Phùng Anh Lê tha người trái pháp luật: ‘Sếp chỉ đạo phải nghe, quận này của sếp’
Kết luận điều tra thể hiện, vì cho rằng “trưởng quận đã quyết”, “sếp đã chỉ đạo”, “quận này của sếp”… nên các thuộc cấp đã giúp sức để Phùng Anh Lê, cựu Trưởng Công an Q.Tây Hồ (Hà Nội) tha người trái pháp luật.
Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao vừa ban hành kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND tối cao truy tố 4 bị can nguyên là lãnh đạo, chỉ huy Công an Q.Tây Hồ về hành vi “ tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù” quy định tại khoản 1 điều 378 bộ luật Hình sự 2015.
4 bị can gồm: Phùng Anh Lê, cựu Trưởng Công an Q.Tây Hồ, cựu Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.Hà Nội; Nguyễn Đức Châu, cựu Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an Q.Tây Hồ; Vũ Công Ngọc, cựu Đội phó Đội CSHS Công an Q.Tây Hồ và Lê Đình Trung, cựu Đội phó Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (THAHS và HTTP).
Phùng Anh Lê bị điều tra thêm hành vi “nhận hối lộ”
Theo kết luận điều tra, Phùng Anh Lê đã chỉ đạo, gây sức ép để các thuộc cấp tha trái pháp luật cho Nguyễn Hữu Tài (29 tuổi, trú P.Phúc Xá, Q.Ba Đình, Hà Nội). Tài là người bị tạm giữ hình sự để điều tra vì có dấu hiệu phạm tội.
Cụ thể, ngày 19.9.2016 Công an Q.Tây Hồ nhận tin tố giác của người dân về việc bắt giữ, đánh đập gây thương tích tại P.Yên Phụ (Q.Tây Hồ). Vào cuộc truy xét, Đội CSHS Công an Q.Tây Hồ xác định Tài cùng đồng phạm là nghi phạm nên đã ra quyết định tạm giữ hình sự Tài để làm rõ các tội “bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản”. Tài bị đưa vào nhà tạm giữ Công an Q.Tây Hồ vào tối 22.9.2016.
Biết chồng vướng vòng lao lý, chị N.T.H (vợ Tài) và ông N.V.H (bố vợ Tài) đã nhờ anh Nguyễn Văn Thắng (45 tuổi, trú P.Trúc Bạch, Q.Ba Đình) tìm mối quan hệ tại Công an Q.Tây Hồ để nhờ “chạy án”. Sẵn mối quen biết, anh Thắng đã nhờ anh Phùng Văn Bảy (49 tuổi, trú H.Ứng Hòa, Hà Nội); là người nhà của Phùng Anh Lê) nhờ giúp đỡ Tài không bị xử lý.
Sau đó, anh Bảy đã trao đổi việc giúp đỡ Tài tại phòng làm việc của Lê và được Lê nhận lời. Lê nói với anh Thắng thông báo gia đình Tài chuẩn bị 110 triệu đồng để “hòa giải với người nhà bị hại”.
Khoảng 22 giờ ngày 22.9.2016, anh Thắng cùng người nhà Tài mang 103 triệu đồng đến cổng Công an Q.Tây Hồ đưa cho anh Bảy. Anh Bảy nhận và cho gia đình Tài vay 7 triệu đồng cho đủ 110 triệu như Lê yêu cầu, rồi đi vào phòng làm việc gặp Lê.
Sau khi đặt 110 triệu đồng lên bàn làm việc, anh Bảy nói với Lê “cháu xem giúp hòa giải để cho nó về”. Nói xong anh Bảy đi về luôn.
Video đang HOT
Chỉ sau 1 ngày nhận tiền, anh Bảy được thông báo Tài đã được về nhà và nhận lại từ gia đình Tài 7 triệu đồng cho vay hôm trước.
Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao cho rằng, dù lời khai của anh Bảy, anh Thắng, chị H. và ông H. đều thể hiện việc đưa 110 triệu đồng cho Phùng Anh Lê để hòa giải cho kẻ cướp và bị hại, nhằm thả Tài sau chưa đầy 1 ngày tạm giữ, nhưng Lê không thừa nhận đã nhận số tiền này, bên cạnh đó anh Bảy không có tài liệu chứng minh nên Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã tách riêng để điều tra vụ án khác về hành vi “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ” và “môi giới hối lộ”.
Ngoài ra, Phùng Anh Lê còn liên quan trong vụ án hình sự “không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội”.
Một tay che trời
Trong vụ án này, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao xác định Phùng Anh Lê là chủ mưu, các thuộc cấp chỉ có vai trò đồng phạm giúp sức.
Cáo trạng thể hiện, sau khi nhận 110 triệu đồng để hòa giải cho kẻ cướp và bị hại, Phùng Anh Lê gọi điện cho Nguyễn Đức Châu và hỏi “mày có biết việc bắt thằng Tài không?”. Biết Châu đang đi bắt tội phạm truy nã ở xa, Lê chỉ đạo Châu sai Ngọc mang hồ sơ vụ việc của Tài lên để xem xét.
Sau khi nhận hồ sơ, nghe Ngọc báo cáo, Lê cho rằng chứng cứ tạm giữ Tài còn yếu nhưng Ngọc đề xuất rằng việc tạm giữ Tài là có căn cứ để điều tra mở rộng. Nghe Ngọc đề xuất, Lê không đồng ý và chỉ đạo Ngọc phải đưa Tài ra khỏi nhà tạm giữ, cho viết cam kết để cho về, tránh “tự thương, tự sát”.
Nhận chỉ đạo của sếp, Ngọc băn khoăn vì muốn cho Tài về phải có quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ hoặc quyết định trả tự do, nhưng Lê chỉ đạo Ngọc cứ xuống nhà tạm giữ để nhận Tài, đồng thời hỏi Ngọc xem ai là chỉ huy ca trực nhà tạm giữ để khi Ngọc xuống nhận Tài, Lê sẽ nói chuyện trực tiếp với chỉ huy.
Rời phòng Lê, Ngọc gọi điện cho một Phó trưởng Công an Q.Tây Hồ để báo cáo nhưng không liên lạc được, đã về Đội CSHS để gặp và báo cáo Châu về việc Lê không cho giữ Tài và chỉ đạo xuống nhà tạm giữ đưa Tài lên Đội CSHS để viết cam kết, cho về.
“Trưởng quận đã quyết định như vậy thì anh em mình phải thực hiện, không cưỡng lại được”, kết luận điều tra thể hiện lời Châu nói với Ngọc.
Sau khi xuống nhà tạm giữ, Ngọc truyền đạt với Trung (chỉ huy ca trực nhà tạm giữ ngày 23.9.2016) chỉ đạo của Lê về việc cho Tài ra khỏi nhà tạm giữ, bàn giao cho Đội CSHS, nhưng Trung không đồng ý vì không có quyết định gì. Sau đó, Ngọc gọi điện, mở loa ngoài để Trung nói chuyện với Lê.
Qua điện thoại, Lê chỉ đạo Trung bàn giao Tài cho Ngọc đưa lên Đội CSHS để tha cho Tài, không tạm giữ nữa.
Nhận chỉ đạo của Lê, nhưng Trung cho rằng Ngọc cần phải báo cáo, xin ý kiến của Phó công an quận là Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự và Đội trưởng đội THAHS và HTTP, đồng thời đề nghị Ngọc gọi cho Lê chỉ đạo thủ trưởng cơ quan thi hành án.
Do không dám gọi điện cho Lê, Ngọc gọi cho Châu nhờ gọi cấp trên báo cáo để sớm đưa Tài ra. Sau đó, Châu gọi điện cho ông Nguyễn Quang Huy, Đội trưởng Đội THAHS và HTT và đưa máy cho Trung nói chuyện với chỉ huy của mình.
“Sếp đã chỉ đạo thì phải nghe thôi, quận này của sếp cả, muốn làm gì chả được”, ông Huy nói với Trung.
Vẫn băn khoăn, Trung trực tiếp gọi điện cho Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Q.Tây Hồ để báo cáo, rồi mới bàn giao Tài cho Ngọc.
Sau khi làm cam đoan, cam kết Tài được thả về vào rạng sáng 23.9.2016. Vài ngày sau, theo sự chỉ đạo của Lê, Đội CSHS đứng ra hòa giải cho Tài và bị hại, Tài phải bồi thường 15 triệu đồng.
Hà Nội: Đề nghị truy tố cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ Phùng Anh Lê
Cựu Đại tá Phùng Anh Lê - cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ, Hà Nội - bị đề nghị truy tố với cáo buộc chủ mưu vụ tha trái pháp luật người đang bị tạm giữ.
Cơ quan điều tra - Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 4 bị can về tội tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù, theo quy định tại khoản 1 Điều 378 Bộ luật hình sự.
Bốn bị can bị đề nghị truy tố gồm: Phùng Anh Lê - cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ, cựu Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP Hà Nội; Nguyễn Đức Châu - cựu Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự - Công an quận Tây Hồ; Vũ Công Ngọc - cựu Đội phó Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Tây Hồ; Lê Đình Trung - cựu Đội phó Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an quận Tây Hồ.
Ông Phùng Anh Lê (Ảnh: CTV).
Theo kết luận, ngày 19/6/2016, anh Nguyễn Công T. đến Công an phường Yên Phụ (Tây Hồ) tố giác việc bị một nhóm người lạ mặt bắt giữ trái pháp luật, đánh gây thương tích. Sự việc được cán bộ ghi lại vào sổ trực ban và báo cáo ông Dương Hồng Kết, Trưởng Công an phường.
Ông Kết gọi điện báo cáo Trưởng Công an quận Tây Hồ lúc đó là ông Phùng Anh Lê và Phó Trưởng Công an quận Phạm Quý Hải về vụ việc có dấu hiệu phạm tội bắt giữ người trái pháp luật và cố ý gây thương tích. Đội Cảnh sát hình sự sau đó được giao nhiệm vụ xác minh vụ việc.
Qua truy xét, Đội Cảnh sát hình sự xác định, đối tượng Nguyễn Hữu Tài cùng đồng phạm đã thực hiện hành vi phạm tội. Ba ngày sau, Tài đến Công an quận Tây Hồ đầu thú.
Sau khi xác minh, điều tra viên Đội Cảnh sát hình sự thấy Tài có dấu hiệu của nhiều hành vi phạm tội nên đề xuất tạm giữ để điều tra và bắt các nghi phạm liên quan. Bị can Vũ Công Ngọc (thời điểm đó là Đội phó Đội Cảnh sát hình sự) đồng ý với đề xuất và gọi điện báo cáo Đội trưởng Nguyễn Đức Châu rồi mang hồ sơ đến nhà riêng của ông Phạm Quý Hải để báo cáo.
Ông Hải đã ký duyệt đề xuất và ký quyết định tạm giữ Nguyễn Hữu Tài về hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Đối tượng bị đưa vào nhà tạm giữ Công an quận Tây Hồ.
Người nhà của Tài nhờ người quen kết nối nhờ ông Lê giúp đỡ và được đồng ý. Bị can Lê sau đó được xác định đã thông báo gia đình Tài cần chuẩn bị 110 triệu đồng để hòa giải với bị hại.
Ngày 22/9, sau khi nhận tiền, ông Lê gọi điện thoại cho thuộc cấp yêu cầu mang tài liệu xuống xem xét. Khoảng 23h cùng ngày, sau khi đọc hồ sơ do bị can Ngọc mang đến phòng làm việc báo cáo, ông Lê cho rằng chứng cứ tạm giữ Tài còn yếu.
Ngược lại, Ngọc cho rằng việc tạm giữ Tài là có căn cứ để mở rộng điều tra vụ án. Tuy nhiên, ông Lê không đồng ý và chỉ đạo phải đưa nghi phạm ra khỏi nhà tạm giữ và cho viết cam kết để tránh tự sát.
Bị can Ngọc lúc đó cho rằng, Tài đang thi hành quyết định tạm giữ nên muốn cho về phải có quyết định hủy bỏ tạm giữ hoặc quyết định trả tự do. Tuy nhiên, ông Lê vẫn chỉ đạo Ngọc tiếp tục thực hiện.
Khoảng 0h30 ngày 23/9, Ngọc cùng một số cán bộ Đội Cảnh sát hình sự đến đưa Tài ra khỏi nhà tạm giữ. Vì không có quyết định hủy bỏ tạm giữ, bị can Ngọc bị ông Lê Đình Trung, người phụ trách ca trực hôm đó, phản đối.
Ngọc gọi điện cho ông Lê để Trung trao đổi. Sau khi nói chuyện với ông Lê, Trung đề xuất với Ngọc cần trao đổi thêm với Phó Trưởng Công an quận phụ trách lĩnh vực hỗ trợ tư pháp và cấp trên của Trung. Sau nhiều cuộc điện thoại báo cáo, các bị can đã để nghi phạm Tài ra về.
Khởi tố bổ sung tội giết người, che giấu tội phạm vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong Liên quan vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố tội giết người, tội che giấu tội phạm. Bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái Sáng 5-1, liên quan vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử...