Phụ nữ thường “lịch sự” hơn nam giới khi nói chuyện với trợ lý ảo
Bạn có bao giờ nói từ “ Làm ơn” khi “ra lệnh” cho Alexa hay Siri làm một việc gì đó hay không?
Theo The Verge, một số liệu thú vị đến từ Trung tâm Nghiên cứu Pew của Mỹ: có hơn một nửa số người dùng loa thông minh tại Mỹ (54%) cho biết họ thỉnh thoảng có nói từ “làm ơn” khi trò chuyện với trợ lý ảo trí tuệ nhân tạo của mình; và cứ 5 người thì có 1 người trong số đó (19%) cho biết họ thường xuyên nói từ “làm ơn”. Điều đáng chú ý là mức độ “lịch sự” này có sự khác biệt theo giới tính người sử dụng: có đến 62% số người dùng là nữ cho biết họ thỉnh thoảng có nói từ “làm ơn” khi trò chuyện với trợ lý ảo, trong khi tỉ lệ này ở nam giới chỉ là 45%.
Vì sao vậy?
Một trong số những nguyên nhân khả dĩ của hiện tượng này là về mặt tính cách, nam giới thông thường hay “thô lỗ” hơn so với phụ nữ, và đặc điểm này được các nhà thiết kế ứng dụng áp dụng trong cả việc lựa chọn giới tính cho nhân vật trợ lý ảo. Từ lâu, các chuyên gia đã có ý kiến rằng việc thiết kế các trợ lý ảo mang giới tính nữ sẽ làm tô đậm thêm quan niệm truyền thống về khuôn mẫu giới. “Do đa số các trợ lý ảo đều nói giọng nữ, điều này có thể phát đi tín hiệu rằng phụ nữ thường là những người… dễ sai bảo và thường làm nhiệm vụ hỗ trợ, giúp việc cho mọi người,” dẫn một báo cáo của Liên hợp Quốc hồi đầu năm nay.
Một nguyên nhân khác có thể là bởi nam giới có thái độ khác với phụ nữ về công nghệ. Về mặt văn hoá, công nghệ thường gắn với sự thực dụng và nam tính, trái ngược với những bản tính của nữ giới. Các nghiên cứu cho thấy đàn ông thường cảm thấy thoải mái khi giao tiếp với công nghệ, và bày tỏ sự hứng thú trong việc “làm chủ” nó như một dạng công cụ của đời sống. Những thiên kiến này cũng có thể dẫn tới việc nam giới thường kém “lịch thiệp” hơn với AI.
Tuy nhiên, đáng tiếc là Pew không đặt ra câu hỏi đối với các đáp viên rằng tại sao họ cảm thấy cần phải nói ‘làm ơn’ với những “trợ lý” máy móc này. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn đặt ra ở đây là: Liệu chúng ta có cần phải lịch sự với các trợ lý ảo trí tuệ nhân tạo hay không?
Một số người cho rằng dĩ nhiên bạn không cần phải nói ‘làm ơn’ và ‘cảm ơn’ với những chiếc loa thông minh, bởi chúng chỉ là máy và cũng giống như việc bạn đâu cần nói ‘cảm ơn’ với chiếc lò vi sóng nhà mình. Một số người khác lại cho rằng, chúng ta đâu có nói chuyện với cái lò vi sóng đâu, nên phép so sánh như vậy là không hợp lý. Bên cạnh đó, cũng có những lo ngại về việc mọi người (đặc biệt là trẻ em) có thể hình thành những thói quen xấu. Một số bậc phụ huynh cho rằng nếu con cái họ cư xử “lỗ mãng” với Alexa hay Siri ngay từ bé, thì sau này chúng cũng có thể thô lỗ với những người khác. Các công ty công nghệ hiểu được điều này, và họ đã bổ sung tính năng “khen thưởng” trẻ nếu chúng lịch sự với các trợ lý ảo.
Cá nhân người viết bài này cũng không chắc mình thuộc “phe” nào (bởi thực tế thì tôi cũng không nói “làm ơn” với cái loa thông minh nhà mình) nhưng thực sự, đây là một câu hỏi đáng lưu tâm. Các trợ lý AI trong tương lai có thể sẽ trở nên phức tạp và phổ biến hơn trong tương lai, và những quy tắc hành xử mà chúng ta đặt ra bây giờ sẽ tồn tại và kéo dài trong nhiều thập niên tới. Liệu chúng ta có muốn thể hiện sự lịch thiệp hay không? Sẽ thế nào nếu chúng ta không phải đang nói chuyện với một cái loa, mà là một robot có “cảm xúc” như người?
Cũng có nguy cơ rằng nếu chúng ta tỏ ra lịch thiệp với máy móc, thì chúng ta sẽ dần dần đánh giá quá cao khả năng của chúng và “nhường” lại những “quyền lực” của chúng ta cho chúng. Sau cùng thì, chúng cũng chỉ là những chiếc máy, được điều khiển bởi những tập đoàn công nghệ “lạnh lùng”. Do đó, chúng ta không nên tự tạo cho mình cảm giác như đang “mang ơn”, “mắc nợ” chúng, ngay cả trong những tương tác nhỏ nhất.
Tuy nhiên mặt khác, nếu như số tương tác với máy móc chiếm tỉ lệ cao hơn trong số những tương tác hàng ngày của chúng ta, và nếu như tính xã hội của những tương tác đó trong tương lai cao hơn so với ở hiện tại, thì có lẽ loài người nên duy trì những chuẩn mực và nói “cảm ơn” và “làm ơn” ngay cả với máy móc. Trong một tương lai nếu xung quanh con người toàn là robot và máy móc, thì chúng ta nên giữ lại những “bản sắc” của mình, chứ không nên tự biến mình thành những… chú robot.
Theo VN Review
McDonald's cho phép gọi trợ lý ảo để... xin việc
Chuỗi thức ăn nhanh McDonald's vừa tung ra tính năng mới cho người dùng trợ lý ảo Alexa và Google Assistant, tuy nhiên không dành cho đặt đồ ăn mà là... gửi đơn xin việc.
Theo Engadget, tính năng mới tên là Apply Thru. Đây là lần đầu tiên một công ty áp dụng quy trình nộp đơn xin việc bằng giọng nói.
Để bắt đầu xin việc, người dùng cần ra lệnh " Alexa/OK Google, help me get a job at McDonald's" (Alexa/OK Google, giúp tôi xin việc ở McDonald's), hoặc " Talk to McDonald's Apply Thru" (trò chuyện với Apply Thru của McDonald's).
Tuy nhiên, trợ lý ảo chỉ dùng để bắt đầu đăng ký xin việc, phần còn lại vẫn thực hiện theo cách truyền thống. Trợ lý sẽ hỏi bạn về tên, chỗ ở, công việc mong muốn và một số thông tin khác. Sau đó, bạn sẽ nhận đường link để tiếp tục xin việc trên PC hoặc di động.
Tính năng Apply Thru đang được McDonald's triển khai cho người dùng Alexa và Google Assistant tại Mỹ, Australia, Canada, Pháp, Đức, Ireland, Italy, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh. Vì là chiến dịch toàn cầu nên tính năng sẽ có mặt tại những quốc gia khác trong thời gian tới, hy vọng sẽ có Việt Nam bởi Google Assistant cũng hỗ trợ tiếng Việt.
Theo VN Review
30 năm lịch sử và những lần tạo kỳ tích khi khởi tạo thực tại mới của Viettel Viettel bắt đầu làm viễn thông từ con số 0, đi qua một loạt những dấu mốc đầu tiên và kỷ lục của ngành, để trở thành người khổng lồ ở Việt Nam và vươn tầm ảnh hưởng ra quốc tế. Từ dịch vụ cho người giàu đến di động cho mọi người Vào những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ...