Phó tổng thống Harris được ủng hộ nhất nếu ông Biden rút khỏi cuộc đua bầu cử
Chưa rõ quá trình chọn một ứng cử viên mới sẽ như thế nào nếu Tổng thống Joe Biden rút khỏi đường đua, nhưng nhiều đảng viên Đảng Dân chủ nói rằng bất kỳ quá trình nào cũng có nhiều khả năng nhanh chóng kết thúc với việc Phó Tổng thống Kamala Harris là người được đề cử.
Phó Tổng thống Kamala Harris phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Vũ trụ quốc gia ở Washington, Mỹ, ngày 20/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Các cuộc trao đổi không chính thức về phương án thay thế Tổng thống Biden ở vị trí người nhận suất đề cử của đảng Dân chủ đã diễn ra ráo riết trong nhiều tuần qua ở hậu trường. Nhưng quy trình này không chắc chắn đến mức khiến nhiều đảng viên Đảng Dân chủ – ngay cả những người quan ngại nhất về ông Biden – cũng tạm dừng phản đối việc đề cử tổng thống, vì những gì xảy ra tiếp theo có thể còn hỗn loạn hơn.
Theo kênh CNN, không phải là mọi người bên phe Dân chủ đột nhiên đoàn kết lại, mà là sự kiệt sức đang dần tạo nên đồng thuận.
Các cuộc thăm dò nội bộ cho thấy lựa chọn Phó Tổng thống Kamala Harris ít nhất sẽ hữu ích hơn trong việc thúc đẩy tinh thần của phe Dân chủ và một cuộc chạy đua đang vào giai đoạn cuối. Đã xuất hiện những lập luận cho rằng bà Harris sẽ là người nhanh nhất để thực hiện một chiến dịch tranh cử đang ngày càng khó khăn hơn trước đảng Cộng hòa. Và những giấc mơ về việc bà sẽ tiến hành một chiến dịch tích cực và mạnh mẽ hơn chống lại đối thủ Donald Trump đang bén rễ.
Các trợ lý của Tổng thống Biden nói rằng ông có kế hoạch quay trở lại chiến dịch tranh cử vào tuần tới khi hồi phục sau Covid-19. Tuy nhiên nếu điều đó đột ngột thay đổi, có đến hai chục chính trị gia và nhà hoạt động hàng đầu của Đảng Dân chủ nói với CNN rằng, họ không thể nhìn thấy khả năng nào khác ngoài việc bà Harris sẽ thay thế, nếu ông Biden bỏ cuộc.
Một số người trong đó đang thúc đẩy một quy trình nhanh chóng và khép kín, nơi các đại biểu sẽ ủng hộ việc thay đổi như một phần trong kế hoạch đề cử đã lên kế hoạch trước đại hội đảng Dân chủ.
Không phải ai cũng chấp nhận ý tưởng một nhân vật mới sẽ nhận đề cử của đảng mà không qua bầu cử sở bộ. Tuy nhiên, không ai có thể giải thích làm thế nào để tổ chức bầu cử sơ bộ chớp nhoáng khi chỉ còn hơn 100 ngày nữa là đến Ngày Bầu cử, và ít thời gian hơn thế nhiều là đã bắt đầu đại hội đảng Dân chủ ở Chicago.
Một số đảng viên Đảng Dân chủ tin rằng, ngay cả khi gặp khó khăn về thời gian ít ỏi còn lại, vấn đề vẫn có thể được giải quyết tại đại hội toàn quốc của đảng vào cuối tháng 8. Nếu tình trạng “lấp lửng” hiện tại còn kéo dài, sự thôi thúc phải đi đến một giải pháp sẽ tăng mạnh hơn.
Video đang HOT
Các chính trị gia và nhà hoạt động Dân chủ cũng nói rằng kịch bản “thay ngựa” ngày càng có khả năng xảy ra, xét cả về thời gian gấp rút đến Ngày Bầu cử và mức độ ấn tượng của họ đối với cách phó tổng thống xử lý cuộc khủng hoảng của đảng Dân chủ trong những tuần này.
“Tôi tin rằng đó phải là phó tổng thống. Bà ấy đang vận động mạnh mẽ [dưới danh nghĩa liên danh] và bà đương nhiên là người kế nhiệm. Điều quan trọng là trong kịch bản tổng thống Biden không phải là người được đề cử thì chúng ta phải tập hợp xung quanh bà ấy ngay lập tức”, một thành viên Hạ viện Đảng Dân chủ yêu cầu giấu tên cho biết.
Vai trò của Tổng thống Biden sẽ rất quan trọng
Ít ai có thể tưởng tượng được việc ông Biden bước sang một bên và không nhờ đến người bạn đồng hành tranh cử của mình tiếp quản. Làm khác đi sẽ là một sự xúc phạm nặng nề đối với bà Harris, giống như điều đã khiến chính ông Biden đau lòng rất nhiều khi Tổng thống Barack Obama quay sang ủng hộ bà Hillary Clinton trước cuộc bầu cử năm 2016. Ông Biden cũng sẽ hạ thấp chính đánh giá của mình khi lựa chọn Harris 4 năm trước, điều mà ông mới nhắc lại trong tuần trước.
Sự ủng hộ của ông Biden về việc “nhường suất” cho bà Harris sẽ thuyết phục các đại biểu cũng như cử tri, và khiến việc tiếp nhận bà, ngay cả khi bà có lịch sử thất bại trong chiến dịch tranh cử sơ bộ năm 2020 và khởi đầu khó khăn trong nhiệm kỳ phó tổng thống, sẽ dễ dàng hơn.
Eleni Kounalakis, Phó thống đốc bang California và là đại biểu đại hội đảng Dân chủ, thành viên ủy ban quy tắc và quy định của đảng, nói rằng điều quan trọng cần nhớ nếu Tổng thống rời cuộc đua tranh cử là, ông Biden đã giành thắng lợi ở cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ vào đầu năm nay khi nói về thành tích của liên minh “Biden-Harris”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa), Phó Tổng thống Kamala Harris (thứ 2, trái) trong cuộc họp với các lãnh đạo Quốc hội ở Nhà Trắng, ngày 27/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
“Có rất nhiều sự tôn trọng dành cho Tổng thống Biden đến nỗi nếu ông ấy yêu cầu các đại biểu ủng hộ bà Harris, tôi tin rằng hầu hết các đại biểu sẽ tôn trọng mong muốn của ông”, bà Kounalakis nói.
“Tôi nghĩ những người đi đầu trong đảng Dân chủ hiểu rõ hơn ai hết sức mạnh của sự ổn định. Khi xảy ra hỗn loạn, họ là người gánh chịu hậu quả”, trợ lý của một đảng viên hàng đầu Đảng Dân chủ phát biểu với CNN.
“Cuộc đấu tranh nội bộ đang giết chết chúng ta. Không có thế giới nào mà bạn có thể đẩy Kamala sang một bên”, một thành viên Dân chủ giấu tên nói về thời điểm chính trị khó khăn mà đảng này đang gặp phải.
Không thiếu những lực cản
Những người từ lâu đã không ưa bà Harris vẫn chưa đột ngột thay đổi quyết định. Nghị sĩ bang Texas Vicente Gonzalez nói với CNN rằng ông rất ngạc nhiên trước những diễn biến nhanh chóng, khi chỉ vài tháng trước, nhiều người còn nói rằng Harris sẽ là kẻ cản trở tấm vé và Tổng thống Biden có thể cân nhắc việc thay thế bà. Ông Gonzalez nói: “Tôi chỉ không hiểu làm thế nào chúng ta đi từ đó đến ý tưởng rằng bà Harris sẽ dẫn đầu giành vé đề cử”.
Trong khi đó, các thành viên đảng Cộng hòa nói với CNN rằng họ sẽ thúc đẩy Tổng thống Biden rút lui, tạo ra nhiều hỗn loạn hơn và khiến bà Harris “lạc lối” nhiều hơn. Họ cũng sẽ đặt câu hỏi không chỉ về tính hợp pháp của việc bà vượt qua bất kỳ quy trình gấp rút nào được chọn, mà còn về việc liệu Harris có thể được thay thế một cách hợp pháp trên lá phiếu hay không.
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson trong một cuộc phỏng vấn tuần này tiết lộ rằng “có một số nghiên cứu sơ bộ đang được thực hiện”, với những lo ngại thực sự rằng việc tiếp cận lá phiếu có thể bị ảnh hưởng nếu Đảng Dân chủ đề cử một ứng cử viên hoàn toàn mới.
“Nếu bạn nghĩ rằng đó sẽ là một quá trình chuyển đổi dễ dàng, thì tôi ở đây để nói với bạn rằng một lượng lớn tầng lớp tài trợ, một lượng lớn giới tinh hoa, một lượng lớn những người trong những căn phòng này mà tôi thấy đang thúc đẩy việc Joe Biden không được đề cử, cũng không quan tâm đến việc phó tổng thống được đề cử”, Hạ nghị sĩ New York Alexandria Ocasio-Cortez thẳng thắn tuyên bố hôm 18/7.
Trong khi đó, một số người cấp tiến đã nói ở hậu trường rằng họ tin tưởng ông Biden sẽ phù hợp với chương trình nghị sự của họ hơn so với bà Harris – và đó là lý do tại sao rất nhiều người vẫn gắn bó với ông.
Bầu cử Mỹ 2024: Sẵn sàng cho chặng về đích
Chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 vừa đánh dấu một sự kiện quan trọng mới, sau khi đảng Cộng hòa hoàn thành Đại hội toàn quốc tại thành phố Milwakee (bang Wisconsin) để chính thức bầu ứng cử viên tổng thống của đảng, công bố ứng cử viên liên danh phó tổng thống và thông qua cương lĩnh hành động.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) chính thức chọn Thượng nghị sĩ bang Ohio J.D. Vance làm người liên danh tranh cử Phó Tổng thống. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Dư luận và báo giới Mỹ đánh giá đây là một trong những đại hội toàn quốc ấn tượng nhất của đảng Cộng hòa trong nhiều năm qua. Đại hội đã chính thức bầu ông Donald Trump làm ứng cử viên tổng thống tham gia tranh cử tháng 11, công bố ông James David Vance là người liên danh tranh cử phó tổng thống. Các thông điệp từ đại hội hết sức ấn tượng và hướng thẳng tới cử tri, đó là "Làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại", "Làm cho nước Mỹ giàu có trở lại", "Làm cho nước Mỹ an toàn trở lại" và cuối cùng là thông điệp bao trùm "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại". Đây không phải là các khẩu hiệu mới, song lại có sức hấp dẫn nhất định trong bối cảnh cử tri Mỹ đang mong chờ làn gió đổi thay sau 4 năm chứng kiến kinh tế tăng trưởng không như mong đợi và một nền chính trị phân cực, đối đầu sâu sắc.
Một điểm nhấn khác của Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa đó là việc thông qua bản Cương lĩnh hành động dài 16 trang, gồm 20 điểm. Chuyên trang chính trị The Vox đã có bài viết đi sâu phân tích về bản Cương lĩnh "ngắn gọn nhưng rõ ràng" này, trong đó phác thảo những nét chính về đường lối, chiến lược đối nội và đối ngoại của đảng Cộng hòa trong vòng 4 năm tới, thể hiện những thay đổi mang tính căn bản so với đường lối chính sách của chính quyền đương nhiệm. Bản Cương lĩnh phản ánh lập trường cứng rắn của ông Trump trong vấn đề nhập cư, với cam kết đóng cửa biên giới và tiến hành trục xuất quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Về kinh tế, bản cương lĩnh cam kết người lao động Mỹ sẽ được thụ hưởng thành quả lao động công bằng hơn, giảm thuế, kéo lạm phát về mức an toàn và đưa Mỹ trở thành nhà sản xuất năng lượng thống trị thế giới. Về đối ngoại, đảng Cộng hòa cam kết sẽ ngăn chặn nguy cơ xảy ra Chiến tranh Thế giới thứ ba, khôi phục nền hòa bình ở châu Âu và Trung Đông, chủ trương yêu cầu các đồng minh phải đáp ứng nghĩa vụ đóng góp nhiều hơn vào việc phòng thủ chung. Cương lĩnh cũng khẳng định Mỹ sẽ sát cánh cùng các đồng minh chủ chốt, trong đó có Israel.
Quyết định của ông Donald Trump chọn Thượng nghị sĩ sinh năm 1984 James David Vance làm người liên danh tranh cử phó tổng thống cũng khiến không ít người bất ngờ, qua đó biến Thượng nghị sĩ bang Ohio trở thành ứng cử viên trẻ nhất cho cương vị này kể từ thời ông Richard Nixon năm 1952. Một ứng cử viên tổng thống Mỹ thường chọn một liên danh "Phó tướng" là người có thể thu hút các nhóm cử tri mới hoặc bù đắp cho những điểm yếu về hình ảnh hoặc chính sách. Theo tờ Politico, việc chọn ông J.D Vance, một chính khách ủng hộ nhiệt thành quan điểm "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại", cho thấy rõ chủ trương của ứng cử viên Trump. Một mặt ông muốn cân bằng về độ tuổi của cặp đôi tranh cử, một mặt ông tiếp tục tái khẳng định ưu tiên dành cho khối cử tri trung lưu da trắng, những người đã mang lại chiến thắng bất ngờ cho Tổng thống Trump trước chính trị gia lão luyện Hillary Clinton trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Giới phân tích nhận định Thượng nghị sĩ Vance sẽ là sự bổ sung hợp lý và có thể giúp ông Trump cụ thể hóa các ưu thế thành thắng lợi tại các bang chiến địa thuộc khu vực "Vành đai Gỉ sét" có lực lượng cử tri trung lưu đông đảo như Pennsylvania, Ohio, Wisconsin và Michigan.
Thượng nghị sĩ bang Ohio J.D. Vance (giữa) được đề cử làm ứng viên tranh cử Phó Tổng thống Mỹ tại Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa ở thành phố Milwaukee, bang Wisconsin ngày 15/7/2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Điều khiến Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa tại thành phố Milwaukee trở thành tâm điểm đời sống chính trị Mỹ bởi sự kiện diễn ra chỉ vài ngày sau vụ ám sát hụt cựu Tổng thống Trump khi ông đang vận động tranh cử tại Pennsylvania. Theo NBC News, trong bài diễn văn nhận đề cử, ứng cử viên Trump đã kêu gọi đảng Cộng hòa đoàn kết, nước Mỹ đoàn kết. Đây là một thông điệp hết sức nhạy bén trong bối cảnh hiện nay và chắc chắn nhận được sự ủng hộ lớn của cử tri, bao gồm cả khối cử tri trung dung và đang dao động. Chủ tịch đảng Cộng hòa chi nhánh Iowa Jeff Kaufman thậm chí bày tỏ tin tưởng nếu duy trì được khối đoàn kết, đảng Cộng hòa có quyền hy vọng vào việc không chỉ giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay, mà còn có cơ hội nắm quyền kiểm soát cả lưỡng viện Quốc hội Mỹ khóa tới.
Đại hội toàn quốc tại Milwakee đã trở thành diễn đàn để cựu Tổng thống Trump thống nhất sự ủng hộ, bao gồm cả những tiếng nói từng phản đối ông dữ dội. Ở một khía cạnh nào đó, vụ ám sát hụt ở Pennsylvania đã trở thành chất xúc tác giúp ông Trump có được sức hút mạnh mẽ hơn bao giờ hết và tập hợp được sự ủng hộ to lớn. Hàng loạt đối thủ trước đây như cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley hay Thống đốc bang Floria Ron DeSantis đã lên tiếng ủng hộ ông Trump và kêu gọi người ủng hộ bỏ phiếu cho ứng cử viên này. Ông Trump cũng khẳng định tranh cử "để trở thành tổng thống cho toàn bộ nước Mỹ chứ không phải cho một nửa nước Mỹ".
Tới thời điểm này, nếu như đảng Cộng hòa đã toàn tâm toàn ý hậu thuẫn ứng cử viên Donald Trump, thì bên phía đảng Dân chủ vẫn cho thấy những bất ổn nhất định, vẫn tiềm ẩn những ngã rẽ bất ngờ.
Trung tuần tháng 8 tới, đảng Dân chủ cũng sẽ tổ chức Đại hội toàn quốc tại thành phố Chicago. Đương kim Tổng thống Joe Biden hiện là ứng cử viên duy nhất và là người giành chiến thắng tuyệt đối trong chiến dịch bầu cử sơ bộ. Dù vậy, sau màn thể hiện không như mong đợi trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên hồi tháng 7 trước ông Trump, tâm lý lo lắng đang bao trùm đảng Dân chủ. Thậm chí, đang ngày càng xuất hiện nhiều ý kiến của chính giới đảng Dân chủ cho rằng ông Biden nên cân nhắc rút khỏi cuộc chạy đua năm nay. Một bài xã luận trên tờ The Washington Post cho rằng điều đảng Dân chủ cần làm ngay lúc này là vượt qua tâm lý hoảng loạn và nhanh chóng quyết định bước đi tiếp theo: tiếp tục trao tấm vé đại diện cho ông Biden hay là "thay ngựa giữa dòng".
Trong bối cảnh chỉ còn 4 tháng là tới ngày bỏ phiếu, những diễn biến đầy sóng gió này báo hiệu các khó khăn và thách thức to lớn mà đảng Dân chủ đang phải đối diện trong chiến dịch bầu cử năm nay. Các số liệu thăm dò dư luận mới nhất đều cho thấy ông Trump đang "bứt tốc" và nới rộng khoảng cách dẫn điểm ứng cử viên Biden trên phạm vi toàn quốc, cũng như tại 6 bang chiến địa có ý nghĩa quyết định. Với những bước tiến chính trị mạnh mẽ tại Đại hội toàn quốc, ông Trump tiếp tục củng cố ưu thế của mình và hiện đã sẵn sàng cho "chặng về đích". Tuy nhiên, lịch sử chính trường Mỹ đã nhiều lần chứng minh bầu cử tổng thống luôn tiềm ẩn bất ngờ, do đó bất kỳ kịch bản nào cũng có thể xảy ra vào "Ngày phán quyết" 5/11 tới.
Syria bầu cử Quốc hội Ngày 15/7, người dân Syria đã đi bỏ phiếu để bầu ra Quốc hội khóa mới. Đây là cuộc bầu cử Quốc hội thứ 4 kể từ khi xung đột nổ ra tại quốc gia Trung Đông này vào năm 2011. Cử tri Syria bỏ phiếu bầu Quốc hội tại điểm bầu cử ở thủ đô Damascus. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN Tổng cộng...