Phụ huynh thô tục với giáo viên dạy online: Khó che đậy
Học online nhưng học theo tư duy cũ, cách dạy cũ, giáo án cũ đã tạo ra những ức chế, áp lực, khiến mâu thuẫn càng nghiêm trọng hơn.
Những lùm xùm giữa phụ huynh và giáo viên trong thời học online vẫn là chủ đề chưa hết “ nóng”. Mới đây, một bà mẹ đã dùng những từ ngữ tục tĩu chửi cô giáo vì con giơ tay không được gọi khiến cô giáo có lúc giọng run lên, sắp khóc còn học sinh thì sợ hãi, phụ huynh khác bất bình.
Một trận đôi co nhiều bên đã diễn ra giữa các phụ huynh, và lời cầu xin của học sinh đã diễn ra ngay trên lớp học khiến nhiều người phải suy nghĩ.
Clip cô giáo bị phụ huynh mắng chửi xối xả khiến phụ huynh khác bức xúc.
Bình luận thêm về câu chuyện này, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, phải chứng kiến nhiều câu chuyện cãi lộn giữa giáo viên và phụ huynh cũng như học sinh là do không gian mạng khiến người ta khó che đậy những thứ mà bình thường không được để ý.
Đó là văn hóa ứng xử giữa gia đình, nhà trường và học sinh, khiến mối quan hệ này dần bị rạn nứt. Cùng với đó là chất lượng và phương pháp giáo dục không phù hợp đã đẩy những mâu thuẫn đi quá xa.
GS Phạm Tất Dong cho biết, học online đã trở thành giải pháp học tạm thời trong suốt 2 năm qua nhưng tới nay dường như Bộ GD-ĐT vẫn lúng túng, không có một sự chuẩn bị kỹ càng. Lẽ ra, học online phải được xem là giải pháp thay thế đương nhiên khi Chính phủ đã có quyết định sống chung với dịch trong điều kiện bình thường mới.
Video đang HOT
Điều này cũng đồng nghĩa với việc giảng dạy, học online là giải pháp cơ động, được sử dụng bất cứ lúc nào. Trong hoàn cảnh đó, ngành giáo dục phải chủ động có những giải pháp thích nghi với thời kỳ chống dịch bình thường mới, chủ động trong các giải pháp, biện pháp cũng như các quy định chung. Tuy nhiên, tới nay vẫn không nhìn thấy điều này.
Không có quy định, hướng dẫn cụ thể về thiết bị học tập, cũng như các phương án kết nối hỗ trợ học sinh học online bảo đảm an toàn, hiệu quả. Cũng không có quy định cụ thể, buộc học sinh phải tuân thủ việc học tập nghiêm túc, dẫn tới sự tùy tiện, thiếu tôn trọng giáo viên.
Trong khi giáo viên không được hướng dẫn để dạy online, họ cũng chưa từng được đào tạo để dạy online dẫn tới những lúng túng trong giảng dạy và khi xử lý những tình huống sư phạm trực tuyến. Vì thế mới có những vụ việc cô chửi trò, thầy đuổi học sinh ra khỏi lớp…
Về phía phụ huynh, đây cũng là thời điểm được dịp giám sát, theo dõi con học nhiều hơn bình thường, qua đó cũng được dịp chứng kiến những bất cập, hạn chế trong quá trình dạy và học của cả cô và trò.
Những vấn đề lâu nay phụ huynh không được chứng kiến thì nay lại được phô diễn hết qua tiết học online, điều này khiến nhiều người bộc lộ ngay bản chất của những người có tiền, coi thầy cô là những người thợ dạy, phụ huynh là nhà đầu tư và con họ là kết quả của quá trình đầu tư đó.
Bản chất ích kỷ cũng theo đó nổi lên, khi bị động tới lợi ích của họ thì lập tức có những phản ứng gay gắt bất chấp cảm xúc của những người xung quanh.
Chính vì điều này mới dẫn tới những cuộc cãi vã, chửi lộn lẫn nhau giữa cô giáo, phụ huynh và học sinh.
Và điểm mấu chốt quan trọng nhất theo vị chuyên gia đó là tư duy trong giảng dạy online không có, học online nhưng theo tư duy cũ, tư duy trực tiếp đã tạo ra những ức chế, áp lực, khiến mâu thuẫn càng nghiêm trọng hơn.
“Bản thân những người làm quản lý cũng chưa có được tư duy của một nền giáo dục online nên cũng lúng túng, không hướng dẫn được về phương pháp dạy online. Trong khi đó, bối cảnh mới đòi hỏi phải có sự thay đổi về tư duy, phương pháp dạy và học thì lại vẫn giữ quan điểm cũ, phương pháp cũ để áp dụng cho cách học mới.
Thay vì phải nhanh chóng thay đổi cách dạy, cách học thì lại loay hoay vướng vào việc soạn giáo án và chăm chăm tính tiền thu học phí.
Dạy online mà học theo giáo án cũ, giáo án dạy trực tiếp thì làm sao giáo viên dạy được, làm sao học sinh học được?.
Từ chỗ học online nhưng lại dạy theo tư duy cũ, giáo trình nặng nề, thiên về đọc chép khiến học sinh chán nản, giáo viên ức chế, còn gia đình không hài lòng mà dẫn tới những phản ứng khác nhau”, vị chuyên gia bày tỏ.
GS Phạm Tất Dong nói thêm, khi chúng ta xác định phải sống chung với dịch thì cũng phải có giải pháp dạy và học chung trong thời kỳ có dịch, trong đó năng lực dạy, học trực tuyến là những năng lực rất quan trọng cần được chuẩn bị kỹ lưỡng. Thậm chí cần phải chuẩn bị trên tinh thần học online là xu hướng, ngành giáo dục phải thích nghi.
Ông cho biết, từng nêu ý kiến nhiều lần về việc học online, nếu ngành giáo dục cũng như các nhà trường, thầy cô không trang bị được cho mình một năng lực dạy và học trong bối cảnh mới thì rất khó tránh những xung đột tương tự tiếp tục xảy ra.
“Tiếp tục như vậy sẽ càng đẩy mâu thuẫn giữa gia đình và nhà trường lên cao hơn. Phụ huynh bức xúc, mất lòng tin trong khi giáo viên bị tổn thương còn học sinh sẽ không học được.
Sẽ không ai còn tôn trọng ai trong lớp học online nữa, đến khi đó, ngành giáo dục có muốn thay đổi, cứu vẫn tình hình cũng khó. Vì thế, ngành giáo dục cần nhận thức đầy đủ và chủ động trang bị cho mình những kỹ năng, phương pháp dạy và học online để thích nghi lâu dài trong bối cảnh dịch bệnh mới”, GS Phạm Tất Dong đưa ra lời khuyên.
Dành 3.500 tỉ đồng cho HS-SV nghèo vay ưu đãi mua máy tính học trực tuyến
Bộ LĐ-B-XH sẽ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xây dựng gói tín dụng hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mua máy tính, thiết bị học tập để học trực tuyến, với tổng số vốn để cho vay là khoảng 3.500 tỉ.
Chiều nay, 4.10, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái về việc giao bộ này chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan nghiên cứu, báo cáo Chính phủ về việc bổ sung chính sách về gói tín dụng hỗ trợ học sinh, sinh viên (HS-SV) có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị học trực tuyến.
HS-SV có hoàn cảnh khó khăn sẽ được vay vốn mua máy tính với lãi suất ưu đãi - NGỌC THẮNG
Theo đó, Phó thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính về chủ trương cho phép bổ sung cơ chế để HS-SV có hoàn cảnh gia đình khó khăn được xem xét vay vốn ưu đãi từ gói tín dụng 7.500 tỉ đồng tại Nghị quyết 68 để mua máy tính, thiết bị học tập.
Bộ Tài chính dự kiến đối tượng vay vốn là các HS-SV thuộc hộ nghèo, cận nghèo và những em có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có bố hoặc mẹ mất do dịch bệnh và chưa có máy tính để học trực tuyến.
Mức cho vay được đề xuất tối đa là 7 triệu đồng/HS-SV. Dự kiến tổng nguồn vốn bố trí để cho vay là khoảng 3.500 tỉ đồng.
Thời hạn cho vay dưới 1 năm, với lãi suất cho vay 0%, lãi suất nợ quá hạn là 6,6%, bằng mức cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội hiện nay.
Bộ Tài chính dự kiến thời gian giải ngân là từ ngày quyết định của Thủ tướng có hiệu lực đến hết 31.3.2022.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến ngày 12.9, có 1,5 triệu HS-SV ở 26 tỉnh, thành đang phải học trực tuyến nhưng chưa có máy tính để học tập.
Cuộc thi viết "Từ trong ký ức": Lời dặn của thầy Chính thầy đã thay đổi cuộc sống, suy nghĩ của tôi bằng những bài giảng không có trong giáo án. Bài giảng ấy thầy lấy từ cái tâm của một người thầy dành cho các thế hệ học trò Buổi họp phụ huynh cho con năm học 2021-2022 có lẽ là buổi họp hết sức đặc biệt với một người mẹ như tôi....