nhưng cả hai đều sẵn lòng bớt một chút doanh thu của quán để có thể giúp một bữa no cho những người nghèo khó hơn mình.
Quán ăn Quang Khải mở cửa 2 khung giờ: Từ 6 giờ sáng đến 11 giờ trưa và từ 16 giờ chiều đến 21 giờ tối. Tuy nhiên những ông bà cụ đi bán về trễ, gần 23 giờ khuya, quán ăn vẫn sẵn lòng tiếp đón.
Tấm bảng được anh chị treo từ tháng 3, tính đến nay đã được nửa năm. Mặc dù đã treo được một thời gian dài nhưng số lượng người biết đến quán cháo đặc biệt này vẫn còn khá hạn chế. Thậm chí, khi tôi hỏi người dân địa phương về quán, họ cũng lắc đầu bảo không biết: “Thời này làm gì có ai thuê mặt bằng mà bán tô cháo 5 nghìn.”
Anh Hoà chia sẻ, khi treo tấm bảng nhiều người cũng ngại vì quán không lấy tiền vì thế anh chị phải giá 5 nghìn/bát cũng như phải “mời chào” những ông cụ, người nghèo để họ có thể ăn cháo của mình. Anh Hoà kể: “Phải lấy của họ thứ gì đó, họ mới chịu ăn. Như bà cụ bán chè, tôi phải bảo lấy con ly nước bà mới chịu ngồi ăn cháo.”
Anh chị cũng không bận tâm tính toán là bao nhiêu người đến ăn cháo của mình. Mỗi ngày anh Hoà nấu 2 nồi cháo, cả bán cả cho như vậy, ai đến anh chị đều nhiệt tình.
Lúc đầu, nhiều người cũng trêu đùa, bỡn cợt về tấm biển, “ngày mai vào ăn cháo không trả tiền nhé”, anh chị vẫn mỉm cười và tiếp tục công việc của bản thân. Chị Dung cũng chia sẻ, từ khi treo tấm biển, nhiều người đến quán ăn hơn hơn, nhưng họ xin tiền chứ không xin cháo.
Khi được hỏi anh chị có ngại không khi có nhiều người lợi dụng lòng tốt của mình để ăn “chùa”, chị Dung rất vui vẻ nói: “Thôi kệ đi. Không sao hết. Việc của mình thì mình cứ cho cháo người ta thôi. Mấy thứ khác thì chị không để tâm.”
Mỗi chén cháo anh chị bán cho người nghèo với giá 5 nghìn đồng hoặc cho không có khẩu phần tương đương với một chén cháo thập cẩm 25 nghìn đồng. Chủ quán Quang Khải khẳng định: “Dù bán 5 nghìn đồng, hay tặng thì cũng tương đương với chén cháo mà quán bán, không ít hơn.”
Duy trì phương thức bán hàng đặc biệt này đã lâu, quán ăn cũng có một số vị khách quen. Anh Hoà kể, có trường hợp bà cụ bán vé số để nuôi cụ ông già yếu, vì vậy bà luôn xin 2 phần cháo. Hôm nào cũng vậy, chị sẽ để lại 2 phần cháo ở bên ngoài, bà cụ quen sẽ tự đến lấy.
Chén cháo lòng “hợp khẩu vị của mọi vùng miền”
Anh Hoà cho biết, bản thân là người miền Bắc nên anh phải thay đổi một chút gia vị của cháo để phù hợp với khẩu vị của người miền Nam. Anh Hoà chia sẻ rằng: “Muốn bán được ở đây thì không chỉ bán rẻ mà còn phải bán ngon.”
Để có được một chén cháo thơm, anh Hoà phải thức dậy từ 3 giờ sáng để đi mua lòng ngon, sơ chế kỹ. Anh cho biết công việc này chỉ có mỗi bản thân thực hiện, không để ai làm vì muốn tự bản thân đảm bảo độ sạch sẽ.
Anh Hoà sẽ sơ chế và luộc sẵn rồi bày lên quầy, mỗi khi có khách, chị Dung sẽ chần thêm một lần nước sôi nữa để thức ăn được chín kỹ, đảm bảo an toàn vệ sinh. Với món cháo, anh Hoà cũng là người nấu và nêm nếm sẵn, mỗi ngày 2 nồi dành cho việc bán và tặng. Cháo được nấu kèm thịt bằm – cũng là đồ do chính tay anh chị xay và huyết băm.
Mỗi tô cháo có giá 25 nghìn đồng bao gồm hơn 1 lạng đồ lòng mà theo chị Dung bảo là “con heo có gì thì tô cháo có cái đó” bao gồm: phèo, gan, ngũ linh, bao tử, tim. Dù bán với giá vô cùng bình dân nhưng tô cháo vẫn đầy ắp, đủ lấp đầy một cái bụng đói. Cháo lòng ăn kèm với nước mắm hành ớt đậm đà và rau thơm là đủ no cho một buổi tối.
Cô Phạm Thị Liệu (47 tuổi) cho biết: “Quán bán cháo ngon, sạch sẽ mà tiếp khách lại rất hòa nhã. Mà món ăn của quán thì hợp khẩu vị của mọi vùng miền. Ai ăn cũng khen hết.”
Ngược lại, cô Phượng, một người bán vé số từng ghé lại quán vài lần khi thấy tấm biển, được anh chị chủ quán mời vào ăn chia sẻ: “Tôi ăn ở đây được hai lần. Quán bán thì đương nhiên ngon rồi, ăn là thấy chuẩn vị Bắc.”
Video đang HOT
Càng về chiều, quán ăn Quang Khải càng đông đúc những vị khách. Họ có thể chỉ là người ưa thích những món ăn của quán, cũng có thể là những ông, bà cụ, người nghèo đang cần một chén cháo ấm bụng giữa những hôm TP. HCM trái gió chuyển giông. Dù là ai, anh chị chủ quán vẫn tiếp đón họ với tất cả sự nồng nhiệt và hiếu khách.
Những quán ăn ở TP.HCM đã hơn 40 năm tuổi nhưng vẫn cực đông khách: Hương vị quen thuộc và không gian gợi nhiều ký ức
Có quán xuất hiện từ những năm 50, có quán đã tồn tại qua 4 thế hệ,... nhưng điểm chung là đều rất ngon và lưu giữ nhiều ký ức về Sài thành xưa.
Vốn được mệnh danh là "thiên đường" ẩm thực, TP.HCM có đến hàng trăm hàng ngàn quán ăn, cứ vài ba hôm là lại có thêm quán mới với những món độc lạ, trang trí bắt mắt, được các "thần dân" ăn uống check-in liên tục trên mạng xã hội. Thế nhưng, với tốc độ phát triển chóng mặt đó, vẫn có những hàng quán tuổi đời hơn 40 năm, chỉ bán những món truyền thống vẫn hút khách ầm ầm. Tất cả đều nhờ vào hương vị thân thuộc và không gian gợi lại nhiều mảng ký ức xưa cũ.
Hãy thử 1 lần ghé đến những quán ăn lâu đời này, tuy không lộng lẫy, không có nhiều món thịnh hành của thời nay nhưng chất lượng của từng món ăn sẽ khiến bạn trầm trồ và phải quay lại nhiều lần đó.
Cháo lòng bà Út - quán cháo gần 90 tuổi chưa lúc nào ngơi khách
Không khó để tìm 1 quán cháo lòng ở TP.HCM, từ những xe đẩy nhỏ bình dân đến hàng quán tươm tất đều có đủ cả. Nhưng nếu xét về tuổi đời và hương vị đặc sắc thì người ta thường rủ nhau đến quán bà Út, nằm trên đường Cô Giang. Tính đến thời điểm hiện tại, quán cháo lòng này đã bán được gần 90 năm, truyền qua 4 thế hệ và trở thành địa chỉ ăn uống quen thuộc của người dân.
Ảnh: @tweedytranpham, Nguyễn Hữu Châu
Cháo ở đây được nấu bằng lửa than, theo đúng kiểu Sài thành xưa với huyết tươi được cho trực tiếp vào nồi rồi hòa thêm nước luộc lòng. Bởi thế mà cháo rất sánh mịn, có màu đỏ nâu vô cùng hấp dẫn. Một tô cháo của quán bà Út luôn có đầy đủ các loại thức ăn đi kèm như gan, phèo, tim, bao tử, dồi trường, ít rau, giá, nước mắm và đĩa bánh quẩy vàng ruộm. Đã ghé quán thì bạn nhất định phải thử món dồi chiên được chế biến theo công thức bí mật. Dồi được làm từ thịt heo, dồn thêm tí sụn sần sật trộn cùng sả băm, mang đến hương vị đủ dai, đủ béo, đủ ngọt, không hề bị ngán. Nếu có dịp, bạn hãy ghé quán bà Út ăn cho thật đã nhé.
Ảnh: @tebefood, @lanwiththi
Địa chỉ: 193 Cô Giang, P. Cô Giang, Q.1
Mở cửa: 7h - 19h
Mức giá tham khảo: 20k - 45k
Hủ tiếu Nam Lợi - nơi bán hủ tiếu cá độc lạ hơn 70 năm vẫn giữ nguyên hương vị
Hơn 70 năm có mặt ở TP.HCM, hủ tiếu Nam Lợi là 1 quán gốc Hoa khá "quen mặt" với những người yêu thích món hủ tiếu, đặc biệt là hủ tiếu cá. Bằng công thức gia truyền, món ăn ở đây làm người ta ấn tượng với hương vị đậm đà, thơm ngon đúng chuẩn. Phần nước dùng được quán chế biến khá cầu kì, hầm từ xương heo, xương cá qua hàng giờ và nêm nếm bằng nhiều loại gia vị đặc trưng của người Hoa. Dù bạn ghé vào thời điểm nào trong ngày thì nước dùng vẫn có vị như khi ăn từ sáng sớm, không có hiện tượng quá nhạt hay quá mặn.
Ảnh: @heoeating, @hoan.nguyen.mildseven
Tại quán có bán đầy đủ các món như mì tươi, hủ tiếu, bún gạo. Trong số đó, món được nhiều thực khách khen ngợi nhất là hủ tiếu cá. Khác với hủ tiếu truyền thống có sợi nhỏ, mềm thì sợi hủ tiếu cá lại có bản to, mỏng và dai hơn. Phần cá phía trên là cá lóc tươi được cắt lát mỏng, trước khi mang ra cho khách, người bán sẽ xếp cá vào tô, chan vào nước dùng nóng và rắc thêm hành lá, hành phi làm dậy mùi. Đặc biệt hơn, mỗi phần ăn còn đi kèm những chiếc bánh pateso nhà làm nóng hổi với lớp vỏ ngoài giòn rụm và phần nhân bên trong đậm đà. Nếu đã quá quen thuộc với những món hủ tiếu truyền thống và muốn "đổi gió" thì đây là địa điểm hợp lý nhất đó.
Ảnh: @hoan.nguyen.mildseven, @peonyanh
Địa chỉ: 43 Tôn Thất Đạm, P. Nguyễn Thái Bình, Q. 1
Mở cửa: 6h - 12h và 14h - 21h
Mức giá tham khảo: 90k - 130k
Cơm thố Chuyên Ký - quán cơm người Hoa 70 tuổi "hiếm có khó tìm"
Cơm tấm, cơm gà, cơm niêu,... thì chắc hẳn ai cũng biết. Thế nhưng, khi nghe đến cơm thố thì lại rất ít người biết, thậm chí có người chưa từng nghe và cũng chưa ăn qua lần nào. Bởi đây là 1 món ăn truyền thống hiếm hoi còn sót lại của người Hoa. Theo nhiều người cho biết, cơm thố Chuyên Ký hiện đang là quán duy nhất bán món này tại TP.HCM.
Ảnh: @ancungbepcoha
Cơm ở đây có cách nấu khá đặc biệt, phần gạo sẽ dùng gạo Tài Nguyên và Nàng Thơm trộn lại theo tỉ lệ riêng, sau đó cho vào từng chiếc thố bằng gốm rồi hấp trong xửng đến khi chín. Nhờ cách hấp này mà từng hạt cơm vẫn giữ nguyên được mùi thơm và vị ngọt tự nhiên. Các món mặn ăn với cơm cũng rất đa dạng, chẳng hạn như gà xào bông cải, tôm rim mặn, lạp xưởng ram, mực chiên giòn,... Khi khách đến, quán sẽ làm nóng phần thức ăn và chồng lên trên phần cơm. Vì 1 thố cơm ở đây rất đầy nên mọi người hay gọi là "cơm chồng núi". Ở cơm thố Chuyên Ký, món ăn đáng thử nhất là hầm vĩ chưng hột vịt có hương vị độc lạ, gần như không nơi nào bán. Chính nhờ sự độc đáo từ hương vị đến hình thức mà quán đã giữ chân được nhiều thực khách trong suốt thời gian qua.
Ảnh: @foursquare, @thehungrywriter.saigon
Địa chỉ: 65 - 67 Tôn Thất Đạm, P. Bến Nghé, Q. 1
Mở cửa: 11h - 14h30 và 17h - 21h
Mức giá tham khảo: 60k - 180k (phần 2 - 3 người ăn)
Bánh mì Hòa Mã - địa chỉ ăn sáng hơn 60 năm vẫn "đỉnh chóp" như ngày đầu
Có mặt ở TP.HCM vào năm 1958, bánh mì Hòa Mã là 1 địa chỉ ăn sáng đã đi sâu vào ký ức của nhiều thế hệ người dân tại thành phố này. Dù những hàng quán ngoài kia có nâng cấp lên "xịn xò" cỡ nào thì bánh mì Hòa Mã vẫn giữ nguyên nét mộc mạc với chiếc xe bánh mì nhỏ và những bộ bàn ghế nhựa đặt dọc theo con hẻm. Đặc biệt hơn, quán bánh mì này từng được trang Tripadvisor đề xuất là cửa hàng ăn uống phổ biến khi du lịch tới TP.HCM. Ngoài ra, trên trang ẩm thực Migrationology, các blogger cũng khen tặng bánh mì Hòa Mã là 1 trong 3 cửa hàng bánh mì ngon nhất ở TP.HCM. Điều này đã khiến cho nhiều du khách nước ngoài phải tò mò, mong muốn thưởng thức bánh mì ở đây khi có dịp đến Việt Nam.
Ảnh: @im.lucass
Quán có bán tất tần tật các loại bánh mì, nào là bánh mì chả lụa, bánh mì pate gan, bánh mì cá mòi,... Nhưng món được gọi nhiều nhất là "bánh mì thịt nguội đủ thứ" hay còn gọi là chảo thập cẩm. Mỗi phần sẽ bao gồm 1 ổ bánh mì nóng giòn và chiếc chảo với bên trong là trứng ốp la, jambon, pate gan, chả cá, thịt nguội, hành tây,... Kèm theo 1 chén đồ chua nhỏ để chống ngán.
Ảnh: @ndh.an, @thecitylane, @tracypo, @phuongvnm
Bánh mì chảo ở quán Hòa Mã khác biệt ở chỗ không có nước sốt xíu mại như các quán khác, nhưng chỉ cần cho thêm tí nước tương hoặc rắc thêm tiêu xay là đã đủ để cảm nhận trọn vẹn hương vị của món ăn này. Khi ăn, bạn có thể xé 1 miếng bánh mì, chấm vào phần lòng đỏ trứng còn sền sệt, phết 1 ít pate ga và kẹp thêm miếng chả, đảm bảo vị mặn, vị béo sẽ bật tung trong miệng. Một lưu ý nhỏ là quán chỉ bán vào buổi sáng, ai muốn 1 lần thưởng thức sự mộc mạc của món ăn và cảm nhận không khí phố phường thì hãy cố gắng ghé sớm nhé.
Ảnh: @aldrich1129_, @chouunn_, @loalyx, @evanenglehart
Địa chỉ: 53 Cao Thắng, P. 3, Q. 3
Mở cửa: 6h - 11h
Mức giá tham khảo: 35k - 55k
Bún măng vịt Lê Văn Sỹ - quán bún hơn 40 năm chỉ bán vài tiếng đã hết veo
Nhắc đến những món nước, dạng sợi thì ngoài phở, hủ tiếu đã quá nổi tiếng ra còn có thêm bún măng vịt. Món ăn này không chỉ ghi điểm bởi hương vị thơm ngon, đặc sắc mà còn giúp chắc bụng, no lâu. Ở TP.HCM, muốn thưởng thức 1 tô bún măng vịt "chuẩn chỉnh" thì phải đến quán "bún măng bán trong nhà" trên đường Lê Văn Sỹ. Dù không có biển tên, lại nằm sâu trong con hẻm nhỏ, có số nhà đến "3 xẹt" nhưng khách vẫn xếp hàng dài mỗi ngày để "xí chỗ", bấy nhiêu đó cũng đủ biết món ăn ở đây ngon cỡ nào rồi.
Ảnh: Street Food Thảo Vy
Thực đơn của quán chỉ xoay quanh các món làm từ vịt, nhưng cũng chỉ có đúng 2 món chính: vịt luộc và bún măng vịt. Món vịt luộc ở đây ăn kèm với mắm gừng. Nếu khách muốn nhiều vị hơn thì có thể gọi thêm gỏi vịt hoặc lòng luộc. Theo nhiều thực khách, sự thu hút của quán nằm ở khâu chế biến và lựa chọn nguyên liệu. Quán luôn chọn những con vịt cỡ vừa, ít mỡ, lớp da mỏng và chế biến khéo léo nên thịt thơm, mềm, hoàn toàn không có mùi hôi. Món ăn khách nhất ở đây là bún măng vịt. Một tô chỉ gồm bún, măng tươi, nước dùng nguyên chất từ nước luộc vịt và 1 đĩa thịt vịt luộc, đơn giản vậy thôi nhưng ai ăn cũng phải "nghiện". Nếu muốn dùng thử, bạn hãy canh thời gian và đến lúc quán vừa mở cửa, không thôi là "hẹn lại ngày mai" đó.
Ảnh: Thanh Mai, Nguyen Hieu, Yukj Lam, Thế Đại
Địa chỉ: 281/26/9 Lê Văn Sỹ, P. 1, Q. Tân Bình
Mở cửa: 15h30 - đến hết (thường là 17h)
Mức giá tham khảo: 30k - 100k
Giá như mẹ cho con cuộc sống tốt hơn... Có người mẹ nào không muốn cho con mình một nền tảng, một cuộc sống tốt đẹp. Song điều tưởng chừng đơn giản ấy cũng trở thành xa xỉ với hai người mẹ dưới đây. Bà L. bật khóc khi nhận được khoản tiền nhỏ mọi người góp để chia sẻ khó khăn với bà - Ảnh: TUYẾT MAI Do quá bức bối...