Phục hồi cầu Long Kiểng sau gần 2 tuần bị sập
Cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè, TP.HCM) thông xe trở lại sau gần 2 tuần tạm ngưng sử dụng do sự cố xe ben quá tải đi qua làm sập nhịp cầu.
Chiều 31.1, Khu quản lý giao thông đô thị số 4 (thuộc Sở GTVT TP.HCM) chính thức cho thông xe cầu Long Kiểng sau nhiều ngày sửa chữa. Đại diện Khu quản lý giao thông đô thị cho biết, kể từ khi xảy ra sự cố sập cầu (tối 19.1) đơn vị này được lãnh đạo thành phố chỉ đạo phải nhanh chóng khắc phục sự cố, hoàn thành trước Tết Nguyên Đán để đảm bảo việc đi lại của người dân. Đến nay, sự cố đã được khắc phục xong.
Người dân qua lại cầu Long Kiểng sau nhiều ngày bị tạm ngưng sử dụng.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho cầu, Khu quản lý giao thông đô thị số 4 cho gắn biển cảnh báo hạn chế chiều cao phương tiện qua cầu không quá 2,2m và tải trọng không quá 3,5 tấn. Các loại phương tiện cao quá 2,2m, từ 3,5 tấn trở lên đều bị cấm lưu thông qua cầu. Đáng chú ý, cầu cũng chính thức cập nhật lại tên cầu cũ từ “Long Kiển” thành “Long Kiểng”.
Cầu Long Kiểng cũ được xây dựng từ trước năm 1975 với chiều dài 105,6m, bề rộng 3,3m, kết cấu cầu bằng dàn thép. Đây được xem là một trong số những cây cầu yếu nhất của thành phố cần được thay thế. Tuy nhiên, khi chưa được khởi công xây dựng cầu Long Kiểng mới, thì xảy ra sự cố sập cầu vào tối 19.1.2018.
Video đang HOT
Lúc đó vào khoảng 21h45 ngày 19.1, tài xế Nguyễn Thanh Lâm (30 tuổi, ngụ tại Đồng Nai) điều khiển xe tải BKS 60C-289.99 lưu thông trên đường Lê Văn Lương, hướng về Cần Giuộc, Long An. Khi xe qua cầu Long Kiểng thì bất ngờ cầu đổ sập, chiếc xe ben rơi xuống sông. Một số xe máy chạy sau cũng bị rơi xuống theo khiến người dân hoang mang. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do tài xế xe tải cố tình cho xe có tải trọng 15 tấn qua cầu, trong khi tải trọng cầu cho phép chỉ 3,5 tấn. Rất may tai nạn không gây thiệt hại về người.
Ô tô lưu thông qua cầu.
Theo Khu quản lý giao thông đô thị số 4, đơn vị này đã được giao làm chủ đầu tư dự án xây cầu Long Kiểng mới. Cầu có chiều dài 318m (chưa tính phần đường vào cầu), bề rộng 15m, khổ thông thuyền 5×30m, tổng mức đầu tư 557 tỷ đồng. Dự án đã hoàn tất các thủ tục và chuẩn bị đấu thầu, hiện nhà đầu tư đang chờ UBND huyện Nhà Bè bồi thường giải phóng mặt bằng để thi công. Dự kiến, cầu Long Kiểng mới sẽ khởi công trong quý 2.2018 và hoàn thành sau 18 tháng thi công.
Theo Danviet
TP.HCM có hơn 200 cầu 1.0 chờ... sập!
Vụ sập cầu Long Kiểng ở huyện Nhà Bè, TP.HCM đêm 19.1 thực sự khiến dư luận bức xúc, vì cầu yếu nhưng lực lượng chức năng vẫn "ngó lơ" xe vượt tải trọng vô tư chạy qua. Thế nhưng, trước thông tin toàn thành phố có đến hơn 200 cây cầu như cầu Long Kiểng được sở Giao thông vận tải TP.HCM đưa ra, dư luận kinh hãi.
Cầu cứu rát cổ
Trở lại hiện trường vụ sập cầu Long Kiểng, người dân nơi đây ai cũng có câu cửa miệng: đây là tai nạn được báo trước rồi! Đưa tay chỉ hàng loạt giàn thép lớn của cầu Long Kiểng đứt gãy trơ khung, bà Trần Thị Tươi, ấp 1, xã Phước Kiển, Nhà Bè, TP.HCM, bức xúc: cách đây đến chục năm, người dân đã nhận tiền đền bù dự án xây dựng mới cầu Long Kiểng, nhưng nay cầu sập dự án vẫn còn trên giấy.
Cầu sập, nhưng cơ quan chức năng còn chờ điều tra để quy trách nhiệm.
Theo bà Tươi, tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Nhà Bè của bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân hồi cuối tháng 11 vừa qua, nhiều cử tri đã phản ánh những lo lắng của mình liên quan đến bốn cây cầu "chờ sập" ở huyện Nhà Bè, trong đó có cầu Long Kiểng. Hàng loạt giải pháp tháo gỡ bài bản được tình đến, như lắp camera "canh" xe vượt tải trọng qua cầu yếu. Ấy vậy mà sự thể đã không như mong đợi.
Theo ghi nhận, đường Lê Văn Lương từ đại lộ Nguyễn Văn Linh, quận 7, TP.HCM đến giáp ranh huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, ngoài cầu Long Kiểng còn có ba cây cầu sắt "chờ sập" khác đang được người dân cầu cứu. Đó là cầu Rạch Dơi, cầu Rạch Đỉa, cầu Rạch Tôm. Những cây cầu này tồn tại từ 50 - 60 năm, đang xuống cấp từng ngày: trụ cầu, bệ đỡ bê tông nghiêng ngả; những thanh thép, hành lang bảo vệ lưới thép, mặt nền cầu đều đã gỉ sét, gãy... Điển hình cầu Rạch Dơi dài 128m (cấm xe tải do cầu không bảo đảm khả năng chịu lực), mỗi khi các phương tiện qua đây, cầu phát ra tiếng kêu rầm rầm. Những cây cầu sắt còn lại cũng là nỗi ám ảnh. Bề rộng mặt cầu chỉ cho phép một lượt xe ba gác hoặc xe hơi qua, nên các phương tiện phải xếp hàng để được qua cầu. Vì lẽ đó, cảnh kẹt xe diễn ra hàng ngày, nhất là giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều.
Phải đi qua cầu Rạch Tôm mỗi ngày, chị Nguyễn Thị Hạnh, ngụ xã Nhơn Đức, cho biết vừa đi vừa run, nhiều khi phải xuống xe dắt bộ vì cầu quá hẹp, nhất là những khi trời mưa, mặt cầu trơn. "Chạy xe qua cầu Rạch Tôm và Rạch Dơi hàng ngày, nhưng lần nào tôi cũng vừa đi vừa run bởi cầu đã quá yếu. Hơn nữa, mặt cầu hẹp, trơn và lại có độ dốc lớn, nên rất nguy hiểm khi trời mưa", chị Nguyễn Thị Thảo, ngụ xã Nhơn Đức, nói.
Con số giật mình và trách nhiệm bị thoái thác
Sau vụ sập cầu Long kiểng, một thông tin được giám đốc sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM đưa ra đã khiến không ít người khiếp đảm, đó là thành phố (TP) có 30 cầu yếu, không đồng bộ với giao thông trên tuyến do sở GTVT quản lý, đã được đưa vào danh mục ưu tiên, nhằm thực hiện đồng bộ đến năm 2020. Còn nếu tính cả trong các khu dân cư của toàn TP thì hiện có khoảng 200 cầu yếu và 55 cầu không đồng bộ tải trọng. Nói về lý do, dự án xây mới cầu Long Kiểng đã có từ chục năm trước, lãnh đạo sở GTVT TP.HCM viện dẫn dù đã có chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng từ năm 2001, nhưng chỉ có cầu Long Kiểng và Rạch Đỉa được duyệt. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án ở hai cầu này, các đơn vị cũng chưa cân đối được vốn và trước đó đã kêu gọi đầu tư theo hình thức BT. Hai cầu Long Kiểng và cầu Rạch Đỉa dự kiến sẽ được đưa vào xây mới trong năm 2018.
Bình luận về lý do trên, bà Tươi chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán. "Biết bao nhiêu con đường được đầu tư chỉ nhằm mục đích "này nọ" có tiền, còn những cây cầu chờ sập thì lại thiếu tiền, rồi bắt người dân đánh đu tính mạng và tài sản của mình là sao? Tính mạng con người bị đe doạ như vậy, sao không liệt dự án làm cầu chờ sập vào dạng cấp bách mà làm ngay và nhanh? Quả là khó hiểu và khó tin", bà Tươi vừa hỏi, vừa khẳng định.
Trả lời câu hỏi trách nhiệm trong vụ sập cầu Long Kiểng, đến thời điểm hiện tại, lãnh đạo sở GTVT TP.HCM vẫn biện giải theo kiểu nước đôi: "Về trách nhiệm của ngành, chúng tôi cũng đang chờ kết quả điều tra từ cơ quan công an huyện Nhà Bè, đánh giá của đơn vị giám sát, tư vấn và sẽ làm rõ trách nhiệm đối với đơn vị được giao tại khu vực để xảy ra sự cố trên".
"Trách nhiệm thấy rõ vậy còn cần gì kết luận", bà Tươi bực tức. Theo bà, dù bà ít học nhưng bà vẫn biết ở nhiều nước khi xảy ra tai nạn ở ngành nào, ở địa phương nào là người đứng đầu ngành đó, địa phương đó đều đứng ra nhận lỗi, nhận trách nhiệm và ráo riết khắc phục hậu quả. Vậy mà đến này, sở GTVT và địa phương nơi xảy ra sập cầu vẫn cứ phải đợi kết quả, là điều không thể chấp nhận được. Bởi ai cũng thấy, để cho cái xe ben vượt quá tải trọng cầu đến năm lần qua cầu là do không giám sát, xử phạt, ngăn chặn, để cho hàng trăm cầu yếu từng ngày đe doạ tính mạng người... là trách nhiệm của ngành giao thông và chính quyền sở tại, chứ đừng có đổ hết lỗi cho tài xế xe ben làm liều!
Theo Giang Thanh - Đằng Giang (Thế Giới Tiếp Thị)
Rùng mình hình ảnh nhịp cầu bị uốn cong như lò xo sau vụ sập cầu Nhìn vị trí cầu Long Kiểng bị sập, nhiều người dân địa phương bàng hoàng, rùng mình và cho rằng rất may mắn khi cầu sập trong đêm khuya. Sáng 20.1, hiện trường vụ sập cầu Long Kiểng (xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, TP.HCM) vẫn đang được cơ quan chức năng phong tỏa để đánh giá, khắc phục sự cố. Phía hai...