Quán bánh mì không tên hơn 40 tuổi ở Hà Nội
Nằm nép mình trong khu phố cổ đông đúc, quán bánh mì không biển hiệu là điểm đến quen thuộc của nhiều thế hệ người Hà Nội.
Nằm trên phố Hàng Gai, trải qua 2 đời buôn bán, quán bánh mì có giá 10.000 đồng gắn bó với thực khách lâu năm qua tên gọi “bánh mì Hàng Gai”. Cái tên này bắt nguồn từ địa điểm của quán.
Quán thường đông khách từ 7-8h. Ảnh: Quỳnh Anh.
Chỉ với một kiểu bánh mì nhân truyền thống, quán giữ chân thực khách không chỉ bằng vị mà còn sự tận tình của chủ quán.
Theo chủ quán, cụ Phượng là người đầu tiên mở hàng bánh mì từ năm 1979. Hiện chị Linh – con dâu thay cụ tiếp quản.
“Quán được mẹ chồng tôi gây dựng, bà đã rất tâm huyết với nghề. Sau khi bà mất, tôi cố gắng nối nghiệp để gìn giữ thương hiệu gia đình”, chị Linh chia sẻ.
Bánh mì 10.000 đồng
Nằm ở ngã ba Hàng Gai giao với Tô Tịch, quán nép mình trong căn nhà cổ, giữa dãy phố nhộn nhịp. Địa chỉ này tận dụng vỉa hè trước nhà làm nơi phục vụ khách ăn tại chỗ, vỏn vẹn 4-5 chiếc ghế nhựa.
Suốt nhiều năm qua, quán chỉ bán bánh mì với nhân pate, ruốc, xúc xích đỏ, thịt xá xíu, và bơ. Mỗi chiếc thập cẩm chỉ 10.000 đồng.
Bí quyết níu chân thực khách là pate và xúc xích đỏ. Ở đây, pate chỉ sử dụng mỡ phần, thịt ba chỉ, gan lợn, hành phi thái nhỏ đã được rang với mỡ gà, khiến vị lạ và béo ngậy hơn. Xúc xích đỏ được làm từ bì lợn và tạo màu bằng hoa hiên.
Tương ớt của quán cũng là loại đặc biệt được làm theo công thức gia truyền. Bánh mì được lựa chọn từ mối quen phải làm riêng theo yêu cầu của quán.
Các nguyên liệu cho phần nhân bánh đều do chủ quán tự chế biến. Ảnh: Quỳnh Anh.
Trải qua 40 năm, bánh mì Hàng Gai vẫn làm theo công thức gia truyền, không thay đổi, thêm bớt gia vị.
Mở cửa từ sáng sớm nên từ 3h, chị Linh đã dậy để chuẩn bị nguyên liệu. Pate và xúc xích đỏ được làm từ tối hôm trước.
Video đang HOT
Khoảng 6h30, khách ghé quán đã vây kín xung quanh. Nhiều phương tiện nối đuôi nhau, kiên nhẫn chờ đợi tới lượt mình.
Đa số trong đó là khách ruột, đã ăn lâu năm. Chị Linh thường gọi những vị khách lớn tuổi là “u”, “bố”. Nhiều khách đến quán không cần gọi món, chị đã thuộc luôn sở thích của họ.
Chị Huyền (33 tuổi, Hàng Hòm) là khách thân thiết của quán bánh mì Hàng Gai từ thời đi học, tính đến nay đã hơn 20 năm. Thứ “giữ chân” chị ở quán là pate và xúc xích đỏ.
“Đến đây, mình thường ăn bánh mì pate, xúc xích. Bánh mì của quán vẫn giữ được hương vị truyền thống. Mình không thích các loại bánh mì hiện đại có nhiều sốt hay các loại nhân khác”, chị Huyền chia sẻ với Zing .
Vỏ bánh mì giòn, thơm. Pate thơm ngậy mùi hành phi đặc biệt. Xúc xích đỏ khá dai. Dù bánh mì luôn được nướng bằng lò nhưng chỉ đủ làm nóng vỏ ngoài, phần nhân bên trong tương đối nguội.
Đặc biệt, ở đây, bánh mì không có rau thơm ăn kèm nên khá khô và nhanh ngán. Nếu là người quen ăn đậm, bạn sẽ thấy phần nhân bánh tương đối nhạt. Tuy nhiên, chủ quán có chuẩn bị thêm muối tiêu để khách vừa miệng hơn.
Một chiếc bánh mì đầy đủ có giá 10.000 đồng. Ảnh: Quỳnh Anh.
“Tôi ăn bánh mì ở đây từ thời bà Phượng còn bán. Khi đó, bánh mì vẫn có giá 2.000-3.000 đồng”, Cụ Khanh (90 tuổi, Nguyễn Siêu) nói. Cụ thường đi bộ lên bờ hồ sau đó ghé quán ăn sáng.
Chưa từng nghĩ sẽ tăng giá bánh mì
Với mức giá 10.000 đồng/chiếc, bánh mì của quán là quà sáng quen thuộc của nhiều tầng lớp, độ tuổi và nghề nghiệp.
“Từ lúc tiếp quản đến nay, cuối năm 2020 đến đầu năm nay là thời điểm quán gặp khó khăn nhất. Giá thịt lợn leo thang làm tôi phải cân bằng chất lượng và giá bán”.
“Thời điểm đó, tôi phải cân nhắc làm sao dù mọi thứ có tăng thì vẫn giữ nguyên 10.000 đồng/chiếc, để khách ăn ngon mà hợp túi tiền”, chị chủ tâm sự.
“Nhiều người cũng thắc mắc tại sao không tăng giá, nhưng bản thân tôi hiểu mình chỉ bán giá bình dân. Nhiều khách quen của quán là người dân lao động, làm việc cực khổ, tôi không nỡ tăng giá”, chị Linh nói.
Chị Linh (ở giữa) và 2 người phụ giúp đều là thành viên trong gia đình. Ảnh: Quỳnh Anh.
Một buổi sáng, quán thường bán được 400 chiếc bánh mì. “Nhiều người thường trêu tôi sẽ nhanh giàu. Nhưng đâu có ai biết, giá cả ngày càng tăng. Tôi chỉ lấy công làm lãi”, chị Linh nói.
Khi được hỏi chị vì sao không thêm các loại nhân hay nước sốt khác cho lạ, chị chỉ nhẹ nhàng trả lời: “Hương vị bao nhiêu năm nay vẫn vậy, giờ thêm các loại nhân mới sợ không ngon, khách cũng sẽ không thích. Mọi người đến với quán vì hương vị truyền thống, được khách thường xuyên ủng hộ là vui rồi”.
Từ lúc nối nghiệp, điều khiến chị Linh tự hào nhất là sự uy tín và được khách hàng ủng hộ thường xuyên. Hơn 40 năm với nhiều thăng trầm, quán bánh mì Hàng Gai luôn giữ nguyên sự trọn vẹn, tinh tế trong hương vị.
Những kiểu bánh mì ngon lạ tại TP.HCM
Bánh mì bò Campuchia, sườn sụn cải chua, nướng ớt đỏ, xíu mại trứng muối... là những hương vị lạ miệng thực khách có thể trải nghiệm tại TP.HCM.
Bánh mì, món ngon đường phố của ẩm thực Việt, khiến du khách trong và ngoài nước nhớ đến bởi sự kết hợp đa dạng của nguyên liệu, nước sốt cầu kỳ. Ngoài nhân trứng, chả lụa, thịt nguội, pate cơ bản, bánh mì Sài thành ngày càng được "nâng cấp" với loạt phiên bản mới lạ, kích thích vị giác thực khách. Nếu là "fan" của món ăn quốc dân này , bạn đừng bỏ lỡ những biến tấu dưới đây.
Bánh mì bò nướng Campuchia
Địa chỉ: Nguyễn Thượng Hiền (quận 3), Cống Quỳnh (quận 1), chợ Hồ Thị Kỷ (quận 10).
Giá: 6.000-37.000 đồng.
Là đặc sản xứ Chùa Tháp, bánh mì bò nướng bơ thu hút thực khách không chỉ bởi hương vị mà còn mức giá hạt dẻ, chỉ 6.000 đồng/ổ bánh mì và 12.000 đồng/xiên thịt. Thịt nướng thơm phức, ăn kèm bánh mì phết bơ nóng giòn, thêm đu đủ ngâm chua và tương ớt tạo nên món ăn ghi điểm với cả thực khách khó tính.
Thịt ướp thơm sả, đậm đà, thiên về vị ngọt, hòa quyện cùng sốt bơ béo ngậy, chút giòn mát của đồ chua, cay cay từ tương ớt. Tuy nhiên, món ăn được nhiều thực khách nhận xét hợp với người hảo ngọt và béo bởi ăn nhiều sẽ dễ ngán.
Màu sắc óng ánh bắt mắt của thịt xiên tăng sức hấp dẫn cho bánh mì. Ảnh: Hoanglam.foodie, hetagram_._.
Bánh mì sườn sụn cải chua
Địa chỉ: Nguyễn Thần Hiến, quận 4
Giá: 29.000 đồng
Sự kết hợp thú vị giữa sườn sụn và cải chua tạo nên món bánh mì mang hương vị "có một không hai". Phần sườn sụn được chủ quán nướng vàng ươm, chín tới, cắt thành lát dài, xếp gọn trong ổ bánh mì, chan thêm nước sốt thơm cay, đậm vị.
Lớp cải chua sẽ làm giảm độ ngấy cho bánh mì, khiến thực khách ăn ngon miệng hơn. Ngoài ra, ớt xắt, hành, ngò cũng được cho vào bên trong nhân, tạo ra hương vị đa dạng. Sườn sụn béo giòn, sần sật, cộng hưởng chút chua ngọt từ cải ngâm, mang đến món ăn hài hòa cả phần nhìn và hương vị.
Hương vị đậm đà khó quên là ấn tượng của nhiều thực khách về món bánh mì này. Ảnh: Momentoffood, chanlovefoods.
Bánh mì nướng ớt đỏ
Địa chỉ: Nguyễn Xuân Khoát, quận Tân Phú
Giá: 20.000 đồng
Bánh mì được quết một lớp pate mỏng bên trong, phía ngoài phủ sa tế, nướng trên lửa than thơm phức. Sau đó, người bán sẽ cắt nhỏ bánh mì cho dễ ăn, thêm nhiều loại topping như trứng cút, trứng gà chiên, chả cua, nem nướng, xúc xích, chà bông, ruốc, hành phi... Bên trên là sốt mayonnaise, tương ớt, đậu phộng, mỡ hành để tăng phần hấp dẫn.
Bánh mì nướng nóng hổi, vàng ruộm, thấm vị cay tê của sa tế, ngậy từ mayonnaise, pate, ruốc đậm đà... Dưa leo tươi mát ăn kèm giúp thực món bánh mì đỡ ngán hơn.
Bánh mì nướng ớt đỏ thích hợp với tín đồ ăn cay. Ảnh: Huỳnh Nhựt.
Bánh mì xíu mại trứng muối
Địa chỉ: Hồ Xuân Hương (quận Bình Thạnh), Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh), Trần Quang Khải (quận 1).
Giá: 25.000-35.000 đồng
Nếu trót mê mẩn hương vị mặn mà, béo ngậy của trứng muối, bạn có thể thử phiên bản bánh mì độc đáo này. Cắn bánh mì nóng giòn, quyện cùng vị đậm đà đặc trưng của trứng muối, xíu mại, ngậy thơm từ mỡ hành, đồ chua thanh mát là trải nghiệm hút giới trẻ sành ăn. Một số địa chỉ ẩm thực sử dụng trứng muối lòng đào, giúp bánh mì ẩm mượt, mềm ngậy hơn.
Nhân đầy đặn, chất lượng là đặc trưng của kiểu bánh mì "xôi thịt" này. Ảnh: Ruahaman, Kawaii.food.
Bánh mì cắt lát hộp
Nếu không thích ăn bánh mì nguyên ổ, bạn có thể lựa chọn phiên bản cắt lát gọn gàng, đựng trong hộp. Bánh mì được quyết pate béo bùi, nướng giòn thơm, thêm chả lụa, nem, giò thủ, rau dưa, sau đó cắt thành lát vừa ăn, phủ lớp sốt mayonnaise ngậy béo bên trên. Khay đựng chia thành 2 phần, gồm bánh mì và đồ chua ăn kèm.
Địa chỉ: Cách Mạng Tháng 8 (quận 10), Lê Thánh Tôn (quận 1)
Giá: 20.000-30.000 đồng
Bánh mì cắt lát tiện lợi giúp thực khách thưởng thức dễ dàng hơn. Ảnh: Thiên Ann.
Trăm năm bánh mì Sài Gòn Ai đã từng ghé thăm Sài Gòn một lần, hẳn không quên được tiếng rao giữa lòng thành phố xuôi ngược " bánh mì Sài Gòn, đặc ruột thơm ngon, năm ngàn một ổ ". Bánh mì là món ăn xuất phát từ phương Tây, thuở ban đầu là một ổ bánh mì nguyên vẹn được chấm với sữa. Khi du nhập vào...