Phụ huynh nghèo “bóp bụng” góp tiền trường
Con đi học phải lo đủ thứ tiền, nhiều gia đình khó khăn vô cùng chật vật, thậm chí bế tắc trong việc lo các khoản tiền trường cho con.
Đã nghèo lại thêm “eo”
Trước đây, anh Nguyễn Văn Khánh, làm bảo vệ tại một công ty tư nhân ở Bình Thạnh, TPHCM thường ăn sáng với tô cháo lòng vỉa hè giá 10.000 – 12.000 đồng. Nhưng gần hai tháng nay, khi con vào năm học mới, bữa sáng “ăn sang” đó của anh phải cắt bỏ, thay vào đó anh ăn cơm nguội, ổ bánh mỳ không hoặc bắp ngô 3.000 đồng, còn phần lớn anh bỏ bữa sáng.
“Dành tiền đóng tiền học cho con”, anh Khánh cười gượng gạo. Con anh đang học ở Trường tiểu học Sông Lô (Phú Nhuận), đầu năm đóng gần 3 triệu tiền trường, vợ chồng đã phải chạy đôn chạy đáo vay mượn. Trước khi vào năm học, anh chị đã lo tiền sách vở, quần áo, đồ dùng học tập cho con.
Cánh cổng đến trường của con trẻ với nhiều gia đình là nỗi gánh nặng đến cùng cực.
Khoản nặng nhất với gia đình anh là tiền bán trú đóng hàng tháng, riêng tiền ăn bán trú mỗi ngày 30.000 đồng. Anh làm bảo vệ, lương hơn 3 triệu, vợ sửa quần áo cũ tại nhà thu nhập không ổn định. Hàng tháng phải lo tiền thuê nhà, tiền ăn uống, chi tiêu…
“Nhà nghèo, đâu tiêu gì nhiều lấy gì để cắt giảm ngoài việc ăn uống. Nhịn ăn sáng đã đành, bữa ăn trong nhà giờ toàn rau củ, các loại cá biển rẻ tiền…”, anh Khánh thật tình.
Quanh năm lo tiền chi tiêu trong gia đình đã hết sức chật vật, con vào năm học, vợ chồng chị Trần Thị Hoa, công nhân may mặc ở Gò Vấp, TPHCM rơi vào khó khăn cùng cực. Hai đứa con, đứa út 3 tuổi chị gửi ở nhà trẻ tư với chi phí 1,5 triệu đồng, đứa đầu học tiểu học.
Tổng thu nhập của hai vợ chồng không quá 8 triệu đồng là khi đã tăng ca hết sức. Chưa kể những lúc công ty không có đơn hàng, muốn tăng ca kiếm thêm cũng chẳng có việc để làm. Trong đó tiền thuê nhà, điện nước 2 triệu, tiền gửi trẻ của đứa út, tiền chi tiêu, ăn uống… Chưa kể, hàng tháng anh chị phải gửi tiền về quê lo cho bố mẹ.
Trước đây, mỗi ngày tiền ăn uống cuả cả gia đình chị Hoa chỉ 40.000 – 50.000 đồng thì nay chị không dám mua đồ ăn quá 30.000 đồng/ngày cho 4 miệng ăn. Nhiều bữa, chả nhà chỉ cơm trắng chan nước tương với đĩa rau.
“Cả hai vợ chồng đều phải ứng trước lương đóng tiền học cho con, chưa biết mai mốt sống thế này. Ngay các khoản tiền theo quy định với nhà tôi đã khó lo nổi cho con nhưng giờ trường học đẻ ra đủ loại tiền. Công nhân kiếm từng chục mà đi học toàn tiền trăm, tiền triệu”, chị Hoa thở dài.
Không chỉ chị Hoa, nhiều công nhân cũng cùng cực trong việc lo cho đến trường do thu nhập thấp, gánh nặng cuộc sống xa quê. Họ mang theo nỗi bất lực, bế tắc mà không biết bấu víu vào đâu. Cũng vì nghèo, nhiều gia đình sống trong cảnh chia lìa khi phải con về quê.
Video đang HOT
Cám cảnh huynh “trốn nợ”
Sau buổi họp phụ huynh, nghe thông báo đủ các loại tiền phải đóng cho con gồm tiền quy định, tiền thu hộ, tự nguyện…, chị Lê Ngọc Mai, có con học tại Trường THCS ở Q. Tân Phú đã rã rời chân tay. Từ hôm đến giờ, chị chỉ mới đủ tiền đóng học phí, còn các khoản tiền khác đang… tạm khất, vợ chồng đang tìm cách xoay.
Con gái ngày nào cũng hỏi “Mẹ ơi, đóng tiền”, nhiều lần bực mình chị quát con ầm ĩ. Chị Mai làm phụ bếp ở khách sạn, chồng làm công việc giao hàng, thu nhập thấp lại bấp bênh lại còn lo cho mẹ chồng đang nằm viện vì tai biến.
“Vay mượn được ai mình đã vay hết rồi. Năm trước, tui tránh mặt, cô giáo phải tìm đến tận nhà. Mình trốn được, thương con lên lớp hàng ngày. Vì mẹ không có tiền đóng đúng hạn mà cháy sợ đến lớp, nhiều lần đòi bỏ học”, chị Mai bộc bạch.
Nhiều học trò tại Trường tiểu học Lưu Hữu Phước (Q.8, TPHCM) sau giờ học lại đi bán vé số kiếm thêm phụ giúp gia đình.
Quanh năm gánh nỗi trong nỗi lo cơm áo gạo tiền, vào năm học mới, anh Bùi Văn Thái (quê ở huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) rơi vào tận cùng của nỗi cực khổ. 4 đứa con anh, hai cháu học đại học, hai cháu học ở quê.
Vợ bị bệnh tim, một cô con gái thứ ba nhiều năm nay hàng tháng phải từ quê vào TPHCM điều trị ung thư, gia đình anh đã rơi vào kiệt quệ. Bệnh tình cháu có dấu hiệu hồi phục, anh Thái lại quay cuồng lo cho các con đến trường.
Anh Thái vào TPHCM làm đủ nghề kiếm sống nhiều năm nay, giờ đang đi gom dầu nhớt ở các bến xe. Đêm về, anh còn chạy xe ôm kiếm thêm, chuyện nhịn bữa, nhịn ăn sáng hay trốn nợ “tiền trường” của con với anh là chuyện… hàng ngày. Gắng đến đâu hay đến đó chứ anh Thái không dám nghĩ đến những ngày phía trước – ngày mà có thể con cái anh phải dang dở việc học.
Ở nhiều trường học ở TPHCM cũng có không ít những đứa trẻ vừa đi học vừa mang theo tập bán vé số kiếm tiền tự nuôi mình, phải nhịn ăn sáng đến trường… Cái nghèo của gia đình đang đè nặng lên vai các em.
Nghèo đến vậy, cùng cực đến vậy nhưng để con đến trường, các ông bố bà mẹ này vẫn phải chạy theo cuộc sống xa xỉ. Hầu hết nhiều trường hiện nay nhiều khoản tự nguyện, xã hội hóa được “khơi mào” theo chế độ con nhà có điều kiện từ những phụ huynh khá giả cùng sự tiếp tay của nhà trường. Họ chẳng có cách nào khác đua theo nhu cầu người khác đặt ra, còn việc họ phải nhịn ăn sáng, vắt sức làm thêm đủ nghề thậm chí là vay nợ… để con đến trường là góc khuất ít ai biết đến.
Hoài Nam
Theo Dantri
Nhà trường vào mùa "than nghèo, kể khổ"
"Mở đường" cho các công trình, dự án xã hội hóa, đầu năm học, nhiều trường lại dùng đến chiêu "than nghèo kể khổ" đánh vào tâm lý "tự nguyện" của phụ huynh.
"Ngại cũng phải nói"
Buổi đại hội phụ huynh đầu năm tại một trường THCS ở TPHCM, phụ huynh được bữa "no nê" về tình cảnh nghèo khổ của trường. Thông qua hình ảnh trên màn hình máy chiếu, thầy hiệu trưởng than thở thay cho học sinh (HS) về phòng thí nghiệm không có chỗ để đồ đạc, thiếu bồn rửa tay tại chỗ, ổ điện hết sức nguy hiểm, nền lún sụt...
Rồi hiệu trưởng rút ra kết luận, vì nguyên nhân đó mà kết quả học tập, nghiên cứu của HS chưa cao như thể các em giỏi hay dở đều phụ thuộc hết vào cái phòng khang trang hay không. Nhà trường thì đang bất lực, không còn cách nào, chỉ có thể đề xuất sửa sang, xây dựng lại phòng thí nghiệm... chờ vào đóng góp từ phụ huynh.
Còn tại Trường THCS Colette (Q.3, TPHCM), sau khi phụ huynh phản ứng đề xuất đóng hàng triệu đồng để xây nhà vệ sinh như khách sạn 5 sao, lãnh đạo trường cũng trưng ra những hình ảnh "thảm thương" nhất về nhà vệ sinh hiện tại của trường mà HS đang phải chịu đựng cho đại diện phụ huynh các lớp biết rõ sự tình.
Lãnh đạo nói ra như nhận lỗi "chúng tôi ngại lắm, xấu hổ lắm" nhưng cách duy nhất khắc phục được nhắc đến lại... tùy thuộc vào sự "chịu chi" của phụ huynh.
Vào năm học mới, "thảm cảnh" của nhà trường thường được trưng ra để vận động phụ huynh đóng góp. Trong ảnh: Trường THCS Colette (Q.3, TPHCM).
Theo nhiều phụ huynh, thực tế các khu nhà vệ sinh không đến nỗi như góc ảnh nhà trường cung cấp. Có chăng, do việc vệ sinh lau dọn chưa được chú trọng. Việc nâng cấp, sửa chữa sẽ phù hợp với điều kiện thực tế hơn là xây mới với chi phí cắt cổ.
Để lôi kéo sự đồng thuận của phụ huynh trong các khoản đóng góp theo thỏa thuận, nhiều trường dùng đến chiêu than nghèo kể khổ. Có những chuyện phía sau cánh cổng trường ngày thường chẳng ai biết thì giờ nhiều việc được chính ban giám hiệu trường tự tay phanh phui.
Nhiều trường học "quay cuồng" trong các dự án tiêu tiền phụ huynh.
Những góc thiếu thốn nhất ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt của các em luôn được nhà trường "ưu tiên" giới thiệu đến phụ huynh. Từ chuyện đi vệ sinh phải bịt mũi, bàn ghế ọp ẹp, mái nhà dột, phòng thí nghiệm tồi tàn, phòng học nóng, cổng trường - sân trường thiếu khang trang...
Không chỉ "nỗi khổ" của của HS mới được nhắc đến, có trường còn kể luôn tình cảnh thiếu thốn của giáo viên, ban giám hiệu. Tất cả đều có chung nguyên nhân: thiếu tiền.
Thế nên, trong trường có những xuất đóng góp hết sức hài hước như tiền hỗ trợ giáo viên, tiền sắm máy tính cho ban giám hiệu hay cả những khoản tiền rất khó để gọi tên. tCó trường năm nào cũng than, năm nào cũng thu nhưng mà chẳng lúc nào hết thảm.
Nghèo nhưng sang!
Anh Nguyễn Trọng Dũng, có con học tại trường tiểu học ở quận Tân Phú, TPHCM cho hay, cứ đầu năm là phụ huynh lại được nghe nhà trường than nào là xuống cấp, nào là thiếu thốn. Mọi lý do ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt con em được đổ lỗi do hoàn cảnh túng thiếu mà ra chứ ít trường đề cập đến vai trò của ban giám hiệu, của giáo viên và của cả HS.
"Ai mà không muốn con được học trong điều kiện tốt nhất, các trường rất biết đánh vào tâm lý của phụ huynh. Phụ huynh rất áp lực, khó lên tiếng từ chối. Khổ nhất là những gia đình khó khăn", anh Dũng bày tỏ.
Việc nhà trường đưa ra được những hình ảnh, thông tin chứng minh sự thiếu thốn của trường là một việc hữu ích, để phụ huynh có cái nhìn khách quan hơn trong các khoản đóng góp. Có điều hình như các trường ít bàn đến các biện pháp làm sao để hoạt động dạy học tốt nhất trong điều kiện còn hạn chế đó, hay cách khắc phục cho phù hợp mà chỉ mới tập trung vào việc... đóng tiền để xây mới, thay đổi. Tinh thần "có thực mới vực được đạo" được nhiều trường tận dụng tối đa.
Gánh càng đè nặng vai phụ huynh khi nhà trường nghèo mà thích chơi sang. (Ảnh minh họa)
Số đông người dân hiện nay còn nghèo, đã nghèo thì phải "liệu cơm gắp mắm". Tiết kiệm, tận dụng, khắc phục để hoạt động hiệu quả cao nhất có thể luôn phải ưu tiên trước các hạng mục xây mới chưa thật sự cần thiết nhưng nhiều trường đang bỏ quên điều này. Nhiều dự án "siêu sang" vẫn được đề xuất trong trường học làm khổ phụ huynh.
Bên cạnh đó, điều phụ huynh và dư luận nghi ngại nhất là những khoản chi ở trường học thường có mức giá cao hơn nhiều so với ngoài thị trường. Từ các công trình xây dựng bảo dưỡng máy lạnh, tiền đóng xây nhà vệ sinh, màn hình chiếu, máy tính bảng cho đến tiền ăn uống, đồng phục... cứ vào trường là khác.
"Nghèo mà chơi sang" - cách làm không phù hợp từ của nhiều trường học là một trong những rào cản đối với xã hội hóa giáo dục trong việc huy động đóng góp về mặt vật chất từ phụ huynh đồng thời gây bức xúc dư luận về môi trường giáo dục hiện nay.
Hoài Nam
Theo Dantri
Nam thanh niên chạy xe tốc độ cao, đâm vào ô tô tử vong Một thanh niên điều khiển xe gắn máy với tốc độ cao đã đâm đầu vào xe ô tô tải chạy ngược chiều rồi ngã xuống đường tử vong. Vụ tai nạn xảy ra vào lúc 14h15 chiều 28/9 tại đường CN1, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TPHCM. Hiện trường vụ tai nạn Theo thông tin ban đầu, thời điểm trên, một...