Phòng virus corona sao cho đúng?
Sáng 3-2, Báo Người Lao Động đã tổ chức giao lưu trực tuyến “Phòng virus corona sao cho đúng?” với sự tham gia của 6 chuyên gia y tế từ Hà Nội, TP HCM và Khánh Hòa
Theo các bác sĩ, ngăn chặn dịch không có nghĩa là đổ xô nhau đi xét nghiệm, mà là cách ly người nghi nhiễm đúng cách, đủ thời gian.
Cách ly: Rất quan trọng
ThS-BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, khẳng định: “Cách ly đúng quy định là một trong những biện pháp hiệu quả để khống chế dịch bệnh lây truyền. Hiện nay, TP HCM đã chỉ đạo các trường hợp lao động đến từ Trung Quốc phải được cách ly đủ 14 ngày mới được vào làm việc”.
BS Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế), cho rằng, tùy theo tình hình sẽ có những biện pháp phòng ngừa, trong đó có việc cho học sinh (HS) nghỉ học. Với HS mẫu giáo, tiểu học, nhận thức về tự bảo vệ mình chưa nhiều, nếu mang khẩu trang trong lớp học cũng có nguy cơ lây cho bạn khác do vứt khẩu trang lung tung. Vì thế Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo, tùy tình hình cụ thể của từng địa phương mà chủ tịch UBND tỉnh quyết định cho HS nghỉ học.
BS Nguyễn Đình Anh cho biết với sự chỉ đạo của Ban Bí thư và Chính phủ, trong thời gian qua ngành y tế đã thường xuyên cung cấp thông tin về nguồn lây bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng. “Chúng tôi mong người dân hãy bình tĩnh và tìm hiểu các nguồn thông tin từ Chính phủ, từ Bộ Y tế và các cơ quan truyền thông đại chúng chính thống” – BS Đình Anh khuyến cáo.
Theo ThS-BS Nguyễn Vũ Quốc Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa, ngay từ khi Trung Quốc có thông báo về dịch bệnh do virus corona, từ cấp bộ, ngành trung ương đến địa phương đều tổ chức nhiều hoạt động tầm soát và khống chế bệnh dịch, như yêu cầu ngành y tế lắp đặt các máy tầm soát nhiệt ở sân bay, thành lập các khu cách ly ở các bệnh viện, lập các tổ phản ứng nhanh, tăng cường tuyên truyền…
ThS-BS Võ Ngọc Anh Thơ, Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, tư vấn: “Khi nghi ngờ bị nhiễm nCoV với các triệu chứng như sốt, ho, khó thở sau khi có tiếp xúc gần với các trường hợp là ca xác định, nghi ngờ, có thể mắc bệnh nCoV, hoặc đã đi/đến/ở/về từ vùng dịch bệnh, cách tốt nhất là phải đi khám ngay tại các cơ sở y tế gần nhất để có biện pháp cách ly, điều trị phù hợp”.
Cũng theo BS Anh Thơ, biện pháp phòng ngừa hiện nay là hạn chế đi đến nơi đông người; rửa tay với xà phòng; mang khẩu trang đúng cách khi đến nơi có nguy cơ hoặc khi tiếp xúc với đối tượng có nguy cơ ở cự ly gần (trong khoảng cách 2 m); tăng cường sức đề kháng cơ thể bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt điều độ, tập thể dục đều đặn, tránh tiếp xúc gần với động vật; ăn các thức ăn đã nấu chín, giữ nơi ở và làm việc sạch sẽ, thông thoáng.
Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến tại Báo Người Lao Động – Ảnh: TẤN THẠNH
Video đang HOT
Biện pháp phòng bệnh tại gia đình
ThS-BS Nguyễn Trí Dũng lưu ý thêm điều quan trọng nhất là với các phụ huynh là cần theo sát diễn biến dịch, tuân thủ các hướng dẫn dự phòng để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Trong khi đó, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Phòng Công tác xã hội, kiêm điều hành Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, khuyến cáo điều cần thiết là xác định HS nào đã đi Trung Quốc trong vòng 14 ngày phải bắt buộc mang khẩu trang đi học, nếu có dấu hiệu bệnh thì khám theo hướng dẫn. Tất cả HS cần thường xuyên rửa tay đúng cách.
Trả lời câu hỏi của bạn đọc về virus corona có thể lây qua đường tiêu hóa hay không, TS-BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương, cho biết đường lây này hiện chưa được xác định, bởi các nghiên cứu gần đây mới chỉ tập trung vào lây nhiễm qua đường hô hấp (qua giọt bắn từ đường hô hấp người bệnh đến đường hô hấp người lành hoặc tiếp xúc gần, bắt tay, hoặc chạm vào các bề mặt có bám virus).
“Bởi lo ngại khả năng lây nhiễm qua các đường khác, Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương hiện đã tiến hành xét nghiệm cả những mẫu nước tiểu và mẫu phân của bệnh nhân nhằm bảo đảm người bệnh phải sạch hoàn toàn virus mới được coi là người hồi phục và có thể xuất viện” – BS Phạm Quang Thái nói.
Khuyến cáo về các biện pháp phòng bệnh tại gia đình, BS Phạm Quang Thái thông tin virus tồn tại khá yếu ngoài môi trường và bị tiêu diệt dễ dàng bởi các chất sát trùng thông thường như cồn 70 độ, cloramin B 0,5%, xà phòng… Vì vậy, làm sạch nhà cửa bằng các chất rửa tẩy, sát khuẩn thông thường là cần thiết để bảo vệ gia đình trước nhiều tác nhân nhiễm trùng, không riêng gì nCoV.
Khi đi lại bằng phương tiện công cộng, cần mang khẩu trang, kính và tránh cầm nắm vào các vị trí như tay vịn, thành ghế. Trường hợp phải chạm vào các vị trí này, tránh tuyệt đối không để tay chạm vào khu vực mắt, mũi, miệng. Sau khi ra khỏi xe, cởi bỏ khẩu trang, rửa tay thật sạch với xà phòng và nước hoặc có thể dùng dung dịch sát khuẩn để vệ sinh tay.
BS Trương Hữu Khanh cung cấp thêm thông tin, các yếu tố môi trường có thể ảnh hưởng đến sức mạnh của virus corona, nên tốt nhất là ở trong môi trường có nhiệt độ trên 25 độ C, độ ẩm 50% trở lên và thông thoáng. Chẳng hạn một lớp học, hay văn phòng làm việc nên để nhiệt độ máy lạnh trên 25 độ C, nếu có thể thì thay máy lạnh bằng quạt máy, mở cửa cho thông thoáng.
Khó phân biệt sốt do virus corona và sốt thông thường
BS Phạm Quang Thái cho biết cảm lạnh, cảm cúm, viêm phổi thông thường và bị nhiễm virus corona không thể phân biệt nếu chỉ căn cứ vào các biểu hiện triệu chứng bệnh. Chỉ có thể xác định thông qua xét nghiệm, cộng thêm những yếu tố như đối tượng có nguy cơ (đã đến khu vực có dịch, hoặc tiếp xúc với người bệnh nghi ngờ/xác định nhiễm corona).
NGỌC DUNG – ANH THƯ
Theo nguoilaodong
Mùa mưa, người bị rắn cắn tăng mạnh
Thời điểm mùa mưa thuận lợi cho rắn độc sinh sản, người dân cần chú ý các biện pháp bảo vệ như mang ủng làm việc, ngủ mùng, không nằm ngủ trên sàn.
Cả nước đang bắt đầu bước vào mùa mưa, đây là thời điểm có khí hậu thuận lợi cho các loài rắn độc sinh sản. Ghi nhận tại BV Chợ Rẫy, số ca rắn độc cắn nhập bệnh viện tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Bị rắn cắn bất ngờ
Theo thống kê của khoa bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy (TP.HCM), mỗi ngày nơi đây tiếp nhận 2-3 ca bị rắn độc cắn ở nhiều nơi, từ các tỉnh miền Trung cho đến các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Nhập bệnh viện điều trị được một ngày tại khoa bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, anh Nguyễn Văn Minh (30 tuổi, ngụ huyện Tánh Linh, Bình Thuận) cho biết vào sáng 29-8, khi đang trút mủ cao su ở ngoài vườn thì anh bất ngờ đạp phải con rắn chàm quạp đang ẩn mình dưới lá cao su cắn phải. "Tôi cũng có sắm đôi ủng để đi làm vườn mang nhưng đôi lúc cũng lười biếng, nếu như mang ủng thì có bị rắn cắn cũng không sao rồi" - anh Minh cho hay.
Đang nhổ cỏ để trồng rau, bà Đỗ Thị Ngà (61 tuổi, ngụ phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9) bất ngờ giật bắn người khi bị một con rắn ngoạm vào ngón tay cái của bàn tay phải. Tuy nhiên, sau khi cắn bà, con rắn vẫn không nhả ra khiến bà phải vất vả gỡ các mấu răng ra và giết chết con rắn, đem đến BV quận 9. Tại đây, xác định loại rắn cắn bà là rắn lục đuôi đỏ có thể gây rối loạn đông máu, bà được BV quận 9 chuyển BV Chợ Rẫy để điều trị tiếp. "Con rắn lẫn ở trong đám cỏ, khi tôi nhổ cỏ thì nó cũng bị bốc lên theo. Sau khi bị cắn, tôi thấy tê rần hết cả tay, mặt nóng bừng bừng, toát mồ hôi, vết cắn càng ngày càng sưng và lan rộng" - bà Ngà kể.
Bị rắn hổ đất cắn vào ngón tay phải, chị Trương Thị Phượng (50 tuổi, ngụ huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) cho biết làm nghề buôn bán rắn để ngâm rượu được hơn 10 năm nay. Vào mùa sinh sản của rắn, công việc chị thường tất bật hơn. Chị cho biết: "Làm nghề bán rắn nên tôi cũng phân biệt được rắn độc và rắn lành nên chỉ thường dùng tay không bắt rắn lành. Tôi bị rắn hổ đất cắn vào tay là khi nó nằm ở trong bao lưới" - chị Phượng kể.
Bà Đỗ Thị Ngà (quận 9, TP.HCM) với vết cắn của rắn lục đuôi đỏ trên tay phải đang được BS Thơ thăm khám. Ảnh: HL
Không nên đắp lá cây
Theo ThS-BS Võ Ngọc Anh Thơ, Phó Trưởng Khoa bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, thời tiết mùa mưa rất thuận lợi cho rắn sinh sản. Hằng năm, vào thời điểm này, bệnh viện thường tiếp nhận số ca bị rắn độc cắn tăng mạnh, nhiều hơn vào mùa khô.
Rắn độc ở Việt Nam có thể phân làm hai nhóm chính gồm nhóm rắn gây nhiễm độc thần kinh (hổ chúa, hổ đất, hổ mèo, cạp nong, cạp nia) và nhóm rắn gây rối loạn đông máu (rắn lục, chàm quạp, sải cổ đỏ).
Bỏ thói quen ngủ dưới đất
Đối với người dân có thói quen ngủ dưới đất, không bỏ mùng cần chú ý thay đổi thói quen vì vào mùa sinh sản, các loài rắn độc như cạp nong, cạp nia thường bò vào nhà. Khi ngủ nên đóng tất cả cửa phòng ngừa rắn vào nhà.
Khi bị nhóm rắn gây nhiễm độc thần kinh cắn, bệnh nhân thường có phản ứng sưng đau tại chỗ, hoại tử nặng nề vết cắn, suy hô hấp tuần hoàn nếu không được chữa trị kịp thời. Các loại rắn gây rối loạn đông máu thường gây xuất huyết ở vết rắn cắn hoặc da bầm máu khắp mọi nơi, ngay chỗ chi bị cắn thường có tình trạng chảy máu trong cơ, sưng nề dữ dội. Bệnh nhân nặng có thể bị xuất huyết nội tạng, nặng nhất là xuất huyết não và tử vong. Bệnh nhân cần được xác định mức độ nhiễm độc và tiêm huyết thanh kháng nọc độc theo chỉ định càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, khi bị rắn cắn bệnh nhân có thể có triệu chứng sốc phản vệ do cơ thể phản ứng lại với nọc độc bơm vào máu trước khi biểu hiện các triệu chứng nhiễm độc thần kinh và rối loạn đông máu.
Cũng theo BS Thơ, hiện nay dù việc tuyên truyền xử lý rắn độc cắn rộng rãi nhưng vẫn còn có tình trạng người dân tìm đến các thầy lang để chữa thuốc Nam, rạch hút nọc độc, tự tìm đắp những loại thuốc, lá cây dẫn đến nhiễm trùng, hoại tử chi, phải đoạn chi. Nặng hơn bệnh nhân không kịp đến bệnh viện mà tử vong tại nhà.
BS Thơ khuyến cáo người dân khi đi vào rừng hoặc vùng có cây cỏ nhiều, nên lấy cây dò trước để đánh động rắn bỏ đi. Những người có công việc thường xuyên tiếp xúc với cây cối như công nhân đi cạo mủ cao su nên mang ủng cao và giày để ngừa rắn cắn.
Không nên băng garo chỗ bị rắn cắn
Khi bị rắn cắn, người dân phải thật bình tĩnh, đừng hoảng hốt, cố gắng hạn chế di chuyển chi bị cắn, rửa sạch vùng bị rắn cắn, cung cấp cho bác sĩ màu sắc, cách cư xử của rắn để giúp bác sĩ nhận dạng loại rắn. Nếu đem được rắn tới bệnh viện thì tốt, tuy nhiên không có khuyến cáo bệnh nhân phải cố gắng bắt bằng được rắn vì có thể làm cho bệnh nhân phải di chuyển, không loại trừ bị rắn cắn lần hai, lần ba. Không nên băng garo sau khi bị rắn cắn vì cột chặt có thể làm máu không đến được vị trí đã bị buộc khiến phần này dễ hoại tử mà chỉ cần bất động vùng bị rắn cắn. Bệnh nhân bất an và di chuyển nhiều sẽ càng làm cho nọc rắn di chuyển nhanh hơn. Bệnh nhân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí thích hợp.
ThS-BS VÕ NGỌC ANH THƠ, Phó Trưởng Khoa bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy
HOÀNG LAN
Theo PLO
Có phải chỉ khẩu trang N95 mới ngừa được virus corona? Khẩu trang N95 có khả năng ngừa lây nhiễm bệnh cao hơn khẩu trang y tế 10-20%, khi kết hợp với rửa tay, con số này tăng lên 30%. Ông Trương Hoàng Hưng - bác sĩ Nhi khoa và giảng dạy lâm sàng tại Texas Tech University (TTU), Texas (Mỹ) có chia sẻ về sử dụng sao cho đúng khẩu trang N95 -...