Quả dưa hấu phải đội bao nhiêu thứ phụ phí?
Khi bán ngoài thị trường, 1 kg dưa hấu đã được đội lên gấp nhiều lần bởi qua nhiều khâu trung gian và vô vàn phí dịch vụ.
Phong trào mua dưa hấu ủng hộ đồng bào miền Trung thời gian qua đã tạo được dấu ấn lớn trong xã hội. Với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, tổ chức, nhóm tình nguyện, hàng trăm tấn dưa của người nông dân miền Trung đã được tiêu thụ kịp thời, người trồng dưa thoát khỏi cảnh khó khăn, người tiêu dùng mua được dưa với giá thành hợp lý.
Theo tính toán của những nhóm tình nguyện tiêu thụ dưa, sau khi thu mua từ người dân cộng với các chi phí tối thiểu nhất để bán đến tay người tiêu dùng, giá thành 1 kg dưa hấu chỉ từ mức 5.000 – 6.000 đồng. Tất nhiên, giá bán trong chương trình hỗ trợ tình nguyện cho nên sẽ không tính đến một số chi phí khác như kho bãi, bốc xếp, tiền ăn, nghỉ của các tình nguyện viên…nhưng có thể thấy, giá bán này khác xa so với ngoài thị trường.
Dù dưa hấu có dư thừa nhưng giá bán dưa ở chợ vẫn không giảm. (Ảnh: KT)
Khảo sát giá bán tại các chợ hoa quả đầu mối ở Hà Nội hiện nay, giá dưa hấu ruột đỏ từ các đại lý lớn xuất bán buôn cũng không có giá dưới 15.000 đồng/kg. Sau đó, dưa được bán lẻ tại các siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh, khi đến được tay người tiêu dùng, giá dưa sẽ tăng lên không dưới 20.000 đồng/kg tùy từng thời điểm.
So sánh giá thành trong cùng một thời điểm nhưng tại những địa điểm và đối tượng cung cấp khác nhau đã cho thấy, giá thành sản xuất sản phẩm nông sản hàng hóa – ở đây là dưa hấu – ở mức cực rẻ, trong khi giá bán đến người tiêu dùng ngoài thị trường lại quá cao. Chỉ cần khác nhau chút ít trong khâu tiêu thụ, nhưng giá thành của 1 kg dưa đã tăng cao gấp 5 – 6 lần.
Thực tế giá dưa nơi mua rẻ – giá bán đắt không mang lại lợi ích chung. Có thể thấy được ngay hai đối tượng chịu thiệt thòi nhất luôn là người trồng dưa và người tiêu dùng. Người trồng dưa không bán được giá cao trong khi là người tiêu dùng sẽ luôn phải mua dưa với giá đắt. Và vấn đề chính ở đây là ai, điều gì đã khiến giá một quả dưa tăng cao như thế? Ai sẽ là người được hưởng lợi từ chênh lệch trong quá trình tiêu thụ này?
Video đang HOT
Trao đổi với một chủ đại lý chuyên cung cấp hoa quả tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), anh này cho biết, từ trước tới nay, giá thực mua hoa quả của các thương lái, chủ vựa tại ruộng, vườn của người dân không hề cao, tuy nhiên qua rất nhiều chi phí trung gian trong quá trình phân phối đã khiến giá thành hoa quả tăng vọt.
Anh này lấy ví dụ, chỉ tính riêng chi phí để vận chuyển từ hoa quả miền Nam ra chợ này đã lên tới 4 – 5 triệu đồng/tấn hàng. Ngoài ra phải tính đến hàng loạt các chi phí khác như qua nhiều trung gian, thuê người bốc vác, thuê cửa hàng, địa điểm, phí dịch vụ, tiền điện, nước, nhân viên bán hàng, bảo vệ… Cho nên, nếu giá dưa đang ở mức như hiện nay vẫn là rẻ, có những loại hoa quả khác nếu so với giá mua từ gốc khi đến tay người dân đã được đội lên hàng chục lần.
Qua câu chuyện của chủ đại lý hoa quả với cách làm của các nhóm tình nguyện tiêu thụ dưa giúp bà con miền Trung thời gian qua có thể thấy, nếu chỉ tính chi phí vận chuyển, mặc dù có tăng cao nhưng cũng chỉ chiếm đến 30% giá thành của sản phẩm. Những chi phí dịch vụ, việc làm giá qua nhiều đầu mối trung gian đã góp phần khiến giá hàng hóa tăng cao tới mức vô lý như hiện nay.
Vẫn biết để đến được tay người tiêu dùng, nông sản hàng hóa mà dưa hấu là một ví dụ điển hình trong quá trình tiêu thụ cần phải qua một chuỗi hoạt động, từ đầu mối thu hoạch của người nông dân đến việc thu gom của thương lái, đóng gói, vận chuyển, bốc dỡ và thương mại…
Những hoạt động này đã khiến hàng hóa tăng chi phí dẫn đến tăng giá thành, nhưng tăng quá cao như câu chuyện giá một quả dưa là điều bất hợp lý, và không ai khác, chính những người tiêu dùng phải gánh chịu điều vô lý này, trong khi người trồng dưa không được thêm đồng nào từ việc tăng giá đó.
Cho nên nếu giảm được thêm các chi phí, đặc biệt là các chi phí tiêu cực, giảm thiểu tối đa các khâu trung gian, thương lái, đầu nậu trong khâu tiêu thụ hàng hóa… chắc hẳn giá thành sản phẩm sẽ giảm đi rất nhiều. Điều này chắc chắn sẽ mang lợi ích trước tiên cho người sản xuất, nâng cao hiệu quả bền vững cho người nông dân khi có cơ hội tăng giá thành sản phẩm, trong khi người tiêu dùng lại mua được sản phẩm hàng hóa với mức giá vừa phải.
Trở lại câu chuyện tiêu thụ dưa hấu, việc tăng cường xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu sẽ là việc làm cấp thiết của các Bộ, ngành và các địa phương. Đẩy mạnh được công tác xuất khẩu, thị trường trong nước sẽ còn lại những kênh phân phối chuyên nghiệp hoạt động hiệu quả, việc tiêu thụ dưa cũng không chỉ còn phải phụ thuộc vào những tấm lòng hảo tâm.
Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các cơ quan hữu quan là vô cùng cần thiết trong việc điều tiết giá cả thị trường, xử lý được việc thương lái lũng đoạn, ép giá thu mua nông sản. Quan trọng hơn vẫn cần sự vào cuộc của các địa phương trong công tác định hướng, quy hoạch vùng sản xuất nông sản hàng hóa, không để bà con nông dân lâm vào cảnh “được mùa mất giá nhưng lại khó tiêu thụ” như vẫn thường xảy ra./.
Theo Nguyễn Quỳnh
VOV.VN
Ôm hận vì thương lái Trung Quốc
Với chiêu bài trữ hàng giá rẻ, đặt hàng giá cao, một số thương lái Trung Quốc khiến thị trường hồ tiêu ở khu vực Tây Nguyên rối loạn.
Theo phản ánh của nhiều chủ đại lý thu mua hồ tiêu, có thời điểm, các thương lái Trung Quốc ồ ạt đặt hàng với giá cao hơn trị trường từ 3.000-10.000 đồng/kg. Thậm chí, tiêu lép cũng được thu mua với giá gần bằng tiêu chắc, còn tạp chất của tiêu được mua với giá 15.000 đồng/kg.
"Ôm" tiêu... đợi giá
Chị N., chủ doanh nghiệp nông sản H.P. (xã Ea Hur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) cho biết cách đây khoảng 3 tuần, giá tiêu trên mạng khoảng 180.000 đồng/kg nhưng giá trong vùng lên đến 190.000 đồng/kg. Lúc đó, nghĩ do mất mùa, sản lượng giảm sút, cung không đủ cầu nên giá lên, chị chấp nhận mua giá cao để chờ cơ hội.
Rất nhiều doanh nghiệp đang "ôm" hàng trăm tấn bụi tiêu còn thương lái thì vắng bóng.
"Có nhiều người tới đặt hàng bụi tiêu (gồm các tạp chất như bụi đất, lá, núm tiêu...) với giá khoảng 15.000 đồng/kg và tiêu lép (loại 3) với giá gần bằng tiêu chắc (loại 1) nên tôi cũng cố gắng đi thu mua về trữ bán dần. Không hiểu sao khoảng 1 tuần trở lại đây không thấy bóng dáng các thương lái thu mua tiêu lép và bụi tiêu. Với giá như hiện nay, chỉ tính riêng 50 tấn tiêu lép, chúng tôi đã lỗ trên 500 triệu đồng. Đó là chưa kể 20 tấn bụi tiêu đang nằm trong kho đã gần cả tháng" - chị N. lo lắng.
Theo ông Hồ Hữu Hải, chủ DNTN DV Hải Dung (xã Ea Ning, huyện Cư Kuin), thời gian gần đây xuất hiện nhiều thương lái Trung Quốc thu mua hồ tiêu cao hơn giá thị trường từ 3.000-5.000đồng/kg. Điều này khiến các doanh nghiệp trong vùng không mua được hàng, ảnh hưởng đến các hợp đồng đã ký trước đó.
"Điều đáng lo ngại là điệp khúc giá tiêu tăng vọt xảy ra trong ít ngày rồi lại xuống thấp diễn ra trong một thời gian ngắn khiến thị trường rối loạn. Hiện doanh nghiệp còn tồn rất nhiều tiêu lép và bụi tiêu nhưng các đầu mối ngưng thu mua khiến chúng tôi đứng ngồi không yên" - ông Hải than thở.
Điều tra làm rõ động cơ, mục đích
Theo ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, thời gian gần đây, thị trường hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk rất "nóng". Có thời điểm, các thương lái, doanh nghiệp tranh mua, tranh bán với giá cao hơn giá trị trường. Hậu quả là các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính không mua được hàng phải chịu thiệt hại lớn.
Qua nắm tình hình, Sở Công Thương nhận thấy có tình trạng thương lái Trung Quốc tung chiêu bài mua bán xoay vòng để hưởng lợi khiến giá hồ tiêu rối loạn. Ông Dương nêu ví dụ: "Cách đây khoảng 3 tuần, họ mua sẵn 1 lô hàng khoảng 100 tấn với giá 175.000 - 180.000 đồng/kg. Sau đó, họ đến đại lý A đặt mua 1 lô hàng khoảng vài chục tấn với giá 185.000 đồng/kg và chỉ đặt cọc một ít với yêu cầu "gom nhanh, lấy ngay". Tương tự, họ lại tới đại lý B đặt tiếp lô hàng khác với giá 190.000 đồng/kg. Khi đã đẩy giá hồ tiêu lên cao, họ không tới lấy hàng, chấp nhận mất tiền cọc và tung ra thị trường lô hàng giá thấp đã có".
Ông Dương cho biết dù lỗ nặng nhưng sợ ảnh hưởng đến việc kinh doanh nên các doanh nghiệp không báo cho cơ quan chức năng khiến việc giám sát những thương lái Trung Quốc gặp không ít khó khăn. Sắp tới, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức cuộc họp với chủ các doanh nghiệp, đại lý thu mua nông sản và đề nghị họ thông báo ngay khi thị trường có những biến động lớn về giá cả. "Sau khi tiếp nhận, sở sẽ cho lực lượng quản lý thị trường phối hợp với cơ quan thuế, công an điều tra xem có tình trạng gian lận thương mại, phá hoại không để có hướng xử lý" - ông Dương nói.
Theo ông Dương, tình trạng nêu trên cũng từng xảy ra với nhiều mặt hàng khác. "Có những thời điểm cà phê chỉ 35.000 đồng nhưng họ thu mua với giá 45.000 đồng. Hậu quả là chúng ta chịu thiệt hại với nhau, còn lợi nhuận thì họ cầm đi mất" - ông Dương băn khoăn.
Theo Cao Nguyên
NLĐ
Cảnh báo việc thương lái Trung Quốc lũng đoạn hồ tiêu Ngày 15/4, tại cuộc họp sơ kết công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, Giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk đã đưa ra lời cảnh báo. Tránh lặp lại kịch bản Cụ thể, theo ông Phạm Thái, thời gian qua có nhiều thương lái người Trung Quốc đến Đắk Lắk mua hồ tiêu với giá 190.000 đến 195.000...