Phố Wall giảm điểm sau đánh giá kém lạc quan của Chủ tịch Fed
Các chỉ số chính của Phố Wall trượt dốc ngay sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo rằng triển vọng kinh tế Mỹ không ổn định và Washington có thể phải chi nhiều tiền hơn gói cứu trợ của Quốc hội.
Sàn giao dịch chứng khoán New York. (Ảnh: THX/TTXVN)
Quan ngại về đợt lây nhiễm thứ hai dịch COVID-19 và những nhận định kém lạc quan của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ( Fed) về triển vọng kinh tế Mỹ đã đẩy thị trường chứng khoán nước này giảm điểm phiên thứ hai liên tiếp trong ngày 13/5.
Kết thúc phiên này, chỉ số Dow Jones giảm 2%, xuống 23.247,97 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 1,8% xuống 2.820 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lùi 1,6% xuống 8.863,17 điểm.
Các chỉ số chính của Phố Wall trượt dốc ngay sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo rằng triển vọng kinh tế Mỹ “rất không chắc chắn” và cho biết Washington có thể cần phải chi nhiều hơn số tiền gần 3.000 tỷ USD đã được Quốc hội phê chuẩn để giúp phục hồi nền kinh tế do tác động của cuộc khủng hoảng dịch COVID-19.
Nhà phân tích thị trường Chris Beauchamp tại công ty thương mại trực tuyến IG đánh giá, phát biểu của ông Powell về các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế Mỹ cùng những dự báo về tốc độ phục hồi kinh tế đã ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của giới đầu tư.
Trong khi đó, chuyên gia đầu tư toàn cầu Jeff Kleintop tại công ty tài chính Charles Schwab, sự chia rẽ hiện tại giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Mỹ dường như đã làm lu mờ triển vọng về khả năng Quốc hội sẽ bổ sung thêm các gói hỗ trợ tài chính.
Video đang HOT
Diễn biến ảm đạm của Phố Wall trong phiên này diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng kiến đà giảm mạnh ở phiên 13/5, sau khi chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci cảnh báo đại dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát.
Bên cạnh đó, một thông tin khác cũng tác động vào đà giảm của thị trường trong phiên này là quyết định của một hội đồng độc lập giám sát tiền hưu trí liên bang về việc trì hoãn vô thời hạn các kế hoạch đầu tư vào một số công ty Trung Quốc.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng đi xuống do lo ngại về làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần hai. Sự lạc quan lan tỏa trên các thị trường thời gian gần đây, vốn được hỗ trợ bởi các gói kích thích kinh tế trị giá hàng nghìn tỷ USD trên toàn thế giới, đã bị chặn đứng sau những thông tin về sự bùng phát mới dịch COVID-19 ở Hàn Quốc, Trung Quốc và Đức.
Khép lại phiên này, chỉ số EURO STOXX 50 giảm 2,6%, xuống 2.810,55 điểm. Chỉ số FTSE 100 của Anh lùi 1,5%, xuống 5.904,05 điểm. Trong khi đó, chỉ số CAC 40 của Pháp và DAX 30 của Đức lần lượt mất 2,9% và 2,6%, đóng cửa ở các mức 4.344,95 điểm và 10.542,66 điểm.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch 13/5, chỉ số VN-Index giảm 1,11 điểm (tương ứng 0,13%) xuống 834,21 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index tăng 0,08 điểm (0,07%) lên 111,86 điểm./.
Fed giữ nguyên lãi suất, cảnh báo về rủi ro đáng kể đối với kinh tế Mỹ
Sau cuộc họp kéo dài hai ngày của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), Fed đã quyết định giữ nguyên phạm vi mục tiêu lãi suất liên bang ở mức 0-0,25%. Mức này đã được duy trì kể từ giữa tháng Ba tới
Trụ sở Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 29/4 đã giữ lãi suất chuẩn ở mức gần bằng 0% và tiếp tục chương trình mua tài sản khổng lồ để ngăn chặn những tác động kinh tế từ đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19, đồng thời cảnh báo về những rủi ro "đáng kể" phía trước.
Sau cuộc họp kéo dài hai ngày của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), Fed đã quyết định giữ nguyên phạm vi mục tiêu lãi suất liên bang ở mức 0-0,25%. Mức này đã được duy trì kể từ giữa tháng Ba tới nay.
Fed cho biết trong tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng này sẽ "đè nặng" lên hoạt động kinh tế, thị trường việc làm và lạm phát trong thời gian tới, đồng thời đặt ra "rủi ro đáng kể" cho triển vọng kinh tế Mỹ trong trung hạn.
Trong cuộc họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell từ chối trả lời câu hỏi rằng mức lãi suất chủ chốt trên sẽ được duy trì trong bao lâu. Ông chỉ lưu ý rằng Fed sẽ "không vội vàng" để rút các biện pháp hiện hành nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ.
Ông Powell cho biết Fed đã mua một lượng lớn trái phiếu kho bạc và chứng khoán được thế chấp theo chương trình nới lỏng định lượng. Nhưng tốc độ mua của Fed đã chậm lại trong bối cảnh thị trường đang gặp nhiều căng thẳng khi các nhà đầu tư cố gắng tìm thêm thanh khoản.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Fed nhận định triển vọng quý 2 này của kinh tế Mỹ sẽ vô cùng tồi tệ. Ông nói dù vẫn có khả năng cho một sự phục hồi mạnh mẽ, nền kinh tế Mỹ cũng khó có thể nhanh chóng quay trở lại mức trước khủng hoảng.
Những rủi ro trong trung hạn, mà ông Powell hàm ý là "năm sau hoặc lâu hơn," bao gồm những yếu tố không chắc chắn về việc phải mất bao lâu để kiểm soát được đại dịch, liệu sẽ có thêm đợt bùng phát nào không và liệu có vắcxin hay thuốc đặc trị cho dịch bệnh này hay không.
Chủ tịch Fed cũng lưu ý giai đoạn đó có thể xuất hiện thêm những thiệt hại đáng kể hơn đối với năng lực sản xuất của nền kinh tế, với việc các công nhân thất nghiệp trong một thời gian dài có thể mất đi kỹ năng và một làn sóng mất khả năng thanh toán của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trước khi cuộc họp của FOMC diễn ra, Fed đã rất nỗ lực để liên tục tung ra nhiều chương trình hỗ trợ tài chính cho các ngân hàng, công ty, doanh nghiệp nhỏ, từ trung ương đến địa phương.
Ngày 31/3 vừa qua, Fed cho biết ngân hàng này sẽ ra mắt một cơ chế cho vay tạm thời, lần đầu tiên cho phép các ngân hàng trung ương nước ngoài chuyển đổi trái phiếu kho bạc Mỹ của họ thành đồng USD.
Trong một diễn biến mới nhất ngày 27/4 vừa qua, Fed thông báo kế hoạch mở rộng chương trình tín dụng ưu đãi trị giá 500 tỷ USD, cho phép các thành phố và địa phương nhỏ bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ nhằm giải thiểu các thiệt hại kinh tế.
Ngân hàng này cũng cho rằng họ cần phải hỗ trợ mạnh mẽ cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp để ngăn tín dụng cạn kiệt, tình trạng sẽ kéo theo các vụ phá sản quy mô lớn và khiến thất nghiệp tăng cao hơn nữa. Trước đó, Fed cũng đã lần đầu tiên triển khai cung cấp những khoản vay trực tiếp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa./.
Tâm lý thận trọng bao trùm sàn Phố Wall, Dow Jones mất hơn 300 điểm Dow Jones và S&P 500 giảm điểm khi các công ty Mỹ sắp bước vào mùa báo cáo tài chính được dự báo rất tệ do dịch Covid-19. Chỉ số Dow Jones và S&P 500 chứng kiến phiên giảm điểm đầu tiên trong 3 phiên giao dịch gần đây trong ngày 13/4 khi nhà đầu tư thận trọng trước mùa báo cáo lợi...