Phòng ngừa cướp ngân hàng, hiệu vàng: Kinh nghiệm của Thượng Đình
Đến một số cơ sở kinh doanh vàng bạc và ngân hàng đang hoạt động trên địa bàn phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) trong những ngày đầu năm này, phóng viên Báo ANTĐ nhận thấy nơi nào cũng được lắp đặt đầy đủ hệ thống camera và các thiết bị báo động phòng chống tội phạm.
CAP Thượng Đình phổ biến các biện pháp phát hiện và trấn áp tội phạm cho
chủ cơ sở kinh doanh vàng bạc
Bà Lê Thị Minh Hảo, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Xuân, ở 106 – đường Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, tâm sự: “Chấp hành nghiêm những quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh là việc làm rất cần thiết của các cơ sở kinh doanh vàng bạc, ngân hàng, quỹ tiết kiệm, trong tình hình hiện nay. Việc làm này nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản cho doanh nghiệp và những người có liên quan khác”.
Đại úy Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng CAP Thượng Đình cho biết, năm nào đơn vị cũng chủ động thiết lập hồ sơ để phối hợp với các cơ sở kinh doanh phổ biến, tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm nhằm vào các cơ sở kinh doanh vàng bạc, ngân hàng, quỹ tiết kiệm. Rút kinh nghiệm từ vụ cướp xảy ra tại một ngân hàng trên đường Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung và vụ cậy phá cây rút tiền tự động (ATM) vào cuối tháng 10-2011, CAP Thượng Đình đã tìm ra những sơ hở trong công tác bảo vệ và xây dựng những kế hoạch, biện pháp phòng ngừa tốt hơn.
Cùng các chiến sỹ CAP Thượng Đình đến một doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc nằm trên đường Nguyễn Trãi, chúng tôi tận mắt chứng kiến một “khóa đào tạo ngắn hạn” do cán bộ CSKV và CSHS của CAP Thượng Đình huấn luyện cho lực lượng bảo vệ tại chỗ ở đây. Bài tập đưa ra nằm trong tình huống một ngân hàng, hay cửa hàng vàng bị tấn công. Người CSKV đã phân tích cho đội ngũ bảo vệ thấy khi gặp tình huống này, cần phải bình tĩnh thực hiện các yêu cầu của bọn cướp, đồng thời quan sát kỹ đặc điểm nhận dạng và phương tiện chúng sử dụng để phục vụ công tác điều tra của lực lượng công an. Tuy nhiên, tùy theo tình huống xảy ra cũng có thể chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hoặc trấn áp đối tượng trong điều kiện phù hợp.
Thiếu tá Phạm Văn Hùng, Trưởng CAP Thượng Đình nói: “Đó là những bài học dựa trên lý thuyết, còn nhất thiết các cơ sở kinh doanh phải trang bị camera và các thiết bị báo động hoạt động 24/24h. Những hệ thống bảo vệ này được kết nối với cơ quan công an và tại các cơ sở đều sử dụng lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp từ các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp và có uy tín”. Ngoài những biện pháp phòng ngừa nêu trên, CAP Thượng Đình còn thường xuyên nhắc nhở các cơ sở kinh doanh tuân thủ nghiêm quy định hạn chế kinh doanh vào thời điểm giữa trưa và sau 18h hàng ngày.
Theo ANTD
Vụ vỡ "tín dụng đen" ở quận Hoàng Mai: 42 người mất gần 60 tỷ đồng
Trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, ANTĐ đã đưa tin về việc CAQ Hoàng Mai, Hà Nội khám phá vụ vỡ nợ "tín dụng đen", bắt khẩn cấp đối tượng Vương Thị Chất (SN 1966), trú tại tổ 16, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai về các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của nhiều người bị hại (ở thời điểm đó mới có gần 20 người bị hại đến trình báo với số tiền bị Chất chiếm đoạt trên 40 tỷ đồng).
Nhiều bị hại tới CAQ Hoàng Mai trình báo
Đến nay, con số người bị hại đã lên tới 42 (trong đó có 3 ngân hàng ở Hà Nội) và số tiền lên tới gần 60 tỷ đồng. Cơ quan CSĐT-CAQ Hoàng Mai còn bắt giữ đối tượng giúp sức cho đối tượng Vương Thị Chất trong việc thực hiện hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là Nguyễn Quốc Nhật (SN 1975), trú tại thôn Hòe Thị, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội; làm rõ thủ đoạn gây án của các đối tượng như sau: Từ năm 2009 đến 2011, Chất đứng ra thành lập Công ty TNHH vàng Rồng Phúc Tài-Ngân Thịnh (kinh doanh vàng) và Công ty TNHH xuất nhập khẩu và đầu tư xúc tiến thương mại Phú Tài (kinh doanh bất động sản) đều do Chất làm Giám đốc và đăng ký trụ sở tại 50 Võ Thị Sáu, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; trong đó Nguyễn Quốc Nhật là Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh vàng tại Công ty TNHH vàng Rồng Phúc Tài-Ngân Thịnh.
Do không có vốn kinh doanh, Chất đã thông qua các "vệ tinh" (đầu nậu môi giới) tại nhiều địa bàn, tỉnh thành (chủ yếu là tỉnh Nghệ An và TP Hà Nội) để huy động vốn bằng việc thu gom "sổ đỏ" của các bị hại thế chấp vay tiền ngân hàng. Lợi dụng tình hình nhiều người dân khi đến ngân hàng thế chấp "sổ đỏ" vay tiền nhưng không được giải quyết bởi không đủ các quy định đề ra như phải có phương án kinh doanh..., Chất cho hay công ty của mình có khả năng đứng ra vay vốn ngân hàng thay cho người dân (thời hạn vay từ 1 đến 5 năm) và người dân chỉ phải trả từ 1% - 5% tổng số tiền vay làm phí dịch vụ, với điều kiện phải ủy quyền cho Chất sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để thế chấp vào ngân hàng. Để tạo niềm tin cho những người nhẹ dạ, Chất yêu cầu những người đứng tên "sổ đỏ" làm hợp đồng ủy quyền cho Chất tại văn phòng công chứng; đồng thời ứng trước cho họ một khoản tiền trong thời gian chờ ngân hàng giải ngân mà không phải trả tiền lãi. Mỗi đầu nậu môi giới được 1 người có nhu cầu thế chấp "sổ đỏ" vay tiền ngân hàng được Chất trả tiền công từ 10 triệu đến 60 triệu đồng tùy theo giá trị mảnh đất. Sau khi nhận được ủy quyền sử dụng "sổ đỏ" của người dân, Chất thông qua các đối tượng môi giới tài chính để làm thủ tục thế chấp "sổ đỏ" vào các ngân hàng vay với lượng tiền lớn hơn nhu cầu thực tế của người dân.
Đối với các "sổ đỏ" còn lại chưa thế chấp vào ngân hàng, Chất dùng để "thế chấp" vay tín dụng "đen" với lãi suất từ 15% - 25%/tháng và làm thủ tục công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng "sổ đỏ" cho các đối tượng ngoài xã hội. Do hám lời, nhiều người đã cho Chất vay nhưng sau đó không đòi được gốc lẫn lãi. Cụ thể 1 người dân ở quận Ba Đình đã cho Chất vay 9,2 tỷ đồng và Chất thế chấp 6 "sổ đỏ"; 1 người dân ở quận Đống Đa được Chất thế chấp 6 "sổ đỏ" để vay 3,2 tỷ đồng; 1 người ở quận Hoàng Mai được Chất thế chấp 4 "sổ đỏ" để vay 4 tỷ đồng trong tháng 11-2011...
Ngoài thủ đoạn trên, Chất còn lợi dụng việc Công ty vàng Rồng Phúc Tài-Ngân Thịnh kinh doanh vàng bạc để lừa người cả tin gửi tiết kiệm bằng vàng sẽ được hưởng lãi suất 4%/tháng. Một người dân nhẹ dạ đã gửi 9,5 cây vàng cho Chất từ tháng 7-2011, mới lấy lãi được 3 tháng, sau đó thì Chất không trả được gốc lẫn lãi... Không những vậy, Chất còn làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất tại 243 Lĩnh Nam, tổ 16 phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai. Trước đó, mảnh đất này mang tên Chất, nhưng đến năm 2010, Chất đã chuyển nhượng cho người khác, sau đó thuê lại để cả gia đình cùng sinh sống. Sau khi có "sổ đỏ" giả, Chất thế chấp để vay tiền hoặc chuyển nhượng mảnh đất cho nhiều người để nhận trước tiền đặt cọc. Đến nay, đã có 42 bị hại (trong đó có 3 ngân hàng) đã cho Chất vay tiền với lượng tiền gần 60 tỷ đồng và Chất mất khả năng trả nợ.
Theo ANTD