Phút hội ngộ gia đình của thiếu nữ mất tích 21 năm
Thấy một phụ nữ trung tuổi bán hàng đầu phố Khâm Thiên (Hà Nội), chị Vân nhớ mang máng hình như đó là dì mình nhưng không dám vào hỏi. Trong ký ức của chị, dì đen gầy nhưng người phụ nữ trước mặt béo và trắng.
Chị Vân đã tìm được hạnh phúc mới sau chuỗi ngày bị lừa bán ở Trung Quốc.
Giữa cái nóng tháng 7, căn nhà cấp bốn của vợ chồng chị Vân nằm giữa cánh đồng ở cuối thôn Phượng Hoàng (Kinh Môn, Hải Dương) vẫn nhộn nhịp người thân và hàng xóm đến thăm, chúc mừng. Khuôn mặt của cặp đôi vừa trở về từ Trung Quốc hiện rõ vẻ rạng ngời, hạnh phúc.
Ngôi nhà nhỏ chỉ vừa đủ kê bộ bàn ghế và chiếc giường. Có hai đứa cháu đến chơi, vợ chồng chị nhường lại giường và ngủ trên võng. Cách đây hai tháng, họ không nghĩ mình còn sống trở về và được ở cạnh nhau. Trong lúc nói chuyện, thỉnh thoảng anh Hòa lại có những cử chỉ chăm sóc vợ và nhẹ nhàng nhắc nhở khi chị lỡ lời ăn nói tự do vì vẫn quen với cách sống khi còn ở Quảng Đông (Trung Quốc).
Chị Vân kể về quãng thời gian chạy trốn khỏi nhà chồng cũ ở Trung Quốc, chốc chốc quay sang nhìn chồng nở nụ cười âu yếm. Người phụ nữ có dáng người nhỏ nhắn, nước da trắng nói cười tự nhiên và vẫn chưa quen nếp sống ở Việt Nam. Anh Hòa cho hay, 21 năm lưu lạc ở xứ người, ngày mới về, chị Vân không còn nói rõ tiếng mẹ đẻ, ăn cơm không mời, tự xới cơm và ôm bát ra một góc ăn.
Theo chị Vân, ở vùng rừng núi Quảng Đông (Trung Quốc), mọi người không ngồi ăn cùng nhau, không mời và ít có tình cảm hay sự quan tâm chia sẻ. Đến bữa, chị và người chồng Trung Quốc ôm bát ra một góc riêng. Chị quen với lối sống, cách nấu ăn này và không biết nấu món ăn Việt. Trước đây, khi còn ở nhà bố mẹ ở Khâm Thiên, vì là út, lại là con gái nên chị được chiều, không phải đụng tay vào việc gì. Bị lừa bán làm vợ từ năm 17 tuổi, tiểu thư Hà Nội mới phải học làm việc nhà.
Khi được giải cứu về sống tại Hải Dương, lúc đầu gia đình anh Hòa ngạc nhiên trước cách sống của cô con dâu mới nhưng sau mọi người đều thông cảm và chỉ bảo dần. Biết con dâu vẫn đau đáu nhớ về gia đình, bố mẹ anh Hải động viên chị Vân tìm về nhà. Không có tiền, ông bà bán đi vài tạ thóc lấy tiền cho vợ chồng anh Hải từ Hải Dương lên Hà Nội.
Sau 21 năm lưu lạc, khi quay trở về con phố Khâm Thiên quen thuộc ngày nào để tìm lại gia đình, mọi thứ bỗng trở nên xa lạ khiến chị Vân nhầm đường. Thấy một phụ nữ trung tuổi bán hàng đầu phố trông quen quen, chị Vân nhớ mang máng hình như đó là dì mình nhưng không dám vào hỏi. Trong ký ức, chị nhớ dì đen và gầy nhưng giờ người phụ nữ trước mặt béo và trắng.
“Tôi nói tên mẹ đẻ của Vân và hỏi xem có phải hơn 20 năm trước bà có con gái bị mất tích không. Dì Vân sững người và hỏi sao tôi lại biết chuyện này. Tôi nói, cô gái mất tích ấy đang đứng đây”, anh Hòa kể giọng đầy xúc động.
Ít phút sau khi người dì gọi điện về thông báo, bố mẹ cùng người thân chạy ra đón chị. Sau hơn hai thập kỷ tưởng con gái đã chết, bố mẹ chị ôm chầm lấy con trong niềm vui đoàn tụ.
Video đang HOT
“Lúc ấy tất cả mọi người đều khóc vì không ai nghĩ tôi trở về. Bố mẹ già đi nhiều còn các anh trông cũng khác. Có người tôi nhận ra nhưng cũng có người phải mất một lúc mới nhớ. Anh Hòa đứng cạnh tôi cũng không cầm được nước mắt vì xúc động”, chị Vân kể, giọng run run.
Cả đêm trong ngày đoàn tụ, chị không tài nào chợp mắt và chỉ muốn tâm sự, hỏi han mọi người. Quen sống ở vùng rừng núi yên tĩnh, chị bỗng cảm thấy xa lạ trong chính ngôi nhà mình ở Hà Nội. Vì thế, sau khi lên trình báo sự việc với công an phường để làm lại hộ khẩu, chuẩn bị đăng ký kết hôn, vợ chồng chị lại trở về Hải Dương sinh sống.
Vợ chồng chị Vân dự tính sẽ vẫn làm nông, nấu rượu, chăn nuôi.
Không nghề nghiệp, lại chưa quen cuộc sống mới nên sắp tới vợ chồng chị sẽ làm nông và học nghề nấu rượu từ em chồng. “Tôi chỉ mong bây giờ về đây làm lại từ đầu. Sắp tới, anh em họ hàng mỗi người sẽ giúp một ít để vợ chồng tôi có vốn làm ăn. Tôi không quen sống ở thành phố hay ngoài đường ồn ào nên chắc sẽ ở vùng nông thôn yên tĩnh nấu rượu chăn nuôi”, chị Vân chia sẻ.
Nhắc đến hai đứa con vẫn còn ở Trung Quốc, sau một lúc im lặng khá lâu vì xúc động, chị mới run run mở lời. Theo đó, đã ba năm kể từ ngày chị và đứa con gái đầu bỏ trốn rồi bị bắt lại, người mẹ này đã không còn được gặp lại hai con nữa. Ba mẹ con bị cách ly và sống ở nơi riêng biệt, không có cách nào biết tin tức về con.
“Con mình dứt ruột đẻ ra sao không xót nhưng giờ quay lại, tôi chỉ có đường chết. Quãng thời gian bên ấy, tôi chỉ lấy con làm vui”, người phụ nữ trở về sau 21 năm mất tích nghẹn ngào.
Theo VNExpress
Hành trình tìm về nhà của thiếu nữ mất tích 21 năm
Trói chặt chị Vân trong hòm tôn gắn dưới gầm ôtô, anh Hải phóng vun vút trên con đường đầy ổ gà ở Quảng Đông (Trung Quốc). Đi được 60km, anh mở hòm tôn và tái mặt khi thấy người phụ nữ cứng đơ, phủ đầy bụi.
Trong căn nhà hai gian lợp proximăng nằm giữa cánh đồng ở xã Thất Hùng (Kinh Môn, Hải Dương) chị Nguyễn Thị Vân (37 tuổi) - người mất tích 21 năm trở về, và anh Hải (39 tuổi) - ân nhân giúp chị trốn thoát đã kể về hành trình hơn 21 năm đau đáu nhớ gia đình sau khi bị bán sang Trung Quốc.
21 năm trước, chị và 3 người bạn đã bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ những người đàn ông lớn tuổi. Sau vô số trận đòn thừa sống thiếu chết, thiếu nữ 16 tuổi chấp nhận làm vợ người hơn mình 20 tuổi. Tại ngôi nhà nằm trên đỉnh đồi ở vùng hẻo lánh của tỉnh Quảng Đông, thiếu nữ Hà Nội bắt đầu cuộc đời làm vợ nơi xứ người trong tủi nhục và nỗi nhớ nhà từ đó.
Năm bị lừa bán sang Trung Quốc, chị Vân mới 17 tuổi. Ảnh nhân vật gia đình cung cấp.
Sau hơn một năm, hai người có con đầu lòng rồi sau đó đứa thứ hai, thứ ba lần lượt ra đời (con thứ hai mất khi còn nhỏ). Có với nhau 3 mặt con, chị nghĩ chắc chồng sẽ đồng ý cho gọi điện về nhà nhưng vừa nghe vợ đề đạt, chồng đã chối phăng và bắt đầu giám sát, ngắt cả điện thoại bàn.
Lần bỏ trốn đầu tiên lúc đứa con gái đầu của chị khoảng 6-7 tuổi. Hôm đó, đợi đến gần sáng, chị bỏ trốn nhưng do không thông thuộc đường rừng nên loanh quanh vài quả đồi thì nhà chồng tìm được. Người vợ bị cảnh cáo, dọa cắt gân tay, gân chân.
Bẵng đi một thời gian, chị Vân lại cùng một phụ nữ Việt Nam khác rủ nhau trốn. Chạy được một đoạn đường khá xa, cả hai đói khát và bị đoàn người cưỡi ngựa, đi xe máy đuổi theo nên đành... quay về. Lần ấy, chị lĩnh đòn nhừ tử.
Những ngày ở Trung Quốc, chị Vân hay kể cho các con về gia đình ở Khâm Thiên (Hà Nội), về ông bà ngoại và 4 bác trai. Các con cũng hay hỏi chị ông bà thế nào và muốn được về thăm họ. "Mỗi lần thấy con hỏi, những kỷ niệm ngày xưa lại ùa về và thôi thúc tôi phải trốn. Tôi nhớ gia đình và tự hỏi không biết bây giờ bố mẹ ra sao. Có lẽ họ chẳng còn nữa rồi", chị Vân cúi đầu tâm sự.
Lần thứ ba, chị trốn cùng con gái lớn khi ấy đã 16-17 tuổi. Lúc bị bắt lại, chị bị cách ly, nhốt ở ngôi nhà trên đồi. Căn nhà có hai buồng, chồng chị ở buồng ngoài canh chị ở buồng trong. Mọi sinh hoạt từ ăn, uống và tiểu tiện, chị đều phải "giải quyết" trong căn buồng ấy.
Bên dưới quả đồi nhà chị có nhóm 6 tài xế người Việt thường hay chở vật liệu xây dựng. Nghe thấy có người Việt mới sang, chị thường xuống chân đồi để được nói chuyện bằng tiếng mẹ đẻ, để thấy gần gũi, đỡ nhớ nhà. Rồi chị gặp anh Hải (quê Hải Dương) sang đây được gần 2 năm.
Lúc đầu, cả hai xem nhau là anh em, bạn bè và tâm sự về cảnh ngộ. Anh Hải đã có vợ và hai con ở quê. Sau khi ly hôn, anh lưu lạc đến Quảng Đông kiếm sống. Trước khi gặp chị Vân, anh từng giúp một số cô gái trốn về nước trót lọt. Đồng cảm, cả hai đến với nhau lúc nào không hay.
"Càng gần anh ấy, tôi càng muốn trở về. Ở bên này, cuộc sống thiếu thốn tình cảm, không có sự quan tâm hay những câu nói nhẹ nhàng như "anh, em". Với chồng, tôi chỉ là món đồ được mua về. Chúng tôi không có chuyện gì để nói và đánh vợ suốt ngày", chị Vân kể.
Sau nhiều ngày quan sát lịch trình và thời gian biểu của chồng chị Vân, cả hai thống nhất đợi hôm ông ấy đi vắng, anh Hải sẽ tới giải cứu chị.
Hiện tại, chị Vân cùng anh Hải sống trong căn nhà cấp bốn giữa cánh đồng ở Hải Dương.
Ngồi cạnh vợ trong căn nhà nhỏ tuềnh toàng ở Hải Dương, anh Hải thỉnh thoảng đỡ lời chị Vân khi thấy bà xã hướng ánh mắt về phía mình. "Tôi xô cửa vào, rồi đặt Vân nằm vào trong chiếc thùng sắt hàn sẵn dưới gầm xe. Để không bị rơi giữa đường, tôi buộc chặt cô ấy lại. Nếu ngồi trên cabin sẽ rất dễ bị phát hiện, vì vậy, tôi nghĩ ra cách để Vân dưới gầm ôtô", anh kể.
Lúc mới lên xe, chị nhớ mình còn mở mắt ra xem đường và nhìn ngó xung quanh nhưng sau đó chị quá sợ hãi và không còn biết gì. Anh Hải cho hay, quãng đường bỏ trốn từ nhà chị Vân là đường đất và nhiều ổ gà nhưng anh phải chạy nhanh nhất có thể.
Đi được 60 km về đến cổng xưởng nơi anh Hải làm việc, anh bỏ lại chiếc xe cùng toàn bộ giấy tờ trên đó rồi bế chị Vân lên chiếc xe con đã bố trí sẵn. Để thuê được chiếc xe này anh phải bỏ ra gần 30 triệu đồng để những người Việt có "máu mặt" ở đó "bảo kê" thì mới trót lọt.
Lúc lôi chị ra khỏi gầm xe, anh tái mặt khi thấy chị người cứng đơ, phủ đầy bụi, cát và mắt không mở được ra. Sau một hồi hô hấp nhân tạo, chị mới dần tỉnh lại. Trên đường đi, cả hai vào nhà người Việt xin quần áo, đồ ăn và nước uống rồi lại đi tiếp. Để tránh bị phát hiện, cả hai liên tục thay đổi phương tiện di chuyển, lúc đi xe tải, đi tàu hoặc ôtô khách. Số tiền tích cóp suốt thời gian làm việc bên Trung Quốc, anh Hải dành hết cho cuộc giải cứu này.
"Đói, khát nhưng phải đợi đến đêm cả hai mới xuống xe mua đồ ăn vì không dám lộ diện ban ngày. Không có giấy tờ tùy thân nên cả hai sợ bị bắt", anh Hải kể lại.
Ròng rã 4 ngày đêm, hai người về đến cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) khi trong túi không còn một xu. Anh Hải gọi điện về cho bố ở quê để "cầu cứu". Bố mẹ anh ra đón và bất ngờ khi trông thấy cậu con trai râu tóc để dài, người gầy gò đi cùng cô gái thấp bé.
Không rõ bố mẹ còn sống hay đã khuất lại sợ anh em không nhận vì mất tích đã lâu, chị Vân theo anh Hải về sống ở Hải Dương. Được bố mẹ anh Hải động viên, chị cùng anh Hải tìm đường về ngôi nhà ở ngõ chợ Khâm Thiên, nơi chị sinh ra và lớn lên. Để có tiền lên Hà Nội, bố mẹ anh Hải đã bán đi vài tạ thóc vừa gặt và dặn dò: "Nếu trở về mà không ai nhận thì quay lại đây làm con dâu của bố mẹ".
Theo VNExpress
Ký ức hãi hùng của cô gái trẻ bị bán vào động mại dâm 15 tuổi, Lữ Thị Q. bị bán sang Trung Quốc, bắt đầu cuộc đời của một gái bán hoa. Có những ngày em phải tiếp đến 40 khách. Đau đớn, tủi cực tưởng chừng có thể chết đi nhưng lại không can đảm để kết thúc cuộc đời. 15 tuổi, chỉ vì ham chơi, đua đòi, cô sơn nữ Lữ Thị Q. đã...