Quá nhiều khoản tiền trường, tiền lớp bủa vây học sinh và phụ huynh!
Nhiều khi phụ huynh lạc vào ma trận tiền của nhà trường, của lớp và một số thầy cô dạy thêm hàng ngày mà thấy phát sợ.
Lương một công chức, viên chức nhà nước từ bậc 2 đến bậc 4 hiện nay dao động trong khoảng 4-6 triệu đồng. Lương một lao động phổ thông bây giờ cũng ở mức khoảng 200- 250 ngàn đồng/ 1 ngày công nhưng làm ngày nào hưởng ngày đó.
Nếu sinh sống ở thành phố thì mức lương này gói ghém cũng chỉ đủ nuôi 2 con ăn học hàng ngày.
Như vậy, một gia đình mà cha và mẹ có công việc đều đều thì một suất lương dành để nuôi con ăn học, một suất còn lại lo ăn uống chi tiêu cho cả nhà. Bởi, thực tế mức tiền trường của các em học sinh đang học ở những khu vực đô thị hiện nay thường rất cao.
Có quá nhiều khoản tiền mà phụ huynh đang phải đóng hàng tháng (Ảnh minh họa Giadinh.net)
Nếu tính tiền học phí ở các trường phổ thông công lập hiện nay đang thu đối với học sinh thì có thể nói là phụ huynh thấy cũng phù hợp với điều kiện kinh tế của mình và không quá lo ngại.
Bởi, nhìn chung thì học phí cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông dao động khoảng 30-120 ngàn đồng/ tháng. Những khu vực đô thị nhỏ dao động khoảng 50-60 ngàn đồng/ tháng. Như vậy, mỗi năm học sinh phải đóng khoảng trên dưới 500 ngàn đồng.
Chỉ những khu vực nội đô của các thành phố lớn thì rơi vào khoảng trên dưới 100 ngàn đồng/ tháng. Nếu học sinh chỉ đóng mình tiền học phí và một chút tiêu vặt hàng ngày thì có lẽ phụ huynh cũng không quá lo lắng.
Thế nhưng, thực tế thì tiền học phí hiện nay của học sinh chỉ chiếm một số lượng tiền rất nhỏ mà phụ huynh phải chi hàng tháng cho con em mình. Nhiều lớp học bây giờ chỉ riêng tiền quỹ lớp cũng nhiều hơn tiền học phí.
Có một phụ huynh phản ánh với chúng tôi rằng, gia đình anh đang có một cháu học lớp 6 ở một trường Trung học cơ sở nhưng mỗi ngày phải nộp 3 ngàn đồng quỹ lớp.
Không biết học sinh lớp 6 làm gì mà thu tiền quỹ nhiều đến vậy, lớp có 50 em học sinh, mỗi tháng như vậy là quỹ lớp có 3, 6 triệu đồng.Mỗi tuần 6 buổi học là 18 ngàn, mỗi tháng là 72 ngàn đồng, năm học có 9 tháng là hơn 600 ngàn tiền quỹ lớp. Trong khi, học phí mỗi tháng chỉ có 60 ngàn đồng, mỗi năm có 540 ngàn đồng.
Một năm học có trên 30 triệu đồng không biết chi vào những khoản gì mà yêu cầu học sinh đóng quỹ như vậy? Nếu có văn nghệ, thể thao thì mỗi năm cũng chỉ có thể tổ chức vào ngày 20/11 và ngày 26/3 mà thôi.
Cuối năm, lớp có liên hoan thì học sinh lớp 6 cũng chỉ là bánh kẹo, nước ngọt là cùng. Và đây, chỉ mới là tiền quỹ lớp đã nhiều đến như vậy…
Tiền mà khiến học sinh ám ảnh nhất ở khu vực đô thị hiện nay là tiền học thêm ở trường và học thêm ở nhà thầy cô giáo.
Video đang HOT
Học thêm trái buổi ở trường thì gần như học sinh nào cũng phải học, dù chỉ học một số môn cơ bản thì mỗi tháng phụ huynh cũng phải đóng góp từ 300- 400 ngàn đồng. Học ở trường có lẽ vẫn còn thiếu nên giáo viên một số bộ môn còn kéo học sinh về nhà dạy thêm.
Không chỉ dạy thêm mà một số giáo viên còn linh hoạt trong rất nhiều dịch vụ khác để lôi kéo học trò. Nếu không học thêm thì một số giáo viên còn nhắc khéo học sinh và phụ huynh nữa. Tiền học thêm một môn hàng tháng cũng bằng học phí cả năm của học trò.
Ngoài ra còn vô số loại tiền như quỹ Hội cha mẹ học sinh, xã hội hóa giáo dục, tiền giữ xe, tiền ủng hộ tùy tâm cho các phong trào của nhà trường, của lớp…Nhiều khi phụ huynh lạc vào ma trận tiền của nhà trường, của lớp và một số thầy cô dạy thêm mà thấy phát sợ.
Nhiều phụ huynh còn khó khăn lắm
Nhiều phụ huynh phải tăng ca trong nhà xưởng khi đêm về, nhiều phụ huynh vẫn lặng lẽ đứng ở đầu đường tìm chở khách trong đêm…nhằm kiếm chút tiền nuôi con ăn học.Dù đời sống hiện nay của đa phần phụ huynh học sinh đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều phụ huynh khó khăn về kinh tế. Nhiều phụ huynh phải phơi nắng ngoài trời cả ngày để bốc gạch, bốc đá được trả công 200 ngàn đồng.
Vì thế, nhà trường cũng cần hạn chế thu các khoản không cần thiết nhằm tránh lạm thu tràn lan như một số nhà trường đang làm hiện nay.
Thầy cô giáo bộ môn cũng cố gắng hoàn thành việc giảng dạy của mình trên lớp, tránh câu giờ, tránh chiêu trò để kéo học sinh đến học thêm với mình. Học sinh học cả ngày rồi, tối còn yêu cầu học sinh đi học thêm nữa làm gì?
Sức người có hạn, đâu cứ học nhiều là có nhiều kiến thức đâu. Người thầy giỏi, tâm huyết với nghề là người thầy dẫn học sinh đi bằng con đường ngắn nhất đến đáp án của các bài học chứ không phải là con đường ngoằn ngoèo, ríc rắc qua các lớp học thêm mới hiểu bài.
Đừng bắt phụ huynh phải đóng quá nhiều tiền trường, đừng bắt học sinh suốt ngày lao vào học chính, học tăng cường, tối vẫn phải đến nhà thầy cô học thêm như hiện nay nữa.
Kinh phí hoạt động của nhà trường đang được nhà nước cấp, thầy cô đang được nhà nước trả lương đều đều sao cứ kêu gọi phụ huynh đóng góp, kêu gọi học trò đi học thêm mãi vậy?
NGUYỄN CAO
Theo giaoduc.net
Các nhà trường ở Hải Phòng được thu những khoản gì?
Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, chấn chỉnh các nhà trường thực hiện những khoản thu trong năm học 2019-2020.
Để thực hiện nghiêm túc các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tiếp tục chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã ban hành công văn 1527 ngày 15/8/2019 về thực hiện các khoản thu trong trường học năm học 2019-2020.
Cụ thể, chi tiết từng khoản thu
Theo đó, các quận, huyện chỉ đạo các phòng chức năng liên quan cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo tiến hành rà soát các điều kiện chuẩn bị cho năm học mới 2019-2020 tại các trường học trên địa bàn.
Trên cơ sở kết quả đánh giá thực trạng cơ sở vật chất và các điều kiện cho hoạt động dạy và học tại các trường học, các quận, huyện cho phép triển khai thực hiện từng nội dung cụ thể đối với từng trường.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng hướng dẫn cụ thể, chi tiết những khoản thu trong năm học 2019-2020 (Ảnh: Lã Tiến)
Tất cả các cơ sở giáo dục phải thực hiện 3 công khai được quy định tại Thông tư số 36/2017 ngày 28/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.
Thu học phí trong các cơ sở giáo dục công lập: thực hiện mức thu học phí theo mức thu học phí năm học 2018-2019 đối với các trường công lập (giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên) trên địa bàn Hải Phòng.
Đối với những khoản thu để mua sắm phục vụ trực tiếp cho học sinh học tập, sinh hoạt như: quần áo đồng phục, quần áo thể thao, phù hiệu học sinh, vở học tập mang tên trường... các cơ sở giáo dục cần thống nhất chủ trương, kiểu mẫu với phụ huynh học sinh.
Sau đó, phụ huynh học sinh tự lựa chọn và quyết định hình thức tổ chức thực hiện thích hợp.
Đối với những khoản đóng góp được thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh để thực hiện một số nhiệm vụ thay cha mẹ học sinh trong công tác nuôi, dạy học sinh như: Tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú (đồ dùng cá nhân), học phẩm, tiền nước uống...,
Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu nhà trường phải thỏa thuận với phụ huynh về chủ trương, công khai mức thu, nội dung chi bảo đảm nguyên tắc thu đủ bù chi và phù hợp với thu nhập bình quân của người dân theo địa bàn.
Hiệu trưởng nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền, quán triệt, phổ biến tường minh tới phụ huynh học sinh.
Ban đại diện cha mẹ học sinh không sử dụng quỹ để hỗ trợ các hoạt động giáo dục, khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường...Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, do cuộc họp đầu năm học của cha mẹ học sinh quyết định.
Việc chi tiêu quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh phải được lập kế hoạch và được thông qua trong cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm học và công khai kết quả sử dụng tại cuộc họp cuối kỳ, cuối năm học.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, trong điều kiện ngân sách nhà nước chưa đáp ứng được hết các nhu cầu nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học tại các trường, thì các nhà trường thực hiện huy động nguồn đóng góp tự nguyện của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để hỗ trợ cơ sở vật chất trường.
Việc quản lý, sử dụng các khoản đóng góp này cần đáp ứng các nguyên tắc và yêu cầu nêu trong Thông tư 16/2018 ngày 3/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Các cơ sở giáo dục phải tổ chức thu, quản lý và thông báo dự toán sử dụng, công khai quyết toán các khoản đóng góp tự nguyện theo đúng quy định của pháp luật;
Không tùy tiện lập các quỹ để ép buộc học sinh đóng góp dưới danh nghĩa đóng góp tự nguyện.
Các khoản thu học thêm, học ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài và hoạt động học kỹ năng sống (nếu có) thu phải theo tháng, không thu cả học kỳ hoặc cả năm học.
Các trường vận động phụ huynh tham gia bảo hiểm y tế cho con em mình theo đúng quy định bởi đây là khoản thu bắt buộc; cần giải thích rõ nội dung và tính chất tự nguyện để phụ huynh không hiểu lầm khi mua các loại bảo hiểm thương mại.
Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lạm thu
Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà trường không tập trung các khoản thu vào đầu năm học mà chia thành nhiều đợt trong năm học để tránh cho các gia đình phải có những khoản chi đột biến vào đầu năm học.
Đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của từng địa phương; chú ý thực hiện chế độ miễn giảm cho các học sinh diện chính sách, diện hộ nghèo để bảo đảm an sinh xã hội.
Hiệu trưởng các nhà trường phải chịu trách nhiệm, bị xử lý kỷ luật nếu để xảy ra lạm thu (Ảnh: Lã Tiến)
"Các khoản đóng góp cần tuân thủ nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, được hạch toán riêng theo từng khoản thu, không được dùng khoản thu này để điều chuyển hoặc chi cho nội dung, mục đích khác.
Các khoản đóng góp phải thông báo công khai bằng văn bản tới từng cha mẹ học sinh".
Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cũng nêu rõ: Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm về các khoản thu tại đơn vị, nếu để xảy ra tình trạng lạm thu sẽ phải chịu trách nhiệm trước các cơ quan chức năng có thẩm quyền, trước pháp luật và bị xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành.
Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ thành lập các đoàn kiểm tra để kiểm tra các khoản thu trong hè và đầu năm học.
Sở cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện chỉ đạo và thành lập các đoàn kiểm tra để kiểm tra các khoản thu đầu năm học đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn quản lý.
LÃ TIẾN
Theo giaoduc.net
Năm nào cũng góp tiền sắm máy chiếu, máy điều hòa Trên danh nghĩa đóng góp tự nguyện nhưng thực chất có những khoản thu đầu năm không đóng không được vì đánh vào nhu cầu cần thiết của học sinh như máy lạnh, máy chiếu... Những ngày qua, Báo Người Lao Động nhận được phản ánh của phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Đống Đa (quận Bình Thạnh, TP HCM)...