Putin có thể gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ nêu khả năng Tổng thống Nga Putin sẽ gặp người đồng cấp Recep Tayyip Erdogan tại Paris nhưng chưa tiết lộ thông tin chi tiết.
Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ hy vọng hạ nhiệt căng thẳng với Nga sau vụ bắn rơi máy bay. Ảnh: Daily Star
Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ mới đây dẫn lại nguồn tin thân cận của tổng thống nước này về việc ông Erdogan gặp gỡ ông Putin bên lề Hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu tại Paris. Tuy nhiên “thời gian của cuộc gặp chưa được lên lịch”.
Hiện Nga chưa lên tiếng xác nhận việc này. Điện Kremlin hôm 27/11 cho biết ông Putin từ chối gặp tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ do Ankara thiếu thiện chí, không nói xin lỗi sau khi bắn rơi chiến đấu cơ của Nga ở gần biên giới Syria ba ngày trước đó.
Ông Erdogan cuối tuần qua bất ngờ bày tỏ đau buồn và hối tiếc vì chiếc Su-24 của Nga bị bắn hạ, ước rằng mọi chuyện không xảy ra. Thái độ này trái ngược hẳn với những tuyên bố cứng rắn của ông, rằng “Nga chớ đùa với lửa”.
Các máy bay F-16 của Ankara hôm 24/11 bắn rơi máy bay chiến đấu cơ của Moscow. Một trong hai phi công Nga thiệt mạng sau khi nhảy dù, một binh sĩ thủy quân lục chiến khác trên trực thăng cứu hộ chiến đấu cơ bị bắn cũng hy sinh.
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố máy bay Nga xâm phạm không phận nước mình và có quyền bảo vệ không phận. Tổng thống Nga Putin bác bỏ cáo buộc, cho rằng hành động của Ankara là “cú đâm sau lưng” của kẻ “đồng lõa với khủng bố”.
Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua chính thức bàn giao thi thể cơ trưởng của Su-24 cho Nga. Trong khi đó ông Putin đã ký sắc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế với Ankara.
Khánh Lynh
Video đang HOT
Theo VNE
Nga có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải trả giá như thế nào
Gián tiếp tấn công vào các lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ như du lịch , đầu tư hay năng lượng có thể là cách mà ông Putin lựa chọn để trừng phạt Ankara vì hành động bắn rơi máy bay Nga.
Nếu muốn trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, ông Putin được dự đoán sẽ thực thi những biện pháp nhằm đánh vào các lợi ích của quốc gia này. Ảnh minh họa: Reuters
Thổ Nhĩ Kỳ hôm 24/11 bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 Nga gần khu vực biên giới với Syria vì cho rằng chiếc máy bay này xâm phạm không phận. Nga trong khi đó khẳng định phi cơ của họ chỉ hoạt động trên lãnh thổ Syria.
Phản ứng trước biến cố trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin tỏ ra khá tức giận. Trong cuộc gặp với vua Abdullah II của Jordan, ông chỉ trích hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là một "cú đâm sau lưng" và không khác gì "đồng lõa với khủng bố".
Phát biểu sau cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Francois Hollande tại điện Kremlin hôm qua, ông cũng không giấu sự giận dữ khi nói việc bắn hạ máy bay Nga là hành động phản bội do một quốc gia mà Moscow coi như bạn thực hiện.
Thái độ kiên quyết và ngôn từ cứng rắn của ông chủ điện Kremlin khiến nhiều người suy đoán Tổng thống Nga trong tương lai gần sẽ có những biện pháp đáp trả mạnh mẽ đối với Thổ Nhĩ Kỳ bởi ông Putin hiện nắm trong tay rất nhiều quân bài khả dụng.
Du lịch
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên tiếng cảnh báo công dân nước này không nên tới Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Bloomberg, đây rõ ràng không đơn thuần chỉ là một lời khuyên về an toàn khi đi du lịch.
Chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, có khoảng 3,3 triệu khách du lịch Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ và trong cả năm 2014 con số này là 4,5 triệu.
Hàng không Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ từ tháng 9 đã trở thành hãng hàng không dân dụng quốc tế lớn nhất hoạt động ở Nga, được dự báo sẽ chuyên chở trên một triệu lượt hành khách trên các đường bay với Nga. Hãng này cũng đã tăng hơn 16% số chuyến bay tới Nga trong năm 2015.
Hiện có khoảng 10.000 người Nga du lịch ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, điểm đến ưa thích này sẽ sớm bị "đóng cửa", Irina Turina, phát ngôn viên báo chí của Liên đoàn Du lịch Nga, cho hay. Tổng cục Du lịch Liên bang Nga đã yêu cầu các công ty lữ hành ngừng bán tour du lịch sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ những con số thống kê trên, có thể dễ dàng hình dung mức độ ảnh hưởng của việc sụt giảm bất ngờ lượng du khách Nga đối với không chỉ ngành du lịch mà còn nhiều ngành nghề liên quan khác của Thổ Nhĩ Kỳ.
Năng lượng
Quá nửa lượng khí đốt Thổ Nhĩ Kỳ tiêu thụ trong năm 2014 được nhập khẩu từ Nga, tương đương khoảng 27 triệu mét khối, theo số liệu của Gazprom, tập đoàn dầu khí lớn nhất Nga. Lượng khí đốt này được vận chuyển chủ yếu bằng đường ống Blue Stream đi qua Biển Đen và phần còn lại bằng các đường ống đi qua Ukraine và Balkans.
Mặc dù Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Anatoly Yanovsky cho hay các hợp đồng khí đốt đã ký kết giữa hai nước vẫn sẽ được duy trì nhưng ông này lại từ chối bình luận về vấn đề tạm dừng việc đàm phán xây dựng một đường ống dẫn khí đốt mới đi qua Biển Đen và Thổ Nhĩ Kỳ để đưa khí đốt vào châu Âu.
Ngoài ra, Nga còn đang giúp Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước này với công suất 4.800MW. Nhà máy được đặt tại tỉnh Mersin bên bờ biển Địa Trung Hải.
Nếu tất cả bị đình trệ, tổn thất về kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ là không thể tránh khỏi, chưa kể đến những tác động tiêu cực tới đời sống xã hội.
Quân sự
Putin chưa đưa ra bất cứ đe doạ quân sự nào với Ankara, tuy nhiên chuyên gia dự báo Tổng thống Nga có thể sẽ gián tiếp tấn công vào các lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ nếu muốn tung đòn trừng phạt.
Với mối quan hệ sẵn có với các nhóm người Kurd ở Syria và Iraq, Nga có thể cung cấp vũ khí cho những lực lượng này. Người Kurd, vốn chiếm tới một phần năm dân số Thổ Nhĩ Kỳ, luôn khát khao có một quốc gia cho riêng mình. Đối với Ankara, viễn cảnh người Kurd đứng ra thành lập một nhà nước riêng thậm chí còn nguy hiểm hơn cả chủ nghĩa cực đoan tôn giáo của Nhà nước Hồi giáo (IS).
Ngoài ra, Nga cũng có thể ra mặt ủng hộ Armenia trong vấn đề tranh chấp khu vực Nagorno - Karabakh với Azerbaijan, đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ. Quân đội Nga đang hiện diện ở Armenia, gần biên giới đã phong toả với Thổ Nhĩ Kỳ, một điểm nóng dễ khiến căng thẳng leo thang.
Một ngày sau biến cố xảy ra với chiếc chiến đấu cơ Su-24, Nga lập tức tăng cường không kích khu vực máy bay rơi, theo báo cáo từ tổ chức Theo dõi Nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh. Hành động này đi ngược lại lời kêu gọi ngừng đánh bom "các anh em người Turk ở Syria" của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu. Nga thậm chí còn điều động thêm hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 đến Syria như một lời cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ. Dù vậy, giới chuyên vẫn không sẽ xảy ra đối đầu trực tiếp giữa Moscow và Ankara.
Hành động ấy sẽ khiến NATO phải tham chiến để bảo vệ thành viên. Cả NATO và Nga đều không mong muốn một "cuộc đối đầu trực diện", Tony Brenton, cựu đại sứ Anh tại Nga, nhận định.
Đối đầu quân sự trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ thật sự là điều "khó tin và không thể chấp nhận được", Frants Klintsevich, phó chủ nhiệm Hội đồng Quốc phòng thuộc thượng viện Nga, bình luận.
Đầu tư
Nga là đối tác thương mại lớn thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ đứng sau Đức, và là quốc gia xuất khẩu nhiều nhất vào nước này với giá trị khoảng 25 tỷ USD trong năm 2014, theo số liệu thống kê từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Từ đầu năm đến nay, đầu tư trực tiếp từ Nga vào Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt con số 775 triệu USD, theo Charlie Robertson, giám đốc phân tích tài chính toàn cầu của ngân hàng Renaissance Capital. Ở chiều ngược lại, con số chỉ khiêm tốn ở mức 55 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2015.
Về mặt giao thương, cả hai nước đều "sẽ chịu những tổn thất to lớn nếu căng thẳng tiếp tục leo thang", Tim Ash, trưởng phòng hoạch định tín dụng khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của công ty Nomura International Plc, đánh giá. "Tuy nhiên hiện tại những cái đầu đang rất nóng và một bên sẽ phải chấp nhận nhún nhường". Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ sẽ là bên không thể làm căng bởi họ nắm trong tay rất ít đòn bẩy đủ sức nặng để đối trọng với Nga.
Gia Quang
Theo VNE
Tướng cấp cao Iran chỉ huy chiến dịch giải cứu phi công Nga Phi công Nga đã được giải cứu trong một chiến dịch do chỉ huy quân đội cấp cao của Iran giám sát, sau khi nhảy dù từ chiến đấu cơ bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi hồi đầu tuần. Thiếu tướng Iran Qassem Soleimani. Ảnh: Presstv Không giống cơ trưởng Oleg Peshkov bị phiến quân người Turk ở Syria bắn chết trong lúc...