Phụ thuộc Android, Samsung bị Google “dắt mũi”?
Giờ đây, Samsung Electronics là nhà sản xuất smartphone lớn nhất và là người dùng hệ điều hành Android lớn nhất thế giới. Nhưng với một số người, đó lại là vấn đề.
Thành công của Samsung có là “ngôi sao băng”? Ảnh: Reuters
Samsung hiện là một ngôi sao đang lên. Trong quý đầu tiên của năm 2011 hãng bán được ít smartphone hơn Apple, Nokia hay RIM, nhưng nay, hãng là người dẫn đầu thị trường. Song liệu Samsung có nguy cơ trở thành một nhà sản xuất hàng hoá (phần cứng), sẽ bị “ép đến chết” như các nhà sản xuất PC bị kẹt giữa tỷ suất lợi nhuận thấp và những người kiểm soát phần mềm; hay hãng cố gắng đột phá vào những mảng kinh doanh khác – như hệ sinh thái di động đang được nói đến rất nhiều?
Video đang HOT
Tất nhiên, Samsung chưa lâm vào tình thế khó khăn nào, và chắc chắn trong tương lai gần cũng thế. Nhưng vẫn nhiều người chỉ trích công ty. Họ lo ngại Samsung vẫn chưa giải quyết mâu thuẫn của việc sản xuất các thiết bị dùng hệ điều hành của người khác. Với Android miễn phí của Google, Samsung đã tiết kiệm được hàng triệu USD chi phí nghiên cứu và phát triển, giấy phép nhưng lại khiến hãng phụ thuộc vào Google.
Horace Dediu, một nhà phân tích cho rằng hậu quả rất rõ ràng: Microsoft đã cho thấy bất kỳ ai sở hữu hệ điều hành có thể biến mọi nhà sản xuất phần cứng trở thành một hãng sản xuất hàng hoá đơn thuần.
Samsung không cô đơn. Chính Nokia đã bỏ hệ điều hành riêng Symbian, để đến với Windows Phone của Microsoft. Nhưng hậu quả với Samsung và các nhà sản xuất Android khác rất rõ rệt. Họ phải tuỳ biến giao diện Android, và khi Google tung ra bản cập nhật cho hệ điều hành mới, trước tiên các nhà sản xuất phải thử nghiệm trước khi ứng dụng cho máy. Điều này làm chậm quá trình nâng cấp và nhiều người dùng bị mắc kẹt trong các phiên bản Android trước. Bằng chứng là đến nay có gần 2/3 thiết bị Android đang chạy Gingerbread, phiên bản Android ra cuối năm 2010.
Nó sẽ làm yếu các nỗ lực của Samsung trong việc tạo khác biệt cho sản phẩm của hãng, sự khác biệt đơn giản chỉ còn nằm ở hình dáng và các đặc điểm phần cứng. Có lẽ chính vì thế mà nhiều người đang nói rằng các mẫu máy Android thường na ná nhau.
Ngoài ra, Samsung cũng lâm vào tình huống khó khăn. Dù Samsung nói rất chào đón việc Google mua Motorola, nhưng hãng vẫn phải có các bước “phòng vệ”. Đơn cử như năm ngoái hãng đã phải giới thiệu kho ứng dụng phần mềm Android riêng, Samsung Apps, với khoảng 40.000 ứng dụng – rất ít ỏi so với 500.000 của Apple và 450.000 của Android. Tháng trước, Samsung lại công bố dịch vụ quảng cáo di động riêng, AdHub Market, dường như để cạnh tranh với mạng lưới phân phối quảng cáo riêng của Google.
Và dù phần lớn smartphone Samsung vẫn dùng Android, hãng cho biết sẽ tạo ra các thiết bị dùng nhiều hệ điều hành khác nhau – mà hãng gọi là chiến lược đa nền tảng. Tuy vậy, hệ điều hành Bada của Samsung chỉ chiếm chưa đến 3% lượng smartphone thế giới trong năm ngoái, không là gì so với Android. Samsung nói họ dự định giới thiệu nhiều mẫu máy nữa, nhưng cũng nói họ sẽ thay đổi Bada sang một hệ điều hành khác tên là Tizen và đang xây dựng một hệ sinh thái giúp nâng tính tương thích giữa hai hệ thống này. Song có thể thấy rõ Android vẫn là phần quan trọng trong chiến lược của Samsung. Tất cả những nỗ lực của Samsung càng cho thấy sự phụ thuộc của hãng vào Android. Thực chất, Samsung cũng đã nhận ra sự cần thiết phải có một chiến lược rộng lớn hơn.
Nếu Samsung chỉ muốn tránh cạnh tranh trong phân khúc cấp thấp của thị trường với các hãng như ZTE và Huawei, các nhà phân tích đồng ý Samsung phải phát triển một hệ sinh thái có cả phần mềm, nội dung, thiết bị. Song điều này lại khiến Samsung không thể không đụng độ với Apple, Amazon, Google và Microsoft. Các nhà phân tích cho rằng tất cả cũng chỉ nhằm kiểm soát mọi hoạt động di động của người dùng.
Về mặt này, Samsung cũng đang đi đúng hướng. “Samsung không chỉ là nhà sản xuất điện thoại như HTC nên hãng có tiềm năng tạo ra các nền tảng phân phối nội dung và các dịch vụ web đến TV, PC, điện thoại và kết nối chúng”, Caroline Gabriel, giám đốc nghiên cứu của Rethink Technology Research, nói.
Đây chính là lợi thế cạnh tranh của Samsung, khi thế giới đang dần chuyển sang các công nghệ dựa trên web nhiều hơn như HTML5, giúp giảm sự phụ thuộc vào các hệ điều hành và nền tảng riêng lẻ như iOS và Android. Thay vào đó, các ứng dụng sẽ như các trang web, có thể chạy trên bất kỳ thiết bị nào.
Samsung vẫn cần có những thay đổi sâu sắc hơn, bởi Samsung không chỉ là công ty Hàn Quốc đầu tiên đột phá vào một thế giới đang bị các đối tác Mỹ thống trị, mà còn trên một thị trường mà các đối thủ hùng mạnh như Nokia, RIM và Microsoft từng thống trị nay cũng đang lâm vào khó khăn. Dù sao, cho đến nay chưa ai phủ nhận thành công của Samsung.
Theo ICTnew