Qatar và Australia bỏ Copa America
Qatar và Australia, hai khách mời của Copa America, xác nhận không tham dự vì lịch thi đấu quốc tế dày đặc.
Theo ESPN , ông Gonzalo Belloso, Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Nam Mỹ ( CONMEBOL), xác nhận hai đội tuyển khách mời đã rút khỏi giải đấu. “Qatar và Australia sẽ không thi đấu ở Copa America”, ông Belloso nói trên Radio Red của Argentina.
Ông Belloso cho biết quyết định rút lui của hai đội bóng này tuân theo Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), trong đó cả Australia và Qatar đều là thành viên, vì vướng lịch thi đấu vòng loại World Cup 2022.
CONMEBOL sẽ nỗ lực tìm 2 đại diện thay thế. Ảnh: QFA.
Liên đoàn Bóng đá Qatar đã gửi lời xin lỗi về việc rút lui vì “AFC quyết định tổ chức vòng loại World Cup 2022 vào tháng 6, trùng với lịch thi đấu của Copa Ameria”. Qatar, chủ nhà của World Cup 2022, vẫn thi đấu 2 vòng loại đầu tiên vì đây cũng là vòng loại Asian Cup 2023.
Copa America không thể tổ chức trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã được lên kế hoạch vào tháng 6 năm nay, với hai chủ nhà Colombia và Argentina.
Video đang HOT
Theo lịch bốc thăm ban đầu, Qatar chung bảng với Brazil, Ecuador, Venezuela, Peru và Colombia. Trong khi đó, Australia nằm ở bảng đấu với Bolivia, Uruguay, Paraguay, Chile và Argentina.
Một nguồn tin từ CONMEBOL nói với Reuters rằng họ sẽ xem xét khả năng mời 2 đội khác thay thế, nhưng giải đấu vẫn sẽ diễn ra bất kể có 10 hay 12 đội.
“Sẽ không có gì thay đổi. Chúng tôi sẽ chơi với 10 đội nếu phải làm như vậy. Không có vấn đề gì, tiền thưởng không thay đổi và mọi thứ vẫn như cũ”, nguồn tin giấu tên cho biết.
Copa America dự kiến khai mạc ở Buenos Aires, Argentina ngày 11/6 và kết thúc bằng trận chung kết ở Barranquilla, Colombia ngày 10/7.
Bóng đá Nam Mỹ: Ly cà phê ngọt ngào còn dang dở
Nhắc đến bóng đá Nam Mỹ là gợi nhớ sự hoa mỹ, diệu kỳ của những đường bóng, pha trình diễn trên những đôi chân điêu luyện.
Nơi đây sản sinh ra nhiều huyền thoại như Diego Maradona, Ronaldo de Lima hay Ronaldinho...luôn hằn sâu trong tiềm thức người xem. Nhưng tại sao, các nghệ sĩ tài ba này lại không thể ngự trị lâu dài trên đỉnh cao?
Oscar, tài năng sớm chìm vào lãng quên của xứ Samba. (Ảnh: Goal)
Nam Mỹ, một vùng đất đặc biệt
Ở đây, người ta coi bóng đá như một tôn giáo. Sẽ không bất ngờ nếu như chúng ta thấy hàng ngàn cổ động viên lấp đầy các sân vận động rộng lớn hay những con đường phủ đầy sắc khói sau mỗi trận đấu. Tình yêu đối với trái bóng của người Nam Mỹ là khỏi bàn cãi.
Còn nhớ World Cup 2018, khi đội tuyển quốc gia Peru lần đầu tiên dành được tấm vé đến Nga sau 36 năm dài đằng đẵng. Các cổ động viên đã làm mọi cách để đến xứ sở Bạch Dương, kể cả là bán xe lấy tiền, tăng cân để được hưởng giá vé ưu đãi, hay thậm chí bỏ cả công việc làm lâu năm, nhận tiền trợ cấp một lần. Tất cả chỉ để xem các chiến binh nước nhà thi đấu ở đấu trường lớn nhất thế giới.
Nếu là một người đam mê bóng đá, những câu chuyện xoay quanh trái bóng tròn thời ấu thơ của các cầu thủ là điều mà chúng ta truyền tai nhau không ngừng. Chẳng hạn như Messi thuở nhỏ thường ôm bóng đi ngủ, cùng đến trường, quyến luyến không rời như tình nhân. Hay Ronaldo de Lima thường trốn học thuở ấu thơ để rong ruổi chơi bóng trên đường phố. Đối với người dân Nam Mỹ, bóng đá như là một lẽ sống.
Một điều khác lạ ở mảnh đất này chính là giải đấu khu vực của họ, Copa America. Về công tác tổ chức, Copa America chưa bao giờ được đánh giá cao. Thậm chí vào năm 2016, giải đấu còn được tổ chức ở nước Mỹ xa xôi, chứ không được đăng cai ở bất kỳ quốc gia nào thuộc CONMEBOL (Liên đoàn Bóng đá Nam Mỹ).
Thời gian tổ chức cũng là một vấn đề nan giải, khi Copa America không bao giờ diễn ra theo một quy luật nhất định. Nếu như các đấu trường khu vực Euro hay Asian Cup được tổ chức theo chu kỳ bốn năm một lần, thì Copa America lại chia ra những giai đoạn khác nhau. Trong giai đoạn từ năm 2001 đến 2007, cứ ba năm thì giải đấu sẽ được tổ chức một lần, từ năm 2007 đến 2019, Copa America lại được tổ chức bốn năm một lần. Nhưng xen giữa quãng này, năm 2016, khi Copa America tròn 100 năm tuổi, một giải đấu được tổ chức thêm, như một kỷ niệm tưởng nhớ sự ra đời của giải đấu lớn nhất Nam Mỹ.
Nói gì đi chăng nữa, đây vẫn là giải đấu đậm tính giải trí nhất thế giới. Những cú trivela, rabona hay elastico là điều không hiếm để bắt gặp trong những pha biểu diễn kỹ thuật của các cầu thủ. Những cú nhảy santo cũng là đặc sản không thể thiếu của dải đất Nam Mỹ. Có lẽ, chúng ta sẽ không bao giờ được chứng kiến giải đấu nào mang đậm chất trình diễn như thế giữa thời buổi bóng đá đầy tính toán và đề cao sự chính xác hơn trước rất nhiều.
Những vết gợn bên trong sự tinh túy
Đẹp như vậy, cuốn hút đến vậy. Nhưng trong lòng các tín đồ túc cầu giáo luôn có một thắc mắc khó lý giải, đó là tại sao các ngôi sao Nam Mỹ không thể trụ trên đỉnh cao được lâu?
Thông thường, những cầu thủ có tố chất kĩ thuật tốt, có niềm đam mê với trái bóng và được khai sáng tài năng ở một vùng đất phù hợp sẽ có nhiều khả năng thành công lâu dài trong sự nghiệp. Nhưng đôi khi chúng ta mải đắm chìm trong những vũ điệu mà các cầu thủ Ronaldinho, Maradona hay những cầu thủ đàn em như Robinho hay Marcelo tạo ra, mà quên mất những điều thiết yếu để các siêu sao duy trì đỉnh cao trong thi đấu. Đó chính là thái độ tập luyện và chế độ sinh hoạt chuẩn mực của vận động viên. Về hai mặt quan trọng này, các cầu thủ Nam Mỹ thực sự rất tệ.
Không khó để bắt gặp những bài báo nói về thói ăn chơi của những ngôi sao đến từ mảnh đất này. Điều kiện sống quá khó khăn và thiếu thốn từ thuở niên thiếu đã khiến những đôi chân Nam Mỹ đổi thay. Để bù đắp cho tuổi thơ khốn khó của mình, khi có chút danh tiếng, những ngôi sao sẵn sàng tổ chức những buổi tiệc thâu đêm suốt sáng, tỏ thái độ ngông cuồng hay thậm chí là gây gổ với những người đồng đội.
Một vấn đề khác chính là sự ham muốn vật chất, mong muốn được tận hưởng cuộc sống an nhàn. Những cầu thủ Nam Mỹ, đặc biệt là Brazil, sẵn sàng tới thi đấu ở những nền bóng đá có trình độ thấp hơn như Trung Quốc, Qatar hay A-rập Xê-út mặc dù trình độ chuyên môn của họ đủ đáp ứng cho môi trường thi đấu khắc nghiệt ở châu Âu.
Bởi tiền bạc là thứ mà các đại gia châu Á trên có thể đáp ứng. Lấy ví dụ điển hình là Oscar, cầu thủ từng được đánh giá là một trong những sao mai có tiềm năng nhất thế giới. Nhưng thay vì chọn những đội bóng lớn ở châu Âu sau khi rời Chelsea vào năm 2017, anh lại có một quyết định khiến cả thế giới ngỡ ngàng, đó là gia nhập CLB Thượng Hải SIPG ở Trung Quốc với mức giá 60 triệu euro kèm thêm một mức lương không tưởng 20,8 triệu bảng/năm. Số lương mà Oscar nhận là sự thèm khát đối với bất cứ cầu thủ nào trên thế giới.
Chia sẻ với Copa90 về quyết định sang đất nước tỷ dân Trung Quốc chơi bóng, anh nói: "Mọi cầu thủ, hay những ai đang lao động, họ đều muốn kiếm tiền về cho gia đình. Tôi đến từ một nơi rất nghèo tại Brazil. Chúng tôi không có gì cả. Đây là trái ngọt cho thành quả của công việc mà tôi đang làm. Tôi xứng đáng có được điều này vì tôi chiến đấu để có được nó. Tôi sẽ trở lại châu Âu giống như cách tôi đến nơi này". Có thể nói sức hút mạnh mẽ của đồng tiền cũng là một phần nguyên nhân khiến cho các cầu thủ Nam Mỹ sớm nở chóng tàn.
Phải nói rằng những tài năng của Nam Mỹ luôn có một khát khao vươn lên mãnh liệt. Nếu như không phải trải qua tuổi thơ sóng gió, được tận hưởng nền giáo dục tốt, có lẽ câu chuyện của một số cầu thủ đã khác. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, các ảo thuật gia Nam Mỹ đã làm được điều mà cầu thủ đến từ các nền bóng đá khác khó có thể làm được: những pha xử lý ngẫu hứng và đậm chất đường phố đem lại sự phấn khích đầy kinh ngạc cho người xem.
Bại tướng của thầy Park 'cầu được ước thấy' HLV Felix Sanchez cùng Qatar tham dự vòng loại World Cup 2022 cả châu Á lẫn châu Âu, còn dự Gold Cup ở Trung Mỹ và cả Copa America... Chiến lược gia Felix Sanchez của Qatar, người từng là bại tướng của HLV Park Hang-seo tại bán kết U-23 châu Á ở Thường Châu 2018 cứ "cầu được ước thấy". Trong vòng hai...