Án oan ở Bắc Giang: Cán bộ về hưu vẫn phải xem xét trách nhiệm!
Những cán bộ tham gia tố tụng, xét xử ông Nguyễn Thanh Chấn hay một người bị oan sai nào khác, dù đã về hưu thì vẫn phải xem xét trách nhiệm” – Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn
Bên lề kỳ họp Quốc hội sáng 26/5, ĐBQH Nguyễn Sơn , Phó Chánh án TAND Tối cao đã trao đổi với phóng viên xoay quanh một số vụ án oan của bà Đỗ Thị Hằng , Hàn Đức Long , Nguyễn Thanh Chấn cùng xảy ra ở tỉnh Bắc Giang, được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua.
Bà Đỗ Thị Hằng (60 tuổi, ngụ ở phường Mỹ Độ, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) nguyên là giáo viên cấp 3 bị TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù về tội mua bán phụ nữ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi chấp hành xong án phạt hơn 5 năm tù giam, bà Hằng làm đơn kêu oan và đã được Viện KSND Tối cao ra kháng nghị hủy án, điều tra lại từ đầu.
ĐBQH Nguyễn Sơn – Phó Chánh án TAND Tối cao (Ảnh ND)
Đặc biệt đáng quan tâm trong đơn kêu oan, bà Hằng phản ánh, gia đình đã bị tan nát sau bản án này: chồng tự tử, con gái bị lừa bán sang Trung Quốc, con trai sa vào nghiện ngập, ngồi tù.
Còn đối với ông Hàn Đức Long , sau khi bị tố cáo hành vi hiếp dâm CQĐT lập tức bắt giam ông Long để điều tra. Trong quá trình hỏi cung, ông Long thú nhận hành vi hiếp dâm và giết người. TAND tỉnh Bắc Giang xử sơ thẩm tuyên Hàn Đức Long án tử hình, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao xử phúc thẩm tuyên y án tử hình.
Bà Đỗ Thị Hằng đã bị xử phạt 5 năm 6 tháng tù oan. (Ảnh TS)
Tuy nhiên sau đó Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xử giám đốc thẩm đã quyết định hủy 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại từ đầu. Đến năm 2011, TAND tỉnh Bắc Giang xử sơ thẩm lần hai và vẫn giữ nguyên phán quyết tử hình đối với Hàn Đức Long .
Một vụ án oan đình đám khác cũng được dư luận rất quan tâm trong thời gian dài là án oan 10 năm tù giam đối với ông Nguyễn Thanh Chấn.
Trao đổi với phóng viên về vụ án của bà Đỗ Thị Hằng, ông Nguyễn Sơn cho biết đến giờ chưa nhận được văn bản chính thức của VKSND Tối cao. Tuy nhiên theo nguyên tắc thì Tòa hình sự TAND Tối cao sẽ phải xét xử lại vụ án này theo đề nghị của VKSND Tối cao.
“Việc quyết định thế nào sẽ do hội đồng xét xử. Nếu có sai phạm, cố tình ra bản án trái pháp luật thì sẽ phải chịu trách nhiệm theo Luật hình sự. Trách nhiệm bồi thường thì được thực hiện theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước” – ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Sơn cũng cho biết, TAND Tối cao vừa có văn bản gửi các cơ quan tố tụng, kháng nghị bản án của Hàn Đức Long (Bắc Giang) theo hướng hủy án điều tra lại. Sau khi TAND Tối cao kháng nghị thì VKSND Tối cao còn phải xem xét lại hồ sơ vụ án này.
Đối với vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Nguyễn Sơn cho biết sau khi ông Chấn chính thức được đình chỉ điều tra, TAND Tối cao đã yêu cầu Tòa phúc thẩm TAND Tối cao chuẩn bị sẵn sàng, nếu có yêu cầu bồi thường thì phải bồi thường theo quy định.
Đề cập đến trách nhiệm của của cá nhân dẫn đến án oan, ĐBQH Nguyễn Sơn nói: “Những cán bộ tham gia tố tụng, xét xử ông Nguyễn Thanh Chấn hay một người bị oan sai nào khác, dù đã về hưu thì vẫn phải xem xét trách nhiệm”.
“Nếu phải bồi thường thì phải áp dụng đúng theo uy định của nhà nước về trách nhiệm bồi thường . Làm án này nhiều khi khó mà xác định được có cố tình hay không. Nếu cố tình thì chắc chắn bị truy cứu trách nhiệm trước pháp luật ”- ông Sơn cho hay.
Đề cập đến việc xem xét năng lực của TAND tỉnh Bắc Giang khi để xảy ra nhiều vụ án oan, nghi oan, ông Nguyễn Sơn cho biết: “Khi xét xử vụ án thì phải xem xét nguyên nhân, điều kiện sai phạm của cơ quan tổ chức để có biện pháp khắc phục, lấy đó làm bài học”.
Theo Infonet
Án oan ở Yên Bái: Thừa nhận của Viện trưởng VKSND
Sau khi xem bản án Giám đốc thẩm đối với ông Đặng Thuật do Chánh án TAND Tối cao ký vào tháng 8/1989, ông Lương Văn Thức - Viện trưởng VKSND tỉnh Yên Bái cho biết: Trường hợp oan sai của ông Đặng Thuật có cơ sở để được bồi thường theo Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại người kêu oan không nộp đơn?
Theo ông Lương Văn Thức, ông biết về vụ án oan sai này từ nhiều năm về trước. Tuy nhiên, thời gian đó ông Thức chưa làm Viện trưởng VKSND tỉnh Yên Bái nên không biết tới công văn chỉ đạo của VKSND Tối cao yêu VKSND tỉnh Yên Bái hướng dẫn cho ông Đặng Thuật làm đơn bồi thường oan sai.
Chỉ đến khi báo phản ánh cùng với việc nhận được đơn thư của bà Đỗ Thị Lợi - vợ ông Đặng Thuật thì ông Thức đã chỉ đạo tất cả các phòng ban trong viện kiểm tra, tập hợp tất cả những văn bản liên quan đến vụ việc của ông Đặng Thuật lại để nghiên cứu giải quyết nhằm tránh tình trạng oan sai cho người vô tội.
"Đúng là có công văn chỉ đạo của VKSND Tối cao vào tháng 7/2008 để hướng dẫn ông Đặng Thuật làm thủ tục bồi thường oan sai nhưng trong công văn này cũng nêu rất rõ là khi nào ông Đặng Thuật gửi đơn yêu cầu bồi thường oan sai lên VKSND tỉnh Yên Bái thì lúc đó VKSND tỉnh Yên Bái sẽ hướng dẫn ông Thuật làm thủ tục gửi đơn lên VKSND Tối cao. Đó là công văn nội bộ, VKSND Yên Bái không có nhiệm vụ phải báo cho gia đình biết.
Từ sau tháng 7/2008, VKSND tỉnh Yên Bái không nhận được một văn bản nào của ông Đặng Thuật yêu cầu bồi thường nên không thể hướng dẫn ông Thuật gửi đơn yêu cầu bồi thường oan sai lên VKSND Tối cao được" - ông Thức nói.
Ông Lương Văn Thức - Viện trưởng VKSND tỉnh Yên Bái.
Tuy nhiên, khi trao đổi với PV, người người thân của ông Đặng Thuật cho biết: Ròng rã từ thời điểm cuối năm 1989 đến tận ngày 31/10/2008, 20 năm trời với 268 lá đơn được ông Đặng Thuật miệt mài, kiên nhẫn đạp xe gõ cửa các cơ quan nhà nước. Nhưng cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vào năm 2008, nguyện vọng của ông vẫn chưa được thực hiện.
Điều "an ủi" dành cho ông, đó là ngày 02/11/2004, tòa phúc thẩm TAND Tối cao có công văn số 429/CV-PT gửi cho ông về việc yêu cầu ông cung cấp các tài liệu để Tòa tối cao làm cơ sở xem xét, bồi thường thiệt hại cho việc ông oan sai theo Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngày 22/11, ông Thuật đã liệt kê 98 mục với các tài liệu kèm theo để bàn giao cho TAND Tối cao theo yêu cầu. Tuy nhiên, 6 tháng sau, Chánh tòa phúc thẩm TAND Tối cao có công văn trả lời: trường hợp của ông Thuật không nằm trong diện của Nghị quyết 388.
"Ông Thuật có cơ sở được bồi thường"
Ngày 2/12/2013, sau khi xem lại bản án Giám đốc thẩm đối với ông Đặng Thuật vào tháng 8/1989 do Chánh án TAND Tối cao Phạm Hưng ký, theo quan điểm riêng của ông Lương Văn Thức: Trường hợp oan sai của ông Đặng Thuật có cơ sở để được bồi thường theo Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cụ thể, theo ông Thức, bản án Giám đốc thẩm của TAND Tối cao ngày 10/8/1989 đã tuyên ông Đặng Thuật không phạm tội tham ô tài sản XHCN. Ông Thuật chỉ bị xử lý về hành chính đối với 200 viên gạch lát mà ông Thuật tự ý lấy thêm ngoài phiếu xuất và 06 tấm kính xây dựng.
Bà quả phụ Đỗ Thị Lợi bên bàn thờ người chồng - ông Đặng Thuật đã mất 5 năm nhưng vẫn chưa được bồi thường oan sai.
Như thế, những hình thức kỷ luật (khai trừ Đảng, tước quyền công dân; không bố trí công tác trong thời gian 15 năm... mà chỉ giải quyết cho ông Thuật về hưu) do Tỉnh ủy Yên Bái áp dụng đối với ông Thuật đã ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, công việc, cuộc sống của cá nhân ông Đặng Thuật và hệ lụy đến cả gia đình của ông. Những oan sai này cần phải được bồi thường cho cá nhân ông theo tinh thần của Nghị quyết 388.
Về cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường cho oan sai của ông Thuật, theo Viện trưởng VKSND tỉnh Yên Bái: "Cấp xét xử cuối cùng nào đưa ra kết tội oan sai cho người bị oan sẽ là cơ quan có trách nhiệm bồi thường bằng vật chất cho người bị oan".
Ông Thức chỉ ra rằng, Tòa phúc thẩm tuyên y án ông Đặng Thuật tội tham ô tài sản XHCN sẽ là cơ quan phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Trong vụ việc này, Viện Kiểm sát không liên quan và không có trách nhiệm trong bồi thường oan sai cho ông Thức.
"Hiện tại, ông Thuật đã mất, vợ con của ông có quyền đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được giải quyết bồi thường cho chồng/cha mình. VKSND tỉnh Yên Bái sẽ hướng dẫn về thủ tục nếu gia đình có yêu cầu" - Viện trưởng VKSND tỉnh Yên Bái kết lại.
Theo Đất Việt
Kiện đòi bồi thường thiệt hại: Chuyện con voi, cái kiến? Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước công nhận quyền yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại. Tuy nhiên, để đòi được quyền lợi cho mình thì người bị thiệt hại phải mất rất nhiều thời gian. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bồi thường thiệt hại chậm trễ, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do tranh chấp giữa...