Phụ huynh xoay xở khi con nghỉ học
Sáng đầu tuần, chị Liễu dậy sớm hơn một tiếng tiễn con lớn về quê, sau đó chuẩn bị cháo, sữa cho con út hơn 2 tuổi rồi đưa đến cơ quan.
Hai ngày qua, chị Lê Thị Thúy Liễu, 32 tuổi, ở quận Đống Đa, gần như không rời điện thoại, liên tục cập nhật tình hình dịch bệnh. Khi biết tin học sinh, giáo viên trường Tiểu học Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, phải cách ly tập trung và nhiều trường khác cho nghỉ học, chị cũng mong hai con gái sớm được ở nhà.
Sáng 31/1, khi UBND Hà Nội cho học sinh nghỉ Tết sớm, chị Liễu thở phào, yên tâm vì con không phải đến trường, khả năng lây nhiễm sẽ giảm. Nhưng ngay sau đó, người mẹ lại “đau đầu” tìm cách gửi hai con để vợ chồng còn đi làm.
Vì con gái lớn 8 tuổi không phải học online, chị cho con về quê gửi ông bà ngoại. Vợ chồng đều không thể đưa con về, sáng sớm nay, chị thuê taxi từ 6h để bà ngoại từ quê lên Hà Nội đón cháu. Lúc chào con ở cửa, người mẹ bịn rịn vì không chắc tình hình sắp tới, liệu gia đình có được đón Tết cùng nhau hay không. Đến tận khi chiếc balô hồng của con gái khuất hẳn, chị vẫn bần thần đứng ở cửa.
Lo xong cho con lớn, chị Liễu quay lại chuẩn bị đồ cho con gái nhỏ. Chị giải thích, do con nhỏ ăn uống khó, đêm lại khó ngủ nên không thể cho về với ông bà. Chồng chị làm tại cửa hàng in ấn, người ra vào liên tục, cùng với việc mùi hóa chất nên không thích hợp trông trẻ nhỏ.
Sau khi cân nhắc các phương án, chị quyết định cho con đến cơ quan dù khối lượng công việc dịp cuối năm rất lớn. Ngoài đồ ăn, chị mang theo giấy vẽ, bút màu và một số đồ chơi con yêu thích để bé đỡ chán.
Không chỉ chị Liễu, nhiều đồng nghiệp cũng chọn giải pháp cho con theo mẹ đến cơ quan. “Phòng làm việc có trẻ nhỏ, gây ồn ào hơn bình thường, cấp trên và đồng nghiệp đều thông cảm vì ai cũng phải khắc phục trong tình hình dịch bệnh”, người mẹ công tác trong lĩnh vực thủy lợi chia sẻ.
Dự định cả nhà sẽ về quê ngoại Hà Nam đón Tết từ 28 âm lịch, nhưng vợ chồng chị Liễu đang cân nhắc xin nghỉ phép để về quê sớm hơn. “Tôi sẽ căn cứ tình hình dịch bệnh trong những ngày tới để quyết định. Trước mắt tuần này vẫn khắc phục bằng cách cho con lên cơ quan. Mong mọi chuyện yên bình trở lại”, chị nói.
Con gái chị Liễu lên cơ quan cùng mẹ trong sáng 1/2. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cũng như chị Liễu, chị Hoàng Lan, ở khu Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, thấy yên tâm khi nhận được thông báo nghỉ học bởi nhà và trường của con trai chị chỉ cách trường Tiểu học Xuân Phương, nơi có học sinh mắc nCoV, 5 km. Đến đầu giờ chiều hôm qua, trường thông báo các con không phải đến lớp nhưng vẫn học trực tuyến trước khi nghỉ Tết. Chị Lan bắt đầu lo bởi con không có ai trông và hướng dẫn học tập.
“Vợ chồng tôi đều làm ngân hàng, dịp cuối năm cực kỳ bận rộn, lại không thể làm từ xa để ở nhà trông con”, chị Lan nói. Nếu nghỉ hẳn mà không phải học online, chị có thể gửi con sang nhà hàng xóm cho chơi cùng. Nhưng lịch học online khiến chị không biết xoay xở thế nào.
Đợt nghỉ ba tháng hồi kỳ II năm học 2019-2020, chị đã phải nhờ em gái đang là sinh viên sang trông giúp để hai dì cháu cùng học trực tuyến. Đợt này, em gái đã về quê nghỉ Tết và cần hạn chế đi lại, chị không biết tính sao.
Video đang HOT
Biết hàng xóm ở nhà nội trợ, phải trông hai con nhỏ rất vất vả, nhưng tối qua chị Lan vẫn phải sang hỏi nhờ trông giúp với lời nhắn nhủ chỉ cần cho con ở riêng một phòng, đến giờ mở máy tính và đăng nhập vào ứng dụng học trực tuyến giúp.
“Biết là nhà có hai đứa trẻ khác sẽ rất ồn, con khó có thể tập trung học, nhưng tôi cũng không còn cách nào khác. Thôi thì cố gắng ba buổi nữa, rồi đến kỳ nghỉ Tết tôi sẽ kèm lại những bài đó sau”, chị Lan nói. Bà mẹ cũng không quên dặn con phải tự học nghiêm túc, không gây phiền phức cho bác hàng xóm.
Không thể đưa con đến chỗ làm hay gửi người quen, chị Hoài Thanh, 41 tuổi, quận Hà Đông, đành để con trai lớn lớp 7 và con gái nhỏ lớp 2 tự ở nhà trông nhau. Chồng chị làm trong lĩnh vực khai khoáng, thường xuyên theo công trình nên chị chủ động trong việc chăm sóc hai con.
Khi biết tin học sinh Hà Nội được nghỉ học, hai con lại không phải học online, nỗi lo chủ yếu của chị Thanh đến từ việc ăn uống của các con. Vì làm cách nhà 13 km, buổi trưa chỉ được nghỉ một tiếng, chị không thể về nấu ăn cho các con. Thay vào đó, chị sẽ làm một số món từ sáng, đến trưa “giao nhiệm vụ” cho con trai hâm nóng thức ăn để hai anh em ăn trưa. “Tôi không muốn đặt đồ ăn ngoài vì muốn con hạn chế tiếp xúc với người lạ để phòng dịch cho tốt”, chị nói.
Người mẹ chia sẻ, dù gia đình đang dùng bếp từ, chị vẫn có chút bất an khi để con nấu nướng. Do đó, buổi trưa chị Thanh nhờ một người hàng xóm qua xem hai anh em ăn uống ra sao, nếu có việc gì gấp sẽ báo ngay. “Cũng may chỉ còn khoảng một tuần nữa là nghỉ Tết, chồng tôi cũng sắp xong dự án nên việc này không kéo dài lâu. Trường hợp dịch bệnh phức tạp hơn, tôi sẽ xin làm tại nhà hoặc nghỉ phép để trông con”, chị Thanh cho hay.
Sáng 31/1, Hà Nội thông báo cho hơn 2 triệu học sinh từ mầm non đến THPT nghỉ Tết Tân Sửu sớm một tuần, bắt đầu từ 1/2 đến hết 16/2 để phòng Covid-19. Đến sáng nay, 18 tỉnh, thành cũng ra quyết định tương tự. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu nhà trường chuẩn bị phương án, chủ động dạy học trực tuyến phù hợp với điều kiện thực tế nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên; vừa hoàn thành kế hoạch năm học 2020-2021.
Từ ngày 28/1 đến 1/2, Bộ Y tế ghi nhận 240 ca nhiễm cộng đồng, ở 9 tỉnh thành gồm: Hải Dương (188), Quảng Ninh (25), Hà Nội (15), Gia Lai (4), Bắc Ninh (3), Hòa Bình (2), TP HCM, Hải Phòng, Bình Dương mỗi nơi một ca.
Chuyện học sinh cách ly ở trường: "Nằm mơ tôi không nghĩ con mình là F1"
"Mặc dù xác định từ đầu nhưng khi nhận được thông báo, tôi bủn rủn tay chân, không nghĩ con mình là F1. Và chúng tôi động viên nhau, đi cách li không sao cả. Các con còn có bạn, có cô..."
"Nằm mơ tôi không nghĩ con mình là F1"
Tối 30/1, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) lấy trường Tiểu học Xuân Phương làm khu cách ly tại chỗ, cách ly học sinh lớp 3E của trường, đồng thời tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ xuyên đêm.
Học sinh được cách ly tại trường cùng bố hoặc mẹ và cô giáo. Thời gian cách ly 21 ngày, hoặc có thể dài hơn nữa. Vì vậy, bố mẹ và thầy trò cùng động viên nhau vượt qua dịch bệnh.
Theo một phụ huynh có con đang ở khu cách ly Trường tiểu học Xuân Phương, bình thường các bạn sẽ được chơi cùng nhau nhưng giờ cách ly không được tụ tập, ngồi xa nhau nên các con sẽ buồn là điều đương nhiên.
Ảnh chụp lúc 23h ngày 30/1, tối đầu tiên của học sinh tại địa điểm cách ly Trường tiểu học Xuân Phương. (Ảnh: PHCC).
Chia sẻ với PV Dân trí , chị Trần Bích Ngọc vẫn không quên giây phút nhận thông báo con mình là F1 và phải đi cách ly trong đêm.
"Từ tối thứ 6, khi nhận được thông báo từ nhà trường về việc có một học sinh trong lớp có bố là F1- bạn ấy là F2, cả nhóm phụ huynh trong lớp đã rất lo lắng. Bản thân mình cũng thế, nỗi lo lắng khiến mình cả đêm không sao ngủ được.
Sáng thứ 7, nhận được thông báo phụ huynh kia trở thành F0, nỗi lo càng lớn. Như vậy, con mình có nguy cơ thành F1 hoặc vẫn chỉ là F2.
Không làm được việc gì, không dám rời mắt khỏi cái điện thoại theo dõi tình hình và nhận thông tin chính thức từ nhà trường.
Tất cả phụ huynh trong lớp hồi hộp chờ đợi, chỉ mong có một phép màu đến để mọi chuyện chuyển biến tốt hơn thôi", chị Ngọc nhớ lại.
Phụ huynh này chia sẻ thêm, lúc đó vợ chồng chuẩn bị sẵn tâm lý. Bố vui vẻ nấu bữa tối còn mẹ dọn dẹp nhà cửa nhưng thực ra bố mẹ cũng vô cùng lo cứ nghe thấy tiếng thông báo từ Zalo là lao vào cầm điện thoại.
"Lúc đọc tin nhắn, mẹ cũng không mạnh mẽ được, ngồi thụp xuống, chân tay bủn rủn, gọi điện cho bên siêu thị mang ít đồ ăn vặt sang mà ko nói nổi.
Gọi con ra cùng chuẩn bị đồ mang theo trong 21 ngày: quần áo, khẩu trang, nước rửa tay, đồ ăn vặt và vài quyển truyện bố mới mua con chưa đọc đến", chị Ngọc viết.
Học sinh tại khu cách ly Tiểu học Xuân Phương (Ảnh: PHCC).
Đi cách li không sao cả
Cũng theo chị Ngọc, lúc đầu tưởng chỉ cô trò cách ly nên con buồn, lên giường tầng nằm khóc.
Khi biết tin có bố hoặc mẹ đi theo, con phấn chấn hẳn lên. Hơn 11h đêm con, bạn con, bố con và mẹ bạn đến trường để cách ly.
"Lo chứ, nhưng gia đình chuẩn bị tâm lý. Phụ huynh xác định tư tưởng sẵn sàng, động viên nhau không sao, lớp mình trước giờ rất đoàn kết lại có cô chủ nhiệm theo lớp 2 năm nên có phải đi cách ly, các con vẫn có cô bên cạnh.
Riêng gia đình tôi, bố mẹ đều động viên con: Đi cách ly ko sao cả. Con đi sẽ có các bạn, có cô. Chúng tôi nói thêm về mức độ nguy hiểm của con virut với cộng đồng. Cùng với việc bố đi cách ly cùng, con đã vui vẻ, lắng nghe và không sợ sệt gì cả.
Dịch bệnh ngày càng phức tạp. Nay bạn là F2 nhưng có thể mai bạn sẽ là F0. Thế nên, hãy luôn bảo vệ bản thân mình, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, ăn uống đầy đủ, khai báo y tế trung thực, nghe thông tin chính thống, tin tưởng vào Chính phủ và luôn lạc quan nhé", phụ huynh này chia sẻ trên trang cá nhân.
Phụ huynh tiếp tế đồ ăn vào cho học sinh ở khu cách ly Trường tiểu học Xuân Phương (Ảnh: PHCC).
Cũng theo chị Ngọc, hiện tâm lý con chị rất ổn định. Do cách ly tại trường, địa bàn các con đã quen thuộc nên khá ổn.
Hàng ngày, phụ huynh "tiếp tế" các vật dụng cần thiết cho con. Chị cũng đang kêu gọi xin truyện để đưa vào khu cách ly giúp học sinh giải trí.
Sau khi kết thúc cách ly, các cuốn truyện này có thể được đưa về thư viện nhà trường, gửi cho các bạn cách ly khác (nếu có) hoặc đưa về vùng khó khăn.
Chia sẻ với PV Dân trí, một phụ huynh hiện đang chăm con tại khu cách ly Trường tiểu học Xuân Phương cho hay, các phụ huynh và giáo viên đang chung tay sắp xếp ổn định cho các em, sớm ổn định tâm lý trong những ngày xa gia đình.
Theo thông tin từ cơ quan Y tế ngày 1/2, rất may mắn tất cả các mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Trường tiểu học Xuân Phương đều đã âm tính lần 1.
Trước đó, tối 31/1, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra đột xuất công tác chống dịch Covid-19 tại quận Nam Từ Liêm.
Do địa điểm cách ly, đoàn kiểm tra bên ngoài cổng Trường tiểu học Xuân Phương, nghe báo cáo tình hình chuẩn bị cơ sở vật chất, lấy mẫu xét nghiệm và chuẩn bị đón tết... cho các giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh.
Hàng loạt học sinh, giáo viên cách ly tập trung đến hết tết do dịch Covid-19 Trường tiểu học Xuân Phương (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) có 1 HS lớp 3 là bệnh nhân Covid-19, là con trai bệnh nhân 1694 (trú tại P.Xuân Phương, Q.Nam Từ Liêm; công nhân của Nhà máy Z153). Từ cuối tuần, nhiều trường học tiến hành xịt khuẩn phòng chống dịch Covid-19 - PHẠM HỮU Do vậy, hàng loạt giáo viên, HS là...