Phòng Thương mại Liên bang Áo ấn tượng về sự phát triển của Việt Nam
Ông Brunner đánh giá, hợp tác kinh tế giữa Áo và Việt Nam từ đầu năm 2020 chịu tác động không nhỏ từ dịch COVID-19, song kim ngạch thương mại song phương vẫn tương đối ổn định.
Lễ kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam tại Áo. (Ảnh: Vietnam )
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 75 năm Quốc khánh Việt Nam do Đại sứ quán Việt Nam tại Áo tổ chức ngày 19/9 vừa qua, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Phòng Thương mại Liên bang Áo ( WKO), ông Johannes Brunner đã bày tỏ ấn tượng với sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt là khi nền kinh tế vẫn tăng trưởng dương trong 8 tháng đầu năm 2020 bất chấp những ảnh hưởng từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Ông Brunner đánh giá, hợp tác kinh tế giữa Áo và Việt Nam từ đầu năm 2020 chịu tác động không nhỏ từ dịch COVID-19, song kim ngạch thương mại song phương vẫn tương đối ổn định.
Ông Brunner cho rằng trong thời gian tới, khi dịch bệnh được kiềm chế, việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU ( EVFTA) chính thức có hiệu lực và Văn phòng của WKO tại Thành phố Hồ Chí Minh đi vào hoạt động sẽ là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương.
Tham dự lễ mừng Quốc khánh Việt Nam có các đại sứ, trưởng phái đoàn và đại diện từ các đại sứ quán, phái đoàn thường trực các nước tại Vienna, lãnh đạo WKO, đại diện một số tổ chức quốc tế tại Vienna cùng bà con người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại Áo.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Áo, ông Lê Dũng nêu bật những thành tựu về phát triển kinh tế và vị thế đối ngoại của Việt Nam ngày càng được nâng cao trong thời gian qua. Đại sứ nhấn mạnh từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 mang lại nhiều thách thức cho cộng đồng quốc tế, ảnh hưởng đến quá trình hợp tác giữa các quốc gia.
Tuy nhiên, Đại sứ Lê Dũng cũng vui mừng nhận thấy, sau thành công từ chuyến thăm Áo và một số nước châu Âu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc năm 2018 và các hoạt động đối ngoại song phương trong năm 2019, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) nói chung và với Áo nói riêng tiếp tục có những bước tiến quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế- thương mại.
Video đang HOT
Tháng 8/2020, Việt Nam và EU đã hoàn thành các thủ tục để hiệp định EVFTA có hiệu lực. Trong 8 tháng đầu năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều Việt-Áo đạt 2,2 tỷ USD, Áo trở thành đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam trong số các nước châu Âu.
Nhân dịp này, Đại sứ cũng bày tỏ cảm ơn Chính phủ Áo đã luôn tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập tại Áo. Đây là yếu tố giúp bà con dễ dàng hội nhập và đóng góp vào sự phát triển của nước sở tại.
Về ngoại giao đa phương, Đại sứ Lê Dũng cho rằng ngoài những tác động tiêu cực, dịch COVID-19 dường như đang giúp cộng đồng quốc tế gắn bó hơn trong ứng phó với những vấn đề toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thực hiện rất tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, được các nước thành viên và các nước đối tác đánh giá cao. Tại Vienna, Việt Nam đang đảm nhận vị trí Chủ tịch nhóm các nước châu Á – Thái Bình Dương (APG) và Ủy ban ASEAN tại Vienna (AVC), điều phối hoạt động của các nước thành viên tại các diễn đàn đa phương.
Trong vai trò này, Việt Nam đã đại diện APG tham gia thảo luận tại Ban điều hành của một số diễn đàn như các Ủy ban của Liên hợp quốc về phòng chống ma túy, chống tội phạm xuyên quốc gia… Việt Nam đã chủ trì Cuộc họp giữa AVC và Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) liên quan đến khả năng hợp tác ASEAN-IAEA về chống rác thải nhựa trên biển.
Bên cạnh đó, hợp tác giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế tại Viennna đang ngày càng thắt chặt. Trong quá trình ứng phó với dịch COVID-19, Việt Nam đã tích cực phối hợp, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và nhận được sự hỗ trợ về công nghệ, trang thiết bị, đào tạo nhân lực từ IAEA để ứng dụng công nghệ hạt nhân vào phát triển vắcxin điều trị virus SARS-CoV-2.
Đây là một trong những yếu tố giúp Việt Nam kiềm chế hiệu quả dịch bệnh với chỉ có hơn 1.000 ca nhiễm từ khi dịch bùng phát và tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng ở mức tối thiểu./.
Xuất khẩu thủy sản "hụt hơi" chỉ về đích trên 8 tỷ USD?
Theo các chuyên gia dự báo, trị giá xuất khẩu thủy sản năm cả 2020 chỉ đạt 8,26-8,3 tỷ USD, giảm 3,8% so với năm 2019. Đây là con số sụt giảm đáng kể so với mục tiêu 10 tỷ USD mà toàn ngành đặt ra.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), tính từ đầu năm đến hết tháng 8/2020, trị giá xuất khẩu thủy sản đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Về ngành hàng xuất khẩu chủ lực, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh thuộc ĐBSCL trong tháng 8/2020 tăng nhẹ đạt khoảng 200 đ/kg so với tháng trước, giao động trong khoảng 17.500-18.000 đ/kg đối với cá tra loại I (700-900g/con). Nhìn chung, thị trường vẫn diễn biến chậm do tình hình xuất khẩu vẫn ảm đạm với lượng đặt hàng mới yếu, lượng tồn kho cao cùng với giá xuất khẩu thấp.
"Dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng mạnh tới hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp chế biến cá tra trong nước. Dự báo trong thời gian tới, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tiếp tục ổn định do những tác động của thị trường thế giới khi bị ảnh hưởng của đại dịch", ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay.
Với mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác là tôm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 quay trở lại, giá tôm thương phẩm tại ĐBSCL tháng 8/2020 có dấu hiệu giảm nhẹ so với tháng 7/2020. Điển hình như, tại Bạc Liêu, tôm sú ướp đá cỡ 20 con/kg giảm 20.000 đ/kg còn 190.000 đ/kg, cỡ 30 con/kg giảm 20.000 đ/kg xuống 160.000 đ/kg, cỡ 40 con/kg giảm 10.000 đ/kg xuống 130.000 đ/kg...
Tình hình nuôi tôm từ nay đến cuối năm được sẽ còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng về thời tiết, khí hậu, khả năng xâm nhập mặn tại ĐBSCL.
Về xuất khẩu thủy sản nói chung, Bộ NN&PTTN dự báo, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở các quốc gia trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường trong suốt quý III/2020.
Không ít chuyên gia dự báo, trị giá xuất khẩu thủy sản năm 2020 chỉ đạt 8,26-8,3 tỷ USD, giảm 3,8% so với năm 2019.
Bên cạnh những bất lợi, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhìn nhận, thủy sản Việt Nam đang có những lợi thế cạnh tranh nhất định với các đối thủ như Ấn Độ, Ecuador nhờ ổn định lại sản xuất nhanh hơn sau Covid-19.
Tuy nhiên, để đạt lợi nhuận cao, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang các thị trường như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc,... nên tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao như các sản phẩm có thể sử dụng trực tiếp để phù hợp với những thay đổi mới của thị trường.
Ngoài ra, cũng phải nói thêm rằng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 cũng mở ra không ít cơ hội cho thủy sản Việt. Từ đầu tháng 8/2020 đến nay, xuất khẩu thủy sản sang EU có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020. Trong đó mặt hàng tăng tập trung nhiều vào tôm và mực...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, EU là thị trường quan trọng với thủy sản. Để tận dụng được lợi ích về thuế quan, các doanh nghiệp thủy sản đã chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhật thông tin hoạt động chế biến, logistics... nên sẽ đáp ứng được các nội dung đưa ra trong Hiệp định EVFTA.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, những tháng cuối năm nay, toàn ngành sẽ tiếp tục tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm chân trắng, cá tra) và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững.
Đồng thời, triển khai quyết liệt, hiệu quả các khuyến nghị mà Liên minh châu Âu đưa ra đối với Việt Nam để gỡ "thẻ vàng" và hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững...
Tổng trị giá thủy sản nhập khẩu 8 tháng năm 2020 đạt 1,14 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Nguồn nhập khẩu thủy sản trong 7 tháng đầu năm 2020 chủ yếu là từ Ấn Độ (chiếm tỷ trọng 13,8%), Nauy (11,8%), Nhật Bản (10,2%).
Gạo Việt tăng tốc vào EU Theo Bộ NN&PTNT, chỉ riêng từ ngày 4/9 đến ngày 17/9 đã có 6 doanh nghiệp nộp đơn xin chứng nhận với khối lượng xấp xỉ 4,3 nghìn tấn gạo thơm xuất khẩu sang EU. Xuất khẩu gạo, trong đó có gạo thơm sang EU từ nay đến hết năm sẽ tiếp tục tăng cho dù vẫn chịu tác động từ dịch bệnh...