Phương Tây liệu đã cung cấp đủ vũ khí cho Ukraine?
Sẽ không có câu trả lời xác đáng, bởi còn tùy thuộc vào mục tiêu là gì.
Mỹ sẽ sớm chuyển giao hệ thống vũ khí hạng nặng HIMARS cho Ukraine. Ảnh: AFP
Khi thăm Kiev hôm 16/6, lãnh đạo Pháp, Đức, Italy và Romania đã “mang theo quà”. Họ ủng hộ đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Ukraine, cùng với đó là tuyên bố hậu thuẫn mạnh mẽ nỗ lực quân sự của Kiev trong đối đầu với Nga. Lãnh đạo những nước này cũng cam kết sẽ viện trợ thêm vũ khí cho Ukraine.
Những hỗ trợ đó là điều mà Kiev đang đặc biệt cần. Trong vài tuần qua, Ukraine đã tạo ra bước tiến nhỏ ở tỉnh Kherson. Đến ngày 17/6, hải quân nước này tuyên bố bắn chìm một tàu của Nga làm nhiệm vụ tiếp tế cho đảo Rắn – mục tiêu quân sự mà Moskva đánh chiếm đầu tiên khi can thiệp ở nước láng giềng.
Nhưng đó chỉ là thành tựu nhỏ đặt cạnh đà tiến ổn định mà Nga thiết lập tại Donbass, nơi đang là tâm điểm của các cuộc giao tranh. Nga hiện kiểm soát khoảng 2/3 diện tích Severodonetsk, nơi quân Ukraine hiện chỉ còn tập trung kháng cự ở vùng công nghiệp ở phía Tây.
Một lý do dẫn đến đà thắng thế của Nga chính là việc Moskva tập trung lực lượng và áp dụng phương thức tác chiến hệ thống, khoa học hơn so với giai đoạn đầu của cuộc chiến. Nga cũng có ưu thế lớn về sức mạnh hỏa lực, vốn là nhân tố then chốt trong mọi cuộc chiến tranh.
Nga cũng sử dụng hệ thống rocket, tên lửa tầm xa, cho phép tấn công chiều sâu vào các điểm phòng ngự của Ukraine, nhưng vẫn tránh được hỏa lực trả đũa của đối phương. Ukraine hiện cạn nguồn đạn đối với các hệ thống tên lửa phóng loạt Smerch và Uragan có từ thời Liên Xô và có tầm bắn xa hơn so với pháo binh truyền thống. Quân đội Ukraine cũng không còn nhiều hệ thống tên lửa đạn đạo Tochka.
Video đang HOT
Thương vong quân đội Ukraine phải gánh chịu leo lên ngưỡng sốc. Ngày 9/6, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, thừa nhận mỗi ngày có từ 100-200 binh sĩ nước này tử vong do chiến sự, con số mà Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Mark Milley cho rằng “khá sát với thực tế”. Ukraine vì thế ngày càng lớn tiếng kêu gọi phương Tây tăng cường viện trợ vũ khí cho nước này, khẳng định nguồn cung cấp hiện nay mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.
Ngày 15/6, nhóm 50 quốc gia do Mỹ dẫn đầu đã có cuộc gặp bên lề hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tướng Milley và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, tìm cách trấn an quan ngại của Ukraine. Thông điệp được phía Mỹ đưa ra là: Mong muốn của Ukraine là hoàn toàn chính đáng, nhưng không thể “có tất cả”.
“Tướng Milley và tôi đã tham gia nhiều cuộc chiến. Và khi đã ở trong chiến tranh thì bạn cần phải hiểu rằng mình sẽ không bao giờ có đủ, dù lúc nào cũng muốn nhiều hơn nữa”, Bộ trưởng Austin nêu quan điểm.
Theo tướng Milley, trên thực tế Ukraine đã có được những gì mình muốn. Kiev yêu cầu viện trợ 10 tiểu đoàn pháo binh và được nhận đủ, cùng với khoảng 500.000 đơn vị đạn pháo. Ukraine cũng đề xuất phương Tây cung cấp 200 xe tăng và nhận được 237 chiếc. Với 97.000 vũ khí chống tăng, Ukraine đã nhận được số lượng lớn gấp ba lần số xe tăng trên toàn thế giới.
Nhiều vũ khí vẫn đang xếp hàng để đến Ukraine. Mười hệ thống tên lửa phóng loạt (HIMARS) của Mỹ cùng với một số hệ thống tương tự của Anh sẽ được chuyển giao cho Ukraine sớm. Đây là lô vũ khí hỏa lực mạnh, có tầm bắn trên 80 km với loại đạn mà Mỹ giới hạn cấp cho Ukraine. Nhiều binh sĩ Ukraine đã và đang được huấn luyện sử dụng những hệ thống này tại Đức.
Trên bình diện công khai, giới lãnh đạo Mỹ và châu Âu phát đi thông điệp cứng rắn về duy trì vũ khí viện trợ cho Ukraine. “Chúng tôi sẽ vấn tập trung vào lĩnh vực này [viện trợ vũ khí] bất chấp thời gian có kéo dài bao lâu”, ông Austin phát biểu tại Brussels.
Nhưng trong tham vấn, thảo luận riêng, xuất hiện nhiều nghi ngờ về khả năng này. Các nước thành viên NATO hiện cạn kho đạn tương thích với các hệ thống Ukraine sở hữu được chế tạo từ thời Liên Xô. Việc chuyển đổi sang sử dụng vũ khí theo chuẩn NATO gặp khó khăn và sẽ cần nhiều thời gian để hoàn tất.
Mỹ và đồng minh châu Âu đã chứng tỏ được tinh thần đoàn kết hiếm có khi chiến tranh tại Ukraine bước sang tháng thứ 4. Tất cả đều mong đợi Ukraine sẽ vươn lên vị thế một quốc gia an toàn và chủ quyền. Nhưng những gì diễn ra trên thực tế lại không rõ ràng như vậy và có thể liên tục chuyển dịch theo thời gian.
Đầu tháng 4, ông Austin tuyên bố mục đích của Mỹ trong cuộc chiến Ukraine là muốn Nga suy yếu. Nhưng đến tuần trước, ông phát đi thông điệp giảm mạo hiểm đối đầu với Nga, khi nói rằng Mỹ nhắm đến một “Ukraine dân chủ, độc lập và thịnh vượng”. Giới phóng viên đã hai lần đặt câu hỏi liệu Mỹ có muốn Ukraine thắng Nga hay không, nhưng cả hai lần Bộ trưởng Austin đều né tránh trả lời.
Nguy cơ lộ bí mật công nghệ khi phương Tây ồ ạt bơm vũ khí cho Ukraine
Bất kỳ loại vũ khí nào có các bộ phận tìm kiếm và dẫn đường để nhắm mục tiêu cũng như các thuật toán mã hóa, đều có thể cung cấp manh mối cho phía Nga về cách thức hoạt động của chúng và có thể cả phương cách đối lại.
Binh sĩ Ukraine vận hành tên lửa đất đối đất nhằm phía các vị trí của Nga tại chiến tuyến ở Donbass, ngày 7/6/2022. Ảnh: AFP/Getty Images)
Khi một thế hệ vũ khí mới do phương Tây sản xuất được chuyển đến các lực lượng tiền tuyến của Ukraine, các quốc gia viện trợ đang đánh giá nguy cơ lộ công nghệ nhạy cảm cho quân đội Nga nếu những thiết bị này bị bắt giữ.
Những cân nhắc như vậy trở nên cấp bách hơn khi các kho dự trữ từ thời Liên Xô được sử dụng trong chiến đấu ngày càng cạn kiệt và các nhà lãnh đạo Ukraine yêu cầu những vũ khí có tầm bắn xa hơn, khả năng chiến đấu tốt hơn.
Chính phủ Anh là động lực chính trong điều phối viện trợ quân sự quốc tế cho Ukraine. Một quan chức Đại sứ quán Anh tại Kiev cho biết, bất kỳ loại vũ khí nào có các bộ phận tìm kiếm và dẫn đường để nhắm mục tiêu, cũng như các thuật toán mã hóa, đều có thể cung cấp manh mối cho lực lượng đối phương về cách thức hoạt động của những vũ khí này và có thể cả cách phòng thủ chống lại chúng.
Trong chiến tranh hiện đại, các công nghệ vũ khí thường xuyên đổi chủ, và đã có báo cáo về việc các lực lượng Ukraine lật ngược thế cờ, thu thập thông tin chi tiết từ những thiết bị Nga thu giữ trên chiến trường. Điểm mới là các tính toán rủi ro bị đối phương bắt giữ ngày càng được đưa vào sâu hơn trong các quyết định viện trợ mới, khi có sự thay đổi mang tính thế hệ về chất lượng của các loại vũ khí đang bơm vào Ukraine.
Một quan chức khác của Đại sứ quán Anh cho biết "không có gì là vô hạn" khi đề cập đến các thiết bị từ thời Liên Xô được trang bị cho quân đội Ukraine. "Số lượng vũ khí được sử dụng hàng ngày chỉ để kìm hãm Nga ở sườn phía đông thuộc Donbas là đáng kể."
Đầu tháng này, các nhà lãnh đạo Mỹ và Anh đã công bố việc chuyển giao Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (hay HIMARS), và Hệ thống Tên lửa Đa năng M270 (MLRS) cho Ukraine. Các loại vũ khí này được coi là rất quan trọng trong đối phó với pháo tầm xa được người Nga sử dụng để tiến sâu hơn vào Donbass.
Mỹ cam kết chuyển Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) cho Ukraine.
Với tầm bắn là 70-80 km, các hệ thống trên được coi là đủ xa so với chiến tuyến để giảm thiểu rủi ro bị bắt giữ ngay lập tức. Tuy nhiên, việc mất các vũ khí tinh vi, tầm ngắn hơn như tên lửa Brimstone của Anh, có công nghệ nhận dạng mục tiêu trên tàu, sẽ đáng lo ngại hơn.
Giới lãnh đạo quốc phòng phương Tây dự kiến sẽ gặp nhau tại Brussels vào tuần tới để điều phối các hoạt động viện trợ vũ khí mới cho Ukraine. Một phiên bản hải quân của tên lửa Brimstone của nhà sản xuất MBDA đang được người Anh xem xét để lấp đầy lỗ hổng quan trọng trong hệ thống phòng thủ bờ biển của Ukraine.
Sứ mệnh này mang ý nghĩa toàn cầu vì các tàu của Nga đang chặn các cảng của Ukraine, khiến 22 triệu tấn ngũ cốc bị ùn ứ trong các hầm chứa gần bờ biển - theo Bộ Ngoại giao Mỹ.
Tại hội nghị các nhà tài trợ gần đây nhất vào ngày 23/5, Đan Mạch đã đồng ý cung cấp cho Ukraine tên lửa chống hạm Harpoon do Mỹ sản xuất. Tuy nhiên, quan chức của Anh cho biết vẫn cần phải tăng cường khả năng chống hạm của Ukraine để có thể xuyên thủng vòng phong tỏa của Nga.
"Đặc biệt là khi có quá nhiều lo ngại, ngay cả ở cấp Liên hợp quốc, về cuộc khủng hoảng ngũ cốc", quan chức này nói, "Điều đó rất quan trọng và đó là điều chúng ta không thể bỏ qua và cần tập trung vào nhiều hơn nữa."
Lo ngại nguy cơ vũ khí rơi vào tay tội phạm trong giai đoạn hậu xung đột Ukraine Tổng Thư ký Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol), tướng Juergen Stock cảnh báo nhiều vũ khí đang được gửi đến Ukraine cuối cùng sẽ rơi vào tay các nhóm tội phạm ở châu Âu và cả ở những khu vực khác. Tên lửa vác vai Stinger, vũ khí mà Mỹ và nhiều nước châu Âu cam kết chuyển giao cho Ukraine....