Quá khứ của nhóm đối tượng nổ súng gây náo loạn trên Quốc lộ 1A
Do mâu thuẫn trong việc nợ nần chơi cá độ bóng đá, các đối tượng đã sử dụng 2 khẩu súng quân dụng, hung khí để đánh nhau gây náo loạn cả khu vực trên tuyến Quốc lộ 1 qua địa bàn phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Sự việc rất may không xảy ra thương vong nhưng khiến nhiều người tham gia giao thông trên tuyến và người dân trong khu vực xảy ra vụ án hoang mang, lo lắng trước thái độ xem thường tính mạng người khác của các đối tượng.
Nổ súng trên quốc lộ do mâu thuẫn nợ tiền bóng đá
Quá trình điều tra ban đầu xác định, do có mâu thuẫn liên quan đến chuyện nợ nần tiền bạc, Lê Hữu Anh Tuấn (sinh năm 1987, trú phường An Đông, TP Huế) hẹn gặp Nguyễn Bá Đẳng tại quán cà phê Hải Yến thuộc tổ 11, phường Thủy Phương (thị xã Hương Thủy) để giải quyết. Nhóm của Lê Hữu Anh Tuấn còn có: Nguyễn Văn Long (sinh năm 1983, trú phường An Tây, TP Huế), Hồ Viết Thường, Trần Phúc Linh (cùng trú ở Thừa Thiên Huế).
Cơ quan điều tra thực nghiệm lại hiện trường vụ án.
Nhóm của Nguyễn Bá Đẳng (sinh năm 1994, trú phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy), có Hồ Bảo Ngọc (sinh năm 1993, trú xã Phú Xuân, Phú Vang), Trần Tiến Vũ (sinh năm 1992, trú thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang), Đinh Khắc Vũ (sinh năm 1993, trú xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc). Tất cả các đối tượng đều trú tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau khi hẹn nhau, nhóm của Đẳng đi trên xe ô tô BKS 75A-196.91 do Ngọc điều khiển. Trước khi đi, Đẳng mang theo một khẩu súng màu đen,. Đẳng khai súng này được một người tên Nguyễn Quang (không rõ nhân thân, lai lịch) tặng cho Đẳng từ năm 2021 khi Đẳng sinh sống, làm việc tại thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.
Bên cạnh đó, Trần Tiến Vũ mang theo một khẩu súng màu đen bạc. Vũ khai súng này được người tên Vinh không rõ nhân thân, lai lịch cho từ tháng 2/2022 khi Vũ làm thợ xây tại tỉnh Hậu Giang. Đồng thời, các đối tượng còn mang theo dao, kiếm lấy tại nhà Đẳng rồi cùng nhau đến quán cà phê Hải Yến và gặp nhóm của Tuấn. Lúc này, cả nhóm Đẳng vào bên trong quán, chỉ còn Ngọc ngồi chờ ngoài xe ô tô. Tại đây, do mâu thuẫn trong lúc nói chuyện về chuyện nợ nần nên Tuấn và Đẳng to tiếng cãi vã, thách thức nhau; Đinh Khắc Vũ ngồi bên cạnh thấy vậy nói “nợ nần ra giữa xã hội làm ăn sẽ trả, mấy anh đừng có sác lô”.
Nghe Đinh Khắc Vũ nói vậy, Tuấn đứng dậy dùng tay hất ly trên bàn và xô bàn về phía Đẳng, Đẳng đứng dậy xô ngã Tuấn rồi rút súng chĩa về phía Tuấn đe dọa. Thấy hai bên xô xát nhau, Tiến Vũ ngồi bàn bên cạnh rút súng ra nhắm xuống nền nhà bắn hai phát nhằm trấn áp, đe dọa nhóm của Tuấn. Nghe tiếng súng nổ, các đối tượng trong nhóm Tuấn xô bàn ghế, cầm ly thủy tinh ném về phía Tiến Vũ rồi nấp vào bức tường. Tuấn sau khi bị Đẳng xô ngã và nghe Tiến Vũ bắn 2 phát súng thì vùng dậy chạy về phía quầy pha chế của quán lấy con dao Thái Lan… Sau đó Nguyễn Bá Đẳng, Trần Tiến Vũ, Đinh Khắc Vũ cùng ra khỏi quán đi về phía nhà hàng Phúc Đại Hỷ nằm trên Quốc lộ 1A thuộc phường Thủy Phương (thị xã Hương Thủy).
Trước khi rời khỏi quán cà phê Hải Yến, Tiến Vũ hướng vào trong quán, bắn thêm một phát súng nữa. Thấy Hồ Viết Thường bỏ chạy bộ trên Quốc lộ 1A thì Hồ Bảo Ngọc điều khiển xe ô tô 75A-196.91 rú ga, nẹt pô đuổi theo. Khi thấy Ngọc điều khiển xe ô tô đuổi phía sau thì Thường chạy ra giữa đường rồi nhảy qua dải phân cách rời khỏi hiện trường. Còn Nguyễn Văn Long thấy Tuấn xô xát với nhóm của Đẳng và nghe tiếng súng nổ thì để xe bên đường chạy qua hỗ trợ Tuấn.
Trên Quốc lộ 1A, trước mặt nhà hàng Phúc Đại Hỷ, hai nhóm của Đẳng và Tuấn tiếp tục chửi bới, thách thức nhau. Long và Tuấn nhặt đá bên đường và lấy ly trong quán ném về phía nhóm của Đẳng. Lúc này, Khắc Vũ giục Đẳng và Tiến Vũ tiếp tục nạp đạn, khi thấy Đẳng đưa súng lên thì Đinh Khắc Vũ nói tiếp, “nhắm bắn nơi đầu”… Thấy nhóm của Tuấn vẫn nhặt đá và dùng ly xông lên ném về phía mình nên Đẳng giơ súng hướng lên trời bắn. Cả hai nhóm của Đẳng và Tuấn tiếp tục hò hét, thách thức, chửi bới nhau trên Quốc lộ 1A làm cho cả khu phố ồn ào, lộn xộn, mất trật tự; giao thông bị đình trệ, người dân sống xung quanh bị hoảng loạn.
Ông Nguyễn Văn H., một người dân địa phương chứng kiến vụ việc kể lại: “Các đối tượng chửi bới, dùng hung khí đánh nhau tới tấp, rồi nổ mấy phát súng liên tiếp như cảnh trong phim. Nhiều người dân hoảng loạn, lo sợ các đối tượng chạy vào nhà mình sẽ mang họa nên đóng kín cửa. Thời điểm đó, rất nhiều phương tiện, xe máy có, ô tô có bị kẹt lại không thể lưu thông”. Vụ án này chỉ gây thương tích cho một số đối tượng, không gây tử vong nhưng hành vi của các đối tượng là rất côn đồ, manh động, xem thường tính mạng của người dân và ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự của cả khu vực.
Sau khi gây án, Hồ Bảo Ngọc chở Đẳng, Khắc Vũ, Tiến Vũ rời khỏi hiện trường, điều khiển xe ô tô chạy vào hướng thành phố Đà Nẵng. Trên đường đi, Đẳng hướng dẫn Ngọc điều khiển xe ô tô chạy về rừng tràm ở khu vực hồ Khe Lời thuộc địa phận xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy cất giấu 2 khẩu súng cùng tất cả hung khí. Sau đó, Đẳng, Tiến Vũ, Khắc Vũ bỏ trốn vào thành phố Đà Nẵng. Lo sợ bị cơ quan chức năng tìm thấy súng, ngày hôm sau, Đẳng hướng dẫn Khắc Vũ quay lại khu vực cất giấu 2 cây súng và đạn mang về nơi ở của Khắc Vũ tại thôn Bát Sơn, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc cất giấu.
Sau khi cất giấu súng, Khắc Vũ tiếp tục bắt xe vào Đà Nẵng, rồi đón xe đi thành phố Hồ Chí Minh bỏ trốn và 10 ngày sau thì quay về Huế đầu thú. Các đối tượng sau đó cũng lần lượt bị Công an bắt giữ và đến đầu thú tại cơ quan Công an Thừa Thiên Huế.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm.
Quá khứ bất hảo của các đối tượng
Tại cơ quan Công an, Nguyễn Bá Đẳng, đối tượng chủ mưu khai nhận, do mâu thuẫn trong việc nợ tiền cá độ bóng đá nên các đối tượng đã có hành vi dùng súng, hung khí xe ô tô, dao, gạch, đá, ly thủy tinh hò hét, thách thức, chửi bới, xô ẩu, đánh nhau tại quán cà phê Hải Yến và trước nhà hàng Phúc Đại Hỷ trên khu vực Quốc lộ 1A gây rối trật tự, làm ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Tại bản kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, 2 khẩu súng mà Nguyễn Bá Đẳng và Trần Tiến Vũ sử dụng là súng ngắn ổ quay tự chế, bắn đạn cỡ 5,56mm, đều là vũ khí quân dụng…
Điều đáng nói, mặc dù thời gian qua, cơ quan Công an đã liên tục kêu gọi người dân tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Mặc dù Đẳng và Vũ tàng trữ 2 khẩu súng này đã khá nhiều năm và biết rằng đây là việc làm vi phạm pháp luật nhưng vẫn không tự nguyện giao nộp cho cơ quan chức năng mà cố tình cất giấu, đợi khi xảy ra mâu thuẫn lại đưa ra sử dụng.
Theo phân tích của cơ quan điều tra, hành vi cất giấu vũ khí quân dụng, sau đó đưa ra sử dụng vào việc gây rối trật tự công cộng của Nguyễn Bá Đẳng, Trần Tiến Vũ đã phạm vào tội “Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” quy định tại khoản 1 Điều 304 Bộ luật Hình sự và tội “Gây rối trật tự công cộng” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự. Hành vi giúp Nguyễn Bá Đẳng, Trần Tiến Vũ cất giấu vũ khí quân dụng, tiếp nhận, cổ vũ và cùng Nguyễn Bá Đẳng tham gia gây mất trật tự của Đinh Khắc Vũ đã phạm vào tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” và tội “Gây rối trật tự công cộng”. Còn nhóm của Lê Hữu Anh Tuấn và Nguyễn Văn Long sử dụng dao, gạch, đá, ly thủy tinh ném nhóm của Đẳng đã cấu thành tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Theo hồ sơ vụ án, 6 đối tượng liên quan trong vụ án vừa bị VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế truy tố về tội “Gây rối trật tự công cộng” và “Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” đều là dân “anh chị”. Các đối tượng này đều từng vi phạm pháp luật, có một số đối tượng đã liên tục vào tù ra tội. Điển hình như đối tượng Lê Hữu Anh Tuấn đã có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng vì có hành vi cố ý gây thương tích khi vừa lên 15 tuổi. Sau khi đi trường giáo dưỡng về, Tuấn vẫn không chịu tu chí mà theo bạn bè sa đà vào ăn chơi. Để thỏa mãn nhu cầu tiêu xài của bản thân, Tuấn dính vào ma túy.
Cuối năm 2006, Tuấn bị TAND tối cao tại Đà Nẵng xử phạt 6 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Sau lần ra tù này, một số đối tượng “có số có má” ở Huế mỗi lần thấy Tuấn đều khép nép, lo ngại. Năm 2012, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế xử phạt Tuấn 7 năm 6 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” sau khi Tuấn tham gia một vụ đâm chém nhau khiến dư luận bức xúc. Tương tự, Nguyễn Bá Đẳng từng bị TAND tỉnh Thừa Thiên Huế xử phạt tù về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”. Tiếp đó, Đẳng bị Công an thị xã Hương Thủy xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Gây rối trật tự khu dân cư” và lần gần đây nhất bị TAND thị xã Hương Thủy xử phạt 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 4 năm về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Hay đối tượng Nguyễn Văn Long (sinh năm 1983, trú phường An Tây, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) bị TAND thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế xử phạt 9 tháng tù về tội “ Trộm cắp tài sản” và tội “Đánh bạc” vào năm 2004. Năm 2014, Long lại bị TAND thành phố Huế xử phạt 7 tháng tù về tội “Hủy hoại tài sản”. Đến năm 2016, Long tiếp tục bị TAND thành phố Huế xử phạt 4 tháng tù về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”. Đối với Trần Tiến Vũ từng bị Công an xã Phú Hồ, huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế) xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Đánh bạc”. Năm 2021 bị Công an huyện Phú Vang xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Đánh bạc”.
Hay Đinh Khắc Vũ sau khi rời quê vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân thì đã sa vào con đường nghiện ngập. Năm 2021, TAND quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thời hạn 21 tháng. Đối với Hồ Bảo Ngọc (sinh năm 1993, trú xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) bị TAND tỉnh Thừa Thiên Huế xử phạt 20 triệu đồng về tội “Đánh bạc” vào năm 2020…
Trở lại vụ án, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vừa diễn ra, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên phạt Nguyễn Bá Đẳng 3 năm 7 tháng tù, Trần Tiến Vũ 3 năm 6 tháng tù, Đinh Khắc Vũ 3 năm 3 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng” và “Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”.
Các bị cáo Lê Hữu Anh Tuấn bị tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù, Nguyễn Văn Long 2 năm tù và Hồ Bảo Ngọc 2 năm tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Bộ Công an đề xuất 6 trường hợp nổ súng không cần cảnh báo
Bộ Công an đề xuất quy định về 6 trường hợp người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào đối tượng mà không cần cảnh báo.
Bộ Công an vừa hoàn tất dự thảo luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo là về quản lý, sử dụng vũ khí. Các quy định được Bộ Công an đưa ra cơ bản kế thừa từ luật hiện hành.
Bộ Công an đề xuất quy định chi tiết các trường hợp được nổ súng quân dụng (ảnh minh họa). Ảnh CHINHPHU.VN
Miễn trách nhiệm khi sử dụng đúng quy định
Dự thảo quy định 4 nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT), an toàn xã hội.
Thứ nhất, phải căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà đối tượng thực hiện để quyết định việc sử dụng vũ khí quân dụng.
Bộ Công an đề xuất 6 trường hợp nổ súng không cần cảnh báo
Thứ hai, chỉ sử dụng vũ khí quân dụng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc sử dụng vũ khí quân dụng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được sử dụng ngay.
Thứ ba, không sử dụng vũ khí quân dụng khi biết rõ đối tượng là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.
Thứ tư, trong mọi trường hợp, người sử dụng vũ khí quân dụng phải hạn chế thiệt hại do việc sử dụng vũ khí quân dụng gây ra.
Vẫn theo dự thảo, người được giao sử dụng vũ khí quân dụng không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại khi việc sử dụng vũ khí quân dụng đã tuân thủ quy định.
Trường hợp sử dụng vũ khí quân dụng vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, gây thiệt hại rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, lợi dụng hoặc lạm dụng việc sử dụng vũ khí quân dụng... thì bị xử lý theo quy định.
Lực lượng công an thu hồi các loại vũ khí do người dân giao nộp. Ảnh T.N
Khi nào được nổ súng?
Dự thảo của Bộ Công an cũng quy định rõ các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT.
Trong đó, người thi hành nhiệm vụ độc lập phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào đối tượng trong trường hợp sau:
Thứ nhất, đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác tấn công hoặc chống trả đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.
Thứ hai, đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác gây rối trật tự công cộng đe dọa tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.
Thứ ba, người đang bị truy nã, bị bắt, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử hoặc chấp hành hình phạt tù đang chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; đối tượng đang đánh tháo người bị dẫn giải, người bị giam, giữ, áp giải do phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm.
Thứ tư, khi biết rõ đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Thứ năm, được nổ súng vào phương tiện giao thông (trừ phương tiện của cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự nước ngoài, tổ chức quốc tế) để dừng phương tiện nếu đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; biết rõ phương tiện do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, chở vũ khí, vật liệu nổ trái phép...
6 trường hợp nổ súng không cần cảnh báo
Đáng chú ý, dự thảo luật quy định 6 trường hợp người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào đối tượng không cần cảnh báo.
Thứ nhất, đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội đó.
Thứ hai, đối tượng sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ.
Thứ ba, đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của đối tượng cảnh vệ, công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác.
Thứ năm, đối tượng đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ.
Thứ sáu, được nổ súng vào động vật đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.
Xem nhanh 12h ngày 6.12: Thời sự toàn cảnh
Giám đốc thuê "xế hộp" đi cầm, chiếm đoạt hơn 2,7 tỷ đồng Do cần tiền tiêu xài nên Vũ nảy sinh ý định chiếm đoạt xe ô tô của anh Sang. Sau đó, Vũ liên lạc với anh Võ Văn Xuân Hoàng rồi đưa xe đến để anh Hoàng xem. Do biết Vũ làm giám đốc, có điều kiện kinh tế khá giả nên anh Hoàng đồng ý cầm xe cho Vũ với giá 4...