Phụ nữ mắc viêm gan B có nên dừng thuốc để mang thai?
Phụ nữ cần cân nhắc nhiều yếu tố trước khi quyết định dừng thuốc kháng virus điều trị viêm gan B để sinh con hay không.
Theo bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), bệnh nhân viêm gan B cần hiểu rõ lợi ích cũng như nguy cơ của việc ngừng thuốc kháng virus với sức khỏe mẹ và bé trước khi đưa ra quyết định.
Đối với người mẹ
“Với bệnh nhân viêm gan B đã có chỉ định dùng thuốc, việc dừng thuốc chắc chắn có nhiều nguy cơ hơn lợi ích”, bác sĩ Khiêm khẳng định.
Phần lớn trường hợp viêm gan B ngừng thuốc kháng virus khi vẫn còn chỉ định sẽ dẫn đến tải lượng virus trong máu tăng cao trở lại. Từ đó, bệnh nhân có nguy cơ xuất hiện các đợt bùng phát viêm gan, gây tổn thương bộ phận này.
Phụ nữ viêm gan B bỏ thuốc để mang thai phải đối mặt nhiều nguy cơ về sức khỏe. Ảnh: NutraIngredients.
Đặc biệt, nguy cơ này sẽ lớn hơn ở những bệnh nhân có chỉ số kháng nguyên của virus viêm gan B (HbeAg) dương tính hoặc tải lượng virus trong cơ thể còn cao.
Tùy đối tượng, hậu quả của đợi bùng phát viêm gan B cũng sẽ khác nhau. Với bệnh nhân trẻ, mức độ tổn thương gan không nhiều, hậu quả để lại do đợt bùng phát viêm gan B có thể ít nghiêm trọng hơn.
Video đang HOT
Tuy nhiên, trường hợp tổn thương gan nặng, xơ gan, các đợt bùng phát viêm gan B có thể dẫn đến xơ gan tăng nặng, ảnh hưởng tính mạng hoặc chất lượng cuộc sống. Một số sản phụ mang thai bị thay đổi miễn dịch khi dừng thuốc cũng có thể dẫn đến suy gan cấp nặng, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe mẹ và bé.
Bác sĩ Khiêm thông tin việc dừng thuốc, uống thuốc không đều và thất thường còn là yếu tố thuận lợi cho việc virus sinh đề kháng thuốc. Tình trạng này gây khó khăn lớn trong việc lựa chọn thuốc điều trị cho mẹ sau này.
Khi virus kháng thuốc, việc điều trị sẽ rất khó khăn. Các bác sĩ buộc phải phối hợp các loại thuốc khác nhau hoặc tăng liều. Điều này cũng làm nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ cao hơn, chi phí điều trị gia tăng.
Đối với em bé
Theo bác sĩ Khiêm, việc người mẹ dừng thuốc kháng virus giúp hạn chế sự ảnh hưởng tới quá trình hình thành và phát triển của bào thai, từ đó tránh nguy cơ xuất hiện dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên, không phải mọi loại thuốc kháng virus đều gây ra nguy cơ trên.
Việc người mẹ dừng thuốc viêm gan B mang lại lợi ích cho sức khỏe của bé. Ảnh: CLA.
“Hiện nay, nhiều bằng chứng cho thấy các loại thuốc như Entercavir, Adefovir, Interferon không gây bất lợi đến em bé. Trong khi TAF chưa đủ dữ liệu để khẳng định tính an toàn, TDF lại tương đối đảm bảo cho phụ nữ mang thai”, bác sĩ Khiêm cho hay.
Khi người mẹ dừng thuốc kháng virus, nguy cơ xuất hiện các vấn đề sức khỏe trong thai kỳ của sản phụ cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé. Gia đình có thể trở thành nguồn lây nhiễm cho bé trong thai kỳ hoặc trẻ khi sinh không nhận được điều trị dự phòng phù hợp.
“Thậm chí, nếu tình trạng người mẹ không tốt với bệnh lý nặng, em bé cũng có nguy cơ không nhỏ về sức khỏe và tính mạng”, bác sĩ Khiêm nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nguy cơ này với bé cũng rất thấp nếu người mẹ được đánh giá có ít khả năng xuất hiện đợt bùng phát viêm gan, chỉ dừng thuốc trong 6 tháng đầu và điều trị trở lại ngay sau đó. Đồng thời em bé phải được tiêm phòng viêm gan B và kháng huyết thanh viêm gan B đầy đủ.
Bác sĩ Khiêm kết luận: “Không có quyết định nào là hoàn toàn đúng cho tất cả bệnh nhân. Tùy sức khỏe và tình trạng bệnh lý gan của mẹ, thời gian, kết quả điều trị ra sao, bác sĩ điều trị trực tiếp sẽ có trách nhiệm giải thích cho bệnh nhân hiểu về lợi ích và nguy cơ, từ đó đưa ra lời khuyên phù hợp. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn là người quyết định cuối cùng”.
Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực khuyên tất cả phụ nữ nên sàng lọc viêm gan B trước khi có ý định mang thai để được tư vấn cụ thể. Những phụ nữ đang điều trị viêm gan B có ý định mang thai hoặc phát hiện mang thai cũng cần thông báo sớm cho bác sĩ điều trị để đưa ra quyết định phù hợp.
Bệnh nhân viêm gan phải nhập viện khẩn cấp do uống thuốc nam
Do cả tin và mệt mỏi với việc điều trị kéo dài, nhiều bệnh nhân tìm đến thuốc nam không rõ nguồn gốc dẫn đến tình trạng nguy kịch.
Vừa qua, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cơ sở Kim Chung (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân K.T.T. (nam, 51 tuổi, trú tại Sông Công, Thái Nguyên) trong tình trạng vàng da, vàng mắt, suy gan, thận, xơ gan tối cấp.
Ông T. từng đến khám tại cơ sở y tế này với chẩn đoán viêm gan B và được chỉ định dùng thuốc kháng virus. Nghe giới thiệu về một vị thầy lang tự xưng là "danh y" thuộc Hội Y học Cổ truyền, Đại học Y, ông T. bỏ thuốc và uống "đại kiện cam" do đối tượng này bán.
Sau một tháng uống loại thuốc trên, sức khỏe ông T. bị ảnh hưởng rõ rệt, triệu chứng bệnh nặng dần và phải nhập viện. Trước đó, bệnh nhân đã gọi điện cho "danh y" trên để nói về những triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, đối tượng này lập tức tắt máy và không nghe các cuộc gọi sau đó.
Bệnh nhân viêm gan B đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Quốc Toàn.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh, sau khi tiếp nhận đã chỉ định ông T. nhập viện khẩn cấp tại khoa Viêm gan. Tại đây, bệnh nhân được điều trị lọc máu, can thiệp nội khoa, tình trạng sức khỏe tạm thời ổn định.
Tuy nhiên, thạc sĩ, bác sĩ Mai Đình Cửu, Phó trưởng khoa Viêm gan cho biết tiên lượng sức khỏe của bệnh nhân T. khá xấu, buộc phải ghép gan trong thời gian tới và khó có thể hồi phục hoàn toàn.
Một trường hợp viêm gan khác cũng vừa nhập viện điều trị do sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc là ông P.A.T. (49 tuổi, trú tại Thái Nguyên). Bệnh nhân được phát hiện viêm gan B cách đây 5 năm qua một lần khám định kỳ tại nhà máy, nơi ông làm việc.
Tuy nhiên, qua thông tin truyền miệng, ông tìm tới một gia đình chuyên cắt thuốc nam tại thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) để điều trị. Sau 5 năm, ông được phát hiện có 2 khối u gan, đồng thời gan bị xơ hóa nghiêm trọng.
Tại Bệnh viện K (Hà Nội) ông được mổ cắt bỏ khối u gan thành công và hiện tiếp tục điều trị xơ gan tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sức khỏe ổn định.
Bác sĩ Cửu cho biết thời gian gần đây, khoa Viêm gan thường xuyên tiếp nhận các trường hợp được phát hiện viêm gan B nhưng không tới bệnh viện để thăm khám, điều trị hoặc tự ý uống thuốc nam. Đa số trường hợp này đều tiến triển thành xơ gan, ung thư hóa gan. Một số người thậm chí đang điều trị nhưng tự ý bỏ thuốc khiến virus viêm gan bùng phát, dẫn đến diễn biến nặng, không qua khỏi.
Theo vị chuyên gia này, các bệnh nhân viêm gan B nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, thăm khám định kỳ nhằm sớm phát hiện bất thường, qua đó có cách xử lý phù hợp. Ngoài ra, khi có những triệu chứng bất thường như mệt mỏi, chán ăn, vàng da, vàng mắt, tiểu vàng, bệnh nhân cần đến những cơ sở y tế uy tín để được khám, tư vấn và xử lý kịp thời.
Ngoài ra, người bệnh không nên tự ý sử dụng các loại thuốc nam, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc do có thể ảnh hưởng hiệu quả điều trị, tác động xấu tới chức năng gan.
"Tất cả chất khi vào cơ thể đều được gan khử độc. Do đó, khi gan gặp vấn đề, quá tải và không thể khử độc, virus sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển và gây tổn thương gan nghiêm trọng", bác sĩ Cửu giải thích.
Bác sĩ Huyền cũng khuyến cáo các bệnh nhân viêm gan B cần hiểu quá trình điều trị căn bệnh này sẽ kéo dài, mục đích là để bệnh nhân nâng cao sức khỏe và kéo dài sự sống. Do đó, mọi người không nên lo lắng và tin vào quảng cáo các loại thuốc trên Internet chưa được Bộ Y tế kiểm duyệt, quản lý, dẫn đến thiệt hại về sức khỏe và kinh tế.
Bệnh nhân viêm gan nguy kịch vì tự ý bỏ thuốc Sau 10 năm điều trị và nhận thấy các chỉ số đã ổn định, bệnh nhân tự ý dừng thuốc và nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Mới đây, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân N.V.T. (nam, 67 tuổi, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) trong tình trạng da, mắt vàng...