Phú Thọ: Tỉnh lộ 316B xuống cấp, chưa bố trí được kinh phí sửa chữa
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Phú Thọ cho biết, phản ánh của người dân về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của tuyến đường tỉnh lộ 316B gây mất an toàn giao thông suốt hơn 10 năm qua là có cơ sở.
Tuy nhiên, Sở GTVT đã kiến nghị rất nhiều lần rồi nhưng tỉnh Phú Thọ chưa bố trí được kinh phí đầu tư.
Người dân địa phương vất vả đi qua tuyến đường.
Như Báo PLVN đã phản ánh, đã hơn 10 năm qua, người dân sống xung quanh tuyến đường tỉnh lộ 316B đoạn qua địa bàn khu 12, khu 13 xã Đào Xá luôn thường trực nỗi bất an, lo lắng trước nguy cơ mất an toàn giao thông vì mặt đường đã xuống cấp nghiêm trọng.
Theo người dân, từ những năm 2009 con đường đã bắt đầu xuống cấp, sỏi đá gồ ghề.
Cũng có vài lần có đơn vị về tôn tạo, sửa chữa nhưng thực ra chỉ “sửa cho có” vì chỉ bồi thêm đất vào chỗ lõm nên chỉ sau 1,2 trận mưa mặt đường lại xuất hiện những “ổ gà”, “ổ voi” mới rộng hơn, sâu hơn.
Nắng thì bụi tung mù mịt, còn mưa thì lầy lội. Đáng chú ý, đây là tuyến đường huyết mạch nên hoạt động kinh doanh, buôn bán ế ẩm khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Video đang HOT
Liên quan đến vấn đề trên, Ban Quản lý dự án xây dựng và bảo trì công trình giao thông – Sở GTVT Phú Thọ khẳng định, phản ánh của người dân địa phương là có cơ sở.
Bên cạnh đó, sau khi Báo PLVN phản ánh về vấn đề trên, ngày 23/7/2020, Sở GTVT Phú Thọ đã có Văn bản số 1484/SGTVT-QLBT gửi UBND tỉnh Phú Thọ về việc đề nghị lập Báo cáo đề xuất Chủ trương đầu tư dự án: Sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường và công trình trên ĐT.316B đoạn km4 165 – km7 470 (đoạn qua khu 12, khu 13 xã Đào Xá – PV) nêu trên.
Tại Văn bản này, Sở GTVT tỉnh Phú Thọ cũng khẳng định: “Thời gian qua, do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ, mặt khác do đoạn tuyến được đầu tư xây dựng và đi vào sử dụng từ năm 2001, trong khi đó lưu lượng xe tham gia giao thông ngày càng tăng dẫn đến mặt đường xuống cấp, hư hỏng nặng ( mặt đường đã rạn nứt, lún võng, bong bật tạo nhiều hố sâu), giao thông đi lại rất khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông”.
Theo đó, Sở GTVT Phú Thọ cho biết, trước mắt, Sở này đã chỉ đạo Đơn vị quản lý đường bộ thường xuyên theo dõi, bảo trì.
Tuy nhiên, với nguồn kinh phí hạn hẹp chỉ có thể khắc phục được những hư hỏng cục bộ, khối lượng cần sửa lớn nên chưa thể đáp ứng với yêu cầu đầu tư của tuyến đường.
Trao đổi với PV Báo PLVN về vấn đề trên, ông Ngô Quang Ước – Phó Giám đốc Sở GTVT Phú Thọ cho biết: “Tuyến đường được đầu tư từ năm 2001, trong khi theo tuổi thọ đường quy định, đối với đường láng nhựa là 6 – 8 năm phải đầu tư sửa chữa lại. Sở đã sửa chữa nhiều lần nhưng không triệt để được vì kinh phí sửa chữa hạn hẹp”.
Về hướng xử lý, ông Ngô Quang Ước cho biết: Để đảm bảo an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại và giải quyết kiến của người dân xã Đào Xá, Sở GTVT đã đề xuất nhiều lần rồi nhưng không thể xử lý dứt điểm do không có nguồn kinh phí.
“Tuyến đường này cần thiết phải đầu tư nhưng quan trọng là chưa có kinh phí. Vừa rồi Sở đã có báo cáo và đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ cho lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án: Sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường và công trình trên ĐT.316B đoạn km4 165 – km7 470.
Khi được UBND tỉnh Phú Thọ chấp thuận, Sở GTVT sẽ triển khai ngay để đảm bảo an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong vùng” – ông Ước cho biết.
Hà Tĩnh: Người dân tự ý phá kết cấu giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A
Từ năm 2017 đến nay, chính quyền các cấp của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, không làm đường gom khiến nhiều hộ dân đã tự ý phá dỡ tường hộ lan để làm đường đấu nối trực tiếp vào Quốc lộ 1A.
Tấm thanh sắt chắn ngang của hộ lan bị tháo vứt ngổn ngang. (Ảnh: Phan Quân/TTXVN)
Hiện nay, trên tuyến Quốc lộ 1A, đoạn qua xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh xuất hiện tình trạng người dân tự ý phá dỡ tường hộ lan mềm bằng cách nhổ trụ, tháo thanh sắt vứt ngổn ngang bên vệ đường.
Điều này không chỉ phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Qua tìm hiểu của phóng viên, năm 2017, xã Việt Tiến có quy hoạch và bán một số lô đất tại thôn Hòa Bình cho nhiều hộ dân nằm dọc theo tuyến Quốc lộ 1A.
Theo quy định sau khi mua đất, các hộ dân làm nhà ở chỉ được đấu nối vào Quốc lộ 1A thông qua đường nhánh, đường gom.
Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, chính quyền các cấp của huyện Thạch Hà không làm đường gom khiến nhiều hộ dân đã tự ý phá dỡ tường hộ lan để làm đường đấu nối trực tiếp vào Quốc lộ 1A.
Giải thích về việc chậm làm đường gom cho các hộ dân, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Hà cho biết địa phương đã có hai công văn gửi Cục Quản lý Đường bộ II; Chi cục Quản lý Đường bộ II.3 và Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO 4, xem xét, tạo điều kiện mở tường hộ lan đoạn km 501 260 đến km 501 300 trên tuyến Quốc lộ 1A (phải tuyến) nhằm giúp các hộ dân có lối đi vào thi công công trình nhà ở dân cư.
Ngân sách của xã và huyện còn khó khăn nên chưa có đủ kinh phí xây dựng đường gom như theo quy hoạch.
Trả lời các công văn nói trên của huyện Thạch Hà, Cục Quản lý Đường bộ II đã có văn bản số 233/CQLĐBII-ATGT khẳng định việc mở tường hộ lan mềm như đề nghị của huyện Thạch Hà không thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục.
Đồng thời, đơn vị đã hướng dẫn huyện Thạch Hà báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, lập quy hoạch các điểm đấu nối đường nhánh vào Quốc lộ 1A theo quy định tại Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ quy định về việc quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (sửa đổi bổ sung tại Thông tư 35/2017/TT-BGTVT) gửi về Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam để xem xét, thỏa thuận.
Người dân phá dỡ hộ lan để đấu nối trực tiếp từ tuyến Quốc lộ 1A vào đất vườn nhà. (Ảnh: Phan Quân/TTXVN)
Ông Võ Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đường bộ II.3, cho biết để xảy ra tình trạng trên là do trước khi phân lô, bán nền, chính quyền địa phương không làm đường gom, đường nhánh cho người dân như theo quy hoạch.
Vì vậy, đối với những trường hợp vi phạm, đơn vị đã lập biên bản xử phạt hành chính đồng thời sẽ gửi công văn nhắc nhở địa phương cần chấm dứt tình trạng nêu trên. Nếu không giải quyết dứt điểm, đơn vị sẽ báo cáo cấp trên và ra quyết định cưỡng chế./.
Đề xuất cấm xe 3 bánh vào trung tâm TP.HCM Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP đề xuất cấm xe cơ giới ba bánh và xe thô sơ 3-4 bánh vào trung tâm TP. Sở GTVT TP.HCM vừa xây dựng lộ trình hạn chế xe 3-4 bánh tự chế và xe chở hàng có gắn động cơ trên địa bàn TP. Theo Sở GTVT, việc cấm lưu thông đối...