Phòng, chống oan, sai trong TTHS: Còn nhiều chuyện phải bàn
Oan, sai trong tố tụng hình sự nhiều khi được phát hiện là nhờ sự khiếu nại kiên trì của gia đình và bản thân người bị oan, sai, sự lên tiếng của công luận chứ không phải do các cơ quan tiến hành tố tụng.
Vì vậy, tại phiên chất vấn của UBTVQH đối với Chánh án TANDTC về tình trạng oan, sai trong tố tụng hình sự và việc thực hiện bồi thường oan, sai theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sáng 13/3, nhiều ý kiến quan tâm đến việc xác định trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc chống oan, sai.
Oan, sai vì “trọng cung hơn trọng chứng”
Những vụ án đặc biệt nghiêm trọng đang thu hút sự quan tâm của dư luận thời gian qua như vụ Hồ Duy Hải, Hàn Đức Long, Nguyễn Văn Chưởng, Ngô Bá Mai… đã được các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chất vấn Chánh án TANDTC Trương Hoà Bình với đề nghị làm rõ về tình trạng oan, sai và trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong tố tụng hình sự.
Chánh án TANDTC cho biết mới khẳng định vụ Nguyễn Thanh Chấn là oan, các vụ còn lại đang xem xét, giải quyết. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII có tổng số 35 vụ án có dấu hiệu oan, sai thì đã giải quyết được 24 vụ án, trong đó có 3 vụ đang kháng nghị xem xét lại tính chất, mức độ (chiếm 28% tổng số các vụ đã được giải quyết).
Tình trạng oan, sai trong tố tụng hình sự là do thiếu sót chủ yếu về tố tụng trong quá trình thu thập chứng cứ, tài liệu, giám định hiện trường, xét hỏi, việc giải quyết vụ án chưa tập trung đánh giá sự thật khách quan, “trọng cung hơn trọng chứng” như vụ Hồ Duy Hải, do năng lực, phẩm chất, trách nhiệm của cán bộ điều tra, một số có tư tưởng thành tích, nôn nóng…
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cũng thừa nhận có bức cung, nhục hình trong giai đoạn điều tra dẫn đến oan, sai nhưng chủ yếu ở cơ quan cảnh sát điều tra cấp huyện, mới đây nhất là vụ Nguyễn Thanh Kiều (Tuy Hòa, Phú Yên). Qua các vụ việc, Bộ Công an đều kiểm tra, xem xét, xử lý nghiêm minh để chống bức cung, nhục hình. Riêng 5 vụ án có dấu hiệu oan, sai đang được xem xét, Thứ trưởng Vương cho biết đã xảy ra khá lâu và đang được VKSNDTC chủ trì xem xét đánh giá cụ thể quá trình điều tra, thu thập chứng cứ.
“Còn có bức cung, nhục hình khiến các đối tượng nhận tội thì phải xem xét đánh giá toàn diện” – Thứ trưởng Bộ Công an cho biết thêm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: “Tòa án có tự xác định được oan, sai và xử lý trách nhiệm như thế nào?”, và yêu cầu ngành Tòa án nhận rõ trách nhiệm khi có oan, sai dù từ giai đoạn nào.
Đồng tình quan điểm này, Chánh án TANDTC khẳng định thông qua qui trình xét xử, tự kiểm tra các bản án của cấp mình để kiến nghị Chánh án kháng nghị nếu có sai và việc sửa, hủy bản án, Tòa án các cấp đã phát hiện nhiều vụ án sai. Năm vừa qua, số án hình sự bị sửa, hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán là khoảng 3.000 vụ với 450.000 bị cáo (chiếm khoảng 0,6%).
Video đang HOT
“Tuy nhiên, do Tòa án không kiểm soát được ngay từ khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn nên chỉ khi vụ án đã được đưa ra xét xử mà bị oan, sai thì Tòa án mới chịu trách nhiệm” – Chánh án khẳng định.
Thêm vào đó, khi xác định bản án làm oan thì có nhiều hình thức để xử lý. Nếu để có bản án oan thì Tòa án phải tổ chức kiểm điểm Hội đồng xét xử (HĐXX) và thẩm phán, đánh giá do lỗi chủ quan hay khách quan, xem xét sai lầm nghiêm trọng thì đình chỉ xét xử, xác định trách nhiệm; cố ý vi phạm pháp luật làm oan thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xem xét trách nhiệm bồi thường, hoàn trả. Nếu không do lỗi chủ quan của thẩm phán thì dừng xem xét, tái bổ nhiệm.
Với lý do chưa có đủ số liệu, Chánh án Trương Hoà Bình đã không trả lời được câu hỏi của ĐB Nguyễn Văn Phúc (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế) về số việc TANDTC đã chủ động giám đốc, kiểm tra được bao nhiêu phần trăm trong số các vụ án oan, sai được phát hiện, và cấp nào, khâu nào, cơ quan tố tụng nào để oan, sai nhiều nhất.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình và
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình tại phiên chất vấn
Không được lấy tiền thuế của dân bồi thường oan sai
Vấn đề được ĐB Lê Thị Nga – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp – đặt ra là “nhiều trường hợp bồi thường oan, sai dây dưa, kéo dài, đùn đẩy trách nhiệm, không đúng nguyên tắc kịp thời, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người bị oan, sai”.
Giải trình về vấn đề này, lãnh đạo TANDTC cho biết, một số trường hợp có tranh chấp trách nhiệm bồi thường giữa các cơ quan tố tụng. Tuy nhiên, Chánh án TANDTC cũng thừa nhận: “Nếu chưa rõ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm bồi thường giữa Tòa án, cơ quan điều tra và VKS nghĩa là cả 3 cơ quan đều có lỗi với dân”.
Nhưng ông cũng chỉ ra “lỗi” của qui định pháp luật dẫn đến tình trạng này và kiến nghị cần sửa Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trong đó xác định một cơ quan trọng tài phán quyết cơ quan nào chịu trách nhiệm trong trường hợp có tranh chấp pháp lý về trách nhiệm bồi thường hoặc theo hướng một cơ quan độc lập như Bộ Tư pháp đứng ra bồi thường, rồi xác định trách nhiệm của từng cơ quan để đảm bảo tính kịp thời của việc bồi thường.
Gửi đến Chánh án mối quan tâm của cử tri về việc thực hiện trách nhiệm bồi hoàn trong bồi thường nhà nước đối với oan, sai trong tố tụng hình sự, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nhấn mạnh: “Đây là vấn đề cử tri quan tâm vì cho rằng không được lấy tiền thuế của dân để bồi trường oan, sai”.
Ông Trương Hòa Bình cho biết, trách nhiệm này chỉ đặt ra nếu người thi hành công vụ gây oan, sai do lỗi cố ý nhưng thực tế chưa xác định vụ nào là lỗi cố ý mà chủ yếu là lỗi nhận thức, vô ý nên Tòa án chưa xem xét trách nhiệm bồi hoàn.
Từ năm 2012-2014, các Tòa án cũng đã thụ lý 19 đơn khởi kiện các cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự; đã giải quyết xong 14 vụ. Theo đó, Tòa án đã tuyên các cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường với tổng số tiền là 6.513.607.241 đồng (cơ quan công an 03 trường hợp với số tiền bồi thường là 481.746.705 đồng;
VKSND 06 trường hợp với số tiền bồi thường là 1.387.841.630 đồng; TAND 05 trường hợp với số tiền bồi thường là 4.644.018.906 đồng).
Trước mối quan tâm của một số ĐBQH đến trách nhiệm bồi hoàn của thẩm phán trong những vụ án oan, sai, Chánh án TANDTC lưu ý, phán quyết của Tòa án là quyết định tập thể của HĐXX, bản thân Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không thể yêu cầu gì trong việc quyết định của các thành viên khác. Từ đó, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) kiến nghị: “Cần qui định rõ vấn đề này để những người thi hành công vụ yên tâm, không nơm nớp lo”…
Chánh án cũng khẳng định vụ án Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng) bị tử hình không phải là vụ án oan, nhưng có ý kiến của Quốc hội nên sẽ được xem xét thận trọng. Còn sự khác nhau về mức án của Hàn Đức Long và Nguyễn Bá Mai là do HĐXX căn cứ vào tình tiết của từng vụ án để kết án. Riêng vụ Hàn Đức Long, Hội đồng Giám đốc thẩm TANDTC đã chấp nhận kháng nghị của Chánh án TANDTC, hủy án để điều tra lại.
Việc bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn, Chánh án TANDTC cho biết các cơ quan đã quyết liệt, có trách nhiệm để tiến hành các thủ tục. Tuy nhiên, do gia đình chưa cung cấp được tài liệu chứng minh thiệt hại theo yêu cầu của luật nên chưa thực hiện được việc bồi thường.
Theo Pháp luật Việt Nam
Sóc Trăng khắc phục án oan sai
Thời gian qua, hoạt động của các cơ quan tố tụng ở Sóc Trăng còn sai sót, dẫn đến khởi tố, bắt giam người vô tội, gây ra hậu quả nặng nề cho người bị oan. Để không còn án oan sai xảy ra, trong khi tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự (TTHS), việc khẩn trương khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong hoạt động điều tra, kiểm sát, xét xử là vấn đề cấp thiết đặt ra đối với các cơ quan tư pháp Sóc Trăng.
Anh Thạch Sô Phách ở ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân, huyện Trần Đề đang thất nghiệp chờ nhận tiền bồi thường oan sai.
Trong những năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng ở Sóc Trăng có nhiều cố gắng trong việc tuân thủ pháp luật hình sự, TTHS, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, hoạt động TTHS ở Sóc Trăng còn nhiều sai sót. Theo Công an Sóc Trăng, ba năm qua, toàn tỉnh đã đình chỉ điều tra 40 vụ án với 52 bị can: năm 2012 có 16 vụ án với 18 bị can, năm 2013 có 12 vụ án với 13 bị can, năm 2014 có 12 vụ án với 21 bị can. Nhiều vụ án đình chỉ điều tra do hành vi không cấu thành tội phạm, phải đình chỉ điều tra do hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can thực hiện hành vi phạm tội.
Làm việc tại Sóc Trăng về khắc phục án oan sai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho biết, căn cứ đình chỉ điều tra một số vụ án có dấu hiệu không đúng, chưa chính xác, có thể dẫn tới việc oan sai. Việc xử lý tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố còn để tình trạng quá hạn theo luật định, tỷ lệ giải quyết đạt thấp; tỷ lệ án đình chỉ, tạm đình chỉ cao, cho thấy công tác nghiệp vụ cơ bản, công tác trinh sát điều tra và tuân thủ pháp luật trong quá trình điều tra chưa được tăng cường và đề cao đúng mức. Vẫn còn tình trạng người bị bắt, tạm giữ, tạm giam sau đó trả tự do vì không chứng minh được hành vi phạm tội. Một số trường hợp áp dụng khoản 1 Điều 25 Bộ luật Hình sự để đình chỉ điều tra chưa chính xác. Bên cạnh nguyên nhân về năng lực, kinh nghiệm, thì trách nhiệm điều tra viên, thủ trưởng cơ quan điều tra chưa được tăng cường đúng mức trước yêu cầu cải cách tư pháp và quy định của Hiến pháp năm 2013.
Viện kiểm sát thực hành quyền công tố còn sai sót, truy tố sai tội danh, sai pháp luật, dẫn đến oan sai. Kiểm sát hoạt động tư pháp chưa được tăng cường đúng mức, hiệu quả chưa cao, nhất là về trách nhiệm chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra. Có dấu hiệu của việc bức cung, nhục hình tại một số vụ án nhưng chưa kịp thời xem xét, phát hiện, xử lý. Đơn thư khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tố tụng còn nhiều nhưng các cơ quan điều tra chưa kịp thời phân tích, làm rõ. Viện kiểm sát không thực hiện đúng quy định của Bộ luật TTHS trong việc đình chỉ điều tra một số vụ án mà chuyển trách nhiệm này sang cơ quan điều tra thông qua việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm kéo dài việc giải quyết, gây bức xúc cho người được đình chỉ và dư luận. Việc tham gia của luật sư ngay từ đầu quá trình điều tra vụ án còn hạn chế. Trong một số trường hợp, các luật sư chưa được tạo điều kiện trong việc tham gia tố tụng, nhất là giai đoạn điều tra. Còn để xảy ra tình trạng tòa án cấp trên hủy án do lỗi của thẩm phán trong đánh giá chứng cứ và vi phạm thủ tục tố tụng. Việc tranh tụng góp phần hạn chế oan sai chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp. Bồi thường thiệt hại cho người bị oan do các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra chậm trễ, chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta, chưa kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Vụ oan sai gây bức xúc dư luận ở Sóc Trăng thời gian qua là vụ bắt, tạm giam bảy người oan sai tại huyện Trần Đề gồm: Thạch Sô Phách, Thạch Mươl, Trần Văn Đở, Trần Hol, Trần Cua, Khâu Sóc, Nguyễn Thị Bé, bị khởi tố với tội danh giết người - che giấu tội phạm. Công an Sóc Trăng cho rằng, bảy người bị bắt, tạm giam oan sai là do điều tra viên sơ xuất, chủ quan, nóng vội, áp lực điều tra án, không xem xét hết các tình tiết gỡ tội cho các đối tượng...
Để hạn chế mức thấp án oan, sai, các cơ quan hữu quan cần nghiêm khắc thực hiện chế độ trách nhiệm trong công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát giữa các cấp và giữa các cơ quan chức năng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giáo dục cán bộ, thanh tra nội bộ, xử lý nghiêm minh cán bộ khi có vi phạm cần được quan tâm, quán triệt, triển khai thường xuyên và có hiệu quả. Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm chấp hành và tuân thủ pháp luật nghiêm minh, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
Các cơ quan tư pháp Sóc Trăng cần quán triệt sâu sắc hơn nữa Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp và những quy định của Hiến pháp năm 2013, các quy định của pháp luật hình sự, TTHS để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và có các giải pháp cụ thể về tổ chức cán bộ, kiểm tra, thanh tra, chính trị nội bộ, khắc phục ngay các vụ việc oan sai, không để tái diễn. Việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng cần được tiến hành khẩn trương theo đúng quy định của pháp luật để kịp thời khắc phục các hậu quả do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra.
Luật sư chưa được tạo điều kiện thuận lợi tham gia tố tụng, nhất là ở giai đoạn điều tra. Cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn trên thực tế giữa luật sư với các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án, giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử được nhanh chóng, chính xác, đúng pháp luật, khắc phục án oan sai.
BẠCH SỸ CHẤT
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Sóc Trăng
MINH TRƯỜNG
Theo_Báo Nhân Dân
Quy định về giám định hàm lượng chất ma túy: Khó cũng phải làm Công văn số 234/TANDTC-HS của TANDTC về việc bắt buộc giám định hàm lượng của các chất ma túy trong các chất thu giữ nghi là chất ma túy, lấy đó làm căn cứ kết tội các bị cáo theo quy định tại Chương XVIII "Các tội phạm về ma túy" của BLHS năm 1999 là quy định tiến bộ trong tố tụng...