Phức tạp ở làng quê ngoại thành Hà Nội: Nhức nhối nạn côn đồ xóm
Trong thời gian qua trên địa bàn các huyện ngoại thành Hà Nội xảy ra hàng loạt vụ án đau lòng. Ánh mắt thiếu thiện cảm, va chạm, xích mích nhỏ, giữ gái làng… tất cả đều có thể là cái cớ để các “hảo hán” làng dùng hung khí “nói chuyện” với nhau.
Nhóm côn đồ làng trong một vụ cố ý gây thương tích
Chém nhầm hơn… bỏ sót
Dù vụ án xảy ra đã được hơn một tháng nhưng khi PV Báo ANTĐ quay trở lại tìm hiểu thông tin vụ án 8 đối tượng ở 2 xã Trường Thịnh, Cao Thành, huyện Ứng Hòa, dùng dao vô cớ chém trọng thương hai bảo vệ trên tuyến đường liên xã, những người dân xã Sơn Công vẫn chưa hết bàng hoàng, sợ hãi về tính chất côn đồ hung hãn của các đối tượng. Tối 13-8, Thành tức “Hậu”, Vũ, Văn, Đại, Linh, Trang… cùng nhau đi chơi. Khi Thành chở bạn về nhà đã va chạm với một người đàn ông đi bộ dẫn đến việc thanh niên này bị đánh.
Khi quay lại, đinh ninh người đánh mình là một trong số những người nằm ngủ trong chòi canh ở ven đường gần nơi bị hành hung. Thành gọi đồng bọn mang hung khí đến rồi lao vào chém 2 người bảo vệ đang nằm ngủ. Số đối tượng khác dùng gạch ném về phía chòi canh. Hai nạn nhân bị đa chấn thương với những vết chém vào đầu, nhiều nhát chém vào tay, chân. Nếu không có những người dân xã Sơn Công kịp thời ứng cứu, hậu quả từ vụ án này có thể còn nghiêm trọng hơn.
Từ những nguyên nhân gây án nhỏ nhặt như “nhìn đểu” hay “ngứa mắt”, từ “chuyện bé xé ra to” những đối tượng gây ra những vụ án nghiêm trọng các đối tượng gây án mà không cần biết đến hậu quả. Vừa qua, CAH Đan Phượng đã điều tra và bắt giữ hai anh em ruột Đỗ Ngọc Tuyền (1989), Đỗ Văn Cường (SN 1990) gây ra vụ trọng án tại quán bia xã Hồng Hà. Cho rằng nạn nhân nhìn đểu mình, Tuyền gọi em trai đến dằn mặt đối thủ. Không ngờ em trai đã “quá tay” khiến nhiều người bị thương trong đó một người tử vong. Hai đối tượng trong vụ 2 nhóm trai làng đánh nhau xảy ra ở huyện Thanh Oai mới đây cũng xuất phát từ những mâu thuẫn giữa thanh niên làng trên xóm dưới khi chặn đánh trả thù lẫn nhau. Nạn nhân đang điều trị trong bệnh viện, còn đối tượng gây án đang bị CAH tạm giam chờ đối mặt với một bản án nghiêm khắc từ tòa án.
Chặn đứng nguy cơ
Từ xưa, người dân chốn thôn quê vốn có mối quan hệ tình làng nghĩa xóm khăng khít bền chặt với nhau, những va chạm nhỏ được hóa giải theo hướng “chín bỏ làm mười” trong sinh hoạt thường nhật. Thế nhưng điều đau xót khi các vụ án nghiêm trọng xảy ra ngoài kẻ chết, người vào tù, thì còn lại đó là những hận thù dai dẳng, tạo thành cái “dớp” trong tiềm thức mỗi người dân trong thôn, làng, xã. Tình làng nghĩa xóm vốn tốt đẹp lâu nay bỗng chốc bị che mờ bởi sự mâu thuẫn, hằn học, hận thù của những người liên quan. Có những vụ “cố ý gây thương tích” bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa các dòng họ, đánh nhau giữa thanh niên 2 thôn trong xã…
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Duy Sáng – Đội phó Đội ĐTHS, CAH Đan Phượng chia sẻ: “Những câu chuyện trên không còn là vấn đề mới, thế nhưng nó vẫn đang tồn tại và trở nên nhức nhối ở một số làng quê ngoại thành. Các ngành, đoàn thể tham gia phối hợp cùng lực lượng công an giữ gìn ANTT tại địa bàn, tuyên truyền giáo dục, quản lý số thanh thiếu niên này. Chỉ có vậy “mầm mống” côn đồ làng mới có thể được ngăn chặn, cần hóa giải mâu thuẫn nhỏ kịp thời tránh gây ra những hệ quả lớn về sau…”.
Trung tá Ngô Cao Toán, Đội trưởng Đội ĐTHS – CAH Ứng Hòa đánh giá: “Chính quyền và các ngành, đoàn thể cần quan tâm hơn nữa trong việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng của những thanh thiếu niên ở địa phương, từ đó phối hợp cùng phụ huynh quản lý chặt con em, uốn nắn, giáo dục kịp thời khi các thanh niên này có biểu hiện lệch lạc, tụ tập thành nhóm, đua đòi…”. Không dừng lại ở việc quản lý con em, đa phần số thanh niên phạm tội bị “hổng” về kiến thức pháp luật, không nghĩ tới hậu quả từ những việc làm của mình. Vì vậy những câu chuyện phòng ngừa ở hệ thống phát thanh và các biện pháp cụ thể để nhằm tuyên truyền sâu, rộng, kiến thức pháp luật cho các thanh thiếu niên để có ứng xử đúng, làm chủ hành vi khi xảy ra những va chạm nhỏ trong cuộc sống. Chỉ khi lực lượng công an cùng ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc phát hiện, giải quyết sớm mâu thuẫn nhỏ phát sinh trong sinh hoạt ở làng quê, tạo cho thanh niên sân chơi lành mạnh… như vậy mới phòng ngừa, hạn chế được tình trạng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.
Theo ANTD