Nơi níu giữ những sinh mệnh mong manh trước cửa tử
Trong căn phòng chừng 100 m2, hàng chục con người cùng máy móc dây nhợ đang níu giữ những sinh mệnh mong manh trước cửa tử. Họ quần quật chạy đua với thời gian như con thoi mặc ngoài kia là nắng, là mưa, là ngày hay đêm.
Được hít thở là một điều may mắn
Khoa Hồi sức cấp cứu (ICU), BV Chợ Rẫy với khoảng 14 bác sĩ và gần 50 y tá, điều dưỡng miệt mài giành giật với tử thần hàng giờ, hàng phút đối với những bệnh nhân được đưa vào đây.
Như mọi ngày ca trực của bác sĩ Phạm Minh Huy cùng bác sĩ nội trú Thái Minh Cảnh và 8 điều dưỡng chăm sóc cho 28 bệnh nhân nặng. 15 giờ chiều, căn phòng ICU đặc quánh mùi thuốc khử trùng, hơi lạnh phà phà bao phủ căn phòng chừng hơn 100 m2, tiếng máy monitor tít tít, lọc máu hoạt động phát ra như một dàn giao hưởng. Những con người nằm đó, im thin thít nhưng mấy ai hiểu rằng số phận họ mong manh trước cửa tử dường nào. Nhìn mớ dây nhợ chằng chịt đang gắn vào người bệnh nhân, có lẽ nhiều người được hít thở lúc này sẽ cảm thấy may mắn bội phần.
28 bệnh nhân trong căn phòng này là 28 số phận được chuyển về từ mọi miền, nơi đây là niềm hi vọng cuối cùng khi những sinh mệnh “9 phần chết 1 phần sống”, ở đó có 28 câu chuyện hoàn cảnh riêng biệt. Lúc này, dù giàu sang nghèo khó thì cơ hội mỗi người đều như nhau, đều khát khao vượt qua bạo bệnh trở về cuộc sống thường nhật.
Ở phía giường bệnh cạnh cửa ra vào, chị Phạm Thị Thắm (33 tuổi quê An Giang) hôn mê sâu vì chứng viêm cơ tim cấp. Chị được chuyển từ Bình Dương lên, lúc này tình trạng trở nặng, bác sĩ phải dùng máy “hồi sức tim phổi” (hay gọi ECMO) gắn vào người chị mới kịp giữ lại tính mạng. Vào viện, không một đồng, người thân dưới An Giang xa xôi chưa lên kịp, chị làm công nhân rồi đổ bệnh được đưa vào viện. Để gắn ECMO cứu chị chi phí phải lên tới 60-80 triệu đồng, mỗi ngày chi phí phải mất thêm 10 triệu, một con số khiến người thân chị ngã khụyu, nghĩ đến việc từ bỏ hi vọng sống.
Bên cạnh chị Thắm, chị Phạm Thị Mỹ Tâm (38 tuổi, Bình Thuận) được chuyển từ Đức Linh, Bình Thuận khi chị chuyển dạ khi thai kỳ tuần 31, thai chết lưu, mẹ nguy kịch phải chuyển gấp vào Chợ Rẫy. Lúc này, thai phụ bị suy đa cơ quan buộc phải lọc máu, thay huyết tương mới hi vọng cứu được.
Video đang HOT
Hai số phận nằm cạnh nhau, chị Thắm thì chồng mất vì ung thư cách đây 6 tháng đi làm công nhân nuôi 2 con, chị Tâm cũng nghèo ngang người bên cạnh. Hai người không nói với nhau 1 lời nào.
Những công việc không tên
Điều trị, cho thuốc, hồi sức, tắm rửa chăm sóc bệnh nhân là nhiệm vụ thường nhật ở căn phòng này. Người bệnh được chăm sóc từ A-Z, thân nhân chỉ được vào thăm sau 15 giờ chiều mỗi ngày.
Bác sĩ Ngô Việt Anh, người điều trị chính cho bệnh nhân Thắm, tình cờ biết được hoàn cảnh khánh kiệt gia đình chị đã nhờ bệnh viện kêu gọi cộng đồng giúp đỡ chi phí điều trị. “Chị Thắm viêm cơ tim cấp, song khi chạy ECMO cơ hội sống lên đến 60-70%, điều quan trọng bây giờ là chi phí cho lên đến cả 100 triệu cần phải chuẩn bị, nếu qua được 2 tuần chị ấy sẽ trở về với hai con”, bác sĩ Anh trăn trở.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trang cũng thế, chị là bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Tâm. Bằng mọi cách để cứu bệnh nhân, vị bác sĩ cũng làm những việc ngoài chuyên môn, kêu gọi để nhiều tấm lòng chung tay cứu bệnh nhân nghèo.
Cùng được cứu chữa, cùng được bác sĩ kêu gọi giúp đỡ, song không phải ai cũng nhận được may mắn, sống chết đôi khi âu cũng là định mệnh gọi tên mỗi người. Sau 3 tuần hồi sức tích cực, chị Thắm hồi tỉnh còn chị Tâm thì lá gan không thể nào hồi phục. Bác sĩ đã dùng hết cách từ lọc máu, thuốc liều cao nhưng vô vọng.
Lúc này, công việc khó khăn của 1 bác sĩ là phải thông báo tin xấu đến người nhà bệnh nhân, giải thích an ủi, động viên họ rằng, bởi có những giới hạn đôi khi không thể vượt qua vòng tròn sinh tử.
Bác sĩ Phạm Minh Huy với thâm niên hơn 10 năm trong nghề, công việc anh đối mặt chuyện sinh tử bệnh nhân quá nhiều, ranh giới mong manh giữa sống – chết khó lòng mà phân định. “Đôi khi công việc chuyên môn không khó khăn bằng việc phải đối diện với những người thân của bệnh nhân để nói về tình trạng người thân họ. Có những người còn hi vọng sống, song chỉ vì gia đình quá nghèo, điều trị kéo dài khiến họ phải chịu đựng những áp lực buộc họ từ bỏ. Khi đó, tôi thật dằn vặt bản thân. Rồi, đôi khi một bệnh nhân quá nặng, người thân nhất quyết bám víu tay chúng tôi muốn cứu bằng mọi giá, bao nhiêu tiền cũng được, song cũng không thể nào giúp họ”, bác sĩ Huy tâm sự.
Những con người làm việc nơi đây, họ như những con thoi quên cả bản thân mình, chăm sóc bệnh nhân tận tình hơn cả cha mẹ người thân. Đôi khi mải mê với công việc, nhiều người còn quên cả chuyện vun vén hạnh phúc cho bản thân. Để rồi có những người quá lứa, lỡ thì và chấp nhận cuộc sống cô đơn. Họ thấy phần nào ấm lòng hơn khi nhìn thấy nụ cười bệnh nhân và lại miệt mài tiếp tục với cuộc chiến níu giữ những sinh mệnh mong manh trước cửa tử.
Phan Nhơn -Thanh Tùng
Theo vietnamnet
Thai phụ nguy kịch vì thai chết lưu, gia đình không một đồng đóng viện phí
Mang thai 31 tuần, song bất ngờ đau bụng chuyển dạ, thai phụ được chuyển vào viện cấp cứu. Bác sĩ phải mổ bắt con vì thai chết lưu, đưa bé không cứu được người mẹ cũng bị tiền sản giật nguy kịch.
15 giờ chiều ngày 8/10, chị Lê Thị Hồng Tiếc tất tả bắt chuyến xe từ Đức Linh, Bình Thuận vào Chợ Rẫy để thăm chị đang nguy kịch, suy đa tạng lọc máu ở khoa Hồi sức cấp cứu (ICU), BV Chợ Rẫy.
Trước đó vào đêm ngày 1/10, thai phụ Lê Thị Mỹ Tâm (37 tuổi, Bình Thuận) bỗng dưng đau bụng quằn quại kèm nôn ói. Chồng chị đã đưa chị vào Bệnh viện (BV) huyện Đức Linh thăm khám, song sau 15 phút, chị lên cơn co giật, bác sĩ nhanh chóng chuyển cấp cứu vào BV Từ Dũ TP.HCM.
Chị Lê Thị Mỹ Tâm nguy kịch sau khi thai chết lưu trong bụng đang được cấp cứu tai BV Chợ Rẫy. Ảnh: Phan Nhơn
Tại Bệnh viện Từ Dũ, sản phụ được chẩn đoán tiền sản giật và phải mổ bắt con gấp để giữ tính mạng. Đỉều kì diệu đã không xảy ra, đứa bé đã chết từ trong bụng mẹ, chị Tâm thì rơi vào nguy kịch khi băng huyết, trạng thái lơ mơ, mạch yếu. Để giữ lại tính mạng cho sản phụ, ê-kíp bác sĩ phải cắt tử cung và buồng trứng để cầm máu. Tình hình cầm máu đã kiểm soát song tình trạng chị Tâm không thể cải thiện khi tiếp tục rơi vào tình trạng suy gan, suy thận rối loạn đông máu và hôn mê sâu. Các bác sĩ đã chuyển bệnh nhân qua Chợ Rẫy để tiếp tục theo dõi.
Chị Tiếc nức nở: "Chị em số khổ quá, qua một lần đò giờ hôn nhân thêm một lần chắp nối, tưởng niềm vui khi có đứa con nào ngờ mất con mà mẹ thì cũng nguy kịch. Gia đình nghèo làm sao đủ tiền cứu chị khi mỗi ngày lọc máu lên đến cả 10 triệu. Em hay tin chị mà vội bắt xe vào Sài Gòn thăm chị chứ em cũng nghèo không lấy gì mà giúp".
Anh Phạm Thế Hùng (41 tuổi) chồng chị Tâm cho hay, anh về sống với chị hơn 1 năm nay, đứa con trong bụng là kết quả tình yêu anh chị vậy mà giờ đây mất con vợ thì nguy kịch. Anh bối rối cho biết mình ít học, đi làm phụ hồ vợ chồng kinh tế đắp đổi qua ngày giờ vợ nằm đó mà tiền bạc xoay xở vay mượn nóng để lo cho vợ mà vẫn chưa đủ. Anh nhớ lại: "Lúc tôi lăn tay vào tờ đơn mổ cho vợ lo lắng vô cùng, đã mất con rồi vợ lại nguy kịch, bác sĩ bảo sao làm vậy miễn sao cứu được vợ là được".
Hiện gia cảnh bệnh nhân khánh kiệt sau khi dồn tiền cứu chữa, song để cứu sống sản phụ này phải cần khoản chi phí lên đến cả 100 triệu đồng để lọc máu.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trang, Khoa Hồi sức tích cực BV Chợ Rẫy, chị Tâm vào viện trong tình trạng suy thận nặng, chức năng gan suy giảm, không đào thải được độc tố. Để cứu mạng bệnh nhân, các bác sĩ phải liên tục lọc máu, thay huyết tương.
Đến nay sau nhiều lần thay huyết tương, chức năng gan của bệnh nhân có cải thiện một phần, song bệnh nhân vẫn chưa tỉnh. Dự báo bệnh nhân sẽ lọc máu thêm nhiều lần nữa mới bước qua cửa tử.
Bác sĩ tiết lộ, viện phí bệnh nhân tăng cao, chi phí đến hiện tại đã chạm ngưỡng 100 triệu. Bởi vì mỗi lần thay huyết tương lên đến 8 triệu đồng và chưa kể các khoản tiền thuốc khác liên quan. Hiện chị Tâm vẫn đang được điều trị tích cực, bác sĩ dự kiệu ít nhất phải hơn 10 ngày nữa bệnh nhân mới tạm thời qua cơn nguy kịch.
Phan Nhơn
1. Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ Đơn vị Công tác -Xã Hội BV Chợ Rẫy, TP.HCM để đóng tạm ứng viện phí cho bệnh nhân Lê Thị Mỹ Tâm. Hoặc liên hệ để gặp thân nhân bệnh nhân ủng hộ trực tiếp qua chị Tuyết, anh Hùng và chị Trinh qua số điện thoại: 0974926326; 0354224407.
2. Ủng hộ qua Báo VietNamNet: Ghi rõ ủng hộ MS 2019.339
Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam - 198 Trần Quang Khải, Hà Nội
- Chuyển khoản từ nước ngoài: Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER
- The currency of bank account: 0011002643148
- Bank:- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
- Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi,Vietnam
- SWIFT code: BFTVVNV X
- Qua TK ngân hàng Viettinbank:
Chuyển khoản: Báo VietNamnet
Số tài khoản: 114000161718
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Đống Đa
- Chuyển tiền từ nước ngoài:
Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Dong Da Branch
- Address: 183 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội
- Swift code: ICBVVNVX126
3. Hoặc trực tiếp báo VietNamNet:
- Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C'Land,156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội.
- Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 408 Điện Biên Phủ, P11,Q10, TP.HCM. ĐT: 08 3818 1436
Theo vietnamnet
Trẻ viêm mũi, nghẹt mũi: Mẹ cần làm gì để không vô tình lạm dụng kháng sinh? Các mẹ có biết, đa số trường hợp trẻ bị viêm mũi, nghẹt mũi, sổ mũi sẽ không cần phải dùng đến kháng sinh nếu tình trạng bệnh không ảnh hưởng đến việc ăn uống và ngủ bình thường của trẻ! TS. BS Nguyễn Hữu Dũng, Giảng viên Khoa Tai Mũi Họng - ĐH Y Dược TP. HCM, Phó khoa Tai Mũi Họng...