‘Quái vật’ mang tên Tiên Nữ chuẩn bị nuốt thiên hà chứa trái đất
Thiên hà hàng xóm của chúng ta được chứng minh là một ‘quái vật nuốt thiên hà’ dữ tợn và nó đang chuẩn bị nuốt đến Milky Way – thiên hà chứa trái đất.
Nghiên cứu đứng đầu bởi nhà thiên văn Dougal Mackey từ Đại học Quốc gia Úc cho thấy Andromeda, một trong các thiên hà gần với chúng ta nhất, đang có những dấu hiệu chuẩn bị cho sự hợp nhất trong tương lai với thiên hà Milky Way của chúng ta.
Trước đó, nó đã có lịch sử dữ dội của một ‘quái vật vũ trụ’ thực thụ.
‘Tiên nữ’ Andromeda là một quái vật vũ trụ thực thụ, và chúng ta là nạn nhân tiếp theo – ảnh: NASA
Thực ra bản thân Milky Way của chúng ta cũng thuộc dạng ‘quái vật’ như hầu hết các thiên hà cỡ lớn khác trong vũ trụ.
Nó đã nhiều lần ngấu nghiến các thiên hà nhỏ hơn để duy trì hình dạng xoắn ốc đẹp đẽ.
Còn Andromeda, đó cũng là một thiên hà xoắn ốc tuyệt đẹp, ước tính đường kính có thể nhỏ hơn một chút hoặc lớn một chút so với Milky Way (tài liệu thiên văn cho thấy Milky Way có thể có đường kính 100.000-180.000 năm sánh sáng; Andromeda khoảng trên 110.000 năm ánh sáng).
Nó cũng chứa số sao vượt trội so với thiên hà của chúng ta: 1 nghìn tỉ ; trong khi Milky Way chỉ có khoảng 200-400 tỉ ngôi sao.
Andromeda được đặt theo tên nàng Andromeda, một công chúa có nhan sắc tuyệt trần trong thần thoại Hy Lạp.
Tên tiếng Việt của thiên hà này cũng rất thơ mộng: Tiên Nữ. Thế nhưng, nghiên cứu mới cho thấy ‘Tiên Nữ’ là một quái vật còn ghê gớm hơn Milky Way.
Các nhà khoa học đã dùng dữ liệu của 5 kính viễn vọng tối tân khác nhau để quan sát quầng sáng khuếch tán của các ngôi sao ở rìa quỹ đạo Andromeda và phát hiện ít nhất 2 cụm sao có quỹ đạo và vận tốc riêng biệt, không khớp với phần còn lại của thiên hà.
Chúng chính là tàn dư của 2 thiên hà lùn cổ đại từng bị nuốt chửng. Xét về tổng thể, quầng sao của Andromeda phức tạp hơn nhiều, cho thấy nó đã từng nuốt nhiều thiên hà khác hơn Milky Way.
Trong tương lai, 2 quái vật vũ trụ to lớn này sẽ có một trận chiến khốc liệt để hợp nhất thành một thiên hà khổng lồ. Điều đó có thể đồng nghĩa với sự thay đổi, có thể là tốt, có thể là sự hủy diệt lên vô số hệ hành tinh trong Milky Way.
Nhưng tin vui là bạn sẽ không sống đủ lâu để kịp lo lắng về quái vật Andromeda. Bởi lẽ, để 2 thiên hà nuốt nhau, chúng sẽ cần một quãng thời gian cực kỳ dài. Một số nghiên cứu trước đó tính toán vụ đụng độ chỉ thực sự xảy ra trong vòng 2 tỉ năm tới.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature.
A. Thư
Theo New Scientist
Cận cảnh ma cà rồng vũ trụ 'hút máu' đồng loại đến phát nổ
Một nhóm nghiên cứu đa quốc gia vừa bắt được khoảnh khắc có 1 không 2, khi một sao lùn trắng 'ma cà rồng' ngấu nghiến người hàng xóm khổng lồ đến phát nổ thành siêu tân tinh.
Một nhóm lên đến 130 nhà thiên văn học quốc tế vừa trình làng hình ảnh đồ họa ngoạn mục dựa trên nhóm hình ảnh thực mà họ quan sát được về cái chết dữ dội của một thiên thể được họ đặt biệt danh là 'ma cà rồng vũ trụ'.
Sử dụng dữ liệu từ kính viễn vọng không gian Kepler của NASA, kết hợp dữ liệu bổ sung từ các kính viễn vọng mặt đất đặt ở Chile và đảo Hawaii, nhóm nghiên cứu đã lọc ra hình ảnh của một siêu tân tinh sáng rực rỡ cách chúng ta khoảng 170 triệu năm ánh sáng, tên là SN 2018oh.
Điển kỳ thú nhất chính là giai đoạn cuối trước khi vật thể này hóa thành siêu tân tinh - thuật ngữ dùng để chỉ phút bùng nổ cuối cùng của một ngôi sao trước khi nó chết hẳn. Vật thể này vốn là một ngôi sao lùn trắng già cỗi và là một 'ma cà rồng' đáng sợ thuộc về một thiên hà láng giềng với chúng ta.
Cận cảnh ma cà rồng vũ trụ đang 'hút máu' ngôi sao khổng lồ bên cạnh - ảnh: NASA
Thông qua hình ảnh phục dựng, nhóm nghiên cứu đã mô tả cách sao lùn trắng này ngấu nghiến một cách không thương tiếc ngôi sao trẻ láng giềng, một vật thể lớn hơn nó nhiều lần. Nó hút máu người láng giềng trẻ y hệt cách ma cà rồng Dracula hút máu các thiếu nữ trẻ.
Tuy nhiên, sau một hồi hút no nê vật chất từ ngôi sao bên cạnh, ma cà rồng vũ trụ đã phát nổ thành một siêu tân tinh. Theo các tính toán, siêu tân tinh này mất tận 3 tuần để đạt được độ sáng cực đại trước khi bước vào giai đoạn tàn lụi.
Theo tiến sĩ Brad Tucker (Đại học Quốc gia Úc), thành viên nhóm nghiên cứu, sự kiện thú vị trên không chỉ để ngắm nhìn. Các siêu tân tinh với ánh sáng mạnh mẽ, có thể quan sát được từ trái đất giúp các nhà thiên văn có thêm dữ liệu để đo đạc khoảng cách đến các thiên hà mẹ nơi sở hữu siêu tân tinh đó, vốn rất quan trọng trong việc đo đạc vũ trụ.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Astrophysical Journal và Astrophysical Journal Letters.
A. Thư
Theo The Sydney Morning Herald
Phát hiện 'phiên bản địa ngục' của trái đất Một ngoại hành tinh thuộc nhóm 'kích cỡ trái đất', nhưng được mô tả là khó thở hơn cả... địa ngục vừa được xác định. Nhóm khoa học gia từ NASA, Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard & Smithsonian (Mỹ) và một số đơn vị nghiên cứu khác đã vén màn bí ẩn xung quanh LHS 3344b, một ngoại hành tinh thuộc...